Đạo đức sinh học và linh hồn bất tử

Đạo đức sinh học và linh hồn bất tử
Nội dung

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Hơn một tháng trước, Thứ 6, ngày 8 tháng 9 năm 2023, Lm. Trần Mạnh Hùng, STD, đã gửi cho tôi bài viết của ngài: “Các Nhà Khoa Học Tạo Ra Mô Hình Phôi Người Bằng Tế Bào Gốc”. Đây là bài tham luận nghiêng đạo đức sinh học, đạo đức xã hội, luân lý và thần học, vì việc tạo ra mô hình phôi thai bằng tế bào gốc sẽ là những bước đầu dẫn đến khả năng có thể sao bản (cloning) con người.

Xét về mặt khoa học, thì kết quả này vẫn chỉ là bước khởi đầu và còn quá sớm để đi đến một kết luận rằng, liệu các nhà khoa học có thể sao bản được con người mà không qua những định luật tự nhiên thông thường về truyền sinh hay không? Tuy nhiên, bước đầu này cũng là một tiền đề khảo cứu mà các nhà luân lý, thần học và đạo đức sẽ phải đối đầu. Nó sẽ vượt qua những vấn đề hiện đang gây chú ý về mặt đạo đức xã hội, luân lý như phá thai, đồng tính, hôn nhân đồng tính, chuyển giới, và trí tuệ nhân tạo (AI). Bởi vì việc tạo sinh con người còn lệ thuộc vào phần tâm linh tức linh hồn, mà linh hồn theo đức tin và truyền thống Kitô giáo, chỉ có Thiên Chúa mới là tác giả. Vì không chuyên môn về những khía cạnh trên, nên người viết không dám lạm bàn, nhất là nhận định một bài viết có tính cách khai phá về một quan điểm thần học mới, được trước tác do một linh mục Tiến Sỹ Luân Lý Thần Học. Ở đây, tôi chỉ đóng góp một suy tư nhỏ liên quan đến khía cạnh tự nhiên về tính cách khoa học và đạo đức của chủ đề.

Trong kinh Tin Kính, người Công Giáo đọc và tuyên xưng một Thiên Chúa toàn năng là Đấng tạo thành trời đất, bao gồm muôn vật hữu hình và vô hình. Những vật vô hình được nhận định là các thiên thần, các thần trời. Còn những loài hữu hình, trong đó cao cả nhất là con người: “linh nhân ư vạn vật” (Khổng Tử). Điều khiến Khổng Tử nhận ra cái linh nhân trên vạn vật ở đây thuộc tâm linh gọi là linh hồn, vì con người là tạo vật kết hợp giữa linh hồn và thể xác. Cũng theo Kitô giáo, linh hồn của con người mang hình ảnh của Tạo Hóa: “Ta hãy dựng nên con người mang hình ảnh của chúng ta” (Genesis 1:26). Đó là vẻ đẹp và sự trội vượt của con người. Và đó cũng là điều mà các triết gia vô thần và duy vật đang cố gắng loại bỏ khỏi những suy nghĩ của họ. Cũng có thể, tư tưởng vô thần, duy vật này đang thúc đẩy con người thực hiện điều mà họ muốn làm là chối bỏ quyền tạo dựng của Thượng Đế.

“Tạo Ra Mô Hình Phôi Người Bằng Tế Bào Gốc” những chữ đã nhắc tôi nhớ tới vấn nạn mà một độc giả đã đặt ra với tôi 7 năm trước. Khi đó giới khoa học đang hãnh diện về con cừu Dolley, sản phẩm của công nghệ sao bản thời bấy giờ. Thời gian này, nhiều người cũng đã băn khoăn về những lợi dụng khoa học để phục vụ tham vọng chính trị, cho rằng, rồi ra con người sẽ được “sản xuất” hàng loạt. Họ kiêu ngạo nghĩ rằng, rồi ra con người có thể thay cho Thượng Đế trong mầu nhiệm tạo dựng. Câu hỏi mà vị độc giả đã nêu lên không chỉ liên quan đến việc cloning con người, mà là nếu một con người cloning như vậy thì linh hồn của người ấy sẽ như thế nào? Vị độc giả này viết:

Tôi năm nay 69 tuổi, có nhiều dịp chuyện trò với Cha xứ, nhiều thắc mắc về đạo đặt ra với Ngài hầu hết được giải đáp thỏa đáng; nhưng có thắc mắc về vấn đề này thì Ngài bảo chính tôi cũng đang tìm hiểu nhưng chưa có câu trả lời. Thưa Tiến sĩ, vấn đề là: người ta đã tạo ra con cừu Dolley bằng phương pháp sinh sản vô tính và theo những nhà khoa học, người ta cũng có thể tạo ra con người bằng phương pháp đó. Vậy thì cái con người được khoa học tạo ra đó có linh hồn không? Nếu câu hỏi này nằm ngoài chuyên đề của tiến sĩ, xin ts vui lòng hỏi các đấng chuyên về thần học giải đáp giùm.

Cảm ơn Ts rất nhiều.
Ch. Ng.

Và sau đây là câu trả lời góp của tôi:

Cám ơn ông Ch. rất nhiều.

Đúng như ông đã viết, vấn nạn liên quan đến thần học; cách riêng, quan điểm thần học mà ông nêu lên lại quá mới mẻ, có dính dấp đến những lãnh vực chuyên môn của khoa học và đạo đức sinh học nên chắc chắn không thuộc lãnh vực của tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là một đề tài có thể để chúng ta cùng nhau trao đổi, biết đâu nó sẽ giúp mình củng cố được niềm tin khi nhìn vào những kỳ công được Tạo Hóa sáng tạo. Theo Pascal: “Khoa học tinh thông làm cho con người gần Chúa. Khoa học nông cạn làm cho con người xa Chúa”.

Trong câu hỏi ông nêu lên: “Người ta đã tạo ra con cừu Dolly bằng phương pháp sinh sản vô tính và theo những nhà khoa học, người ta cũng có thể tạo ra con người bằng phương pháp đó.Vậy thì cái con người được khoa học tạo ra đó có linh hồn không?” Thắc mắc của ông đặt ra hai vấn đề: 1) Con người được tạo ra bằng phương pháp “sao bản” (cloning), 2) Con người “sao bản” ấy có linh hồn không?”

1. Con người sao bản:

Khi tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình,” người Kitô giáo đặt xác tín này trên nguồn gốc Thánh Kinh như sau:

“Thiên Chúa đã dựng nên dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại và bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa nói: ‘Chúng ta hãy tạo dựng con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (Kn 1,25-27).

Như vậy, theo Thánh Kinh việc tạo dựng nên con người là một hành động rất quan trọng, rất đặc biệt đối với Thiên Chúa. Trong khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa không “nói” với nhau, không hội ý với nhau, chỉ trừ khi tạo dựng nên con người. Vì tạo vật sắp được tạo dựng đây mang hình ảnh của Ngài: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa”.

Có thể hiểu rằng việc Thiên Chúa “nói” với nhau trước khi tạo dựng con người như là việc Ba Ngôi trao đổi với nhau về những ai mà Ngài sẽ tạo dựng, thời gian hiện hữu cũng như trở về cội nguồn của mỗi người. Không phải tự nhiên mà hôm nay chúng ta có một người mang tên “Ch” họ “Ng” xuất hiện ở tuổi thọ 69, với tầm cao, tạng người, sức khỏe và trí thông minh… như hiện có. Nhưng căn cứ vào Thánh Kinh thì con người này đã có từ trong Thượng Trí ngay ở giây phút mà Ba Ngôi nói với nhau, còn sự xuất hiện của nó chỉ là trong thời gian. Tiên tri Jeremiah đã tả lại việc ông được sinh ra và việc ông được Thiên Chúa chỉ định làm tiên tri như sau: “Trước khi Ta hình thành ngươi trong dạ Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi sinh ra Ta đã thánh hiến ngươi; Ta đã chỉ định ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Jeremiah 1: 5). Dạ của ai? Dạ của Thiên Chúa hay dạ của bà mẹ? Thưa cả hai, vì “dạ” của Thiên Chúa là Thượng Trí của Ngài có từ đời đời, còn “dạ” người mẹ của Jeremiah là dạ đã cưu mang ông, dạ của thời gian ông bắt đầu hiện hữu. Cũng bằng một hình ảnh ấy, Isiah đã nói về việc có mặt của ông, cũng như tên gọi của ông là do chính Thiên Chúa đặt: “Thiên Chúa đã gọi tôi từ lúc mới sinh, từ trong thai mẫu, Ngài đã đặt tên cho tôi” (Isaiah 49:1).

Tóm lại, việc con người có mặt trên trái đất này không đơn thuần chỉ là kết quả của hành động “giao hợp” giữa vợ chồng, hành động sinh lý giữa người đàn ông và người đàn bà. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho cha mẹ, và là kết quả tình yêu mà cha mẹ trao cho nhau. Nó cũng không có thể cho là một “lầm lỡ” của cha mẹ, hoặc những trường hợp người mẹ bị hiếp dâm hay người cha nào đó không đủ bình tĩnh, trưởng thành kiểm soát hành động tính dục của mình. Nhưng những đứa trẻ ấy, những con người ấy vẫn là một tác phẩm tuyệt vời của bàn tay Tạo Hóa. Nó hoàn toàn khác với việc cloning con cừu Dolly.

Con cừu Dolly thực ra là kết quả của một chuỗi dài và phức tạp được tạo sinh vô tính do Sir Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng tác viên của Viện Nghiên Cứu Roslin thuộc Đại Học Edinburgh, Scotland, hợp tác với công ty sinh hóa PPL Therapeutics. Nó được sinh ra ngày 5 tháng Bảy 1996 và chết 5 tháng trước khi được 7 năm do triệu chứng phổi. Nếu mới nhìn vào việc một con cừu được sinh ra theo phương pháp cloning, chúng ta tưởng rằng đây là một việc làm đơn giản của các nhà khoa học, thí dụ, hòa 2 phân tử Hydro với 1 phân tử Oxy là sẽ có nước. Trên thực tế, nó đòi hỏi đến 3 bà mẹ để sinh ra nó.

Thoạt đầu một con cừu cho nó một noãn sào (trứng), tiếp đến con thứ hai cho DNA, và con thứ ba mang phôi thai đã được cloning cho đến khi con Dolly chào đời. Một tiến trình đầy phức tạp mà kết quả được xem như là sự thành công của con người, của khoa học.

Theo tôi, Thiên Chúa toàn năng không cần phải nhờ con người làm những chuyện phức tạp, nhiều rủi ro, và nhân tạo như vậy để tạo nên một con người mang hình ảnh Ngài. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Bản Toát Yếu) do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phát hành đã cho biết con người được dựng nên bằng gì và mục đích sự xuất hiện của nó như sau: “Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa họ có khả năng nhận biết và yêu mến một cách tự do Đấng Sáng Tạo nên mình.” (Số 66).

Như vậy, “Con người là một hữu thể vừa có yếu tố thể xác, lại vừa có yếu tố tinh thần. Trong con người, tinh thần và vật chất tạo thành một bản thể duy nhất. Tính duy nhất này rất sâu xa đến độ, nhờ nguyên lý tinh thần là linh hồn, mà thể xác, vốn là vật chất, trở thành một thể xác con người sống động, và được dự phần vào phẩm giá “là hình ảnh của Thiên Chúa” (Số 69).

Tóm lại, nếu con người có sao bản được một hình hài mang thân xác con người, thì để cái hình hài ấy được trở thành một con người theo đúng nghĩa của nó, phần linh hồn, vẫn là phần quan trọng và chỉ thuộc về Thiên Chúa.

2. Linh hồn bất tử:

Linh hồn là gì? Có những định nghĩa khác nhau về linh hồn, nhưng cũng trong Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, thì linh hồn được định nghĩa như sau:

“Linh hồn thiêng liêng không đến từ cha mẹ, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp, và nó bất tử. Linh hồn không chết. Linh hồn sẽ tái hợp với thể xác trong ngày sống lại sau hết” (Số 70).

Việc linh hồn tháp nhập vào với thân xác để trở thành một con người sống động đã được Thánh Kinh ghi nhận: “Rồi Thiên Chúa lấy bùn đất làm thành con người, và Ngài thở hơi sống vào lỗ mũi nó, và con người trở thành một sinh linh” (Gen 2: 7). Hơi thở sống của Thiên Chúa chính là thần khí, là linh hồn. Khi một người chết, ta gọi là “tắt thở” hoặc “linh hồn lìa khỏi xác!”

Vậy theo câu hỏi của ông, “Vậy thì cái con người được khoa học tạo ra đó có linh hồn không?” Theo tôi, hễ đã là một con người thì phải có linh hồn. Linh mục John J. Dietzen, một nhà bỉnh bút Công Giáo với hơn 50 năm kinh nghiệm hướng dẫn và trả lời các câu hỏi đã viết: “Tất cả những phần thuộc tinh thần hay vật chất của chúng ta, một cách truyền thống được coi như linh hồn và thân xác, là bản thể của con người tự nhiên của chúng ta, hoặc ở đời này hay trong cuộc sống mai sau. Nếu linh hồn không có những liên kết với thân xác, nó không còn là linh hồn của con người nữa. Bất cứ nó là gì, nếu sự tách biệt xảy ra, nó không phải là một con người.” (Both our spiritual and material parts, traditionally referred to as body and soul, are essential for our human nature, whether here or in the next life. If a soul does not have some relation to a body, it is not a human soul. Whatever it is, if such a separate existence were even possible, it would not be a human being) (Catholic Q &A, p.468).

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra cho khoa học, là liệu con người có thể tự mình “làm ra” hoặc “chế ra” một con người khác mà không nhờ vào những gì đã có sẵn của Thượng Đế đã tạo nên hay không? Cũng nên thêm rằng, gần đây nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã cần đến sự trợ giúp của khoa học trong việc thụ thai nhân tạo (sau khi đã tạo nên phôi thai trong ống nghiệm). Nhưng chung quy cũng là tạo nên từ nguồn sống mà Thiên Chúa đã sáng tạo, chứ không phải robot. Theo ý kiến của một linh mục bậc thầy, điều gì Thiên Chúa đã sáng tạo thì nên để mang dấu ấn của Ngài.

Tóm lại, với những gì chúng ta thấy, thì dù với những bước tiến phi thường hiện nay của khoa học, con người cũng chỉ chế hay làm ra những người máy (robot) mà thôi. Mà robot thì không phải là con người bởi vì nó thiếu rõ ràng hai yếu tố căn bản là thể xác và linh hồn.

Thưa ông Ch.,
Tôi vừa trao đổi với ông vài nhận thức giới hạn về con người vô sinh và linh hồn của những con người này. Vì không phải là nhà thần học, cũng không biết nhiều về khoa học, nên những chia sẻ của tôi rất giới hạn. Trong khi cùng nhau trao đổi, tôi nghĩ rằng chính ông nên tham khảo thêm với những nhà thần học khác để rộng đường tư tưởng.

Rất chân thành,

Trần Mỹ Duyệt

____________

Ghi chú: Phần lớn những luận cứ của tôi đều dựa vào Thánh Kinh, vì đó là cội nguồn của niềm tin Kitô Giáo. Đây cũng là câu trả lời cuối cùng cho những gì mà con người đang nghi ngờ, hoặc tìm kiếm về nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích sự xuất hiện của mình trên trái đất. Bởi lẽ nếu trí khôn nhân loại không trả lời được, thì chỉ có niềm tin vào tôn giáo mới giải quyết được. Ngoài ra, nếu vị độc giả Ch. có dịp đọc lại những góp ý này, hoặc những vị độc giả khác muốn tham khảo thêm đề tài này dưới cái nhìn thần học, xin mời đọc thêm bài tham luận của linh mục tiến sỹ thần học luân lý Phêrô Trần Mạnh Hùng, hoặc trao đổi quan niệm với ngài qua email: [email protected]

Chi tiết