Nêu tên Đức giám mục trong Kinh nguyện Thánh thể như thế nào ?
Nêu tên Đức giám mục trong Kinh nguyện Thánh thể như thế nào ?
Việc xướng đích danh tên của Đức Giáo hoàng (lãnh đạo Hội Thánh phổ quát), Đức Giám mục giáo phận (lãnh đạo Hội Thánh địa phương) và có thể là tên của cả Đức Giám mục phó hay phụ tá trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể nhằm 3 mục đích.
MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA [1]
Kinh nguyện Thánh Thể được xếp vào một trong số những lời nguyện cao trọng và thánh thiện nhất của Hội Thánh. Vì thế, Hội Thánh hết sức cẩn trọng trong từng từ ngữ và cấu trúc của kinh nguyện này. Trừ ra những trường hợp hết sức hoạ hiếm như quyết định thêm tên Thánh Giuse vào, bản văn và công thức được Giáo Hội soạn ra trong các Kinh nguyện Thánh Thể không nên có bất kỳ một sự thêm thắt tự tiện nào khác và không được bỏ sót nêu tên Đức Giáo hoàng và Giám mục giáo phận.[2]
Việc xướng đích danh tên của Đức Giáo hoàng (lãnh đạo Hội Thánh phổ quát), Đức Giám mục giáo phận (lãnh đạo Hội Thánh địa phương) và có thể là tên của cả Đức Giám mục phó hay phụ tá trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể nhằm 3 mục đích. Thứ nhất, tôn trọng một truyền thống rất xa xưa trong Hội Thánh; Thứ hai, để các tín hữu đồng tâm nhất trí với các ngài và cầu nguyện cho các ngài;[3] Thứ ba, không những thế, những lời này còn ít nhiều diễn tả dạng thức trung thành của cộng đoàn tín hữu đối với các vị lãnh đạo của họ. Lời cầu được tiếp nối bằng việc cầu nguyện cách chung cho “tất cả các Gíam mục”[4] và cho “toàn thể hàng giáo sĩ khắp nơi”[5] (không nhắc tên đích danh) nhằm biểu hiện mối dây hiệp nhất của cộng đoàn tín hữu với các ngài là những vị mục tử trong Hội Thánh.[6]
Khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể, các tư tế không nhân danh bản thân mình, nhưng là đại diện Chúa Kitô và Giáo Hội. Trọn vẹn Kinh nguyện Thánh Thể mang âm hưởng hiệp thông, do đó, công thức này diễn tả một thực tại thần học sâu xa trong đó tư tế và cộng đồng bày tỏ họ thuộc về Hội Thánh hoàn vũ qua sự hiệp thông theo phẩm trật với Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục giáo phận là những vị đã được tín thác cho nhiệm vụ dưỡng nuôi và củng cố sự hiệp nhất thâm sâu của Nhiệm thể Chúa Kitô.[7] Đức Thánh Cha đại diện cho sự hiệp nhất này ở cấp độ hoàn vũ vì ngài là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu, là dấu chỉ và là người phục vụ sự hiệp thông giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai quản; còn Đức Giám mục giáo phận, ngài là nguyên lý và nền tảng hữu hình, là dấu hiệu và khí cụ cho sự hiệp nhất này ở cấp độ địa phương. Kinh nguyện Thánh Thể nhắc tới sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, với Đức Giám mục giáo phận, với Giám mục đoàn, với toàn thể hàng giáo sĩ là cần thiết để Thánh lễ cử hành mang tính Công giáo đích thực. Việc nêu đích danh tên của Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục giáo phận thực sự dựa trên khoa Giáo Hội học về hiệp thông, tức là sau Đức Giáo hoàng, sự hiệp thông Giáo Hội được thiết lập qua Đức Giám mục giáo phận xét như ngài là Đại diện Đức Kitô (vicarius Christi), là chủ chăn của một phần Dân Chúa ở đó.[8] Hơn nữa, sự hiệp thông với Giám mục giáo phận là điều kiện để mọi cử hành trong địa phận được hợp pháp.[9]
CÁCH THỨC NÊU TÊN ĐỨC GIÁM MỤC [10]
1.Phải nêu tên
Cách chung, tư tế trước hết nêu danh hiệu của Đức Giáo hoàng đương kim mà theo tập quán chỉ cần nêu tên ngài chứ không cần nêu con số. Tiếp đến, tư tế nêu danh tính của Đức Giám mục đang cai quản giáo phận (Bản quyền địa phương) hoặc Đức Giám mục gíam quản giáo phận hoặc vị cùng đẳng cấp với Giám mục giáo phận theo luật. Nếu có thể, tư tế nêu thêm tên của Đức Giám mục phó hay phụ tá. Tại Rôma, chỉ nêu tên Đức Giáo hoàng mà thôi vì ngài là Giám mục của giáo phận Rôma.
2.Không nêu tên
Cách chung, không nêu tên Đức Giám mục khi vị tư tế dâng lễ trên biển khơi hay những nơi không có Đức Giám mục cư trú. Cũng nên bỏ qua những tước hiệu danh dự như Hồng y. Trong Thánh lễ đồng tế có nhiều vị Giám mục tham gia cử hành, nguyên tắc là không nêu tên các Đức Giám mục ngoài giáo phận, dù một trong số các ngài làm chủ tế. Cũng không nêu tên Đức Giám mục về hưu (trừ khi ngài vẫn tiếp tục được chọn điều hành tạm thời giáo phận trong tư cách là giám quản giáo phận).[11] Tốt nhất, nên cầu nguyện cho các ngài trong phần Lời nguyện Tín hữu.
Cụ thể hơn, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 149 dạy rằng:
- Vị tư tế tiếp tục Kinh nguyện Thánh Thể như chữ đỏ đã ghi trong mỗi kinh.
- Nếu chủ tế là Đức Giám mục cử hành trong giáo phận của mình và chính ngài đọc thì sau những lời “cùng với Ðức Giáo hoàng T” (Papa nostro N.), ngài thêm “và con là tôi tớ bất xứng của Chúa cùng toàn thể hàng giáo sĩ” (et me indigno famulo tuo… – Kinh nguyện Thánh Thể II). Cũng áp dụng tương tự như vậy cho các Kinh nguyện Thánh Thể khác, chẳng hạn, đối với Kinh nguyện Thánh Thể III, Giám mục chủ tế đọc: “cùng với tôi tới Chúa là Đức Giáo hoàng T . và con là tôi tớ bất xứng của Chúa, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa”.
- Nếu Đức Giám mục cử hành ngoài giáo phận của mình, sau những lời: “cùng với Ðức Giáo hoàng T.”( Papa nostro N.), ngài thêm: “và con là tôi tớ bất xứng của Chúa và người anh em con là T., Giám mục giáo phận T. này” (et me indigno famulo tuo, et fratre meo N., Episcopo huius Ecclesiae N.).
- Đức Giám mục giáo phận, hoặc vị cùng đẳng cấp với Giám mục giáo phận theo luật (có thể là một vị linh mục), phải được xướng tên với công thức: “cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo hoàng T. và Ðức Giám mục T. (hoặc: đại diện, giám chức, phủ doãn, đan viện phụ)[12] chúng con” [una cum famulo tuo Papa nostro N. et Episcopo (Vicario, Prelato, Praefecto, Abbate)].[13]
- Trong Kinh nguyện Thánh Thể, có thể xướng tên các Đức Giám mục phó và phụ tá,[14] nhưng không cần xướng tên các Đức Giám mục khác có thể hiện diện trong buổi cử hành.[15] [Những lời kính trọng dành cho các ngài ở chỗ này là không phù hợp bởi vì cử hành Thánh lễ tại một Giáo Hội địa phương được cắm rễ sâu xa nơi chức tư tế của Giám mục giáo phận xét vì là ngài là tiêu điểm và nguyên lý của sự hiệp nhất; hơn nữa, những lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể cũng bao gồm việc cầu nguyện cho tất cả các Giám mục].[16]
- Khi phải xướng tên nhiều vị, nên đọc theo một công thức chung: “Ðức Giám mục T. giáo phận chúng con và các Đức Giám mục cộng tác với ngài” (et Episcopo nostro N. eiusque Episcopis adiutoribus).[17]
- Trong mỗi Kinh nguyện Thánh Thể, phải thích ứng những công thức trên sao cho hợp với cấu trúc văn phạm.
LƯU Ý MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP
1.Trống ngôi Giáo hoàng
Nếu Đức Giáo hoàng đương kim qua đời (sede vacante), cho dầu Đức Giáo hoàng về hưu vẫn còn sống, thì trong thời gian chờ đợi có Tân Giáo hoàng, vị tư tế không nêu tên Đức Giáo hoàng đã quá cố hay tên bất cứ Đức Giáo hoàng nào khác.
2.Tòa Giám mục trống ngôi
Khi tòa Giám mục trống ngôi (sede vacante) do Đức Giám mục đương chức qua đời, từ nhiệm hay chuyển đến một toà khác, giáo phận sẽ được điều hành bởi một linh mục hay Giám mục với vai trò làm giám quản giáo phận.[18]
Nếu vị này là một linh mục giám quản do hội đồng tư vấn giáo phận bầu lên hoặc do Đức Tổng Giám mục giáo tỉnh chỉ định [trong trường hợp qua 8 ngày mà vẫn chưa bầu xong] để điều hành tạm thời cho đến khi có một Đức Giám mục khác được bổ nhiệm cai quản giáo phận, thì không cần nêu tên ngài trong Kinh nguyện Thánh Thể vì chỉ nguyên danh hiệu giám quản không phải là danh hiệu phụng vụ và không thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông như thánh chức Giám mục [cùng với Bí tích Thánh Thể] như sẽ nói tiếp dưới đây.[19]
Nếu giám quản là một vị Giám mục, tên của ngài phải được nêu trong Kinh nguyện Thánh Thể như thường cho đến khi một Đức Giám mục khác được bổ nhiệm về cai quản địa phận qua nghi lễ tựu chức theo đòi hỏi của Giáo luật số 382.[20] Điều này có nghĩa là dù Toà Thánh đã công bố danh tánh của vị tân Giám mục và đã có văn thư của Toà Thánh bổ nhiệm ngài làm Giám mục chính toà coi sóc giáo phận, nhưng tư tế trong giáo phận vẫn chỉ nêu tên Đức Giám mục giám quản chứ không nêu tên vị tân Giám mục này cho tới ngày ngài được phong chức Giám mục (nếu chưa chịu chức) và chính thức tựu chức. Tuy nhiên, không được đọc các danh hiệu khác biệt nếu có của vị Giám mục giám quản như Tổng Giám mục, Hồng y Tổng Giám mục hay Giám quản Tông toà. Lý do được nêu đích danh trong Kinh nguyện Thánh Thể không phải vì ngài làm giám quản nhưng vì ngài là Giám mục giám quản. Ở một mức độ nào đó, ngài cũng tương tự như vị Giám mục giáo phận, cho nên công thức trong Kinh nguyện Thánh Thể không cần thay đổi (vẫn đọc “Đức Giám mục T. chúng con…”). Với thánh chức Giám mục mà ngài đã lãnh nhận trong ngày phong chức, ngài lãnh nhận sự sung mãn của Bí tích Truyền chức (primatus sacerdotii), trở nên người kế vị các Tông đồ để chăn dắt Giáo Hội Chúa cũng như thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông của Giáo Hội địa phương [bên cạnh Bí tích Thánh Thể] trong vai trò Giám mục giám quản. Tác giả Susan K. Wood nhắc lại rằng, theo Công đồng Vatican II, hai điều cần thiết cho một Giáo Hội đặc thù là Thánh Thể và Giám mục. Một Giáo Hội đặc thù cốt yếu là một cộng đoàn bàn thờ (thờ phượng, altar) quanh vị Giám mục của mình.[21]
3. Có nêu tên Đức Giám mục nghỉ hưu không?
Theo tác giả Edward McNamara, chỉ có Giám mục giáo phận đương nhiệm mới được nêu tên đích danh trong Kinh nguyện Thánh thể và việc nêu danh tánh Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể không phải là một vấn đề lịch sự hoặc kính trọng, nhưng là một vấn đề hiệp thông Giáo Hội (una cum Papa et Episcopo).[22] Dựa vào văn thư của Bộ Phụng tự “De nomine Episcopi proferendo in Prece eucharistica” (09-10-1972), cha Đỗ Xuân Quế, OP cũng nhắc lại rằng: “Cầu nguyện cho Đức Cha trong Kinh nguyện Thánh Thế vừa là bổn phận vừa là điều phải lẽ, “không phải chỉ để tỏ lòng tôn kính mà chính là để biểu lộ mối hiệp thông và tình bác ái đối với ngài, hầu xin ơn trợ giúp cho bản thân và sứ vụ của ngài” [tiếng la-tinh là “Non tantum vel non praecipue honoris gratia, sed ob causam communionis et caritatis, sive ad divina auxilia pro ejus persona et ministerio impetranda”] (Acta Apostolicae Sedis 64 [1972], 692-694).[23]
Ở cấp độ hoàn vũ, mỗi Giám mục giáo phận đại diện cho Giáo Hội tại địa phương của mình, và tất cả các Giám mục cùng với Giáo hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.[24] Giám mục của hai giáo phận có thể thiết lập sự hiệp thông với nhau, nhưng để hoàn toàn thuộc về Giáo Hội Công giáo, họ hay Giám mục đoàn, cần phải hiệp thông hữu hiệu với Đức Thánh Cha, ngài làm Đầu cho Thân Thể hay Đoàn Thể các Giám mục, và đó chính là Giám mục Roma.[25] Ở cấp giáo phận, linh mục đại diện cho các Giám mục để thi hành thừa tác vụ rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa.[26] Theo Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), các linh mục là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám mục; Họ phụ thuộc vào các Giám mục trong việc thực thi quyền hành của họ” (số 28). Do đó, sự hiệp thông của họ với Bản quyền địa phương không kém phần quan trọng.
Phần trình bày trên giải thích lý do tại sao trong lời chuyển cầu của Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta chỉ nêu đích danh danh hiệu của Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục giáo phận đương nhiệm chứ không nêu danh tánh của Đức Giám mục về hưu [hay Đức Giáo hoàng về hưu]. Các ngài là Giám mục và đứng trong Hàng ngũ Giám mục, nhưng các ngài không còn thi hành sứ vụ cai quản giáo phận [hay Giáo Hội hoàn vũ] như khi đương chức. Lúc này, các ngài không còn là biểu tượng, là sự diễn tả của sự hiệp thông, hay chịu trách nhiệm cho mối dây hiệp thông của Giáo Hội địa phương hoặc của Giáo Hội hoàn vũ nữa. Vì vậy, như đã nói, các ngài được xếp nằm trong lời cầu nguyện cách chung (không nhắc tên đích danh) dành cho tất cả các Gíam mục và cho toàn thể hàng giáo sĩ nhằm biểu hiện mối dây hiệp nhất của cộng đoàn tín hữu với các ngài là những vị mục tử trong Hội Thánh.[27]
Tuy không đưa tên Đức Giám mục nghỉ hưu vào Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu trong giáo phận nên cầu nguyện luôn cho ngài trong phần Lời nguyện Tín hữu của Thánh lễ hằng ngày hay trong Lời cầu của Giờ kinh Phụng vụ mỗi ngày. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ dâng Lời nguyện Tín hữu trong Thánh lễ Chúa nhật hay những dịp trọng thể. Thực ra, Hội Thánh khuyến khích dâng Lời nguyện Tín hữu mỗi ngày trong mọi Thánh lễ có giáo dân tham dự.[28]
Về vấn đề điều chỉnh thêm thắt những chi tiết khác vào trong các văn bản hoặc chữ đỏ của Thánh lễ nói chung và trong Kinh nguyện Thánh Thể nói riêng, các vị tư tế nên nhớ rằng, Thánh lễ thuộc về toàn thể Hội Thánh và là một phần quan trọng của “Kho tàng đức tin” (depositum fidei)[29] nên chỉ có Huấn quyền của Giáo Hội (Magisterium) mới có quyền thay đổi, ngay cả Giám mục giáo phận cũng không có thẩm quyền trừ ra phải tuân theo những thủ tục nghiêm ngặt, như phải có những lý do mục vụ hết sức cần thiết, được Hội đồng Giám mục thông qua [với 2/3 số Giám mục đồng ý] và phải trình lên Toà Thánh để đươc phê chuẩn trước khi đem áp dụng. Vì thế, các linh mục càng phải tránh xa thói quen tự ý thêm thắt điều này điều kia vào trong Kinh nguyện Thánh Thể. [30]
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Nguồn: gpcantho.com
—
[1] Xc. Edward McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers” trong A Zenit Daily Dispatch (17 Feb. 2009) – Notitiae 45 (2009) 308-320.
[2] Xc. Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 22; Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 24; Huấn thị Bí tích Cứu độ (Redemptionis sacramentum), số 51, 56, 59.
[3] Xc. Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 56; Edward McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers”; Notitiae 45 (2009) 308-320.
[4] Kinh nguyện Thánh Thể I; III; IV; Giao Hoà II; Cầu cho những nhu cầu khác nhau I, II, III, IV
[5] Kinh nguyện Thánh Thể II; III; IV; Cầu cho những nhu cầu khác nhau II, III, IV; Thánh lễ với trẻ em II, III.
[6] Xc. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 79g.
[7] Xc. Barry Hudock, The Eucharistic Prayer – A User’s Guide (Collegeville, Minnesota: A Pueblo / The Liturgical Press, 2010), 82.
[8] Xc. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium = LG), số 22-23; Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của Giám mục (Christus Dominus), số 6; Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1369.
[9] Xc. ĐGH Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Sacramentum Caritatis, số 39.
[10] Xc. Xc. Edward McNamara, “Inserts into Eucharistic Prayers” trong A Zenit Daily Dispatch (Rome – 19 May 2015).
[11] Xc. Giáo Luật số 418#2: Trong trường hợp này, tư tế vẫn nêu tên ngài như công thức thông thường “cùng với Đức Giáo hoàng T., Đức Giám mục T. chúng con…” (Kinh nguyện Thánh Thể II).
[12] Vị có quyền tài phán (jurisdiction) trên một lãnh thổ không gắn với bất cứ giáo phận nào.
[13] Xc. Giáo Luật số 370-371; The Decree Cum de nomine, on the mention of the bishop’s name in the Eucharistic Prayer (October 9, 1972), Acta Apostolicae Sedis 64 [1972], 692-694 trong Documents on the Liturgy, 1963-1979, no. 1970).
[14] Có thể xướng tên nếu vị tư tế muốn (Notitiae 45 (2009) 308-320.
[15] Dù ngài đang chủ sự buổi cử hành phụng vụ.
[16] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 92; Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Collegeville, Minnesota: A Pueblo / The Liturgical Press, 2007), 250-251.
[17] Nghĩa là không nêu từng tên riêng biệt vì có những giáo phận mà số Đức Giám mục phụ tá là 3,4,5 hay thậm chí lên tới 9 vị.
[18] Xc. Giáo Luật số 416.
[19] Xc. Giáo Luật số 419; 421#1; LG, số 20; 21; Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo hội như là hiệp thông” (ngày 28 tháng 5 năm 1992), số 14.
[20] Xc. Bộ Phụng tự Thánh, Sắc lệnh Cum de nomine (AAS 64 [1972], 692-694.
[21] Xc. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (=LG), số 20-23; Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo hội như là hiệp thông”, số 14; Susan K. Wood, “The Church as Communion” trong Peter C. Phan (ed), The Gift of the Chuch (Collegeville, Minnesota: A Pueblo / The Liturgical Press, 2000), 159-176.
[22] Xc. Edward McNamara, “Mentioning Bishops in the Eucharistic Prayers”; Notitiae 45 (2009) 308-320.
[23] Đỗ Xuân Quế, “Đọc tên Đức Cha trong Kinh nguyện Thánh Thể” trong http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Phungvu/69KinhNguyenTT.htm
[24] Xc. LG, số 23.
[25] Ibid., số 22b; Bộ Giáo lý Đức tin, “Giáo hội như là hiệp thông”, số 12.
[26] Xc. LG, số 28.
[27] Xc. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 79g; 92; Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, 250-251
[28] Xc. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 69; Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 48.
[29] Xc. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 84.
[30] Xc. Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 22; Giáo luật 838, 846, 928; Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 24; Paul VI, address of August 22, 1973: L’Osservatore Romano (August 23, 1973); Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 51 và 59; Tông Huấn Sacramentum Caritatis, số 37-40; Inaestimabile Donum, số 5; Edward McNamara, “Inserts into Eucharistic Prayers”.