Xin cứu chúng con
Thứ Ba trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
St 19:15-29; Tv 26:2-3,9-10,11-12; Mt 8:23-27
Xin cứu chúng con
Cuộc đời mỗi chúng ta trên hành trình trần gian này được ví như con thuyền trên biển sóng. Biển lúc nào cũng có sóng, lúc nhẹ nhàng êm ả hiền lành, nhưng cũng có lúc sóng dữ làm chao đảo, muốn nhận chìm cả thuyền. Những con sóng ngoài thuyền như sự dữ bên ngoài ta, nhưng nếu chúng ta tin tưởng vào sức mạnh tình thương và quyền năng Chúa thì không có gì đáng sợ. Nếu không tin tưởng vào Chúa, thì con thuyền đời ta dễ dàng bị sóng đánh vỡ.
Nếu chúng ta không bảo vệ con thuyền bằng đức tin, thì có khác gì ta tự đâm thủng thuyền mình cho sự dữ tràn vào, tự mình đánh mất mình trên biển đời dương thế. Lúc ấy, không phải “con thuyền không bến”, nhưng “có bến, mà không còn thuyền nữa để mà về”.
Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài xuống thuyền ra khơi thì gặp lúc biển động dữ dội, làm cho các ông lo lắng sợ hãi. Thật ra, đây là những gian nan thử thách xảy đến để các ông ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời phải biết đặt niềm trông cậy vào Chúa. Mặc dù hầu hết các Tông đồ là những dân chài có nhiều kinh nghiệm, nhưng khi đứng trước cơn bão lớn, gió mạnh đã làm cho các ông sợ hãi và các ông đã kêu cầu đến Chúa: “Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con, kẻo chúng con chết mất”. Nhờ vào sự trông cậy đó mà các ông được chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa.
Đời người được ví như một chuyến hải hành đi về miền Đất Hứa. Nhưng chuyến hải hành này không bao giờ phẳng lặng từ khi khởi hành cho đến lúc kết thúc hành trình trên “đại dương cuộc đời”.
Thiên Chúa có chương trình dành riêng cho con người, theo như cách thế của Người; mà con người không sao hiểu thấu. Người đã cho phép những nghịch cảnh, những bất trắc, những khó khăn hiểm nguy, những biến động của thiên nhiên… thậm chí cả sự chết; được quyền xảy ra trong cuộc sống của con người, để thức tỉnh con người trở về với Đấng là Khởi Nguyên và cũng là Cùng Đích của mọi sự.
Qua đó, con người ý thức được sự yếu đuối, mỏng dòn, và có giới hạn của mình. Đồng thời, cho con người ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa, ý thức về tình thương, và sự quan phòng của Ngài vẫn tồn tại từ muôn đời nay. Rồi từ đó, giúp con người biết đặt niềm trông cậy, vững tin, phó thác cuộc đời của mình cho Thiên Chúa định liệu và an bài.
Hãy tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa. Đừng kém tin hay ngờ vực sự hiện diện của Chúa, mà thất vọng trước những thách đố là đau khổ, bệnh tật hay thất bại trong đời. Hãy nhớ rằng Chúa luôn hiện diện, đồng hành, can thiệp và giải cứu chúng ta khỏi sự dữ trên hành trình vượt biển trần gian về đến bến bờ là Nước Thiên Chúa. Đừng tưởng lầm Chúa không quan tâm. Đừng tưởng là vắng bóng Chúa. Đừng tưởng lầm Người đang ngủ quên. Chúa vẫn luôn ở bên ta. Hãy vững lòng tin, lòng cậy, lòng mến. Điều đáng lo ngại là chúng ta thiếu lòng Tin Cậy Mến Chúa. Và đáng trách nhất là chúng ta bằng lòng cuốn mình theo sự dữ, theo điều bất chính, tự đâm thủng con thuyền mình để cho sự dữ tràn vào và chết chìm trong hành trình vượt biển.
Sự quan phòng của Thiên Chúa đã cho phép cơn bão tố xảy ra trong cuộc sống con người để thức tỉnh con người trở về với Ngài. Ðiều quan trọng không phải là không có bão tố hoặc khó khăn thử thách, nhưng là có Chúa hiện diện dù lúc đó xem ra Ngài ngủ, không màng chi đến nguy hiểm đang xảy ra. Thật thế, gian nan thử thách Thiên Chúa cho xẩy đến là để con người ý thức về sự yếu đuối, mỏng dòn của mình, đồng thời đặt niềm trông cậy vào Chúa. Cơn bão xẩy ra đã làm cho các Tông Ðồ không còn dựa vào phương tiện vật chất là chiếc thuyền đang nâng đỡ chở che các ông, cũng như không còn tự phụ vào tài năng vượt biển của mình; trái lại, các ông ý thức mình cần đến Chúa. “Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”. Chính nhờ lời cầu nguyện trong lúc gian nan nguy hiểm, các Tông Ðồ được chứng kiến phép lạ và quyền năng của Chúa.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta cần phải có thái độ như các Tông đồ xưa khi chúng ta gặp phải những gian nan thử thách, đó là: “Lạy Thầy, xin cứu chúng con”. Xin Chúa mở mắt cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống hằng ngày, để chúng ta ý thức rằng chúng ta luôn cần đến Chúa.