“Đức Mẹ an giấc” có nghĩa là gì?
“Đức Mẹ an giấc” có nghĩa là gì?
Bức tranh khảm của Jacopo Torriti “Đức Mẹ an giấc” (1296) tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, Rome, Ý.
“Đức Mẹ an giấc” (Dormition of Mary) đề cập đến việc Đức Mẹ “đang chìm vào giấc ngủ”, xuất phát từ một chữ tiếng Latinh có nghĩa là “ngủ” (domire).
Trong khi hầu hết những người Công giáo đều quen thuộc với thuật ngữ “Đức Mẹ hồn xác về trời” (Assumption of Mary), nhưng một số người lại không nhận ra hoặc không hiểu về thuật ngữ “Đức Mẹ an giấc” (Dormition of Mary).
“Đức Mẹ an giấc” có nghĩa là gì?
Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Trinh Nữ Maria rời khỏi thế gian này, nhiều Kitô hữu thời kỳ đầu gọi mầu nhiệm này là “Giấc ngủ của Đức Mẹ” (“Sleep of Mary”) hay “Đức Mẹ an giấc” (“Dormition of Mary”, từ tiếng Latinh domire, có nghĩa là ngủ). Dưới nhiều góc độ, điều này làm nổi bật niềm tin rằng Mẹ Maria đã qua đời trước khi được lên thiên đàng.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích điều này như sau, “Sau cùng, Đức Trinh Nữ Vô nhiễm, được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi tì vết nguyên tội, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả xác cả hồn, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để Mẹ được đồng hình đồng dạng cách sung mãn hơn với Con mình, là Chúa các chúa và là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.” (GLHTCG, số 966)
Thánh Gioan Ðamascênô, vào thế kỷ thứ VIII, thuật lại rằng “Thánh Juvenal, Giám mục Giêrusalem, tại Công đồng Calcêđônia (451), vốn biết… rằng Mẹ Maria đã chết trước sự chứng kiến của tất cả các tông đồ, nhưng ngôi mộ của Mẹ, khi được mở ra, theo yêu cầu của Thánh Tôma, đã bị bỏ trống; từ đó các tông đồ kết luận rằng thân xác Đức Mẹ đã được đưa lên trời.”
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bình luận về truyền thống này trong một bài huấn dụ vào buổi đọc kinh Truyền tin ngày 15 tháng 8 năm 2011.
Ở Đôngphương, ngày nay lễ này vẫn được biết đến với cái tên “Đức Mẹ an giấc”. Một bức tranh khảm cổ xưa trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma được lấy cảm hứng chính xác từ hình ảnh của Đông phương về “sự an giấc” khi miêu tả các tông đồ, những người, vốn được các thiên thần loan báo về sự kết thúc cuộc đời trần thế của Mẹ Chúa Giêsu, đang quy tụ bên giường Đức Trinh Nữ.
Nhiều Kitô hữu Đông phương cử hành ngày 15 tháng 8 như là Ngày lễ về sự An giấc của Đức Mẹ Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) và Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh.
Tác giả: Philip Kosloski – Nguồn: Aleteia
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên