Thượng hội đồng: quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng là gì?
Đối với các Hồng y bảo thủ đã bày tỏ mối quan ngại của họ khi khai mạc Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội, Đức Phanxicô nhắc nhở rằng Giáo hoàng là người nắm giữ “quyền bính tối cao” và quyền bính này tương thích với việc thực thi tính hiệp hành. Đó là một tầm nhìn gần đây về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng.
+ Thành ngữ “quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng” bắt nguồn từ đâu?
Người ta cũng nói đến “quyền tối thượng của Rôma” hay “quyền tối thượng của Phêrô”. Nó ám chỉ sự ưu việt của người kế vị Thánh Phêrô Tông đồ. Thật vậy, trong các Tin Mừng và Sách Công vụ Tông đồ, Simon, được Chúa Giêsu gọi là Phêrô, chiếm một vị trí đặc biệt trong số 12 Tông đồ. Khi liệt kê tên của họ, Thánh sử Matthêu (10,2) cho biết: “Đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô”. Chúa Giêsu chỉ tuyên bố với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. » (Mt 16,18). Được Chúa Kitô tha thứ sau khi bị ông phản bội, ông đã nhận được từ Người sứ mạng “củng cố” anh em mình.
Chính tại Rôma mà ngài đã chịu tử đạo, giống như một trụ cột khác của Giáo hội là thánh Phaolô thành Tarsô. Do đó, thủ đô Rôma trở thành Tông Tòa duy nhất ở phương Tây, cùng với Giêrusalem, Antokia, Alexandria và Constantinople. Từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, Giám mục Rôma đã đảm nhận một thừa tác vụ cụ thể là phục vụ sự hiệp nhất đức tin và hiệp thông giữa tất cả mọi Kitô hữu. Trong những thời điểm khủng hoảng (đặc biệt là trong nhiều cuộc tranh cãi thần học vào thế kỷ thứ 3 và trong thế kỷ thứ 5), người ta hướng về người trung gian và người bảo vệ truyền thống này.
+ Đâu là những tiến triển nổi bật nhất ?
Vào thế kỷ 11, với cuộc cải cách do Đức Giáo hoàng Grêgôriô VII (1073-1085) thực hiện, Rôma không chỉ trở thành trung tâm của sự hợp nhất các Giáo hội mà còn là nguồn gốc của nó. Chính từ nó mà đức tin trở nên đồng nhất, cũng như phụng vụ và giáo luật, tu sĩ Dòng Tên người Đức Klaus Schatz, chuyên gia về lịch sử Giáo hội, giải thích (1).
Do đó, chúng ta đang dần chuyển từ lôgic quyền lực tăng dần sang lôgic giảm dần, Thibault Joubert, giảng viên khoa thần học tại Đại học Strasbourg, cho biết thêm. “Đức Grêgôriô VII nói rằng Giáo hoàng là “người có quyền bính đứng đầu mọi quyền bính”, nói cách khác, ngài thừa nhận sự tồn tại của các quyền lực khác và ngài tạo ra sự hiệp nhất. Ngài như là thẩm phán tối cao: ngài có thể nghe và phán xét mọi nguyên nhân liên quan đến mình. Hai thế kỷ sau, người kế nhiệm ngài, Đức Innôcentê III, lại nói ngược lại: “Tôi là người có quyền bính mà từ đó tất cả các quyền bính khác phát sinh”. Chính ngài là người đặt ra luật và luật này được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Nhân vật quân chủ này sẽ ngày càng chiếm nhiều chỗ hơn. »
Từ ngai tòa của thánh Phêrô, các Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI (1831-1846) và Piô IX (1846-1878) đã lên án những ý tưởng “lật đổ”: tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng và tự do quan điểm; chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa xã hội, các phong trào hiệp hội Thánh Kinh …
+ “Ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng” đến từ đâu?
Chính thể chuyên chế của Rôma sẽ lên đến đỉnh điểm với Công đồng Vatican I (1869-1870), được triệu tập vào thời điểm cơ sở chính trị và địa lý của chế độ giáo hoàng biến mất cùng với các lãnh thổ của Nhà nước Giáo hoàng. Hugues Portelli, trưởng khoa khoa học xã hội và kinh tế tại Học viện Công giáo Paris (1), lưu ý: “Trong trường hợp không thể duy trì chế độ quân chủ tuyệt đối thế tục, chế độ này sẽ được chuyển sang bình diện quyền lực tinh thần”. Công đồng Vatican I khẳng định không chỉ “quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trên các Giám mục khác, mà còn sự bất khả ngộ của ngài cả trong các vấn đề thiêng liêng và thế tục”.
Các Giám mục bị ràng buộc bởi “nghĩa vụ phục tùng phẩm trật và vâng phục thực sự”, Công đồng nói rõ thêm, không chỉ trong lĩnh vực đức tin và luân lý, mà còn trong các vấn đề kỷ luật và quản trị của Giáo hội. Hugues Portelli nhấn mạnh, chủ nghĩa tập trung của Rôma đã đạt đến một chiều kích “cho đến lúc đó chưa được biết đến trong Giáo hội”. Để tuyên bố các tín điều và sửa chữa luân lý, Đức Giáo hoàng không còn có nghĩa vụ triệu tập một công đồng nữa, giờ đây duy mình ngài có quyền bính cần thiết.
+ Ngày nay, quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng là gì?
Vào đầu thế kỷ XX, nhờ suy tư đại kết, tầm nhìn về mối quan hệ giữa Đức Giáo hoàng và các Thượng phụ khác đã được đổi mới. Giám mục Rôma, theo truyền thống giữ chức giáo hoàng, được công nhận là primus inter pares, người đứng đầu trong số những người ngang hàng. Các Giáo hội Chính thống công nhận Tòa Thượng Phụ Rôma có quyền ưu tiên về danh dự và phẩm giá nhưng không có quyền tài phán đối với các Tòa Thượng phụ khác, như được nêu trong “tài liệu Ravenna” được người Công giáo và Chính thống giáo ký năm 2007. Klaus Schatz phân tích: “Giáo hội Công giáo không thể từ bỏ các định nghĩa của Vatican I, nhưng Giáo hội có thể cho thấy rằng những quyền này tương thích với chủ nghĩa đa nguyên của các Giáo hội và không đòi hỏi sự thống nhất hoàn toàn”.
Ông nói tiếp, các Giáo hội Tin lành không phải tất cả đều là đối thủ của một “trung tâm hay biểu tượng của sự hiệp nhất giữa các Giáo hội” nhưng “họ phản đối chức vị giáo hoàng như một thể chế cần thiết mà Tin Mừng mong muốn”. Đối với họ, vai trò mà Chúa Giêsu gán cho thánh Phêrô chỉ áp dụng cho chính thánh Phêrô, về mặt cá nhân chứ không vượt ra ngoài.
Trong Giáo hội Công giáo, kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965), Đức Giáo hoàng đã lắng nghe các giám mục nhiều hơn, trong các chuyến viếng thăm truyền thống của các ngài tới Rôma (ad limina) và qua việc các ngài tham gia vào các Thượng hội đồng về các chủ đề cụ thể: tương lai của Giáo hội, Amazon, giới trẻ, gia đình… Hugues Portelli tóm tắt : “Tầm nhìn của Vatican I nơi chỉ có Giáo hoàng chịu trách nhiệm về Giáo hội hoàn vũ đã được thay thế bằng khái niệm tập đoàn về quyền bính trong và của Giáo hội”.
+ Đức Thánh Cha Phanxicô định vị mình như thế nào so với di sản này?
Trong cách điều hành của mình, giống như những vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô ưu tiên tính tập đoàn với các Giám mục, nhưng với mối quan tâm ngày càng tăng là cân bằng quyền lực của Giáo triều, sự cai quản của Giáo hội, vốn ngày càng kháng lại mong muốn cải tổ các thể chế của ngài. Giáo triều thường là mục tiêu phê bình của Đức Phanxicô; năm 2014, ngài tố cáo “15 căn bệnh” của Giáo triều: không chịu tự phê bình, “sự chai đá” tinh thần, quan liêu, ganh đua, hư danh, nói xấu….
Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị của ngài ẩn chứa trong cách ngài mở ra các thượng hội đồng cho những người tham gia không phải là giám mục: các tu sĩ và giáo dân, kể cả phụ nữ. Klaus Schatz nhớ lại : “Ngay trong các công đồng thời trung cổ, đặc biệt là từ Latêranô IV (1215), các Đức Giáo hoàng đã triệu tập những người quan trọng trong việc thực hiện các cuộc cải cách và nếu không có họ thì các quyết định sẽ trở thành vô hiệu lực: các linh mục, phó tế cũng như đại diện của các trường đại học và các hoàng tử thế tục”.
Kể từ Đức Gioan Phaolô II, quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng đã được thực thi một cách trực tiếp, bên ngoài Giáo hội, trong dư luận. Sự hiện diện của ngài, với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, đã nhân lên nhờ những chuyến tông du, những bài phát biểu, sự hiện diện của ngài trên mạng xã hội (tài khoản X của ngài, trước đây là Twitter, có hơn 50 triệu người đăng ký).
Trong tài liệu chuẩn bị, Thượng Hội đồng hiện hành về tương lai của Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về việc đổi mới việc thực thi quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng, dựa trên “sự hiệp lực” mới giữa “Dân Thiên Chúa, Giám mục đoàn và Giám mục Rôma – đồng thời tôn trọng những chức năng đặc thù của họ” (số 62).
—————————————————————————————
“Thánh Phêrô, một người yếu đuối, được chọn làm đá tảng”
“Trong lịch sử triều đại giáo hoàng, không thiếu những lỗi lầm và thiếu sót của con người, thậm chí là nghiêm trọng: chính thánh Phêrô cũng thừa nhận mình là một “tội nhân” (Lc 5, 8). Thánh Phêrô, một con người yếu đuối, được chọn làm đá tảng, chính để chứng minh rằng chiến thắng chỉ thuộc về Chúa Kitô chứ không phải là hệ quả của sức mạnh con người. Chúa muốn mang kho tàng của Người trong những chiếc bình dễ vỡ (2 Cr 4,7), xuyên suốt thời gian: như thế, sự yếu đuối của con người đã trở thành dấu chỉ của sự thật về những lời hứa của Thiên Chúa. »
Trích từ La Primauté du successeur de Pierre dans le mystère de l’Église (Quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô trong mầu nhiệm của Giáo hội, số 15), do Đức Hồng y Joseph Ratzinger ( Đức Bênêđíctô XVI tương lai) ký. Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 30/10/1998.
———————————————————————–
(1) “Le pouvoir du pape et ses limites” ( “Quyền bính của Đức Giáo hoàng và các giới hạn của nó ”) , tạp chí Pouvoirs, số 162, năm 2017.
————————————-
Tý Linh
(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Nguồn: https://xuanbichvietnam.ne