Quyền năng của Thánh Thần
21.10 Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Rm 4:13,16-18; Tv 105:6-7,8-9,42-43; Lc 12:8-12
Quyền năng của Thánh Thần
Trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi các Ki-tô hữu xác quyết một đức tin vào Thiên Chúa và một niềm hy vọng vững vàng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Qua đó, Chúa Giê-su nói các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để được Chúa Cha trên trời đón nhận.
Chúa Giê-su bảo đảm chắc chắn rằng: Bất cứ ai tuyên xưng Ngài không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cách sống trung thành với Giới răn Yêu Thương của Ngài trong cuộc sống hôm nay, thì Ngài sẽ không quên người ấy trong cuộc sống mai sau (x. Lc.12,8-9).
Sự khôn ngoan và sức mạnh phát xuất từ Chúa Thánh Thần sẽ làm cho đức tin của các tín hữa Chúa Ki-tô được trưởng thành, và đức tin đó sẽ thúc đẩy ta dám sống nhân đức anh hùng: Không sợ tai ương, ốm đau, dịch bệnh; không sợ gian khổ, thử thách, hoặc không sợ bắt bớ, tù đày, thậm chí dám chết cho đức Tin Tông truyền của Hội thánh Công giáo.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Một trong những công việc của Ngài là mạc khải về chân lý, giúp con người hiểu biết chân lý mà hướng lòng họ đi tìm sự thật. Bởi thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, thì Thánh Thần đến trên các Tông đồ để dạy dỗ và hướng dẫn các ông. Nhờ Thánh Thần, các ông đã hiểu rõ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu; và cũng nhờ Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng như lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, như lần 3,000 người trở lại liền sau bài giảng của thánh Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần; nhưng các ông đã gặp biết bao chống đối và bách hại. Dù gặp gian nan thử thách như thế, các ông vẫn hiên ngang rao giảng, vì đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu, và hơn nữa, một điều kiện: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu. Một sự hiện diện gần gũi và cần thiết như vậy của Thánh Thần, khiến cho tội phạm đến Thánh Thần trở thành tội không được tha. Không được tha, không phải vì Thánh Thần là một Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt; Chúa Thánh Thần vẫn mãi mãi là một Thiên Chúa khoan dung, từ bi, nhân hậu, là Ðấng Bầu Chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần không muốn tha, nhưng là vì thái độ của con người.
Chúa Giêsu bắt đầu nói trước hết, là với các môn đệ; sau là nói với đám đông tụ họp hàng vạn người đừng lo lắng phải nói gì, làm gì khi bị đưa ra trước công đường vì Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết phải nói điều gì hay phải mạnh dạn tuyên xưng Chúa trước mặt người đời (x. Lc. 12,1; 8; 11-12).
Chắc chắn muốn được Thánh Thần dạy ăn nói ra làm sao, thì mỗi người phải được “thần khải”: Chuyên cần cầu nguyện, học hỏi và suy niệm Lời Chúa, mau mắn vâng nghe lời Người hướng dẫn thì Người mới nói thay cho chúng ta được.
Nhìn vào cuộc sống của các thánh, ta cũng thấy rằng, các ngài cũng rất đỗi bình thường như mỗi người chúng ta. Các ngài luôn chu toàn những bổn phận làm con Chúa và để mọi thứ trong cuộc sống diễn ra theo một tiến trình bình thường. Đời sống các thánh luôn tùy thuộc vào ý muốn của Chúa trên cuộc đời các ngài. Ý muốn đó tạo cho các thánh nhân làm chủ bản thân mình trong sự dâng hiến hoàn toàn cho Chúa định, hay nói cách khác là các ngài luôn để cho Thánh Thần Chúa tác động và dẫn dắt cuộc đời mình.
Chúa Giêsu còn dạy chúng ta rằng: kẻ nào nói phạm đến Con Người thì sẽ được tha, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Thánh Thần thì sẽ không được tha. Vậy phải chăng Chúa Thánh Thần không có Lòng thương xót? Thưa không. Người là Ngôi Ba Thiên Chúa, người vẫn là Đấng giàu lòng thương xót. Vậy tại sao chúng ta sẽ không được tha nếu phạm thượng đến Thánh Thần? Có lẽ, khi nói phạm đến Chúa Giêsu, Người sẽ cho chúng ta cơ hội sửa đổi, chính Chúa Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta trở về từ tội lỗi, sẽ hướng dẫn chúng ta làm lành cùng Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu Người đã lôi kéo chúng ta ra khỏi vực sâu tội lỗi mà chúng ta vẫn không chịu rời bỏ nó, cố tình chối bỏ sự hướng dẫn của Người, cố tình chống đối lại Người… chúng ta sẽ phải trả giá cho sự ngoan cố đó.
Qua đó, ta có thể nhận thấy được sự quan trọng của Chúa Thánh Thần, để từ đó, ta biết ý thức hơn về tội lỗi của mình. Mỗi khi nắm bắt được cơ hội sám hối, ta hãy nhớ rằng đó là khi Chúa Thánh Thần chìa tay kéo chúng ta lên và hãy ăn năn thống hối, chớ chối bỏ cơ hội đó vì có thể chúng ta đã chối bỏ sự trợ giúp của Người, đó cũng là một hành vi phạm thượng. Và như Chúa Giêsu đã nói: phạm thượng đến Chúa Thánh Thần sẽ không được tha.
Ý thức được điều đó, mỗi người chúng ta phải biết xem xét lại mọi hành động của mình, chớ nên vì sự ngoan cố mà khiến mình lỗi phạm đến Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng thương xót, Người sẽ tha thứ lỗi lầm ta phạm nếu ta biết thật lòng ăn năn sám hối. Vì thế, mỗi khi có cơ hội, hãy trở về hòa giải với Người và không quên đó là hồng ân mà Chúa Thánh Thần đã trao cho mỗi người chúng ta.