Phát hiện mới bên trong nhà thờ Mộ Thánh
Phát hiện mới bên trong nhà thờ Mộ Thánh
Trong vỏn vẹn 60 giờ, các nhà nghiên cứu được trao cơ hội ngàn năm có một để giám định phía trong nhà thờ Mộ Thánh Chúa, một trong những nơi thiêng liêng nhất của Kitô giáo. Và sau đây là những gì họ phát hiện.
Nhiều thế kỷ qua, nhà thờ Mộ Thánh Chúa (nhà thờ Mộ Thánh) trải qua vô số thách thức, từ những vụ tấn công đầy bạo lực, hỏa hoạn đến động đất. Nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1009, và sau đó được xây dựng lại. Sự thay đổi về cấu trúc theo dòng lịch sử khiến giới học giả thời nay đặt nghi vấn nơi này có đúng là điểm chôn cất Chúa Giêsu vốn được một phái đoàn Rome tìm ra cách đây 17 thế kỷ hay không.
Kết quả giám định được thực hiện từ các biện pháp khoa học cho thấy hang động đá vôi nằm bên trong nhà thờ đích thực là tàn tích của ngôi mộ do những người La Mã cổ đại phát hiện khi xưa. Mẫu vôi vữa lấy từ bề mặt đá vôi và phiến đá cẩm thạch đặt bên trên lối vào phần mộ có niên đại khoảng năm 345. Theo các tài liệu lịch sử, Mộ Chúa được những người La Mã tìm ra và bảo tồn vào năm 326, thời của Constantine, hoàng đế La Mã đầu tiên cải đạo sang Kitô giáo.
Cơ hội vô giá nghiên cứu bên trong Mộ Thánh
Tháng 10.2016, Mộ Chúa được mở ra lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ. Lúc đó Edicule, nhà nguyện nhỏ bao quanh ngôi mộ, trải qua đợt trùng tu lớn do đội ngũ liên ngành đông đảo của Đại học Bách khoa Quốc gia Athens (Hy Lạp) thực hiện. Trong quá trình này, một vài mẫu vữa được thu thập tại nhiều vị trí khác nhau bên trong Edicule để tiến hình giám định niên đại. Kết quả gần đây đã được Trưởng giám sát khoa học Antonia Moropoulou, người dẫn đầu dự án trùng tu Edicule, chia sẻ cho Tạp chí National Geographic uy tín.
Thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantine cử đoàn sứ giả đến Giêrusalem để tìm tung tích Mộ Thánh. Năm 325, phái đoàn đến Giêrusalem và họ tìm thấy tàn tích của một đền thờ La Mã được xây dựng trước đó khoảng 200 năm. Vào thời điểm đoàn đến nơi, đền thờ đã bị san bằng. Nỗ lực khai quật bên dưới đền thờ cho phép tìm ra một ngôi mộ được đẽo vào một hang động bằng đá vôi. Phần bên trên của hang động bị lấy đi, để lộ ngôi mộ bên trong. Phái đoàn của hoàng đế Constantine quyết định xây dựng Edicule bao quanh ngôi mộ đó.
Ngôi mộ có hình dạng như một cái kệ bằng đá thuôn dài, hay còn gọi là “giường chôn cất”, được cho là nơi đặt thi thể của Chúa Giêsu sau khi Người chịu hình trên thập tự giá. Những dạng kệ dài và hốc được đẽo từ các hang động đá vôi là đặc điểm thường thấy bên trong mộ phần của giới Do Thái giàu có ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ nhất. Phiến đá cẩm thạch dùng để che đậy ngôi mộ nhiều khả năng được đặt vào chỗ từ giữa thập niên 1300 hoặc trễ nhất là vào năm 1555, theo các ghi chép của khách hành hương.
Phát hiện nằm ngoài dự đoán
Khi ngôi mộ được mở ra vào đêm 26.10.2016, các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên về điều mà họ tìm thấy bên dưới phiến đá cẩm thạch: một phiến đá cẩm thạch khác, cũ hơn, nhưng bị vỡ, bên trên khắc dấu thánh giá.
Một số nhà nghiên cứu ban đầu cho rằng phiến đá cũ hơn có lẽ được đặt vào vị trí trong giai đoạn Thập Tự Chinh (1095-1291). Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại cho rằng có thể phiến đá đã nằm đó lâu hơn thế, và nó đã bị vỡ khi nhà thờ sụp đổ năm 1009. Thế nhưng, chẳng ai nghĩ rằng đó lại là chứng cứ đầu tiên cho thấy từng có một đền thờ La Mã được xây dựng ở nơi này.
Các kết quả giám định mới nhất tiết lộ nhiều khả năng phiến đá xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ tư, theo sắc lệnh của hoàng đế Constantine. Đây quả là phát hiện bất ngờ và nhận được sự hoan nghênh của những người nghiên cứu lịch sử nhà thờ Mộ Thánh. “Rõ ràng niên đại của phiến đá phản ánh điều mà Hoàng đế Constantine đã làm khi xưa”, theo nhà khảo cổ học Martin Biddle, người từng công bố nghiên cứu chuyên đề về lịch sử Mộ Thánh năm 1999. “Quả là phát hiện vô cùng ấn tượng”, ông nhận định.
Trong quá trình trùng tu Edicule, vốn kéo dài đến 1 năm, các nhà khoa học cũng có thể xác định được niên đại của nhiều tàn tích bên trong các bức tường của nhà nguyện nhỏ. Những mẫu vữa lấy từ phần còn lại của bức tường phía nam hang động có niên đại từ năm 335 đến 1570, cung cấp thêm chứng cứ về công trình xây dựng trong giai đoạn La Mã, cũng như cuộc trùng tu được ghi chép vào thế kỷ 16. Mẫu vữa lấy từ cửa vào ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ 11, tương đồng với khung thời gian Edicule được xây dựng lại sau khi bị phá hủy năm 1009.
“Thật sự thú vị khi các mẫu vữa không những cung cấp chứng cứ về đền thờ đầu tiên ở Mộ Thánh, mà còn xác nhận trình tự xây dựng trong lịch sử của Edicule”, Trưởng giám sát công trình Moropoulou nhận xét.
Các kết quả báo cáo đã được công bố trên chuyên san về khảo cổ học Journal of Archaeological Science: Reports.
LING LANG