Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha
11.10 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm
St 4:1-11; Tv 86:3-4,5-6,9-10; Lc 11:1-4
Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha
Cầu nguyện là một việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu; Ngài vào sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ vụ công khai; Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi tuyển chọn các Tông đồ; trong ba năm rao giảng Tin mừng, Ngài cũng đã rất nhiều lần tìm đến nơi thanh vắng để sống những giờ phút thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.
Được nhiều lần chứng kiến Chúa Giêsu chìm sâu trong sự kết hiệp với Chúa Cha, và niềm mong ước được đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha, như Chúa Giêsu, các Tông đồ đã đến xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện và Ngài đã dạy họ Kinh lạy Cha.
Trong Kinh lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân tộc Do Thái: Trong Cựu ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do Thái gọi là Chúa Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do Thái là Abba, mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do Thái trong Cựu ước. Đó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miệng trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong Kinh lạy Cha là nền tảng mạc khải của Chúa Giêsu và lời tuyên tín của Cộng đoàn Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Cầu nguyện là chúc tụng Chúa, là xin những ơn cần thiết cho ta và cho mọi người khác, và là xin ơn tha tội. Cầu nguyện cũng chính là dịp để chúng ta gắn kết mật thiết hơn mối tương quan với Chúa, và nhờ đó, sống quảng đại hơn với anh em mình.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cách cầu nguyện trong mối tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là những người con của Ngài. Nhờ Chúa Giêsu và tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi Kitô hữu có thể kêu Thiên Chúa là Abba, nghĩa là cha ơi. Tiếng xưng hô: cha ơi, thật đẹp làm sao. Những lời thân thưa trong kinh Lạy Cha lại càng ý nhị và thân tình biết mấy.
Chúng ta nhớ đến ý nghĩa kinh Lạy Cha như là một bản tóm kết trọn vẹn cả Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, bản tóm gọn khoa thần học, một bản giáo lý về đời sống Kitô. Chúng ta cần khám phá kinh Lạy Cha, đây là trường dạy ta cầu nguyện và hãy cầu nguyện kinh Lạy Cha với tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đối thoại Cha con, trong thái độ tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và với con tim rộng mở để tha thứ cho anh chị em và đón nhận mọi người như anh chị em mình trong cùng một đại gia đình của Thiên Chúa. Ðối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, việc đối thoại với Thiên Chúa và gọi Ngài là Cha trong ý nghĩa Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ Người hiểu, thì đó là một việc làm táo bạo và xúc phạm đến uy linh Thiên Chúa. Nếu không có lời Chúa Giêsu dạy để cầu nguyện như vậy, có lẽ con người phàm trần chúng ta không dám cất tiếng gọi Thiên Chúa là Cha như vậy.
Khi cùng nhau tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, người con cũng nhận thật, mọi người đều là anh em với nhau. Vì thế, người con khao khát sống hòa thuận với mọi người. Muốn thế, người con xin với Thiên Chúa cho mình biết thứ tha và thông cảm cho nhiều người khác để có thể sống yêu thương hết mọi người. Người con xin cho mình có khả năng tha thứ cho tha nhân để có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa là Cha nhân lành.
Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha theo ý Chúa Giêsu muốn qua lời kinh Lạy Cha là một việc làm hết sức mới mẻ và đồng thời cũng hết sức đòi hỏi. Thói quen chúng ta đọc kinh Lạy Cha quá thường, làm cho chúng ta mất đi ý thức về sự mới mẻ và về đòi hỏi quan trọng đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em. Ðối với Thiên Chúa, mọi đồ đệ cần phải tôn vinh Ngài và vâng phục thánh ý Ngài. Ðối với anh chị em, người đồ đệ Chúa không thể nào tránh né bổn phận tha thứ như Chúa đã tha thứ. Chúng ta hãy ý thức lại để cho sự mới mẻ này đòi hỏi kinh Lạy Cha thấm nhập sâu vào con người chúng ta và hướng dẫn mọi hoạt động lớn nhỏ hàng ngày của người Kitô chúng ta.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến.
Xin hãy ban ơn xuống trên chúng con tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng con có thể sống vâng phục thánh ý Cha dưới đất cũng như trên trời, như Chúa Giêsu, Con Cha đã nêu gương cho đến hy sinh mạng sống mình trên thập giá để cứu rỗi nhân loại chúng con. Xin Cha tha thứ những lầm lỗi của chúng con và ban ơn giúp chúng con thật lòng tha thứ cho nhau noi theo mẫu gương nhân từ tha thứ của Cha. Xin Cha gìn giữ chúng con luôn trung thành trong đức tin, ban cho chúng con sức mạnh để đừng sa vào chước cám dỗ, đừng sống nô lệ thần dữ và tội lỗi.
Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha theo ý Chúa Giêsu muốn nói về kinh lạy Cha là một việc làm hết sức mới mẻ và đồng thời cũng hết sức đòi hỏi. Chúng ta đọc kinh Lạy Cha theo thói quen, vì thế mà cảm thấy quá thuờng, làm cho chúng ta mất đi ý thức về sự mới mẻ, về những đòi hỏi quan trọng đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh em. Đối với Thiên Chúa, mọi đồ đệ cần phải tôn vinh Ngài và vâng phục thánh ý Ngài dưới đất cũng như trên trời. Đối với anh em, người đồ đệ Chúa không thể nào tránh né bổn phận phải tha thứ như Chúa đã tha thứ. Chúng ta hãy ý thức lại và để cho sự đòi hỏi mới mẻ về kinh Lạy Cha thấm nhập sâu vào tận tâm hồn, hầu cho thánh ý Chúa hướng dẫn mọi hoạt động lớn nhỏ hằng ngày của đời sống Kitô.
Chúng ta cần khám phá ra kinh Lạy Cha như là một trường dạy cầu nguyện và hãy cầu nguyện với kinh Lạy Cha, với tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm về mầu nhiệm Thiên Chúa Cha trong cuộc đối thoại cha – con, trong sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa với con tim mở rộng để tha thứ cho anh em, và đón nhận mọi người như là anh em trong đại gia đình của Thiên Chúa “Lạy Cha chúng con ở trên trời …. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.