Lòng nhân ái bao dung
Lòng nhân ái bao dung
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN- NĂM A
Bài đọc 1: Kn 12,13.16-19; Bài đọc 2: Rm 8,26-27; Tin Mừng: Mt 13,24-43.
Một lần nữa, hình ảnh thửa ruộng lại được Chúa Giêsu sử dụng để chuyển tải giáo huấn của Người. Thửa ruộng vừa có lúa vừa có cỏ lùng, phản ánh cuộc sống thực tế của chúng ta. Quả thực, trên đời này luôn hiện hữu những người tốt và những người chưa tốt. Hơn nữa, trong chính mỗi con người cũng có những hành vi tốt và hành vi xấu. Vì thế, Lời Chúa hôm nay vừa diễn tả lòng nhân ái của Thiên Chúa, vừa kêu gọi lòng bao dung của con người. Bởi lẽ, nhờ lòng nhân ái của Chúa mà chúng ta không bị trừng phạt khi lỗi lầm; nhờ lòng bao dung của con người mà bớt đi thành kiến xung đột với cuộc sống xung quanh.
Thiên Chúa là Đấng nhân ái. Tác giả sách Khôn ngoan đã khẳng định như thế. Ngài cũng là Đấng Độc tôn, tức là không có thần linh nào ngang hàng hay sánh bằng (Bài đọc I). Lòng nhân ái của Thiên Chúa được minh chứng suốt bề dày của lịch sử Cựu Ước, cũng là lịch sử nhân loại. Đã nhiều lần người Do Thái phạm tội, nhưng Thiên Chúa thương và tha thứ. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân ái, Ngài cũng muốn chúng ta có lòng bao dung đối với nhau. Tác giả sách Khôn ngoan đã chuyển tải lời Chúa phán: “Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề, là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”. Mỗi người sống trên trần gian là một “tiểu vũ trụ”, có nghĩa là một thế giới riêng, có nhiều điều dị biệt với người khác. “Tiểu vũ trụ” này có nhiều điều cần khám phá và phải tôn trọng. Một tác giả nào đó đã viết: “Đối với vũ trụ bao la, bạn chỉ là một người nhỏ bé. Nhưng đối với một người khác, bạn lại là cả vũ trụ”.
Vì khác biệt về sở thích, tính tình hay quan điểm, nên mỗi người cần phải kiên nhẫn, như người chủ ruộng trong Tin Mừng. Chúa Giêsu cho thấy rõ sự khác biệt giữa cách hành xử của Thiên Chúa và cách hành xử của con người: con người muốn gạt bỏ và tru diệt hết những ai mình không hợp không thích; Thiên Chúa lại nhân ái chờ đợi và mong họ sám hối nên hoàn thiện. Trong thế giới của chúng ta, nếu ông chủ vườn không thể làm cho một cây cỏ lùng đổi thay biến thành cây lúa, thì đối với Thiên Chúa, Ngài lại luôn ban cho các tội nhân một cơ hội để họ sám hối trở về. Đó là câu trả lời cho những thắc mắc thường thấy: tại sao trên thế giới này vẫn tồn tại những người thất đức, đôi khi họ lại còn may mắn hơn người sống tốt lành? Thiên Chúa cũng là nguyên lý của mọi sự tốt lành. Ngài chỉ gieo lúa vào cuộc đời. Sự xuất hiện của cỏ lùng là do âm mưu của ma quỷ và của chính con người.
Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người tự vấn lương tâm: tôi là cây lúa hay cây cỏ lùng trong “vườn đời” này? Đừng chủ quan nhận mình là hoàn thiện, nhưng hãy can đảm nhận ra tình trạng thực của mình. Có những lúc chúng ta giống như cỏ lùng, làm mất đi sự hài hòa trong mối tương quan với những người trong một gia đình hoặc trong một cộng đoàn. Có những khi chúng ta đang vô tình gieo vào lòng những người đơn sơ hay trẻ nhỏ những gương xấu, giống như kẻ gieo cỏ lùng lẫn vào ruộng lúa ban đêm.
Thiên Chúa là Đấng nhân ái và thương xót, nhưng Ngài cũng là vị thẩm phán công minh. Có những người cố tình khước từ lòng thương xót của Chúa, mặc dù họ được nghe nói về Ngài. Họ phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Cho đến mùa gặt, tức là vào lúc sau hết của cuộc đời, có những cây cỏ lùng vẫn cố tình là cỏ lùng mà không chịu biến đổi, lúc đó sẽ bị đốt trong lửa. Cùng mọc lên trên một thửa ruộng, nhưng đáp số cuối cùng của cây lúa và cây cỏ lại khác nhau: lúa nuôi sống người được thu vào lẫm; cỏ vô dụng bị bó lại đốt đi. Đó là hình ảnh diễn tả người công chính và các tội nhân mà chúng ta thường gọi là thiên đàng hay hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi vắng bóng Thiên Chúa, không có tình thương. Nơi ấy, chỉ có hận thù khôn nguôi và đau khổ vĩnh viễn.
Trong vườn đời có nhiều lúa và cỏ cùng hiện hữu, người tin Chúa cũng được mời gọi đóng góp phần mình làm cho những người còn lạc xa đường chân lý được tỉnh ngộ và trở về. Hãy giúp họ nhận ra lòng nhân ái của Chúa, qua sự bao dung của mỗi chúng ta. Ngài là Cha yêu thương, luôn chờ đợi các tội nhân trở về, để tha thứ và ban cho họ nghị lực mới. Như thế, thay vì buồn sầu bi quan vì cộng đoàn tín hữu là thiểu số trong một xã hội mênh mông, thì hãy ngẩng cao đầu vì có Chúa ở với chúng ta. Chúng ta cũng vui mừng tự hào, vì Chúa trao cho sứ mạng trở thành muối và ánh sáng cho đời. Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn và bao dung. Hãy kiên nhẫn và bao dung như Ngài trong cách đối xử với anh chị em mình.
Xin ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ để chúng ta được ơn trung thành với Chúa và nhất là biết sống theo thánh ý của Ngài. Vâng, đời sống gia đình, những sinh hoạt trong giáo xứ, những mối tương quan nghề nghiệp bạn bè trong cuộc sống đời thường đang là những môi trường để chúng ta thực thi sứ mạng làm men làm muối cho đời. Kể cả lời cầu nguyện của chúng ta cũng rất cần có Chúa Thánh Thần soi sáng, vì Ngài hiểu nỗi lòng và những ước nguyện chính đáng của từng người trong chúng ta (Bài đọc II).
TGM Giuse Vũ Văn Thiên – TGP Hà Nội