Phỏng vấn sơ Simona Brambilla, tân Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ
Sơ Simona Brambilla, người Ý sinh năm 1965, đã từng là bề trên tổng quyền của Dòng Thừa sai Consolata. Sơ học chuyên môn về điều dưỡng và có bằng thạc sĩ tâm lý tại Viện Tâm lý học của Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Từ năm 2019, sơ là thành viên của Bộ Tu sĩ trước khi được bổ nhiệm là Tổng thư ký của Bộ này.
Trong một cuộc phỏng vấn, với câu hỏi: “Là nữ tu Dòng Thừa sai Consolata, đoàn sủng của Hội dòng ảnh hưởng như thế nào đến sứ vụ mới của sơ?”, sơ cho biết:
Cuộc sống và kinh nghiệm của tôi gắn liền với đoàn sủng của Hội dòng, vì thế những gì tôi cảm nhận, suy nghĩ, làm và sống đều mang dấu vết của ngọn lửa đoàn sủng này. Chính do ân ban từ trên nên đoàn sủng định hình căn tính của những người và cộng đoàn được chia sẻ hồng ân này, làm cho cộng đoàn và các thành viên được kiên vững, cụ thể, linh động, cởi mở và đối thoại. Đối với tôi, Đoàn sủng Thừa sai ad gentes của chúng tôi trong dấu chỉ của sự an ủi thể hiện một ân sủng to lớn, vì thế tôi tạ ơn Thiên Chúa và Đức Maria An ủi Rất thánh. Kinh nghiệm tiếp xúc hiệu quả với các thực tại, các dân tộc, các nền văn hóa, các Giáo hội địa phương, các hình thức Đời sống Thánh hiến ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và châu Âu đã biến đổi và củng cố trong tôi ý thức rằng cuộc gặp gỡ với người khác là một nguồn tăng trưởng, trao đổi hồng ân, ân sủng. Sứ vụ dạy tôi rằng, nếu đúng là chúng ta được sai đi “gieo” Tin Mừng, thì cũng đúng là chính Thiên Chúa đã gieo và làm cho các hồng ân của Người phát triển khắp nơi: chúng ta tỏ lòng biết ơn bằng cách nhận ra, đón nhận và cùng nhau cử hành hồng ân đó. Tôi tin rằng, ngay cả trong công việc phục vụ mới được giao phó, tôi cũng được kêu gọi coi trọng sự gặp gỡ và chân nhận, chào đón và tôn vinh những biểu hiện sự sống mà Thiên Chúa đã gieo trồng và làm cho lớn lên nơi con người, các dân tộc, trong các nền văn hóa và trong các đoàn sủng.
Đức Thánh Cha đã chọn một nữ tu để giữ chức vụ này, vậy việc bổ nhiệm có thể được xem dưới góc nhìn của Thượng hội đồng không?
Tính hiệp hành có nghĩa là “cùng nhau bước đi” hướng tới Thiên Chúa, tôn trọng và hài hoà sự đa dạng trong Tình yêu. Điều này cũng đúng cho sự đa dạng giữa các ơn gọi và đoàn sủng cũng như giữa chiều kích nam và nữ của nhân loại. Tính hiệp hành là một lời mời gọi sống các mối quan hệ đích thực, thẳng thắn và tôn trọng, nhân bản và Kitô giáo đích thực, vun trồng sự trao đổi, hỗ tương và đối thoại. Đó là điều tôi tin tưởng sâu sắc và nhờ Ân sủng, tôi đã vui mừng cảm nghiệm được điều đó trong đời mình, với các anh chị em, những người nam nữ thánh hiến, các linh mục, giáo dân nam nữ, những người cùng đồng hành với tôi, cùng vui mừng, đau khổ, mơ ước, làm việc và cầu nguyện.
Trong bài giảng Thánh lễ ngày 02/02/2022, Đức Thánh Cha nói “Chúa không quên ban cho chúng ta những dấu chỉ để mời gọi chúng ta vun trồng một tầm nhìn đổi mới về đời sống thánh hiến”. Đời sống thánh hiến phải được canh tân như thế nào? Theo sơ, cần phải tái khởi động và đào sâu tầm quan trọng của đời sống thánh hiến đối với Giáo hội ngày nay như thế nào? Làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng ơn gọi?
Tôi rất vui được suy tư về những câu hỏi quan trọng này trong cách thức hiệp hành, nghĩa là cùng với những người nam nữ thánh hiến. Bắt đầu phục vụ tại Bộ Tu sĩ, tôi cảm thấy cần thiết và mong muốn đặt mình vào trường học của những người có kiến thức và khôn ngoan hơn mình và những người đã có thời gian dài cống hiến khả năng và năng lượng tâm trí, con tim và linh hồn để đồng hành với các cuộc hành trình của các tu sĩ nam nữ trong các lãnh vực khác nhau. Tôi có nhiều điều cần học từ mỗi người mà tôi sẽ gặp gỡ trong Bộ Tu sĩ và tôi sẽ cần sự khôn ngoan, lời khuyên, sự giúp đỡ của tất cả mọi người để hiểu biết những thực tại khác nhau, để có thể đóng góp cho các tu sĩ điều tốt đẹp. Tôi sẵn sàng đón nhận di sản năng động đặc biệt này của Giáo hội.
Cá nhân tôi tin rằng lắng nghe tất cả mọi người, những trải nghiệm và hành trình của họ là một bước nền tảng để Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, mở rộng con tim, cảm thức nội tâm để đón nhận ánh sáng, hương vị và tiếng nói của Thánh Thần, để Người chỉ cho chúng ta con đường cùng nhau bước đi.
Đối với tôi, ngày nay chủ đề về sự bé nhỏ đáng được nghiên cứu và chú ý cách đặc biệt. Tôi được đánh động bởi những lời của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ các linh mục tu sĩ ở Kazakhstan ngày 15/9/2022: “Tất nhiên, khi đối diện với nhiều thách đố của đức tin – đặc biệt là những thách đố liên quan đến sự tham gia của các thế hệ trẻ -, cũng như đối diện với những vấn đề và khó khăn của cuộc sống và nhìn vào các con số, trong bối cảnh rộng lớn của một đất nước như tại đây, người ta có thể cảm thấy ‘nhỏ’ và bất tương xứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta tiếp nhận cái nhìn đầy hy vọng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên: Tin Mừng nói rằng sự bé nhỏ, khó nghèo về tinh thần, là một mối phúc, là mối phúc đầu tiên (xem Mt 5,3), bởi vì sự nhỏ bé làm chúng ta khiêm nhường trước quyền năng của Thiên Chúa và để chúng ta không đặt nền tảng hành động của Giáo hội dựa trên khả năng của chúng ta. Đây là một hồng ân! Tôi nhắc lại: có một ân sủng giấu ẩn khi là một Giáo hội nhỏ, một đoàn chiên nhỏ; thay vì phô trương sức mạnh, các con số, cơ cấu của chúng ta và mọi hình thức khác do con người, chúng ta để mình được Chúa hướng dẫn và khiêm tốn đặt mình bên cạnh mọi người. Không giàu về điều gì và nghèo về mọi thứ, chúng ta bước đi với sự đơn sơ, gần gũi với anh chị em đồng bào của mình, mang niềm vui của Tin Mừng vào những hoàn cảnh của cuộc sống. Như men trong bột và như hạt giống nhỏ nhất được gieo vào đất (x. Mt 13,31-33), chúng ta sống trong những biến cố vui buồn của xã hội mà chúng ta đang sống, để phục vụ nó từ bên trong”.
Như vậy, tôi tin những gì Đức Thánh Cha nói với đàn chiên bé nhỏ ở Kazakhstan cũng có thể giúp ích và khích lệ đời sống thánh hiến nói chung, vốn thường lo lắng về sự suy giảm số lượng và sức sống, ít nhất là ở một số nơi trên thế giới.
Tại Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha đã mời gọi các tham dự viên trở thành một dàn giao hưởng. Vậy lời mời này có thể mở rộng đến đời sống thánh hiến trong Giáo hội hoàn vũ không?
Cũng trong bài nói chuyện ở Kazakhstan, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Việc trở nên bé nhỏ nhắc chúng ta rằng chúng ta không tự lập. Chúng ta cần Chúa, nhưng cũng cần người khác, cần tất cả những người khác: cần anh chị em của những hệ phái khác, của niềm tin tôn giáo khác với chúng ta, tất cả mọi người nam nữ có thiện chí. Với tinh thần khiêm tốn, chúng ta nhận ra rằng chỉ cùng nhau, đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, chúng ta mới có thể thực sự đạt được điều gì đó tốt đẹp cho mọi người”.
Như thế, ở đây lời mời gọi “cùng nhau thực hiện điều gì đó tốt đẹp cho mọi người” được mở rộng, toàn diện, vượt qua những ranh giới của các liên kết địa lý, văn hoá, tôn giáo, chính trị, v.v. Hơn thế nữa, những ai đang bước đi trong đời sống thánh hiến được mời gọi cùng nhau chơi bản hoà tấu vui tươi của việc bước theo Chúa Kitô, thể hiện tính độc đáo của mỗi đoàn sủng. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm ý nghĩa về việc cùng chơi bản hoà tấu: cộng đoàn và các dự án liên dòng, các con đường suy tư và đào tạo chung, nhiều sáng kiến khác nhau do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền tổ chức.
Từng là một nhà truyền giáo ở Mozambique, có một khía cạnh nào sơ sẽ mang theo khi đến với “sứ vụ” mới ở Vatican không?
Hồng ân truyền giáo ở Mozambique, chính xác là giữa người dân Macua ở phía bắc đất nước, đã biến đổi tôi một cách sâu sắc. Với lòng biết ơn, tôi mang theo mình tất cả những trải nghiệm mãnh liệt trong những năm tháng đó, những mối quan hệ đầy ý nghĩa đã chạm đến và hoán cải tâm hồn tôi, sự phong phú của sự khôn ngoan nguyên thủy của Macua đã mở ra cho tôi những chân trời nhân bản và thiêng liêng mới, sự hỗ tương của việc truyền giáo, và nhiều hồng ân khác mà Chúa đã ban cho tôi qua cuộc gặp gỡ với một dân tộc có tâm hồn sôi nổi, ấm áp, mãnh liệt và nhạy cảm như vậy.
Có một câu tục ngữ Macua đặc biệt cuốn hút tôi và luôn là nguồn cảm hứng cho tôi: “Chúa không giống như Mặt trời chỉ đi xuyên qua thế giới, nhưng giống Mặt trăng đi cùng các vì sao”.
Đó là một câu tục ngữ rất hiệp hành! Mặt trăng, đối với người Macua, là tinh tú khiêm tốn chiếu sáng màn đêm và khiến nó trở nên hấp dẫn và huyền bí. Tinh tú khiêm tốn bởi vì, theo cách diễn đạt của sự khôn ngoan đại chúng, trong khi Mặt trời chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời, làm tắt đi ánh sáng của các ngôi sao khác vào ban ngày thì Mặt trăng lại thích tồn tại cùng với ánh sáng của các ngôi sao và hành tinh trong bầu trời về đêm. Mặt trời, đối với người Macua, du hành một mình, là vị vua và chúa tể duy nhất trong ngày. Ngược lại, Mặt trăng du hành cùng bạn bè, tồn tại trong chân trời của sự hiệp thông và chia sẻ. Mặt trời sáng đến mức bạn không thể nhìn vào. Trong khi bạn có thể ngắm nhìn Mặt trăng, tận hưởng khung cảnh của bầu trời đầy sao và được truyền cảm hứng bởi ánh sáng của nó.
Sự huyền bí của Mặt trăng đã làm say mê nhiều nhà tư tưởng, nhà thơ, ngôn sứ và các thánh. Đức Thánh Cha đã nhắc lại điều này nhiều lần. Trăng đưa chúng ta trở lại chủ đề về hiệp hành, đối thoại, về bản giao hưởng của những ánh sáng khác nhau cùng nhau tồn tại, chiếu sáng và tô điểm cho cùng một bầu trời.
Có một câu tục ngữ khác về mặt trăng của người Macua đồng hành cùng tôi: “Có người ngắm Trăng ở trên trời, có người có Trăng trong lòng”. Cầu mong ánh sáng kín đáo của Mặt trăng chiếu vào trái tim mỗi người chúng ta và biến tâm hồn thành nơi cư ngụ của Thiên đàng, ngày càng mở ra cho nó sự tinh tế dịu dàng và trung kiên của những người không tỏa sáng bằng ánh sáng của mình nhưng chỉ biết ơn và hạnh phúc khi cùng với những người khác trở thành một phản ánh khiêm tốn của Ánh sáng Thiên Chúa, Đấng yêu thương sưởi ấm, che chở và biến đổi các thụ tạo của Người bằng tình yêu dịu dàng và mạnh mẽ.
Ngọc Yến – Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi