Làm Gì Trong Thời Gian Cách Ly ?
Làm Gì Trong Thời Gian Cách Ly ?
Thủ tướng Chính phủ vừa ra lệnh “cách ly toàn xã hội” 15 ngày, bắt đầu từ 0g ngày 1/4/2020 để tránh dịch lây lan. Bao người khốn đốn vì lệnh cách ly, vì lệnh cấm hành nghề, nhất là những “nghề” kiếm ngày nào, xào ngày nấy như dân buôn bán dạo, lao động phổ thông, người già, người tàn tật, trẻ em bán vé số. Lấy gì để ăn, làm gì ra tiền để sống qua cơn dịch này, nói chi đến chi phí chữa bệnh nếu bị nhiễm ?
Sức mạnh đáng sợ của con Coronavirus khiến cả thế giới phải đều sợ hãi, vì sự lây nhiễm, tốc độ lây lan và thiệt hại về nhân mạng quá khủng khiếp của nó. Ai sợ thì sợ, vẫn có nhiều người chủ quan, tự tin một cách ngốc nghếch, coi thường những biện pháp phòng ngừa cần thiết, không sợ mất mạng đã đành, mà còn chẳng lo cho những người khác có thể bị liên luỵ.
Làm gì cho qua ngày đoạn tháng?
Đảng và Nhà nước vừa phát động phong trào đừng chạy lung tung, “cứ ngồi yên một chỗ” là chung tay đẩy lùi Covid-19. “Ở nhà là yêu nước” (và nằm yên là cứu cả thế giới). Nhưng làm gì đây khi cứ ở nhà, lấy gì ăn khi ngồi yên một chỗ và Nhà nước đã có sự trợ cấp nào trong tình thế cấp bách này? Ở nông thôn còn tý đất chút vườn có thể “tăng gia sản xuất”, chứ thành phố ở nhà hộp nhà ống vài chục mét vuông, thì làm gì? Coi phim, nghe nhạc, lên phây, chơi gêm mãi rồi cũng chán và chẳng mấy chốc sẽ phát sinh những tệ nạn xã hội.
Ôn cố tri tân
Có lẽ trong thời gian này, ngoài việc ưu tiên suy nghĩ lại về tính ưu việt của những giá trị thiêng liêng hơn vật chất, coi trọng giá trị hơn giá cả, sẽ giúp bản thân và đời sống trở nên tốt đẹp hơn. Những bài học trong Thánh kinh, Lời Chúa hàng ngày trong Mùa chay sẽ soi sáng cho chúng ta biết việc phải làm và giúp sức để chúng ta vượt thoát cơn đại dịch tăm tối chết chóc này.
Đó là những bằng chứng hiển nhiên của mầu nhiệm lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa thi thố trong lịch sử của một dân tộc. Thiên Chúa giải phóng cha ông họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa vào đất hứa. Cuộc vượt qua hùng tráng này không được để rơi vào quên lãng; những sự ra tay uy quyền giải cứu người Do thái khỏi những tai ương, bảo vệ họ khỏi những cơn dịch bệnh cho thấy Thiên Chúa hằng quan tâm tới những người tin tưởng vào Người.
Trước tình trạng nhiễu thông tin hiện nay, sự hoang mang lo sợ hoặc vô tư nhởn nhơ nghĩ rằng “có Chúa giúp rồi” là điều dễ hiểu. Tất cả những tâm trạng ấy phản ánh trong tâm hồn chúng ta, hoặc không có hoặc đã hiểu sai, hoàn toàn sai về sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa.
Đừng nghĩ việc tin theo Đức Giêsu chịu khổ nạn “đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17) là Kitô hữu được “miễn nhiễm” khỏi những khó khăn, đau khổ và bịnh tật; đừng tưởng tin vào Đức Kitô phục sinh là người tín hữu không phải chết, nhưng là Người có quyền năng cứu ta khỏi cái chết đời đời; đừng quên việc trở nên giống Chúa Kitô là việc chấp nhận “chịu đóng đinh” vào thân xác như Người (x. 2Cr 4,10 / Gl 2,19-20)
Trong thư của Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo gửi cho sinh viên học sinh ngày 31 tháng 3 năm 2020 có viết: “Ngay lúc này, như cha đã nói ở trên, chúng ta đang phải đối diện với những đe dọa rất nghiêm trọng của đại dịch Covid – 19, cha luôn nghĩ đến và muốn viết lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng con: “Đức Kitô đang sống và Ngài muốn bạn sống! Ngài ở trong bạn, Ngài ở cùng bạn và Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ bạn. Bao lâu bạn tìm cách lánh xa, thì chính Đấng Phục Sinh ở gần bên bạn, mời gọi và chờ đợi bạn làm lại từ đầu. Khi bạn cảm thấy sự già nua vì buồn bã, thù hận, sợ hãi, nghi ngại hay thất bại, Ngài sẽ ở đó để một lần nữa trao cho bạn sức mạnh và hy vọng” (x. Christus Vivit, 1-2).
Nếu Đức Kitô chỉ phục sinh nơi mộ đá lạnh lùng của năm xưa, mà không sống lại nơi con người chúng ta, thì sự kiện ấy vẫn là câu chuyện của dĩ vãng. Với ơn Chúa giúp, nếu mỗi người chúng ta không quyết tâm sống tốt hơn, lành thánh hơn, thì dù ta có hát trăm lần Hallêluia mừng Chúa sống lại cũng sẽ trở thành vô nghĩa và vô ích. Cho nên, chúng con cần phải canh tân con người của chúng con theo tinh thần phúc âm của Chúa Phục Sinh.”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, CSsR