Thuần phong mỹ tục trong thời 4.0
Thuần phong mỹ tục trong thời 4.0
Thuần phong mỹ tục là một nét son trong văn hóa, xuyên suốt trải dài lịch sử, góp vào bản sắc dân tộc và thể hiện trong đời sống thường nhật của mọi người ở thôn làng, phố chợ, từng mái nhà. Nôm na như con cái đi thưa về trình với song thân, gặp người lớn trẻ em khoanh tay chào hỏi, phụ nữ ăn vận kín đáo, đi đứng cử chỉ nền nếp, vào mâm mời cơm theo tôn ti, ý tứ gắp thức ăn ngon cho người già… Hết thảy những nền nếp tốt đẹp đậm đà nhân văn trong đời sống, từ ngôn ngữ đến trang phục, lễ tiết gói trong “thuần phong mỹ tục” và được gìn giữ ngay tại gia đình. Thời 4.0, trước sự tác động của những trào lưu mới, liệu thuần phong mỹ tục có mất đi trong đời sống?
Dù ở bất cứ đâu và sống trong thời hiện đại, nhiều người Việt cũng vẫn nâng niu những giá trị truyền thống, vẫn dạy con cháu biết gìn giữ thuần phong mỹ tục… |
Thực tế có những người Việt, khi rời quê hương sống ở xứ người càng nâng niu trân quý duy trì thuần phong mỹ tục trong dân tộc tính để sự hội nhập xã hội mới không hòa tan các giá trị vốn có. Chị Ngọc Trân ở tiểu bang California (Hoa Kỳ) chia sẻ: “Con cái trong nhà đều được dạy kỹ nền nếp tôi từng được giáo huấn khi bé ở Việt Nam, bên cạnh tiếng Việt và chữ quốc ngữ, các cháu còn được bảo ban để giữ thuần phong mỹ tục như khoanh tay chào người lớn, lễ phép khi vào mâm cơm…”. Anh Đinh Nguyên ở Cộng hòa Séc thì cho hay, mỗi khi có dịp cộng đồng người Việt ở nơi anh sống tổ chức cho các cháu bé sinh hoạt như bên Việt Nam thì họ cho mặc trang phục dân tộc, nói tiếng Việt, và tranh thủ giáo huấn về nền nếp của người Việt.
Càng ở xa đất nước hoặc sống xa quê hương càng lâu, người Việt càng canh cánh trong lòng làm sao giữ được những thói quen tốt của gia đình xưa. Rất dễ thấy không phải Việt kiều nào cũng “mất gốc”. Một lần tại quầy sách cũ Cô Chi nơi Đường Sách TPHCM, chúng tôi gặp những người Mỹ gốc Việt, thế hệ F2, F3… nói tiếng Việt khá rành. Họ mua sách Việt đọc, trả tiền cho người bán bằng 2 tay và cầm lại quyển sách một cách trân trọng kèm lời cảm ơn. Hỏi ra thì biết, được như vậy cũng là nhờ cha mẹ, ông bà của các bạn trẻ này chú ý giúp con cháu không quên cội nguồn. Các bạn được dạy tiếng Việt, cả nói và viết. Ngoài những giờ đến trường, khi ở nhà, họ buộc phải nói tiếng Việt. Nhờ thế nên không những nói được tiếng mẹ đẻ mà khi đi học đại học ở tiểu bang khác, những người trẻ này vẫn có thể đọc được email của ông bà, cha mẹ mình gởi bằng tiếng Việt.
Ông Đinh Văn Kỳ, 67 tuổi, sống tại Colorado (Hoa Kỳ) kể, ngoài việc giáo dục con giữ gìn bản sắc Việt trong cuộc sống, từ nhỏ ông luôn dành thời gian cho con, và sau này là cháu. Chúng tỉ tê tâm sự cùng ông. Với chúng, ông là tấm gương tốt, một nơi để chia sẻ. Nhờ vậy, không khó khăn gì khi ông trò chuyện với đám trẻ bằng tiếng Việt, tạo cho các con cháu lòng tự hào tự tôn dân tộc Việt. Những người trẻ này cũng thấy sự ưu việt của cái gọi là nề nếp gia đình khi nhìn ông sống lễ phép, hòa nhã với tất cả mọi người. Kính trọng ông, con cháu kính yêu và giữ gìn những giá trị thiêng liêng của dân tộc, của gia đình như ăn mặc không theo trào lưu của nước ngoài, nói tiếng Việt cùng người Việt, kính trên nhường dưới… Tất cả từ người cha, người ông đáng kính của mình.
Nhiều gia đình sống trong nước cũng vẫn giữ những giá trị lễ nghĩa, như bà Phạm Phương Loan, 69 tuổi (quận 3, TPHCM) vẫn khuyên răn con cháu không được ăn mặc nhố nhăng. Con gái và cả con trai sau khi lập gia đình, lúc dắt các cháu về nhà bà ngoại, bà nội, vào mâm cơm đều không quên mời ông bà; gặp hàng xóm biết khoanh tay chào. Bà Loan nói: “Không cần ra nước ngoài mới giữ truyền thống, đạo đức người Việt. Ở Việt Nam, tôi cũng giáo dục con cháu theo khuôn khổ. Học hành, làm việc có thể mặc đồ ngắn, nhưng đi lễ nhà thờ nên mặc áo dài hoặc trang phục kín đáo…”
Ông Vĩnh Bình (Q.1, TPHCM) bày tỏ mối lo và cũng cho biết nếp sống ở gia đình mình: “Bây giờ làn sóng mới ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ, có cái hay cái lạ nhưng cũng có cái đáng lo. Gia đình tôi luôn gìn giữ nếp cũ, các cơ hội “giữ” các cháu ở nhà bên mâm cơm, lễ lạt đều răn bảo con cháu về thuần phong mỹ tục của người Việt, vẻ đẹp của chiếc áo dài, áo bà ba, sự thưa hỏi lễ phép…”. Ông Bình vẫn gìn giữ một góc riêng trong gia đình làm điểm tựa cho con cháu.
Gìn giữ đạo lý, thói quen tốt trong gia đình, nề nếp lễ nghĩa trong nhà… không thể là lời nói suông, mà cần phải thực hành, phải được làm gương từ cha mẹ, ông bà… Và từ đó con cái noi theo dù những người trẻ này ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Có những bậc phụ huynh hiểu rằng khi con cái yêu kính họ, quý trọng họ, chúng sẽ yêu quý luôn đất nước, dân tộc, cả tiếng nói và yêu luôn quốc phục truyền thống Việt Nam, vì thế việc giáo dục của họ trước hết là giáo dục lòng hiếu thảo.
Thời 4.0, bên cạnh bùng nổ công nghệ, các giá trị mới xuất hiện trong hội nhập, các giá trị truyền thống bị tác động mạnh mẽ. Trên nền cái mới từ công nghệ đến trào lưu sống mới, yêu cầu bảo vệ bản sắc, gìn giữ thuần phong mỹ tục càng cần được đề cao một cách thích hợp linh hoạt: không phải khư khư cố chấp rào giữ cái cũ bài bác cái mới như tư tưởng “đả cựu nghinh tân” thuở nào, mà biết giáo huấn con trẻ thấy và yêu cái đẹp, giá trị không hề lỗi thời của thuần phong mỹ tục để đám trẻ tự hào, trân quý. Bạn Kiều Tiên, sinh viên năm ba một đại học tại TPHCM vui vẻ khoe: “Nhóm tụi con ăn vận sành điệu, hiện đại, cũng rap, hiphop… nhưng ở nhà hay đến nhà nhau chơi, gặp người lớn đều khoanh tay chào hỏi lễ phép, giữ nếp cũ khi vào mâm cơm, được khen hoài đó ạ!”.
Có những hằng giá trị không hề bị lỗi thời dù xã hội đi tới mấy chấm, trong cái mới, các giá trị ấy càng nổi bật hơn, như thuần phong mỹ tục của người Việt mình.
CÔNG NGUYÊN – HOÀNG HẠC