Chung thủy trong hôn nhân và độc thân vì Nước Trời
Chung thủy trong hôn nhân và độc thân vì Nước Trời (Mt 19, 1-12)
I. DẪN NHẬP
Nối tiếp chuyên mục “Học hỏi Tin Mừng theo thánh Mát-thêu” trong bài 28 với đoạn Mt 18, 15–35, chúng ta được mời gọi sống “Hoà giải và Tha thứ”. Hôm nay, mở đầu chương 19, chúng ta cùng nhau tìm hiểu chủ đề “Chung thủy trong hôn nhân và độc thân vì Nước Trời” (Mt 19, 1-12) với 4 câu hỏi căn bản như sau:
– Hôn nhân là gì?
– Có được phép ly dị không?
– Tại sao Môsê cho phép cấp chứng thư ly dị?
– Độc thân vì Nước Trời nghĩa là gì?
II. BỐ CỤC
Bản văn Mt 19,1-12 có thể được chia thành các phần như sau:
1. Hôn nhân (19,1-10)
a. Đặt vấn đề: Có được ly dị không? (19,1-4)
b. Giải quyết vấn đề: câu trả lời khôn khéo của Đức Giê-su (19,1-9)
2. Độc thân vì Nước Trời
a. Đặt vấn đề (19,10)
b. Giải quyết vấn đề: câu trả lời của Đức Giê-su (19,11-12)
Video bài học
Audio Lời Chúa (Mt 19, 1-12)
III. NỘI DUNG
1. Hôn nhân là gì?
Tác giả Tin Mừng Mát-thêu, qua việc trưng dẫn sách Sáng Thế, tái khẳng định ý nghĩa đích thực của hôn nhân. Hôn nhân, trước hết là sáng kiến của Thiên Chúa. Người là Đấng thiết lập giao ước hôn nhân. Người tạo dựng và kết hợp người nam và người nữ với nhau thông qua mối dây liên kết là tình yêu con người. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
Do đó, ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ bàn tay Đấng Tạo Hóa. “Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Đức Ki-tô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích.”[1]
2. Có được phép ly dị không?
Kinh Thánh đã khẳng định rằng, người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau: “Con người ở một mình thì không tốt” (St. 2,18). Người nữ là “thịt bởi thịt” của người nam, nghĩa là bình đẳng với người nam, rất gần gũi với người nam, mà Thiên Chúa đã ban cho người nam với tư cách là “trợ tá”, như vậy, là người thay mặt Chúa để trợ giúp chúng ta. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
Chính Đức Giê-su, trong khi Người rao giảng, đã dạy một cách rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của sự kết hợp giữa người nam và người nữ, đúng như Đấng Tạo Hóa đã muốn ngay từ lúc khởi đầu. Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ là bất khả phân ly: Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mt 19,6).[2]
Đức Giê-su là nguồn ân sủng và mẫu gương trọn hảo của đời sống hôn nhân. Tông đồ Phao-lô làm sáng tỏ điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Thánh nhân còn nói thêm: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Thánh Phao-lô cũng khuyên dạy rằng: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cr 7,10-11).
3. Tại sao Mô-sê cho phép cấp chứng thư ly dị?
Theo luật của Mô-sê, “nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà” (Đnl 24,1). Việc ông Mô-sê cho phép rẫy vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá. Tuy nhiên, khi cho phép cấp chứng thư ly dị, Mô-sê không nhằm giới thiệu việc ly dị như một đạo luật mới, mà nhằm kiểm soát ly dị. Mô-sê không thay đổi ý định của Thiên Chúa dành cho hôn nhân. Mô-sê dạy Thiên Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân bền vững và chung thuỷ. Điều gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly.
4. Độc thân vì Nước Trời nghĩa là gì?
Đức Ki-tô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo. Dây liên kết với Người chiếm hữu vị trí hàng đầu so với mọi dây liên kết khác về gia đình hay xã hội. Ngay thủa ban đầu của Hội Thánh, đã có những người nam và người nữ từ bỏ lợi ích lớn lao của hôn nhân để theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào Người đi, để chuyên lo việc của Chúa, tìm cách làm đẹp lòng Người, và đi đón Tân Lang đang đến. Chính Đức Ki-tô đã mời gọi một số người đi theo Người trong cách sống này, cách sống mà Người luôn là mẫu mực: “có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời” (x. Mt 19,12). Quả thực, độc thân vì Nước Trời là sự triển khai ân sủng Bí tích Rửa tội, là dấu chỉ nổi bật cho sự ưu tiên tuyệt đối của mối liên kết với Đức Ki-tô và cho sự sốt sắng mong chờ Người lại đến, và cũng là một dấu chỉ nhắc nhớ rằng hôn nhân là một thực tại của thế giới hiện tại đang qua đi.[3]
IV. SUY NIỆM VÀ THỰC HÀNH
Sau khi tìm hiểu chủ đề “Chung thủy trong hôn nhân và độc thân vì Nước Trời” trong đoạn Tin mừng Mt 19, 1-12, chúng ta dừng lại ở một vài điểm giúp ta suy niệm và thực hành:
1. Cả hai, Bí tích Hôn nhân và đời sống độc thân vì Nước Trời, đều phát xuất từ chính Chúa. Chính Ngài ban cho cả hai, ý nghĩa và ân sủng cần thiết để sống theo thánh ý Ngài. Ơn gọi độc thân vì Nước Trời và ơn gọi Hôn nhân không thể tách rời nhau mà luôn hỗ trợ cho nhau: “Ai hạ giá hôn nhân, thì người đó cũng hạ giá sự vinh quang của đức trinh khiết; ai ca ngợi hôn nhân, thì người đó càng khâm phục đức trinh khiết.”[4]
2. Sống chung thủy trong bậc sống hôn nhân cũng như độc thân vì Nước Trời của người Ki-tô hữu là phương thế tốt nhất nhắc tất cả mọi người trong thế giới hôm đang đối diện với sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân cũng như đời sống thánh hiến nhớ đến cuộc tình duyên tuyệt vời do Thiên Chúa khởi xướng và sẽ được tỏ hiện trọn vẹn ở đời sau, khi Giáo Hội kết hợp với Chúa Ki-tô là Đấng Phu Quân duy nhất của mình.
V. GIỚI THIỆU BÀI MỚI
Chúng ta vừa tìm hiểu chủ đề: “Chung thủy trong hôn nhân và độc thân vì Nước Trời”. Trong tuần tới, xin mời cộng đoàn tiếp tục đến với chủ đề: “Của cải và Nước Trời”.
Xin cộng đoàn vui lòng đọc trước bản văn Tin Mừng Mt 19, 16-30.
Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội
[1] Bộ Giáo Luật, điều 1055.1.
[2] GLHTCG, 1614.
[3] GLHTCG, 1619.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 67.