Vua tình yêu
26.11 Lễ Chúa Kitô Vua
Ed 34:11-12,15-17; Tv 23:1-3,3-4,5-6; 1 Cr 15:20-26,28; Mt 25:31-46
Vua tình yêu
Ông có phải là vua không? Đó là câu hỏi Philatô đặt ra cho Chúa Giêsu trong một phiên toà xét xử. Ông là Tổng Trấn đại diện cho chính quyền Rôma. Trong vụ việc này, ông là Thẩm phán và Chúa Giêsu là “bị can”. Câu trả lời không dễ. Nếu Đức Giêsu không phải là vua, thì Người cũng chỉ như mọi vĩ nhân đã từng hiện hữu trong lịch sử và đã qua đi. Nếu còn lại thì chỉ là những giáo huấn như di sản cho hậu thế. Nhưng, nếu Người là Vua thì sao? Chấp nhận Người là Vua sẽ làm đảo lộn cả thế giới. Tuyên xưng Người là Vua sẽ làm cho lòng người day dứt khôn nguôi. Bởi lẽ vị Vua ấy sẽ xét xử mỗi người chúng ta, không chỉ vào lúc tận cùng của thời gian, nhưng mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.
Philatô chỉ lấp lửng trả lời theo kiểu nghi vấn:“Tôi là người Do thái sao?”. Quả là một câu nói khinh thường và vô trách nhiệm. Và phải chăng đó cũng là lối sống và là cách hành động của ông? Xem ra ông là vị quan rất quyền lực, nhưng thực tế cũng chỉ là tay sai và nô lệ cho quyền thế, cố gắng giữ lấy chiếc ghế chứ không muốn xử trí mọi cái theo sự thật hay lẽ phải. Trước thái độ mập mờ của Philatô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn xác định:“Nước tôi không thuộc về thế gian này…”.
Khi nói“Nước tôi”, Chúa Giêsu không phủ nhận mình là Vua, nhưng không phải là Vua theo kiểu người Do thái và Philatô quan niệm. Ngài là vua theo ý muốn của Thiên Chúa chứ không theo mơ ước của người đời. Rõ ràng là vương quốc của Ngài không nhắm vào mục tiêu chính trị, càng không sử dụng những phương thế trần gian như vũ khí, bạo lực, quân lực… Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia theo kiểu phàm nhân, lo thực hiện công cuộc giải phóng theo kiểu phàm tục. Thật ra, Philatô biết chỉ vì ghen ghét mà người Do Thái bắt nộp Đức Giêsu. Nhưng rất tiếc, ông biết một đàng nhưng rồi làm một nẻo.
Tiếp theo đó, Chúa Giêsu còn xác định căn tính và sứ mạng của mình: “là để làm chứng cho sự thật.” vì Nước của Ngài là Nước của sự thật, vì Thiên Chúa, Cha của Ngài là Đấng Chân Thật. Chỉ có sự thật mới giải thoát con người, cho con người được sống trong bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, không mấy ai mà ham sống thành thật? Kẻ thành thật thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột. Sự dối trá quỷ quyệt nhiều khi được coi là khôn ngoan. Khi sự thật bị bưng bít thì tất cả đều ra tối tăm và sự gian ác lan tràn. Chính trong ý nghĩa đó mà Chúa Giêsu mạnh dạn tuyên bố trước Philatô:“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Đó cũng là một lời mời gọi xoáy vào tận tâm não của những ai còn chút lương tri, để họ kịp nhận ra chân lý làm người. Thực tế, không mấy ai dám đứng về phía sự thật, vì sợ bị liên lụy, có khi mất cả thanh danh, sự nghiệp. Chính vì sợ như thế mà Philatô đã giao Chúa Giêsu cho binh lính hành hình, và cuối cùng giao cho người Do Thái để tử hình. Quả thật, sự dối trá đưa đến chỗ hủy diệt người công chính.
Đức Giêsu là vua vũ trụ, Đức Giêsu là vua tình yêu, lời công bố như thế chỉ có ý nghĩa, khi người ta hiểu vua vũ trụ, vua tình yêu, khác xa vua chúa quan quyền ở trần thế này. Nếu công thành danh toại là mơ ước tự nhiên của con người, hẳn sự thật mất lòng, sẽ là sự tinh tế vừa khôn vừa khéo, cha ông ta cảnh giác con cháu trong cư xử. Biết rút kinh nghiệm, nhớ được lời răn dạy: khôn ngoan đối đáp người ngoài, sẽ thích hợp hơn trong phạm vi chính trị, ngoai giao. Đức Giêsu hỏi Philatô, và còn tiếp tục hỏi chúng ta: “Quan tự ý biết tôi là vua, hay có ai khác nói với quan về tôi” ? Căn bản của thành công, phải là nói hay, làm giỏi, lý lẽ khiến người ta cúi đầu, không phản kháng, phải rõ ràng, chặt chẽ, như xã hội vẫn nói phải là tâm phục khẩu phục.
Con đường đến thành công, con đường tới hạnh phúc, dài, ngắn, sẽ chẳng ai cân đo xuể, nhưng phải bắt đầu từ bước chân của mình, từ nỗ lực bản thân, cùng với trái tim biết rung động. Đức Giêsu thành công trong việc kêu gọi nhóm 12, không phải bằng uy quyền, nhưng là bằng sức mạnh tình yêu. Đức Giêsu ở bên Philatô không phải để cầu cạnh, phân bua, đấu tranh tư tưởng về quyền lực vật chất và tinh thần. Qua cuộc đối thoại của Philatô, dám chắc mọi người đều được Đức Giêsu khai lòng mở trí, hầu biết thế giới vạn vật này, luôn có Vị Vua tình yêu hiện diện, thôi thúc mọi người đạt tới hạnh phúc thật. Tục ngữ ca dao nói rằng: không ai yêu con bằng cha, không ai yêu con bằng mẹ; mẹ yêu con bằng dòng sữa ngọt, cha yêu con bằng giọt mặn mồ hôi. Đức Giêsu nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Cũng có nghĩa, Nước Chúa là có thật, là sự thật, là vương quốc yêu thương.
Hôm nay, lễ suy tôn Chúa làm Vua, Giáo hội nhắc nhở chúng ta, là Kytô hữu tức là công dân của Nước Thiên Chúa chúng ta được mời gọi xây dựng nước Chúa ở trần gian bằng sự hiệp nhất yêu thương nơi những người con của Chúa có chung một Cha trên trời. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống giữa người với người. Mỗi người kytô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội còn được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Điều đó mời gọi chúng ta phải cùng nhau loại trừ điều gian dối, chua ngoa và xây dựng một nền công lý và sự thật giữa thế gian còn quá nhiều bất công và gian dối.
Vâng, cuộc đời hôm nay có lẽ sẽ vui hơn nếu người ta biết sống chân thành với nhau.Vợchồng chân thành với nhau trong nghĩa tình thuỷ chung. Người trong một đoàn thể, một xứ đạo sống chân thành với nhau hầu loại trừ bệnh thành tích khoe trương. Nhất là trong cuộc sống hằng ngày cần lấy chữ tín làm đầu, luôn sống chân thành trong lời nói , việc làm luôn theo chân lý và sự thật.
Ước gì mỗi người tín hữu chúng ta biết xây dựng Nước Chúa ở trần gian bằng cuộc sống chứng nhân cho tình yêu, cho chân lý và công bình giữa thế giới hôm nay.