Tuyển chọn
12.9 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Ba Mùa Quanh Năm
Cl 2:6-15; Tv 145:1-2,8-9,10-11; Lc 6:12-19
Tuyển chọn
Khi biết được giới lãnh đạo Do thái đang tìm cách loại trừ mình, Đức Giêsu trải qua một đêm dài cầu nguyện với Cha Ngài và đến sáng ngày hôm sau, Ngài quyết định chọn 12 vị tông đồ. Những vị tông đồ được Chúa tuyển chọn là những con người rất đỗi bình thường giữa dân chúng, chứ không nổi bật hay lỗi lạc gì hơn dân chúng. Chúa chọn các ngài không phải các ngài có tài cán gì, nhưng vì các ngài có khả năng ứng đáp lời mời gọi của Chúa và chấp nhận để Chúa uốn ắn, điều chỉnh con người của các ngài.
Các ngài sẽ là biểu tượng và nên móng của một Israel mới mà Chúa sẽ thiết lập vì Israel cũ không còn khả năng dung nạp hay thông truyền ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa cho muôn dân nữa. Nói cách khác, trên nền tảng 12 tông đồ (đại diện cho mười hai chi tộc Israel) Chúa khôi phục nhà Israel và Israel mới đươc khôi phục có khả năng chuyển tải ơn cứu độ phổ quát cho muôn dân tộc.
Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đi lên ngọn núi và cầu nguyện: Chúa Giêsu là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc 5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1.22.32.40-46 23,34.46). Ngài cầu nguyện tha thiết trong những lúc quan trọng (3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sứ quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài và quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.
Đó là việc gì? là việc tuyển chọn từ số đông môn đệ ra 12 người mà Ngài gọi là tông đồ:
Khi ghi nhận các tông đồ được tuyển chọn khỏi hàng ngũ môn đệ, Lu Ca tỏ ra quan tâm tới các tác vụ trong Giáo hội. Quan tâm này sẽ được khai triển nhiều hơn nữa trong quyển công vụ (chẳng hạn Cv 6,17). Môn đệ là tất cả những ai “đi theo” Chúa Giêsu; còn tông đồ là những môn đệ được tuyển chọn kỹ để làm “cán bộ”. Điều kiện được tuyển chọn là:
Đã từng sống với Chúa Giêsu và chứng kiến việc Ngài chết và sống lại;
Được “sai đi” (đây là ý nghĩ của chữ “tông đồ” apostolos) để loan báo Tin Mừng sống lại ấy. Lu Ca dành riêng danh hiệu “tông đồ” cho nhóm tông đồ 12 vì chỉ có họ mới hội đủ hai điều kiện này. ngay cả với Phaolô, Lu Ca cũng không gọi ông là “tông đồ”, vì Phaolô là tông đồ theo một nghĩa khác hơn.
Đức Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi chọn các Tông đồ. Điều này chứng tỏ việc tuyển chọn các Tông đồ rất quan trọng, vì các ngài tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu. Chúa gọi và chọn họ chứ họ không cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là do Chúa chọn. Các môn đệ lại với Ngài, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi, họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có những người ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ. Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nòng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến Lời Ngài.
Đối với Chúa Giêsu, con số 12 có một giá trị tượng trưng: các Tông đồ là 12 viên đá sống thay thế cho 12 viên đá lấy ở sông Giođan (Gs 4,1-6) cho đến thời mới. Các ngài là tổ phụ cho dân tộc mới và là quan xét để xét xử các công dân của vương quốc tương lai.
Ngày nay, tiếp nối sứ vụ của thánh Phêrô là Đức Giáo hoàng, và tiếp nối sứ vụ của các Tông đồ là các Giám mục, và Linh mục là đại diện của Giám mục trong việc chăm sóc và điều khiển dân Chúa. Ý nghĩa này khơi dậy cho người Kitô hữu có lòng yêu mến, vâng phục và trung thành với Đấng Bản quyền của mình trong Hội thánh, và nhiệt tình góp phần mình vào việc xây dựng và phát triển Hội thánh.
Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ đã được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê, có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế là hạng người thường bị khinh bỉ.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, hoặc “Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.