Lối sống của chúng ta và hành tinh đang kiệt quệ
Nội dung
Nếu có người sống trong nghèo đói đến mức tê liệt cuộc sống, thì cũng dễ hiểu khi họ chặt cái cây cuối cùng hoặc bắt con cá cuối cùng, vì họ quá tuyệt vọng kiếm miếng ăn cho gia đình...
Trong Quyển sách của Hy vọng, đồng tác giả với Jane Goodall, Douglas Abrams đã tuyên bố: Tạo nên nhân loại có lẽ là sai lầm lớn nhất của sự tiến hóa.
Ông nói câu đùa thâm thúy này vì ông công nhận rằng sự xuất hiện của loài người rõ ràng là theo ý định của quá trình tiến hóa và thay vì là một sai lầm khủng khiếp, nó là tột đỉnh của quá trình đó. Dù gì, ngày nay, loài người là mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh trái đất. Nói đơn giản, hiện giờ trên hành tinh này có hơn bảy tỷ người, và chúng ta đang dùng nguồn tài nguyên có hạn nhanh hơn mức mà tự nhiên có thể bù đắp vào. Đến năm 2050, sẽ có khoảng mười tỷ người. Nếu chúng ta cứ làm như lâu nay, hành tinh này sẽ không thể gánh nổi chúng ta, ít nhất là nếu chúng ta cứ tiếp tục lối sống hiện tại.
Và lối sống này không phải là nói đến lối sống xa hoa của người giàu có thể tùy tiện và tiêu thụ nhiều hơn phần của mình. Dĩ nhiên, họ góp phần vào vấn đề và ảnh hưởng lớn đến số còn lại chúng ta về thói quen tiêu thụ, nhưng lối sống mà tôi nói đến ở đây, là điều mà tôi và bạn, những người tiêu thụ có ý thức, đang sống, thậm chí cả trong những lúc chúng ta bảo tồn, tái chế, làm phân, lái xe điện và cố sống đơn giản.
Bản thân tôi là ví dụ. Tôi đang cố nhạy bén về ảnh hưởng từ sự tiêu thụ của tôi với mẹ Trái đất. Khi so với những người có lối sống xa hoa, tôi có thể nói tôi sống rất đơn sơ. Tôi không mua thứ mình không cần, áo quần không có mấy bộ, và rất để ý đến chuyện dùng điện nước. Tôi lái chiếc xe nhỏ second-hand (xe mua lại) và cố gắng chỉ lái khi cần thiết. Tôi bảo đảm máy sưởi trong nhà được chỉnh cố định để tiêu thụ điện năng ít nhất có thể, và tôi sống trong căn nhà tương đối nhỏ, tái chế và cố dùng ít đồ nhựa nhất có thể.
Nhưng mặt khác, tôi có hai máy tính, một máy bàn ở văn phòng và một laptop ở nhà. Tôi có điện thoại di động, dù qua nhiều năm tôi chỉ nâng cấp điện thoại bốn lần, là mua mẫu mới và bỏ cái cũ. Tôi tắm hằng ngày, và tùy hoạt động thể chất, đôi khi tôi tắm hai lần. Tôi lái xe. Tôi đi máy bay ít nhất mỗi tháng một lần để dự các hội nghị và hội họp, và mỗi năm vài lần, tôi bay quốc tế để thăm gia đình. Tôi không có nhiều áo quần, nhưng việc mục vụ và công việc của tôi yêu cầu tôi có y phục tiêu chuẩn (và tôi đáp ứng được mức tối thiểu).
Với nơi tôi sống và công việc tôi làm, tôi nghĩ có thể nói rằng mình có lối sống đơn sơ. Tuy nhiên, một cách thực tế, nếu bảy tỷ người trên thế giới đều sống như tôi, thì sẽ không đủ tài nguyên để nuôi dưỡng chúng ta. Rốt cuộc là gì, thế giới không thể chu cấp nổi cho tám tỷ người, nếu ai cũng sống như tôi, và như hầu hết chúng ta đang sống ở những vùng thịnh vượng của thế giới. Vậy giải pháp là gì?
Chúng ta có thể trách tội mình hoặc người khác, cho dù việc đó không hẳn là có ích gì. Vậy điều gì mới có ích? Không có câu trả lời dễ dàng cho chuyện này. Những người sống ở những vùng thịnh vượng của thế giới như chúng ta có thể tạo ra thay đổi, nhưng chúng ta có thể ngừng sử dụng máy tính và điện thoại hay không? Chúng ta có thể hạn chế sử dụng nước, chúng ta có thể bỏ các tiêu chuẩn vệ sinh hiện tại của mình không? Chúng ta có thể hạn chế sử dụng điện, nhưng chúng ta có thể không lái xe và để các tòa nhà thành phố của mình tối om ban đêm không? Chúng ta ta có thể bớt mức độ di chuyển bằng máy bay, nhưng chúng ta có thể sống thiếu du lịch đường hàng không? Chúng ta có thể cắt giảm những gì chúng ta mua mà bị xem là ăn uống, ăn mặc quá mức, xa hoa và giải trí quá mức. Chúng ta có thể tái chế, phân hủy, và không dùng túi nhựa – tất cả những chuyện này gộp lại sẽ tạo nên khác biệt. Thật vậy, cần phải làm tất cả mọi chuyện này. Tuy nhiên, dù chúng hữu ích, nhưng nếu chỉ có chúng thì không giải quyết được vấn đề.
Với Jane Goodall, vượt ngoài những chuyện cá nhân này, chúng ta cần làm những chuyện tập thể để giải quyết mối đe dọa hiện hữu với trái đất. Goodall nêu ra ba điều: Trước hết, phải giảm nghèo đói. Nếu có người sống trong nghèo đói đến mức tê liệt cuộc sống, thì cũng dễ hiểu khi họ chặt cái cây cuối cùng hoặc bắt con cá cuối cùng, vì họ quá tuyệt vọng kiếm miếng ăn cho gia đình. Thứ hai, chúng ta phải loại bỏ sự tham nhũng của chính phủ và sự tham lam của các công ty. Không có chính phủ tốt và không có công ty biết quan tâm đến công ích, thì không thể nào giải quyết được các vấn đề môi trường và xã hội khổng lồ. Hơn nữa, những người vì tư lợi mà không chịu đối diện với vấn đề sẽ không cảm thấy có thách thức nào đặt ra cho họ. Cuối cùng, như một tập thể, chúng ta phải thực tế đối diện với sự căng thẳng giữa lối sống của chúng ta và dân số đang ngày một tăng trên trái đất. Những người tiêu thụ bất cần suy nghĩ là một phần vấn đề, nhưng số còn lại chúng ta cũng vậy, bao gồm cả tôi, những người tự xem mình là sống đơn sơ.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
Chi tiết
- Ngày: 27/10/2023
- Chủ đề: Lm. Anmai