Những cuộc đời đã thay đổi sau các kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới
Chuẩn bi Đại hội Giới trẻ Thế giới của các bạn trẻ Brazile
Sự hiện diện của Chúa Kitô, hàng trăm ngàn bạn trẻ Kitô, và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, ba yếu tố tạo nên Đại hội Giới trẻ Thế giới, một sự kiện đã trở nên đặc biệt và sâu sắc đối với các bạn trẻ. Kể từ khi bắt đầu vào năm 1984 ở Roma, nơi có 300.000 bạn trẻ quy tụ để cử hành Năm Thánh đặc biệt dành cho giới trẻ, nhiều người đã sống một kinh nghiệm thiêng liêng và huynh đệ mạnh mẽ, và cả một kinh nghiệm trở thành nhà truyền giáo.
Thật vậy, sự kiện toàn cầu này không phải là một ngọn lửa rơm mau tàn, nhưng Đại hội Giới trẻ là ngọn lửa đốt cháy cả thế giới. Thánh Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, hay Đức Thánh Cha Phanxicô, cả ba theo cách riêng đã thúc giục những người trẻ làm cho thế giới bừng lên: bằng việc trở thành người khởi xướng những cách thức loan báo Tin Mừng mới, qua việc tìm kiếm cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, hoặc trở thành môn đệ truyền giáo. Những lời mời gọi nhóm lại ngọn lửa Thánh Thần, và vang dội trong đôi tai và con tim của hàng ngàn bạn trẻ, từ đó nảy sinh ơn gọi linh mục, tu sĩ, giáo dân truyền giáo hoặc những người dấn thân cho công ích.
Lisbon
Những lời đánh động
Đôi khi chỉ cần một câu nói của Đức Giáo Hoàng tại Đại hội mà cá nhân cảm thấy dường như nói với chính mình. Những lời này vang vọng kéo dài trong những năm sau đó và bừng cháy trong tâm hồn. Đó là trường hợp của nhóm nhạc Glorious. Năm ngoái trong dịp mừng sinh nhật thứ 20, nhóm đã chia sẻ điều này. Ba anh em Aurélien, Benjamin và Thomas Pouzin đã quyết định làm chứng cho đức tin của mình qua những cây guitar và trống. Vào năm 2000, tại Đại hội Giới trẻ ở Roma, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trích dẫn những lời của Thánh Catarina Siena: “Nếu các bạn trở thành người mà các bạn phải là, các bạn sẽ đốt cháy thế giới”. Những lời này đã thực sự đánh động tâm hồn ba anh em, đặc biệt Thomas Pouzin. Hai năm sau album đầu tiên của họ với nội dung loan báo Tin Mừng được phát hành.
Cũng những lời của vị cha chung đã làm cho cuộc đời bà Christine du Coudray, năm nay đã 68 tuổi, thay đổi. Từ 30 năm qua, bà làm việc cho Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, đang hoạt động ở Phi châu, một sứ vụ mà bà chưa từng hình dung ra khi còn làm việc trong bộ phận truyền thông của một công ty dược phẩm lớn ở Dijon. Bà cho biết thậm chí bà còn không biết cách sắp xếp chính xác các quốc gia châu Phi trên bản đồ. Nhưng Đại hội Giới trẻ Thế giới của Santiago de Compostela, vào năm 1989, đã vang lên một tiếng gọi làm thay đổi sâu sắc cuộc đời bà. Đó là Chúa nhật, ngày 20/8/1989, trong bài giảng, Thánh Gioan Phaolô II ngỏ lời với “những người trẻ của thập niên 90 và thế kỷ 20”, kêu gọi họ bước theo Chúa Kitô và phục vụ Người: “Tôi mời gọi các bạn, các bạn trẻ thân mến, hãy khám phá ra ơn gọi đích thực của mình là cộng tác trong việc truyền bá Vương quốc của sự thật và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, công lý, tình yêu và hòa bình”. Bà Christine chia sẻ: “Lời mời sử dụng khả năng phục vụ Giáo hội đã khiến tôi xúc động, tôi đã giữ nó trong lòng suốt bốn năm. Chúa thật kiên nhẫn! Lời mời gọi này đã không làm tôi yên, cho đến khi tôi quyết định bày tỏ ý muốn phục vụ với Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ”.
Christine được đề nghị dẫn dắt khu vực Phi châu. Một năm sau, Christine là nữ giáo dân châu Âu duy nhất tham gia Thượng hội đồng đầu tiên về châu Phi do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng. Hôm nay bà Christine kể lại: “Trong thời gian diễn ra thượng hội đồng, được mời dùng bữa tối với Đức Giáo Hoàng, tôi đã có thể nói với ngài rằng tôi đã ở đó theo tiếng gọi của ngài đến Santiago de Compostela”.
Các bạn trẻ tại Lisbon
Đánh thức nhiệt thành truyền giáo
Ý thức về tính phổ quát của Giáo hội, lời mời gọi dấn thân phục vụ những người yếu đuối nhất, ước muốn đi đến những vùng ngoại vi để làm chứng cho đức tin của mình… Các Đại hội Giới trẻ Thế giới đối với nhiều người trẻ là cơ hội để thức tỉnh truyền giáo.
Khi Christine du Coudray, ở tuổi 38 và bắt đầu lại từ đầu cho nền văn hóa châu Phi, chọn phục vụ Giáo hội châu Phi, bà cảm thấy mong muốn quay trở lại thực tế của các dự án. Trong 30 năm, bà làm việc để phát triển sự hiệp thông giữa những anh chị em trong đức tin, bằng cách lắng nghe và giúp đỡ các giám mục, linh mục và nữ tu của lục địa châu Phi. Bà nói: “Đọc lại câu chuyện đời mình, tôi nhận ra rằng tất cả những điều này tôi đã được trao, dẫn dắt, kể từ Chúa nhật của Đại hội khi Chúa gọi tôi. Và từ lúc tôi thưa xin vâng, mọi sự đã được trao cho tôi ngày qua ngày. Tôi chỉ có thể dâng lời tạ ơn Chúa”.
Hubert và Weronika, một cặp vợ chồng trẻ đang chuẩn bị đi Thái Lan cũng cảm nghiệm được sự thôi thúc truyền giáo này. Một lời kêu gọi bắt đầu từ năm 2019, tại Đại hội Giới trẻ ở Panama. Cả hai nói: “Kể từ cuộc gặp gỡ của chúng tôi ở Panama, chúng tôi đã được mời đến sống và chia sẻ một cuộc phiêu lưu truyền giáo lâu dài”. Họ quyết định dành năm đầu tiên của cuộc hôn nhân để phục vụ những người nghèo nhất và Giáo hội. Họ làm chứng: “Hôm nay, chúng tôi đáp lại lời kêu gọi ‘này con đây’ của Đức Thánh Cha Phanxicô để sống như những môn đệ trong sứ vụ và cống hiến thời gian, sức lực và khả năng của mình để phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất”.
Đại hội GTTG 2019
Kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ
Hàng triệu người trẻ quy tụ để cầu nguyện, ngợi khen và tôn thờ Chúa Kitô, điều đó thay đổi tâm hồn. Nhiều bạn trẻ làm chứng cho niềm vui khi bất ngờ cảm thấy bớt cô đơn. Đây là kinh nghiệm của Ludovic Frère khi 17 tuổi, hiện là linh mục của Giáo phận Gap và Embrun bên pháp. Cha nhớ lại: “Vào thời điểm của Đại hội đầu tiên, nhiều người trẻ như tôi đã tìm lại được đức tin mạnh mẽ, nhận ra rằng mình không phải là Kitô hữu trong góc khuất của mình và đặc biệt không phải là Kitô hữu trẻ của riêng mình”.
Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên của cha Frère là ở Czestochowa, Ba Lan, vào năm 1991, một năm rưỡi sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Cha nói: “Bối cảnh lịch sử này thật ấn tượng, giống như một sự mở ra giữa những người trẻ Tây Âu và những người Đông Âu. Nhưng đối với tôi đó cũng là cơ hội để lần đầu tiên trải nghiệm một sự kiện ở cấp độ quốc tế, với hơn 1,5 triệu người tham dự vào thánh lễ Chúa nhật. Tôi lưu giữ ký ức về đám đông này, như một dấu hiệu hy vọng lớn lao cho đức tin của tôi khi còn là một thiếu niên”.
Cũng ở Ba Lan, nhưng tại Đại hội Giới trẻ ở Krakow năm 2016, Sandrine đã có một trải nghiệm thiêng liêng làm đảo lộn cuộc sống và đổi mới đức tin của cô. Lúc đó cô 27 tuổi, vừa mất việc và không còn tâm trí nào cho sự kiện lớn này. Sandrine nhớ lại: “Tôi không đăng ký, tôi không phải là một nhà thám hiểm và Ba Lan dường như là ngày tận thế đối với tôi! Nhưng sau khi rút lui và theo lời mời của linh mục giáo xứ Saint-Arnoux của tôi ở Gap, cuối cùng tôi đã lên xe đi. Sự kháng cự của tôi được dỡ bỏ, khi Chúa muốn điều gì đó, những trở ngại đã được gỡ bỏ”.
Trong một lần chầu Thánh Thể tại đền thánh Đức Mẹ Czestochowa, Sandrine đã nhìn thấy một điều lạ thường. Sandrine, người thực hành nhiều hơn theo thói quen, đã trải qua một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa. Cô nói: “Tôi cảm thấy được yêu, không phải với tình yêu của con người, nhưng với một tình yêu vô hạn và vô điều kiện. Tôi đắm chìm trong tình yêu này trong vài phút, và nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Từ đó, tương quan của tôi với Chúa hoàn toàn khác. Cách cầu nguyện của tôi đã khác, trước đây tôi thưa chuyện với Chúa mà không biết mình nói với ai, bây giờ với Chúa, tôi cảm thấy một sự gần gũi, thân mật. Cuộc sống của tôi được biến đổi, không chỉ đời sống cầu nguyện. Khi tôi trở về, mọi thứ trở nên nhất quán, tôi đi lễ hàng ngày, tôi tìm được một công việc tại thánh đường Notre-Dame du Laus, tôi thực sự đã chạm vào ngón tay của lòng thương xót của Chúa”. Thực tế, chủ đề của Đại hội lần đó “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).
Nguồn: Vatican News