CHẠNH LÒNG THƯƠNG
18.6 Chúa Nhật thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
Xh 19:2-6; Tv 100:1-2,3,5; Rm 5:6-11; Mt 9:36-10,8
CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Chúa Giêsu đã dành tình yêu thương cho con người, đặc biệt là những người nghèo khó, bệnh tật, bơ vơ không nơi nương tựa. Tin mừng theo thánh Matthêu (Mt 15, 29-37) nêu lên hình ảnh Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám đông dân chúng. Vì chạnh lòng thương Chúa đã chữa lành cho người câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Trước hành động của Chúa Giêsu mục tử, nhiều người đã nhận ra được tình yêu lòng thương xót của Thiên Chúa, từ đó họ dâng lời tôn vinh Người.
Thêm nữa, vì chạnh lòng thương Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng khi họ đi theo và nghe Người giảng dạy. Phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho đám đông dân chúng được ăn no nê cũng là một hình ảnh tuyệt vời để diễn tả cõi lòng của Chúa Giêsu, Người muốn cho họ luôn được dưỡng nuôi no đủ và dư đầy. Không chỉ là của ăn vật chất là cơm bánh để nuôi dưỡng thể xác nhưng chính Người muốn tự hiến mình trở nên tấm bánh là chính Mình và Máu Người nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn con người.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã làm người để ở cùng chúng ta. Ngài đến trần gian để loan báo Tin Mừng Nước Trời và chữa lành bệnh tật hồn xác cho con người. Ngài ở giữa nhân loại để cảm thông và sớt chia mọi nỗi khổ đau của chúng ta bằng trái tim “chạnh lòng thương” của một Vị Thiên Chúa làm Người.
Qua con người Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật sự rất gần gũi với con người qua mọi thời đại. Ngài cảm được mọi niềm vui nỗi buồn của chúng ta, Ngài thấu cảm bao nỗi lo toan của kiếp nhân sinh, Ngài thấy rõ những khát vọng sâu kín nhất của chúng ta, và chỉ có Ngài mới làm tròn đầy mọi ước nguyện chân thành nhất của chúng ta.
Thật vậy, trang Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta nhận ra được những điều ấy nơi con người Chúa Giêsu. Ngài đã đi khắp các thành thị, làng mạc để rao giảng Tin Mừng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (x.c.35). Khi thấy đám đông, Ngài đã chạnh lòng thương, vì thấy họ lầm than vất vưởng (x.c.36). Ngài thấy rõ nhu cầu cần có những thợ gặt trong cánh đồng của Thiên Chúa (x.c.37), và Ngài đã thành lập Nhóm Mười Hai để tiếp nối công trình cứu độ của Ngài nơi trần gian.
Tin Mừng của Chúa Giêsu có sức mạnh giải thoát và biến đổi hoàn toàn cuộc đời con người. Thánh Phaolô là một trong những người đã được biến đổi, được lôi kéo bởi Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Phaolô đã để lại đàng sau quá khứ, con người cũ, để trở thành con người say mê Tin Mừng và miệt mài nói về lòng thương xót của Chúa đã dành cho ông. Phaolô đã nhận ra tất cả cuộc đời của ông là một chuỗi những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, chỉ vì Ngài chạnh lòng xót thương ông.
Chúng ta tin rằng : Con người có thể vô cảm dửng dưng với nhau, nhưng Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng với đau khổ của con người. Vì, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa chạnh thương. Tin như thế, để không bao giờ ta thất vọng khi gặp đau khổ, thử thách. Tin, để thấy Chúa luôn ở bên chúng ta, Chúa đang đồng cảm với đau khổ của chúng ta ; Ngài đang bước cạnh chúng ta khi chúng ta gặp thử thách tăm tối nhất. Chúa cũng đang nói với kẻ đau khổ : Đừng khóc nữa ! Đừng buồn, đừng thất vọng nữa! Có Ta đang chia sẻ với con !
Thiên Chúa cũng đang an ủi, nâng đỡ cuộc sống chúng ta qua bao người chung quanh. Thiên Chúa đang dùng họ để đồng hành, chia sẻ với cuộc sống của ta, chỉ có điều chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không mà thôi. Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn qua chúng ta để Ngài đồng hành và an ủi các anh chị em đau khổ khác nữa. Ngài muốn mượn trái tim của ta để chạnh thương những anh chị em bất hạnh. Ngài muốn dùng đôi tay của chúng ta để chạm đến anh chị em, dùng môi miệng ta để nói lời an ủi yêu thương, dùng ánh mắt của ta để khích lệ anh chị em chỗi dậy những khi bị suy xụp.
Ngày nay, trong đời sống có nhiều những “tấm bánh” chỉ được giữ riêng cho cá nhân và không hề được bẻ ra chia sẻ cho những người đang sống trong cảnh nghèo đói, khốn khổ. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: “chúng ta bị tràn ngập những tin tức và hình ảnh kinh hoàng thuật cho chúng ta đau khổ của con người và đồng thời chúng ta cảm thấy mình không có khả năng can thiệp”. Chính suy nghĩ này làm cho chúng ta có thể lẩn trốn con tim “chạnh lòng thương” vì cho rằng mình không có bổn phận và cũng không có dư đầy để có thể chia sẻ hay cho đi.
Chúa Giêsu đã muốn chính các môn đệ của Người đem bánh để phân phát cho mọi người. Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta, từng người một, khi nhận lãnh Bánh của Chúa, với con tim chạnh lòng thương cũng biết chia sẻ cho người khác, để Chúa có thể nuôi sống mọi người trên trần gian. Chắc chắn những nỗ lực sống tốt trong ơn thánh Chúa của chúng ta sẽ dễ dàng trở nên gương sáng cho những người đang sống trong sự vô cảm, lệch lạc lương tâm biết nhận ra Chúa đang hiện diện và luôn yêu thương.
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp bước theo Ngài để đi đến mọi miền đất nước, rao truyền Tin Mừng tình thương cho mọi người bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ. Khi có một trái tim biết “chạnh lòng thương” như Ngài, chúng ta mới có thể gặp gỡ, chia sẻ với những người đang lầm than khốn khổ do bệnh tật thể xác hay nỗi đau tâm hồn, do hoàn cảnh khó khăn hay công việc bất trắc, những hoang mang bất định trong cuộc sống do thiếu niềm tin và lý tưởng . . .
Nếu con người thời đại hôm nay đang bị chủ nghĩa “vô cảm” điều khiển cuộc sống và hành động, thì hơn bao giờ hết, người Kitô hữu càng cần mặc lấy trái tim “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu, để sống và hành động trong các mối tương quan với mọi người.