Đức Hồng y Raniero Cantalamessa: “Lời Ngài làm cho con được sống”
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa: “Lời Ngài làm cho con được sống”
LỜI NGÀI LÀM CHO CON ĐƯỢC SỐNG
Tác giả: Đức Hồng y Raniero Cantalamessa,
Giảng thuyết viên Phủ Giáo hoàng
Chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng
I. LỜI CỦA THIÊN CHÚA VÀ LỜI CỦA CON NGƯỜI
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”
1. Lời nói hay thinh lặng?
Gioan long trọng quả quyết ở đầu sách Phúc Âm của mình: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Kể từ đó, đã có nhiều cố gắng sửa đổi lời quả quyết trên đây. Thời Thượng cổ, nhóm Ngộ Đạo đề nghị dị bản này: “Lúc khởi đầu đã có sự Thinh Lặng”, và Goethe nói qua nhân vật Faust: “Lúc khởi đầu đã có Hành Động”. Thật thú vị khi thấy văn sĩ kết luận như trên. Faust nói: “Tôi không thể gán cho tiếng nói một giá trị cao như thế; có lẽ tôi phải hiểu ra “ý nghĩa”; nhưng ý nghĩa có thể sáng tạo và hành động không? Vậy phải nói: “Lúc khởi đầu đã có sức mạnh” chăng? Nhưng không, bất chợt một tia sáng gợi ý cho tôi câu trả lời: “Lúc khởi đầu đã có hành động””[1].
Thế nhưng phải chăng có thể biện minh cho những cố gắng sửa đổi này? Ngôi Lời hay Logos của Gioan chứa đựng mọi ý nghĩa mà Goethe gán cho những hạn từ khác. Như ta thấy trong phần sau của bài Tự ngôn, Ngôi Lời là ánh sáng, sự sống, sức mạnh sáng tạo. Đó là một “lời hành động”: “Ngài ra lệnh, chúng được tạo thành.” (Tv 14,85) Thiên Chúa tạo dựng bằng lời nói. Sự khác biệt giữa một mệnh đề suy tư hay lý thuyết (chẳng hạn, “con người là một con vật có lý trí”) và một mệnh đề thao tác hay thực tiễn (chẳng hạn, “Fiat lux, Hãy có ánh sáng”) ở chỗ mệnh đề thứ nhất chiêm ngắm sự vật đã hiện hữu, trong khi mệnh đề thứ hai làm cho nó hiện hữu, kêu gọi nó hiện hữu.
Lúc khởi đầu đã có sự Thinh Lặng. Câu này đúng nếu người ta hiểu thinh lặng là không có bất cứ tiếng nói hay lời nói nào của thụ tạo; nhưng nó sai nếu người ta cũng hiểu thinh lặng là thiếu vắng Lời của Thiên Chúa. Bản văn sách Khôn ngoan áp dụng cho phụng vụ lễ Giáng Sinh của Đức Kitô nói đến sự thinh lặng này của sự vật, chứ không phải sự thinh lặng tiên khởi: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu.” (Kn 18,14-15)
Tư tưởng Kitô giáo đã phải tranh đấu để đem lại cho kiểu nói “Lúc khởi đầu” ý nghĩa đích thực như Gioan hiểu. Đặc biệt nó phải thoát ra khỏi ý tưởng là Lời chỉ được Thiên Chúa nói ra lúc tạo dựng thế giới khi Người phán “Fiat lux”, “Hãy có ánh sáng”. Một giải pháp tạm thời phân biệt Lời được thốt ra (Logos proforikos) bắt đầu hiện hữu lúc sáng tạo, với Lời sâu thẳm nơi Thiên Chúa (Logos endiathetos) hiện hữu từ đời đời. Một giải pháp chung cuộc được đưa ra ở Công đồng Nicêa, theo đó các Nghị Phụ bác bỏ ý tưởng về “một lúc đã không có Ngôi Lời”. Là “Ngôi Lời được thốt ra”, Con Thiên Chúa hằng hữu vì từ đời đời Chúa Cha nói ra Lời của Người; vả lại, Chúa Cha, với tư cách là Cha, sẽ không hiện hữu ab aeterno (từ đời đời) nếu ab aeterno Người đã không có một người Con là Ngôi Lời.
Vậy “khởi đầu”, lúc Gioan định vị Lời, là một nguyên lý tuyệt đối, ngoài thời gian. Nếu có ám chỉ tới bản văn Sáng thế “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1), thì ám chỉ ấy phải được hiểu thế này: khi mọi sự bắt đầu hiện hữu, đã có Lời, Lời đã hiện hữu.
2. Một Thiên Chúa nói
Kiểu nói “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” hàm chứa mọi giáo lý sau này về Ba Ngôi. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa của Kinh Thánh là độc nhất nhưng không đơn độc; Ngài là tương quan, tức là chuyển thông vì không có lời nào không giả thiết (trong trường hợp Thiên Chúa không tạo dựng) một người đối thoại, một người ở “ngôi thứ hai”. Tuy nhiên, tôi không quan tâm đến Ngôi Lời trong Ba Ngôi trong bài suy niệm đầu tiên này, nhưng đến Lời của Thiên Chúa trong lịch sử, đến lời Thiên Chúa nói với chúng ta.
Thiên Chúa của Kinh Thánh là một Thiên Chúa nói. Thánh vịnh nói: “Đức Chúa, Thượng Đế chí tôn, Người lên tiếng […] Người không nín lặng.” (Tv 50,1-2). Chính Thiên Chúa không ngừng lặp lại trong Kinh Thánh: “Dân Ta hỡi, nghe đây Ta phán dạy” (Tv 50,7). Kinh Thánh thấy ở đó sự khác biệt rõ nhất giữa Thiên Chúa và các tượng thần “có miệng mà không nói” (Tv 115,5). Thiên Chúa dùng lời nói để liên lạc với con người.
Nhưng phải hiểu theo nghĩa nào những kiểu nói nhân hình như “Thiên Chúa nói với Abraham”, “Thiên Chúa nói như thế”, “Chúa nói”, “Sấm ngôn của Đức Chúa” và những kiểu nói tương tự khác? Chắc chắn đây là một lời khác hẳn với lời của con người, một lời nói với tâm hồn. Thiên Chúa nói như Ngài viết. Ngài nói trong sách Giêrêmia: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33). Ngài ghi vào lòng dạ chúng ta và cả những lời của Ngài, Ngài làm vang lên trong tâm khảm chúng ta. Ngài minh nhiên nói điều đó qua tiên tri Hôsê, khi Ngài nói về Israel như về một người vợ bất trung: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2,16)
Đôi lúc người ta nhấn mạnh một Lời hầu như có tính vật chất và ngoại tại của Thiên Chúa: “Đức Chúa phán với anh em từ trong đám lửa: anh em nghe thấy tiếng nói nhưng không thấy hình bóng nào.” (Đnl 4,12; Cv 9,7) Nhưng cũng trong những trường hợp này, đây chỉ là quan trọng hóa một biến cố nội tâm và thiêng liêng, trong bất cứ trường hợp nào cũng đều là một lời khác với lời của con người.
Thiên Chúa không có miệng, cũng không có hơi thở của con người; miệng của Ngài là vị tiên tri, hơi thở của Ngài là Chúa Thánh Thần. Ngài nói với các tiên tri: “Ngươi sẽ là môi miệng Ta”, và “Ta sẽ đặt lời Ta trên môi miệng ngươi”. Đó là ý nghĩa của câu nổi tiếng: “Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1,21). Cách thức nói cho tâm trí và tâm hồn này, truyền thống tu đức của Giáo Hội chỉ định bằng thuật ngữ “tiếng nói bên trong”.
Tuy vậy, đây thực là một lời; thụ tạo nhận được một sứ điệp có thể được dịch ra bằng những lời của con người. Lời của Thiên Chúa đích thật và sống động đến nỗi nhà tiên tri nhớ lại chính xác địa điểm và thời gian một lời “đến” với ông: “Năm vua Utđigiahu băng hà” (Is 6,1), “Ngày mùng năm tháng tư năm thứ ba mươi, lúc tôi đang ở giữa những người bên sông Cơva” (Ed 1,1), “Ngày mùng một tháng sáu năm thứ hai triều vua Đariô” (Kg 1,1).
Lời này của Thiên Chúa cụ thể đến nỗi người ta nói nó “rơi” xuống trên Israel, như thể một viên đá: “Chúa Thượng đã gửi một lời xuống Giacóp, lời ấy rơi xuống Israel” (Is 9,7). Trong những lần khác, đặc điểm cụ thể và vật chất này được diễn tả bằng biểu tượng không phải viên đá rơi xuống, nhưng là bánh người ta sung sướng mà ăn: “Gặp được lời Chúa con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ.” (Gr 15,16; xem thêm Ed 3,1-3)
Không một tiếng nói nào của con người đến được với con người cách sâu xa bằng Lời của Thiên Chúa. “(Lời Thiên Chúa) phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4,12)
Có khi Lời Thiên Chúa giống như sấm sét: “Tiếng Chúa đánh gẫy ngàn hương bá […] Liban” (Tv 29,50), có khi giống như “tiếng gió hiu hiu” (1V 19,12). Lời đó biết đến mọi âm thể của lời con người.
3. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa vì được ban tặng lời
Diễn từ về bản chất Lời Thiên Chúa thay đổi tận căn từ khẳng định đầu tiên của bài Tự ngôn: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” đến khẳng định cuối cùng: “Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Với việc Đức Kitô đến, Thiên Chúa cũng nói bằng tiếng nói của con người, không những tai của linh hồn mà cả tai của thân xác cũng nghe được. “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” (1Ga 1,1)
Lời đã được thấy và được nghe! Tuy nhiên, điều nghe thấy không phải là lời của con người nhưng là Lời của Thiên Chúa, vì người nói không phải là bản tính, nhưng là ngôi vị, và ngôi vị của Đức Kitô là cùng một ngôi vị Thiên Chúa cũng như Con Thiên Chúa. Nơi Ngài, Thiên Chúa không còn nói với chúng ta qua người trung gian nữa, “qua các tiên tri”, nhưng tự mình nói, vì Đức Kitô là “phản ánh vẻ huy hoàng (của Chúa Cha), hình ảnh trung thực của bản thể (Thiên Chúa).” (Dt 1,2)
Nhưng lúc này chúng ta không dừng lại ở lời Đức Kitô. Chúng ta sẽ nói lại lời ấy trong tất cả phần tiếp theo của cuốn sách. Trong chương thứ nhất này, chúng ta muốn suy niệm xem Lời Thiên Chúa có ý nghĩa gì cho chúng ta, và điều đó có thể giúp chúng ta thế nào để thanh tẩy cách sử dụng lời được ban cho chúng ta.
Thiên Chúa tạo dựng con người “theo hình ảnh Ngài” vì Ngài tạo dựng họ có khả năng nói, truyền đạt và thiết lập những tương quan; để họ có thể làm điều đó, “Ngài tạo dựng họ có nam có nữ” (St 1,27), nói khác đi là những con người khác nhau. Từ đời đời Thiên Chúa mang nơi mình một Lời, Ngôi Lời của Ngài, nên đã tạo dựng con người được phú ban lời.
Để không những con người “theo hình ảnh” của Thiên Chúa mà còn “giống” Ngài, con người nói năng không đủ, nhưng còn phải nói như Thiên Chúa nói, bắt chước cách nói của Thiên Chúa, trong nội dung và trong lý do của lời họ nói. Mà chính tình yêu vừa là nội dung vừa là động lực của Lời Thiên Chúa. Thiên Chúa nói vì cùng một lý do như Ngài tạo dựng: “để mọi loài được tràn đầy ơn phúc và nhiều thụ tạo vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Ngài” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Từ đầu tới cuối, Kinh Thánh chỉ là một sứ điệp tình yêu gửi tới mọi thụ tạo. Giọng điệu có thể thay đổi, từ giận dữ đến êm ái, nhưng bản chất thì lúc nào cũng chỉ là tình yêu. Người ta nói rằng nếu mọi cuốn Kinh Thánh trên thế giới bị một tai họa nào đó hủy hoại, chỉ còn lại một cuốn; nếu cuốn này cũng bị hư hại đến nỗi chỉ còn một trang; và nếu trang này cũng rách nát khiến chỉ còn một hàng có thể đọc được; nếu đây là hàng chữ của Thư thứ I thánh Gioan viết rằng: “Thiên Chúa là Tình yêu”, thì cả cuốn Kinh Thánh được cứu vãn, vì Kinh Thánh hoàn toàn chứa đựng trong hàng chữ này.
Thiên Chúa đã dùng lời để truyền đạt sự sống và sự thật, để dạy dỗ và an ủi. Tông Đồ Phaolô viết: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). Trong thời đại truyền thông đại chúng đã mở rộng gần như vô tận, cả tốt lẫn xấu, việc sử dụng lời nói, chúng ta phải tự đặt ra cho mình câu hỏi này: là những con người, chúng ta có sử dụng lời được viết hay nói ra, để truyền đạt sự sống và sự thật, hay trái lại, để gieo rắc sự chết và xuyên tạc sự thật?
Trong vở kịch đầy kịch tính Huis clos, Sartre cho chúng ta một hình ảnh tàn khốc về những gì có thể trở thành giao tiếp của con người khi thiếu vắng tình yêu. Ba người, một người đàn ông và hai phụ nữ, được đưa vào một căn phòng trong khoảng thời gian ngắn. Không có cửa sổ, ánh sáng ở mức tối đa và người ta không thể tắt nó, hơi nóng ngột ngạt và không có gì ngoài chiếc ghế bành cho mỗi người. Cửa ra vào dĩ nhiên là đóng, chuông cửa vẫn còn nhưng không reo. Những người này là ai? Đó là ba người chết đang ở trong hỏa ngục. Người đàn ông là một kẻ đào ngũ suốt đời đã hành hạ người vợ tội nghiệp, hai người phụ nữ thì một là người giết đứa con mới sinh và một là đồng tính nữ.
Không có gương soi. Mỗi người trong số họ chỉ có thể trông thấy mình qua những lời nói và linh hồn của người khác, là người trả lại cho người đó hình ảnh xấu xí nhất về con người của người đó, không một chút thương xót, và còn là người tự ý làm trầm trọng thêm nỗi kinh hoàng bằng những lời cay độc. Sau một thời gian, linh hồn của họ bị bóc trần, người này trước người kia, những lỗi lầm khiến họ xấu hổ nhất đã được phơi bày ra ánh sáng và bị người khác khai thác không thương tiếc; khi đó, một người trong số họ nói với hai người kia: “Các ngươi nhớ không: lưu huỳnh, giàn hỏa, vỉ nướng …A! Thật là một trò đùa: không cần vỉ nướng, Hỏa ngục là những người khác”[2]. Lạm dụng lời nói có thể biến cuộc sống thành hỏa ngục.
Trong lời giới thiệu cuốn Dictionnaire des oeuvres nổi tiếng của mình, Valentino Bompiani kể lại câu chuyện sau đây: vào tháng 7 năm 1938, một đại hội quốc tế các nhà xuất bản đã diễn ra tại Berlin mà ông đã tham gia. Chiến tranh sắp xẩy ra và chính phủ Đức Quốc Xã là bậc thầy trong nghệ thuật thao túng ngôn từ cho mục đích tuyên truyền. Ngày áp chót, Goebbels, Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền Đức Quốc Xã, đã mời những người tham dự đại hội vào hội trường quốc hội. Các đại biểu từ các quốc gia khác nhau được yêu cầu phát biểu. Khi đến lượt nhà xuất bản người Thụy Điển, ông ta bước lên bục giảng và nói với giọng điệu nghiêm trang:
“Lạy Chúa, con phải đọc một bài diễn văn bằng tiếng Đức, con không có từ vựng hay ngữ pháp và con là một người đáng thương bị lạc trong các giống loài. Con không biết liệu tình bạn có thuộc nữ tính và thù ghét thuộc nam tính, hay liệu danh dự, trung thành, hòa bình là trung tính hay không, Vì vậy, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin Chúa tiếp tục nói và để lại cho chúng con nhân tính của chúng con. Có lẽ chúng con sẽ hiểu mình và tự cứu lấy mình.”
Những tràng pháo tay vang lên và Goebbels, người đã hiểu lời ám chỉ, rời khỏi hội trường. Thật khủng khiếp khi phải xin Thiên Chúa mang lời đi khỏi chúng ta, vì chúng ta chỉ làm tổn thương mình bằng lời đó.
Một hoàng đế Trung Quốc, được hỏi điều cấp bách nhất để cải thiện thế giới là gì, đã trả lời không do dự: cải cách các lời nói! Ông muốn nói là: trả lại cho lời nói ý nghĩa thật sự của chúng. Ông có lý. Có những lời đã mất dần nghĩa gốc và mang những nghĩa hoàn toàn ngược lại. Việc sử dụng chúng chỉ có thể gây hại. Như thể chúng ta dán trên một chai thạch tín nhãn hiệu: “Chất tiêu hóa sủi bọt”; bảo đảm người ta có thể bị đầu độc. Các quốc gia ban hành những luật lệ nghiêm khắc chống lại người làm bạc giả, nhưng không tiên liệu luật nào chống lại người nói những lời giả.
Không một lời nào cho thấy một quá trình giả mạo như thuật ngữ “tình yêu”. Một người đàn ông bạo hành một phụ nữ và để xin lỗi, anh ta nói làm thế là vì yêu. Kiểu nói “làm tình” thường phản ánh hành vi ích kỷ dung tục nhất, trong đó mỗi người chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn riêng của mình, hoàn toàn phớt lờ người khác và biến người đó thành một đồ vật thuần túy, thậm chí khinh miệt người đó trong lòng.
4. Không nói lời xấu
Kinh Thánh chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để canh tân ngôn ngữ của chúng ta, và đâu là cách chúng ta phải sử dụng lời nói cho tốt. Luật vàng là luật chính Đức Giêsu đã ban bố trong Phúc Âm: “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)
Cách trình bầy kiểu nói là cố ý nghịch lý như trong nhiều cách diễn đạt khác của bài giảng trên núi; dĩ nhiên không được hiểu theo nghĩa đen, đây không phải là biến ngôn ngữ thành một lựa chọn thuần túy giữa “có” và “không”. Đúng hơn, điều đó nhấn mạnh một kiểu cách ngôn ngữ, một sự tiết độ nào đó tránh việc gia tăng lời nói hoặc tránh việc gán cho chúng thêm uy lực hơn những gì chúng đáng có, như người ta có thể làm điều đó với mọi loại lời thề.
Thánh Giacôbê nói: “Lưỡi có thể huênh hoang làm được những chuyện to lớn” về điều tốt cũng như về điều xấu; “Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao; cái lưỡi cũng là một ngọn lửa […] Nó chứa đầy nọc độc chết người.” (Gc 3,1-12) Lưỡi đã làm chết biết bao nhiêu người! Trong đời sống cộng đồng hoặc gia đình, những lời nói tiêu cực, sắc bén, tàn nhẫn có khả năng làm người khác thu mình lại và dập tắt tất cả sự tin tưởng và bầu khí huynh đệ. Những người nhạy cảm nhất có thể “chết” vì những lời cứng cỏi đó, và có lẽ cả chúng ta nữa, chúng ta cũng làm cho một số người chết thuộc loại này…
Tất nhiên chúng ta không được chỉ lo sửa đổi lời nói, theo cách giả hình; chắc chắn phải bắt đầu bằng tấm lòng là nguồn mạch của lời nói (theo thánh Giacôbê: “Nước mặn không thể sinh ra nước ngọt”) nhưng đúng là nước này bao gồm cả nước kia, miệng lưỡi bao gồm cả tấm lòng. Chúng ta không được chỉ yêu bằng lời nói và miệng lưỡi (x. 1Ga 3,18)) nhưng cũng phải yêu bằng lời nói và miệng lưỡi nữa.
Chính vì vậy thánh Phaolô đưa ra luật vàng cho người Kitô hữu liên hệ đến lời nói: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.” (Ep 4,29)
Không khó để học cách phân biệt những lời xấu với những lời tốt; chỉ cần đi theo quỹ đạo vô hình xem chúng sẽ hạ cánh ở đâu: xem chúng gia tăng vinh quang của chúng ta hay vinh quang của Thiên Chúa và của người lân cận, xem chúng được dùng để biện minh, để thông cảm hay để khẳng định cái tôi của tôi hoặc ngược lại, xem chúng có nhằm điều tốt cho anh em tôi chăng.
Mọi lời nói ra mà không có tình yêu đều là một lời xấu. Nếu lời xấu nói ra từ môi miệng tôi, tôi sẽ phải loại bỏ nó.
Có thể nhớ lại một lời đã thoát ra từ môi miệng hoặc ít nhất hạn chế tác dụng của nó, bằng cách xin lỗi. Bằng cách này, dần dần chúng ta sẽ học cách kìm nén những lời nói xấu trên đầu môi chót lưỡi như người ta nói, cho đến khi chúng bắt đầu biến mất để nhường chỗ cho những lời nói tốt. Khi ấy quả là một món quà cho những người đồng loại, một sự cải thiện phẩm chất cuộc sống của chúng ta trong gia đình và xã hội! Lời nói tốt là lời biết cách nắm bắt khía cạnh tích cực của sự vật và con người, và không bao giờ làm tổn thương ngay cả khi nó nhằm mục đích sửa chữa người khác. Một lời nói tốt trên hết là một lời nói mang lại hy vọng.
5. Lạy Chúa, xin lắng nghe
Việc sử dụng cao cả nhất mà chúng ta có thể thực hiện bằng lời nói là trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa là Đấng nói với chúng ta trong Kinh Thánh và tiếp tục nói với chúng ta trong tâm hồn. Nói tóm lại, việc sử dụng Lời Chúa tốt nhất là cầu nguyện. Con người bao giờ cũng là chính mình hơn chỉ khi nói chuyện với Thiên Chúa. Khi nói chuyện với nhau, chúng ta có khuynh hướng đeo mặt nạ, im lặng hoặc che giấu một phần suy nghĩ của mình, điều này đôi khi do sự thận trọng hoặc lịch sự đòi hỏi.
Chúng ta chỉ chân thật trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, vì biết rõ rằng “không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bầy trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,13).
Chính Thiên Chúa đã gợi ra những lời có thể nói để thưa lên với Ngài: Thánh vịnh và vô số lời cầu nguyện rải rác trong Kinh Thánh, và dĩ nhiên kinh Lạy Cha, “mẹ của mọi kinh nguyện”. Không phải vì chúng ta lặp lại chúng một cách máy móc, nhưng vì chúng ta biến chúng thành của chúng ta và chúng ta rập khuôn những lời cầu nguyện cá nhân và tự phát của chúng ta theo những kinh nguyện mà Thần Khí linh hứng cho những người cầu nguyện vĩ đại của Kinh Thánh.
Không giống như tất cả các lời của con người, ngay cả những lời cao siêu nhất trong văn chương, những lời của Kinh Thánh không suy mòn và chán ngấy nếu chúng được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Đây là những lời “không cạn kiệt”. Sau bao nhiêu thế kỷ tồn tại, kinh Miserere tiếp tục bày tỏ sự thống hối và kinh Magnificat bày tỏ lòng biết ơn vui mừng.
Đức Giêsu khuyên thực hành sự giản dị và tiết kiệm lời nói không chỉ trong các cuộc đối thoại của con người chúng ta mà còn trong cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời.” (Mt 6,7)
Lời gợi ý này áp dụng chủ yếu cho lời cầu nguyện xin ơn “vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8), và áp dụng ít hơn cho lời cầu nguyện ngợi khen, tạ ơn và chúc tụng, trong đó nguyên tắc ngược lại đang thịnh hành, theo cách trình bày công thức của thánh Tôma Aquinô trong bài ca tiếp liên Lauda Sion Salvatorem trong lễ Corpus Domini (lễ trọng kính Mình Máu Chúa): “Ngần nào có thể, bạn phải dám, bởi vì nó (mầu nhiệm) vượt quá lời khen ngợi của bạn và bạn sẽ không bao giờ có thể ca ngợi Ngài thái quá.”
Tôi muốn kết luận bằng cách đưa ra một mẫu gương cảm động về một cuộc đối thoại cá nhân và thân mật với Thiên Chúa diễn ra hết sức chân thành. Đó là một lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi áo khoác của một người lính Nga, Aleksander Zacepa, sáng tác không lâu trước trận đánh mà anh ta mất mạng trong Thế chiến thứ hai. Bản văn được in trong một tạp chí bí mật vào năm 1972:
“Xin lắng nghe con, lạy Chúa! Con đã không nói với Chúa một lần nào trong đời, nhưng hôm nay con muốn long trọng thưa chuyện với Chúa. Chúa biết đấy, từ khi còn rất nhỏ, con luôn được dạy rằng Chúa không hiện hữu… và con, như một kẻ ngốc, con đã tin vào điều đó.
Con đã chưa bao giờ chiêm ngưỡng các kỳ công của Chúa, nhưng đêm nay, từ cái hố được lựu đạn tạo ra, con quan sát bầu trời đầy sao phía trên con. Bị những vì sao lấp lánh mê hoặc, con chợt hiểu rằng bị lừa dối khủng khiếp như thế nào… Lạy Chúa, con không biết liệu Chúa có sẽ đưa tay cho con, nhưng con nói điều đó với Chúa, và Chúa hiểu con…
Có phải là lạ không khi ở giữa một địa ngục khủng khiếp, ánh sáng xuất hiện cho con và con đã khám phá ra nó? Ngoài điều đó ra, con không có gì để nói với Chúa. Con hạnh phúc đơn giản vì con đã biết Chúa. Lúc nửa đêm chúng con phải tấn công, nhưng con không sợ. Xin nhìn đến chúng con.
Đã có tín hiệu! Con phải đi. Con đã sống yên hàn với Chúa. Con còn muốn nói với Chúa, và Chúa biết điều đó, là trận chiến sẽ khó khăn: có thể chính đêm nay con sẽ gõ cửa nhà Chúa. Và cho dù cho tới lúc này con đã chưa từng là bạn của Chúa, khi con đến, Chúa sẽ cho con vào chứ?
Nhưng chuyện gì đang xảy ra? Con khóc chăng?
Lạy Thiên Chúa của con, Chúa thấy điều gì đã xảy ra với con, con chỉ mới bắt đầu thấy rõ lúc này đây… Hẹn gặp lại Chúa, lạy Chúa, con sẽ rời đi… Con sẽ khó mà trở lại. Thật kỳ lạ, bây giờ cái chết không làm con sợ hãi”[3].
II. LỜI THIÊN CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC KITÔ
“Đức Giêsu bắt đầu rao giảng”
1. Việc rao giảng trong cuộc đời Đức Giêsu
Sau trình thuật về việc Đức Giêsu chịu phép rửa, thánh sử Maccô kể tiếp: “Đức Giêsu đến miền Galilê, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14 tt). Về phần mình, Matthêu viết: “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,17)
Phúc Âm khởi đầu bằng những lời này, theo nghĩa Tin Mừng “của” Đức Giêsu, nghĩa là do Đức Giêsu ban bố và Ngài là chủ thể, phân biệt với Tin Mừng “về” Đức Giêsu do các Tông Đồ rao giảng sau này mà Đức Giêsu là đối tượng.
Đây là một biến cố có một vị trí rất chính xác về thời gian và không gian; xảy ra “tại Galilê“, “sau khi Gioan bị bắt“. Động từ được dùng “bắt đầu rao giảng” cho thấy rõ đây là một “khởi đầu”, một điều mới mẻ không chỉ trong cuộc đời của Đức Giêsu mà còn trong lịch sử cứu độ. Thư Do thái diễn tả sự mới mẻ này như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2)
Một thời kỳ cứu độ mới bắt đầu, một kairos mới, kéo dài khoảng hai năm rưỡi (từ mùa thu năm 27 đến mùa xuân năm 30).
Đức Giêsu coi hoạt động này là quan trọng đến nỗi Ngài nói mình đã được Chúa Cha sai đi và được Thần Khí xức dầu cho hoạt động này: “để loan báo Tin Mừng cho người nghèo.” (Lc 4,18) Có một lúc, khi một số người muốn giữ Ngài lại, Đức Giêsu đã đề nghị các Tông Đồ ra đi: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Rao giảng là một phần của điều được gọi là những “mầu nhiệm cuộc đời của Đức Kitô” và chúng ta sắp đề cập trong viễn tượng này. Qua từ “mầu nhiệm”, trong bối cảnh này, chúng ta hiểu là một biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu mang ý nghĩa cứu độ, biến cố được Giáo Hội cử hành trong phụng vụ[4]. Nếu không có một ngày lễ phụng vụ kính nhớ cách riêng việc rao giảng của Đức Giêsu, chính là vì nó được nhắc nhớ trong mỗi phụng vụ của Giáo Hội. Phụng vụ lời Chúa trong Thánh lễ không gì khác hơn là hiện tại hóa trong phụng vụ việc Đức Giêsu đang rao giảng. Một bản văn Công đồng nói như sau: “Ngài hiện diện trong lời Ngài, vì chính Ngài nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội”[5].
Cũng như trong lịch sử, sau khi rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến Giêrusalem để hiến dâng mình làm hy lễ cho Chúa Cha, thì trong phụng vụ, sau khi lại công bố lời của mình, Ngài thực hiện lại việc hiến dâng chính mình cho Chúa Cha qua hành động Thánh Thể. Cuối kinh tiền tụng, khi chúng ta nói: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời”, là chúng ta nhắc lại lúc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để cử hành lễ Vượt Qua của Ngài; đó là lúc kết thúc thời kỳ rao giảng và khởi đầu cuộc khổ nạn.
Vậy việc rao giảng của Đức Giêsu là một “mầu nhiệm”, vì chứa đựng không những mạc khải một giáo lý, mà còn cắt nghĩa chính mầu nhiệm con người Đức Kitô; việc này là chủ yếu để giúp hiểu rõ mầu nhiệm xẩy ra trước tức mầu nhiệm nhập thể, và mầu nhiệm xẩy ra sau tức mầu nhiệm vượt qua. Không có lời Đức Giêsu, những biến cố này không được rõ ý lắm. Đức Gioan-Phaolô II có một trực giác bén nhạy khi ngài quyết định đưa việc rao giảng Nước Trời vào số những “mầu nhiệm sự sáng”, thêm vào những mầu nhiệm vui, thương và mừng của kinh Mân côi, bên cạnh biến cố Đức Kitô chịu phép rửa, tiệc cưới Cana, hiển dung và lập phép Thánh Thể.
2. Việc rao giảng của Đức Kitô được tiếp tục trong Giáo Hội
Tác giả thư Do thái đã viết một thời gian nhất định sau cái chết của Đức Giêsu, nói cách khác rất lâu sau khi Đức Giêsu kết thúc việc rao giảng; tuy nhiên ông bảo rằng Thiên Chúa đã nói với chúng ta nơi người Con “trong những ngày cuối cùng này“. Như vậy ông coi những ngày chính ông đang sống như một phần “những ngày của Đức Giêsu”. Vì vậy, ngay sau đó, ông áp dụng lời của Thánh vịnh: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng” cho các Kitô hữu, khi ông nói: “Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Trái lại ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay.” (Dt 3,7tt)
Thế nên ngày hôm nay Thiên Chúa nói trong Giáo Hội và Người nói trong người Con. Hiến chế Dei Verbum nói như sau: “Như vậy, Thiên Chúa, Đấng xưa đã phán dạy, nay vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình; và Thánh Thần, Đấng làm cho tiếng nói sống động của Phúc Âm vang dội trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội làm vang dội trong thế giới, hướng dẫn các tín hữu nhận biết toàn thể chân lý và làm cho lời Chúa Kitô tràn ngập lòng họ”[6].
Sách Khải huyền long trọng mở đầu cách nói mới của Chúa Kitô “theo Thần Khí”. Bảy lá thư gửi bảy Giáo Hội (Kh 2-3) bắt đầu bằng một bản tự trình bày về Đấng Phục sinh (“Đấng là đầu và là cuối, là Amen, Chứng Nhân nói thế này... “) và kết thúc bằng lời mời lắng nghe “điều Thần Khí nói với các Giáo Hội“, như thể người nói không phải là Đức Kitô nhưng là Thần Khí. Người ta có thể nói rõ hơn rằng đó luôn là Đức Kitô nói nhưng trong cách hiện hữu mới của Ngài “theo Thần Khí”.
Thánh Gioan Thánh Giá viết: “Bằng cách ban cho chúng ta như Người đã ban cho chúng ta Con của Người là Lời duy nhất của Người – vì Người không có ai khác –, Người đã nói với chúng ta và mạc khải mọi sự một lần duy nhất bằng lời duy nhất này và Người không còn phải nói nữa”[7]. Nhưng hãy hiểu cho đúng, Thiên Chúa đã trở nên nín lặng theo nghĩa Người không còn nói điều gì mới liên quan đến những gì Người đã nói trong Đức Giêsu, nhưng không phải theo nghĩa Người không còn nói nữa; Người tiếp tục nói những gì Người đã nói một lần trong Đức Giêsu!
Nhưng ở đâu và làm thế nào có thể nghe “tiếng nói của Người”? Mạc khải của Thiên Chúa đã khép lại; theo một nghĩa nào đó, không còn lời của Thiên Chúa. Và đây chúng ta khám phá ra một sự tương cận khác giữa Lời Chúa và Thánh Thể. Thánh Thể hiện diện trong suốt dòng lịch sử cứu độ: trong Cựu Ước, như hình bóng (con chiên vượt qua, hy tế Melkisêđê, manna), trong Tân Ước, như biến cố (sự chết và sự sống lại của Đức Kitô) và trong Giáo Hội, như bí tích (Thánh lễ).
Hy tế của Đức Kitô được hoàn thành và kết thúc trên Thập giá; thế nên, theo một nghĩa nào đó, không còn những hy tế của Đức Kitô nữa; nhưng chúng ta biết rằng vẫn còn một hy tế và đó là hy tế độc nhất của Thập giá, được hiện tại hóa và hoạt động trong hy tế Thánh Thể; biến cố tiếp tục trong bí tích, lịch sử trong phụng vụ. Một cách tương tự, Lời Đức Kitô không còn tồn tại như một biến cố, nhưng tiếp tục tồn tại như bí tích.
Trong Kinh Thánh, Lời của Thiên Chúa (dabar), nhất là trong hình thức đặc biệt nơi các tiên tri, luôn luôn cấu tạo nên một biến cố; đó là một lời-biến cố, nghĩa là một lời tạo ra một tình huống, luôn thực hiện điều gì đó mới mẻ trong lịch sử. Thành ngữ hay được nói đến “Lời Chúa nói với…” có thể được dịch là: “Lời Chúa được cụ thể hóa nơi…” (Edêkien, Khácgai, Dacaria, v.v.).
Những lời-biến cố này kéo dài tới Gioan Tẩy Giả. Chúng ta đọc thấy trong Luca: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan, trong hoang địa (factum est verbum Domini super Ioannem).” (Lc 3,1tt)
Sau đó, công thức này hoàn toàn biến mất khỏi Kinh Thánh; nó được thay thế bằng “Verbum caro factum est”: Lời đã trở nên xác thịt (Ga 1,14). Biến cố đã trở thành một người! Chúng ta không bao giờ tìm thấy câu: “Lời Chúa đến với Đức Giêsu” vì Ngài là Lời. Sự thực hiện đầy đủ và dứt khoát theo sau những thực hiện tạm thời về Lời Chúa trong các tiên tri. Lời Chúa đã trở thành danh hiệu của một người: “Danh hiệu của Ngài là gì? Là Lời Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong sách Khải huyền về Đức Kitô (Kh 19,13).
3. Lời-bí tích mà chúng ta nghe
Không còn những lời-biến cố nữa, tức là những lời được nói ra trong một thời gian và không gian chính xác, và do đó không thể lặp lại. Tuy nhiên có những lời-bí tích. Các lời-bí tích là những lời của Thiên Chúa “xẩy đến” một lần duy nhất và được thu tập trong Kinh Thánh, lại trở thành những “thực tại năng động” mỗi khi Giáo Hội dùng quyền bính công bố và mỗi khi Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng chúng, trở lại thắp sáng chúng trong lòng những người lắng nghe chúng. Đây là điều Đức Giêsu nói về Chúa Thánh Thần: “Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,14)
Khi nói Lời là “bí tích”, chúng ta không hiểu thuật ngữ này theo nghĩa kỹ thuật và giới hạn vào “bảy bí tích”, nhưng theo một nghĩa rộng hơn như khi ta nói về Đức Kitô là “bí tích tiên khởi của Chúa Cha” và về Giáo Hội là “bí tích phổ quát của Ơn Cứu Độ”[8]. Nói theo cách của thánh Augustinô định nghĩa bí tích là “một lời có thể thấy” (verbum visibile[9]), người ta quen định nghĩa Lời Chúa là một “bí tích có thể nghe” (sacramentum audibile).
Trong mỗi bí tích, chúng ta có thể phân biệt một dấu chỉ hữu hình và thực tại vô hình là ân sủng. Lời chúng ta đọc trong Kinh Thánh chỉ là một dấu chỉ vật chất (như nước trong bí tích Rửa tội và bánh trong bí tích Thánh Thể), một tập hợp các vần chết hoặc, tối đa, là một lời về từ vựng của con người như những lời khác; nhưng nhờ đức tin và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, dấu chỉ đặc biệt này cho chúng ta tiếp xúc cách mầu nhiệm với chân lý sống động và ý muốn của Thiên Chúa và đó là tiếng nói của chính Chúa Kitô mà chúng ta lắng nghe.
Bossuet viết: “Thân xác Đức Giêsu Kitô trong bí tích đáng tôn thờ không thực hơn chân lý Đức Giêsu Kitô trong việc rao giảng Phúc Âm. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, các hình bạn nhìn thấy là những dấu chỉ, nhưng những gì chứa trong các hình ấy là chính thân xác Đức Kitô; trong Kinh Thánh, những lời bạn nghe được là những dấu chỉ, nhưng những ý tưởng Kinh Thánh truyền đạt cho bạn là chính chân lý của Con Thiên Chúa[10].”
Tính bí tích của Lời Chúa được mạc khải trong việc đôi khi nó hành động rõ ràng vượt quá sự hiểu biết của con người, một sự hiểu biết có thể bị giới hạn và không hoàn hảo. Nó hành động gần như “do sự” (ex opere operato), như chúng ta nói trong thần học. Trong những lời của Kinh Thánh, có một điều gì đó hành động vượt quá sự giải thích của con người; một sự bất tương xứng hiển nhiên giữa dấu chỉ và thực tại do dấu chỉ tạo ra, khiến chúng ta suy nghĩ chính đáng về phương thức hành động của các bí tích.
Khi tiên tri Êlidê nói với Naaman người Syria, người đã đến tìm ông để được chữa khỏi bệnh cùi, là đi tắm bẩy lần ở sông Giođan, ông này nổi giận mà nói: “Nước các sông Avana và Pacpa ở Đamas chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Israel sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao?” (2V 5,12)
Naaman nói đúng: các con sông của Syria chắc chắn tốt hơn và dồi dào nước hơn; nhưng ông đã được chữa lành khi tắm ở sông Giođanô và da dẻ của ông giống như da dẻ của một chàng thanh niên, một điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu ông tắm trong ở những sông lớn tại quê hương ông.
Lời Thiên Chúa chứa đựng trong Kinh Thánh cũng vậy. Trong số các nước, và ngay cả trong Giáo Hội, đã có và sẽ có những cuốn sách tốt hơn một số sách của Kinh Thánh, trau chuốt hơn về mặt văn học và xây dựng hơn về mặt tôn giáo (chỉ cần nghĩ đến cuốn Gương Chúa Giêsu Kitô), nhưng không có cuốn nào tác động như cuốn khiêm tốn nhất của các sách được linh ứng. Những “nước sông ở Israel” là những sách Kinh Thánh được Thiên Chúa linh ứng, tiếp tục chữa lành bệnh cùi tội lỗi ngày hôm nay. Kết thúc bài Phúc Âm trong Thánh lễ, Giáo Hội mời gọi thừa tác viên hôn sách và nói: “Nhờ những lời Phúc Âm vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con” (Per evangelica dicta deleantur nostra delicta). Chính Kinh Thánh minh chứng quyền năng chữa bệnh của lời Chúa: “Quả vậy, không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng lạy Đức Chúa, chính lời Ngài chữa lành tất cả!” (Kn 16,12)
Kinh nghiệm xác nhận điều đó.
Tôi đã nghe một người làm chứng trong một chương trình truyền hình mà tôi tham gia. Ông là một người nghiện rượu rất nặng; không thể ở yên hơn hai giờ mà không uống rượu; gia đình ông đang trên bờ vực tuyệt vọng. Ông và vợ được mời tham dự một cuộc họp mặt chia sẻ Lời Chúa, trong đó người ta đọc một đoạn Kinh Thánh. Có một câu tác động mạnh tới ông như lửa và ông cảm thấy mình được chữa lành. Sau đó, mỗi lần bị cám dỗ uống rượu, ông mở đoạn Kinh Thánh này và chỉ bằng cách đọc lại những lời Chúa, ông cảm thấy lại có được sức mạnh, cho đến khi ông được chữa lành hoàn toàn. Khi ông muốn nói câu đó là gì, cảm xúc khiến ông mất giọng. Đó là lời của Diễm tình ca: “Tình yêu của chàng tuyệt vời hơn rượu.” (Dc 1,2) Những lời đơn giản này, có vẻ như không liên quan gì đến trường của ông, lại đã làm nên một phép lạ.
Người ta đọc thấy một câu chuyện tương tự trong sách: “Những trình thuật của một khách hành hương người Nga[11]. Tuy vậy, nổi tiếng nhất là trường hợp của Augustinô. Đang đọc đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 13,11tt: “Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối […] Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: […] không chè chén say sưa cũng không chơi bời dâm đãng”, ông cảm thấy “một luồng sáng thanh thản” tràn ngập trái tim ông và hiểu rằng mình đã được chữa khỏi cảnh nô lệ cho xác thịt[12].
4. Phụng vụ lời Chúa
Có một lãnh vực và một thời điểm trong đời sống Giáo Hội mà Đức Giêsu ngày hôm nay nói một cách long trọng và bảo đảm hơn: phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ. Phụng vụ này chỉ là hiện tại hóa trong phụng vụ một Đức Giêsu rao giảng. Thời kỳ đầu của Giáo Hội, phụng vụ Lời Chúa tách biệt với phụng vụ Thánh Thể. Như sách Công vụ thuật lại, các môn đệ “đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ”; họ nghe đọc Kinh Thánh, đọc Thánh vịnh và cầu nguyện với các người Do Thái khác. Họ đã thực hiện phụng vụ Lời Chúa như vậy, sau đó họ tụ tập riêng tại nhà của họ, để “bẻ bánh”, tức là cử hành Thánh Thể (x. Cv 2,46)
Tuy nhiên, cách thực hành này nhanh chóng trở nên bất khả thi, vì sự thù địch của chính quyền Do Thái đối với họ, hoặc vì Kinh Thánh đã có một ý nghĩa mới dưới mắt họ, tất cả đều hướng về Đức Kitô. Do đó mà việc nghe Kinh Thánh được chuyển từ Đền thờ và hội đường đến những nơi thờ phượng Kitô giáo, trở thành phụng vụ hiện nay của Lời Chúa trước kinh nguyện Thánh Thể. Vào thế kỷ II, thánh Giustinô đã mô tả một cử hành Thánh Thể trong đó từ đây có tất cả các yếu tố chủ chốt của Thánh lễ. Không chỉ phụng vụ Lời Chúa là phần không thể thiếu, mà giờ đây, thêm vào các bài đọc Cựu Ước là các bài đọc được thánh nhân gọi là “ký ức của các Tông đồ”, nghĩa là các Phúc Âm và các thư, thực tế là Tân Ước[13].
Khi chúng ta nghe lời Chúa trong phụng vụ, các bài đọc Kinh Thánh có được một ý nghĩa mới mẻ và mạnh mẽ hơn bất cứ trong bối cảnh nào khác. Mục tiêu của các bài này không phải là để hiểu Kinh Thánh hơn, như khi chúng ta đọc Kinh Thánh ở nhà hoặc trong một trường học Kinh Thánh, cho bằng để nhận ra Đấng hiện diện trong hành động bẻ bánh, để mỗi lần soi sáng một khía cạnh cụ thể của mầu nhiệm mà chúng ta sắp lãnh nhận. Chúng ta thấy điều này xuất hiện có thứ tự trong câu chuyện hai môn đệ Emmau: chính khi lắng nghe giải thích Kinh Thánh, tâm hồn các môn đệ bắt đầu mở ra, khiến họ có thể nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh.
Một ví dụ trong số rất nhiều ví dụ: các bài đọc của Chúa nhật thứ XXIX Mùa thường niên của chu kỳ B. Bài đọc thứ nhất là một đoạn về người tôi tớ đau khổ mang trên mình những tội lỗi của dân (Is 53,2-11); bài đọc thứ hai nói về Đức Kitô, Thượng Tế đã chịu mọi thử thách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi; bài Phúc Âm nói về Con Người đến hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Cả ba đoạn này đều nhấn mạnh một khía cạnh căn bản của mầu nhiệm mà chúng ta sắp cử hành và lãnh nhận trong phụng vụ Thánh Thể.
Trong Thánh lễ, lời Chúa và những câu chuyện Kinh Thánh không chỉ được kể lại, nhưng được sống lại; ký ức trở thành thực tại và hiện diện. Điều đã xẩy ra “lúc đó” thì xẩy ra “giờ đây”, “hôm nay” (hodie) như phụng vụ thường nói. Chúng ta không chỉ là những người nghe lời Chúa, mà còn là những người đối thoại và diễn viên trong lời này. Lời Chúa nói cho chúng ta đang hiện diện ở đây. Chúng ta được mời gọi đóng vai những nhân vật được nhắc tới.
Cũng ở đây, một vài ví dụ giúp chúng ta hiểu thêm. Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta đọc câu chuyện Thiên Chúa nói với Môsê từ bụi gai cháy; trong Thánh lễ, chúng ta đứng trước bụi gai cháy đích thực… Chúng ta đọc câu chuyện Isaia nhận trên môi than hồng thanh tẩy miệng lưỡi ông, để ông thi hành sứ mạng; chúng ta cũng sẵn sàng nhận trên môi than hồng đích thực, Đấng đem lửa đến thế gian… Êdêkien được mời gọi ăn cuộn sách những sấm ngôn tiên tri; chúng ta cũng sẵn sàng ăn Đấng là chính Ngôi Lời trở thành thịt và bánh…
Mọi thứ càng trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta đi từ Cựu Ước đến Tân Ước, từ bài đọc thứ nhất đến bài Phúc Âm. Người đàn bà mắc bệnh xuất huyết chắc chắn sẽ được chữa lành nếu bà chạm được vào mép áo của Đức Giêsu: còn chúng ta, những người sắp chạm vào nhiều hơn mép áo của Ngài thì sao? Một ngày nọ, tôi được nghe câu chuyện Dakêu trong Phúc Âm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó “hiện tại” như thế nào. Tôi là Dakêu, chính là tôi; những lời đó nói cho tôi: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông“; chính về tôi mà người ta có thể nói: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” và chính với tôi mà sau khi tôi chịu lễ, Đức Giêsu đã nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này“.
Đó là những gì xẩy ra với mỗi câu chuyện Phúc Âm. Làm sao trong Thánh lễ lại không đồng hóa mình với người bất toại được Đức Giêsu nói: “Hỡi con, tội con đã được tha”, rồi: “Đứng dậy, vác chõng mà về”, với Simêon ẵm trên cánh tay Hài Nhi Giêsu, với Tôma run rẩy chạm vào các vết thương? Trong Thánh lễ một ngày thứ sáu Mùa Chay, người ta đọc dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-45): “Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng chúng sẽ nể con ta!” Tôi nhớ đến hiệu quả của lời này đối với tôi ngày tôi nghe nó mà chia trí. Cũng người Con này sẽ được ban cho tôi khi tôi rước lễ: tôi đã chuẩn bị đón nhận Ngài với sự kính trọng mà Cha trên trời mong đợi chưa?
Không chỉ sự kiện mà cả những lời Chúa được nghe trong Thánh lễ cũng có một ý nghĩa mới và mạnh hơn. Một ngày mùa hè, tôi cử hành Thánh lễ trong một đan viện nhỏ, bài đọc Phúc Âm là Mt 12. Tôi sẽ không bao giờ quên được hiệu quả những lời Đức Giêsu nói gây ra cho tôi: “Đây thì còn hơn ông Giona nữa… Đây thì còn hơn vua Salomon nữa!” Như thể lần đầu tiên tôi nghe thấy những lời ấy. Tôi hiểu rằng trạng từ “ở đây” thật sự có nghĩa là ở đây, tức là vào lúc này và tại nơi này, không chỉ vào thời Đức Giêsu còn sống trước đây nhiều thế kỷ.
Từ ngày hè đó, những lời trên trở nên thân quen với tôi theo một cách mới. Trong Thánh lễ, lúc quỳ gối và đứng lên sau lúc truyền phép, tôi thường lặp lại trong trí: ““Đây thì còn hơn ông Giona nữa… Đây thì còn hơn vua Salomon nữa!”
Origen nói với các Kitô hữu thời ông: “Anh em có thói quen tham dự vào những mầu nhiệm thánh, khi anh em nhận lấy Mình Chúa, anh em hết sức thận trọng và tôn kính mà gìn giữ, để thậm chí không một miếng vụn nào rơi xuống, để không gì mất đi từ quà tặng được thánh hiến. Bạn xác tín rất đúng rằng để rơi những mảnh vụn do sơ suất là một sai lỗi. Nếu anh em cẩn thận gìn giữ Mình Chúa như vậy – và đúng là anh em phải như vậy – thì hãy nhớ rằng coi thường Lời Chúa cũng không kém phần quan trọng so với coi thường Mình Chúa”[14].
Trong số khá nhiều lời Chúa chúng ta nghe mỗi ngày trong Thánh lễ hay trong Các Giờ Kinh phụng vụ, hầu như luôn có lời nào đó được nói cho chúng ta cách đặc biệt. Một mình lời đó thôi có thể lấp đầy cả ngày của chúng ta và soi sáng lời cầu nguyện của chúng ta. Điều quan trọng là không để nó rơi vào khoảng không. Nhiều tác phẩm điêu khắc và các bức phù điêu cổ xưa từ Đông phương trình bày người ghi chép đang thu tập tiếng của nhà vua ra lệnh hay nói: người ta thấy anh ta vô cùng chăm chú: bắt chéo chân, ngực thẳng, mắt mở rộng, tai duỗi ra. Đó là thái độ được gán cho Người Tôi Trung của Chúa trong Isaia: “Sáng sáng người đánh thức tôi, để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” (Is 50,4) Đó là thái độ mà chúng ta nên có khi Lời Chúa được công bố.
Do đó, chúng ta hãy đón nhận, như thể đã được nói cho chúng ta, lời khuyên bảo trong phần mở đầu Quy Luật thánh Biển Đức:
“Mắt mở ra cho ánh sáng thần thiêng, chúng ta hãy lắng nghe bằng đôi tai chăm chú và ngỡ ngàng tiếng của Thiên Chúa mỗi ngày nói với chúng ta và kêu lên: “Ngày hôm nay, nếu anh em nghe tiếng Người, anh em đừng cứng lòng” và: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh” (Tv 94,8; Kh 3,13)”[15].
III. LỜI THIÊN CHÚA TRONG SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI
“Chúng tôi rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa”
1. Từ Đức Giêsu rao giảng đến Đức Giêsu được rao giảng
Trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, lá thư tuyệt vời dành cho thừa tác vụ rao giảng, thánh Phaolô viết những lời rõ ràng sau đây: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa.” (2Cr 4,5) Trong một lá thư trước đó, ngài cũng viết cho họ: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh.” (1Cr 1,23) Khi thánh Tông Đồ muốn dùng một lời để bao quát nội dung của lời rao giảng Kitô giáo, thì lời này luôn luôn là con người Đức Giêsu Kitô.
Trong những quả quyết này, Đức Giêsu trong Tin Mừng không còn được coi như với tư cách người loan báo, nhưng với tư cách người được loan báo. Đồng thời, chúng ta thấy kiểu nói “Phúc Âm Đức Giêsu Kitô” hoặc “Phúc Âm của Thiên Chúa” có một ý nghĩa mới; người ta chuyển từ “tin mừng do Đức Giêsu ban” (Đức Giêsu chủ từ) sang “tin mừng về Đức Giêsu” hoặc liên quan đến Đức Giêsu (Đức Giêsu đối tượng).
Chính là ý nghĩa của từ “Tin Mừng” trong phần mở đầu long trọng Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu: tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít, nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.” (Tm 1,1-4)
Sau khi nói về Đức Giêsu rao giảng, giờ đây hãy nói về Đức Giêsu được Giáo Hội rao giảng. Từ Lời Chúa nhận được chỉ một lần trong lịch sử và luôn lại nhận được trong phụng vụ và nhờ Thần Khí, chúng ta bước qua Lời Chúa được Giáo hội truyền đạt.
Thư thứ nhất của thánh Phêrô định nghĩa các Tông Đồ là “những người rao giảng Phúc Âm trong Chúa Thánh Thần” (1Pr 1,12). Trong định nghĩa này, chúng ta thấy hai yếu tố cấu tạo của việc loan báo Kitô giáo. “Phúc Âm”, theo nghĩa được giải thích là loan báo “về” Đức Giêsu, trong đó Đức Giêsu là đối tượng, cho biết nội dung của việc loan báo; “trong Chúa Thánh Thần” chỉ ra phương pháp, nghĩa là cách thức hay phương tiện phải dùng để loan báo.
2. Công cuộc “nghiên cứu lần thứ ba”
Hãy bắt đầu với nội dung. Những câu hỏi tôi đặt ra cho mình rất cụ thể và có tính thời sự: nếu con người Đức Giêsu là nội dung trọng tâm của việc loan báo Kitô giáo, làm thế nào chúng ta có thể loan báo Đức Kitô trong thế giới hôm nay? Đâu là những vấn đề và thách thức mới mà việc rao giảng của Giáo Hội phải đối mặt hôm nay? Theo con người ngày nay Đức Giêsu là ai?
Chúng ta hãy đi từ khởi đầu long trọng của thư Do thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng cao cả trên trời.” (Dt 1,1-3)
Bản văn này tạo nên một tổng hợp lớn của tất cả lịch sử cứu độ. Nó được cấu thành bởi hai thời kỳ: thời Thiên Chúa nói qua các tiên tri và thời Thiên Chúa nói qua Con của Người; thời Người nói “qua những người trung gian” và thời Người nói “trực tiếp”. Quả thực Chúa Con “tỏa sáng vinh quang của Người và dấu ấn của bản thể Người“, nói cách khác, đồng bản thể với Chúa Cha, như người ta sẽ công bố sau này.
Ở đây, vừa có sự liên tục, vừa có bước nhảy vọt về phẩm chất. Cùng một Thiên Chúa nói, cùng một mạc khải, nhưng mới ở chỗ giờ đây Đấng Mạc Khải trở thành mạc khải, mạc khải và Đấng Mạc Khải trùng hợp với nhau. Công thức dẫn nhập các sấm ngôn minh chứng rõ hơn điều đó : Không còn phải là “Đức Chúa phán bảo”, nhưng là “Tôi nói cho các ông hay”.
Dựa vào nhãn quan do bản văn thư Do thái vạch ra, chúng ta thử phân biệt những ý kiến đang thịnh hành hiện nay về Đức Giêsu, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử về Đức Giêsu, chúng ta đang sống điều được gọi là cuộc “nghiên cứu lần thứ ba”. Sở dĩ gọi thế là để phân biệt với “cuộc nghiên cứu lịch sử cũ” dựa vào chủ thuyết duy lý và tự do, từng thống trị cuối thế kỷ XVIII tới cuối thế kỷ XIX, cũng như phân biệt với “cuộc nghiên cứu lịch sử mới” bắt đầu khoảng giữa thế kỷ vừa qua, để phản ứng lại những luận đề của Bultmann, người đã cho rằng không thể tiếp cận Đức Giêsu lịch sử, vả lại cũng không quan trọng cho đức tin Kitô giáo.
Công cuộc “nghiên cứu lần thứ ba” này khác với hai lần trước ở điểm nào? Trước hết, nhờ tìm hiểu các nguồn, người ta xác tín là có thể biết nhiều về Đức Giêsu lịch sử hơn là những gì đã biết trong quá khứ. Đặc biệt khác ở các tiêu chuẩn sử dụng để đạt tới chân lý lịch sử về Đức Giêsu. Trước đây, người ta nghĩ rằng tiêu chuẩn căn bản để thiết lập chân lý của một sự kiện hay một lời tuyên bố của Đức Giêsu, là ở chỗ sự kiện hay lời tuyên bố ấy ngược với suy nghĩ hay hành động của những người Do Thái đương thời. Bây giờ thì trái lại. Người ta cho rằng một dữ kiện Phúc Âm là xác thực nếu nó có thể tương hợp với Do thái giáo thời ấy. Nếu trước đây dấu hiệu xác thực của một lời tuyên bố hay một sự kiện là sự mới mẻ hoặc tính chất không giải thích được của nó liên quan tới bối cảnh lúc ấy, thì ngày hôm nay, ngược lại, nó xác thực vì có thể “giải thích” được, dựa vào những gì chúng ta biết về Do thái giáo và về tình hình xã hội ở Galilê lúc bấy giờ.
Hiển nhiên cách tiếp cận mới mẻ này có một số lợi điểm. Có sự liên tục của mạc khải. Đức Giêsu vẫn ở giữa lòng thế giới Do thái, theo đường hướng các tiên tri trong Kinh Thánh. Thậm chí người ta còn cười mỉm khi nghĩ rằng đã có thời người ta tưởng chỉ cần nại tới các ảnh hưởng của thế giới Hy lạp là có thể cắt nghĩa tất cả Kitô giáo.
Vấn đề là người ta đã đi quá xa trong cuộc tìm kiếm này nên thất bại. Trong ý nghĩ của nhiều đại biểu thuộc công cuộc nghiên cứu thứ ba này, Đức Giêsu cuối cùng hoàn toàn tan biến trong thế giới Do thái, chỉ nổi hơn thế giới này một chút trong một vài chi tiết hay một vài cách giải thích đặc biệt luật Torah. Ngài trở thành một trong các tiên tri Do Thái hoặc, như người ta nói, một trong số những người “có đặc sủng lưu động”. Tựa đề của một cuốn sách nổi tiếng của J.-D. Crossmann thật có ý nghĩa: “Đức Giêsu lịch sử, Cuộc đời của một nông dân Do Thái vùng Địa Trung Hải”.
Không đi tới chỗ thái quá, E.P. Sanders, một tác giả được biết đến nhất và một cách nào đó là người báo trước cho cuộc nghiên cứu lần thứ ba, cũng theo đường lối này[16]. Bằng cách tìm lại được sự liên tục, người ta lại đánh mất nét mới mẻ. Khi đó người ta không còn hiểu được tại sao Đức Giêsu có hôm đã cảm thấy cần phải nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!” (Mt 11,6) Việc tiết lộ đã làm phần còn lại, khi quảng bá hình ảnh một Đức Giêsu người Do Thái giữa những người Do Thái, người gần như không làm điều gì mới, nhưng là người mà người ta tiếp tục nói (người ta không biết làm thế nào) là Ngài “đã làm thay đổi thế giới”.
Người ta tiếp tục trách những thế hệ nghiên cứu cũ đã mỗi lần tạo ra một hình ảnh về Đức Giêsu theo thị hiếu của người đương thời, mà không biết rằng chính mình cũng đang làm như vậy. Người ta nhấn mạnh Đức Giêsu chỉ là một trong số những người Do Thái, ít ra một phần là muốn sửa chữa những sai lầm lịch sử mà dân tộc này phải chịu, đồng thời cổ võ việc đối thoại giữa người Do Thái và người Kitô hữu. Mục tiêu thì rất tốt nhưng phương tiện, như chúng ta thấy ngay, lại sai (do cách người ta sử dụng nó). Quả thực, đây là một khuynh hướng phò Do thái chỉ ngoài mặt. Trong thực tế, người ta cuối cùng gán cho thế giới Do thái một trách nhiệm bổ sung: trách nhiệm đã không nhận ra một người của mình, một người có học thuyết hoàn toàn phù hợp với những gì họ tin.
3. Giáo sĩ Do Thái Neusner và Đức Bênêđictô XVI
Chính một người Do Thái, giáo sĩ Jacob Neusner, người Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng dùng đường lối trên đây để phục vụ cho việc đối thoại giữa Kitô giáo và Do thái giáo là chuyện ảo tưởng. Ai đã đọc cuốn “Đức Giêsu thành Nadaret” của Đức Bênêđictô XVI đều biết rõ tư tưởng của giáo sĩ này; ngài đã dành một trong những chương lý thú nhất để đối thoại với ông.
Sau đây là những đường nét chính.
Học giả rất nổi tiếng người Do Thái đã viết một cuốn sách với tựa đề “Một giáo sĩ Do Thái nói với Đức Giêsu”[17], trong đó ông tưởng tượng mình là người sống cùng thời với Đức Kitô, có lần cùng với đám đông dân chúng đi theo Ngài và nghe Bài giảng trên núi. Ông giải thích vì sao, mặc dù say mê giáo lý và con người của miền Galilê này, cuối cùng ông miễn cưỡng hiểu rằng mình không thể trở thành môn đệ của Ngài và quyết định tiếp tục là môn đệ của Môsê và trung thành với Torah.
Tất cả những lý do khiến ông quyết định cuối cùng chỉ còn là một lý do duy nhất: để chấp nhận lời con người này nói, phải công nhận Ngài có quyền như Thiên Chúa. Ngài không chỉ hoàn tất, nhưng là thay thế Torah.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, giáo sĩ trở lại hội đường, và có một cuộc đối thoại thật cảm động với thày của ông như sau:
– Đức Giêsu của anh có bỏ qua điều gì (trong Torah) không?
– Thưa, không bỏ qua điều gì
– Ông ấy có thêm thắt điều gì không?
– Thưa có, chính ông ấy.
Một sự trùng hợp thú vị: Đây cũng chính là câu trả lời của thánh Irênê (thế kỷ II) cho những ai muốn biết điều mới mẻ được Đức Kitô đem đến thế gian. Thánh Giám mục viết: “Ngài đã đem đến sự mới mẻ khi đem đến chính Ngài” (omnem novitatem attulit semetipsum afferens).
Neusner nhấn mạnh rằng không thể coi Đức Giêsu là một người Do Thái “bình thường” thời đó, hoặc chỉ khác với đồng bào của Ngài trong những điểm không quan trọng lắm. Ông đã có công rất lớn khi cho thấy mọi cố gắng tách biệt Đức Giêsu của lịch sử và Đức Kitô của niềm tin là vô lối. Ông cho thấy làm thế nào khoa phê bình có thể tước đi mọi tước hiệu của Đức Giêsu lịch sử: cho rằng lúc sinh tiền Ngài đã không tự gán cho mình (hoặc người ta đã không gán cho Ngài) tước hiệu Đấng Thiên Sai, Chúa, Con Thiên Chúa. Sau khi người ta lấy đi tất cả những gì họ muốn, điều còn lại trong Phúc Âm là quá đủ để cho thấy Ngài không coi mình là một con người đơn thuần. Cũng như chỉ cần một sợi tóc, một giọt mồ hôi là đủ để tái tạo bộ ADN đầy đủ của một người, cũng vậy, chỉ một lời tuyên bố của Phúc Âm, bắt gặp hầu như ngẫu nhiên, là đủ để chứng minh rằng Đức Giêsu ý thức mình hành động với cùng một quyền năng như Thiên Chúa.
Là một tín hữu Do Thái trung thành, Neusner biết câu sau đây có nghĩa gì: “Con người là chủ ngày sabbat” (Mt 12,8), vì ngày sabbat là “định chế” tuyệt vời do Thiên Chúa đặt ra. Ông biết nói như sau đây có ý nghĩa gì: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy…đến và theo Ta” (Mt 19,21). Như vậy người ta phải thay thế dạng thức thánh thiện của Cựu Ước là bắt chước Thiên Chúa (Lv19,2: “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”), bằng dạng thức mới là bắt chước Đức Kitô. Ông cũng biết rằng chỉ mình Thiên Chúa mới không giữ điều răn thứ tư như Đức Giêsu đã làm, khi Ngài truyền cho một người không cần chôn cất cha mình. Chú giải các lời tuyên bố này của Đức Giêsu, ông quả quyết: “Chính Đức Kitô của niềm tin là người đang nói ở đây”[18].
Trong cuốn sách của mình, Đức Bênêđictô trả lời tỉ mỉ, và, đối với một tín hữu, một cách rất thuyết phục và soi sáng vấn nạn của giáo sĩ Neusner. Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng làm tôi nghĩ đến câu trả lời của chính Đức Giêsu cho những người được Gioan sai tới hỏi Ngài: “Ông có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi một ai khác?”. Nói khác đi, Đức Giêsu không chỉ đòi hỏi cho mình quyền bính của Thiên Chúa, Ngài còn làm những dấu lạ và những bảo đảm để minh chứng: những phép lạ, giáo huấn (không chỉ có Bài giảng trên núi), việc hoàn tất lời các tiên tri, nhất là lời của Môsê về một tiên tri giống ông và cao trọng hơn ông. Rồi cái chết của Ngài, sự sống lại của Ngài, cộng đồng phát sinh từ Ngài hoàn tất sự phổ quát của ơn cứu độ mà các tiên tri đã loan báo.
4. Đức Giêsu, người Con
Giờ đây chúng ta tập trung vào chóp đỉnh của bản văn thư Do thái về người “Con”: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1)
Bản văn này nhắc lại khá sát dụ ngôn những tá điền bất trung. Trong dụ ngôn này, Thiên Chúa cũng sai trước tiên các đầy tớ, các tiên tri, rồi “cuối cùng” Người sai Con của mình vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể Con ta.” (Mt 21,33-41)
Trong một chương của cuốn sách về Đức Giêsu thành Nadaret, Đức Bênêđictô XVI minh họa sự khác biệt căn bản giữa tước hiệu “Con Thiên Chúa” và tước hiệu ngắn gọn “Con”. Trái với những gì người ta có thể nghĩ, tước hiệu thuần túy “Con” có ý nghĩa hơn nhiều so với tước hiệu “Con Thiên Chúa”. Tước hiệu này đến với Đức Giêsu sau một hàng dài những người được ban cấp hay tự xưng như thế: dân Israel và cá nhân nhà vua của họ, các vua Ai Cập và các nhà cai trị Đông phương, các hoàng đế Rôma, tất cả đều được gọi là “Con Thiên Chúa”. Như vậy chỉ riêng thuật ngữ này sẽ không đủ để phân biệt con người của Đức Kitô với bất kỳ “con Thiên Chúa” nào khác.
Ngược lại, tước hiệu ngắn gọn “Con” là một trường hợp khác. Tước hiệu đó xuất hiện trong Phúc Âm như một tước hiệu độc chiếm của Đức Kitô và chính nhờ tước hiệu này mà Đức Giêsu sẽ diễn tả chân tính sâu xa của Ngài. Sau các Phúc Âm, chính Thư Do thái làm chứng mạnh mẽ nhất cho việc sử dụng tuyệt đối tước hiệu “Con”; thư sử dụng năm lần.
Bản văn quan trọng nhất trong đó Đức Giêsu xác định mình là “Con” là Matthêu 11,27: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho.”
Như các nhà chú giải cắt nghĩa, lời trên đây có nguồn gốc aram rõ ràng và chứng minh rằng những khai triển về sau mà người ta có thể đọc được về vấn đề này trong Phúc Âm Gioan có nguồn gốc xa xưa trong chính ý thức của Đức Kitô.
Như Đức Giáo Hoàng ghi chú trong cuốn sách của mình, một sự hiệp thông kiến thức rất toàn diện và tuyệt đối giữa Chúa Cha và Chúa Con không thể giải thích nếu không có sự hiệp thông bản thể, hoặc hiện hữu. Do đó các công thức sau này, mà đỉnh cao là định nghĩa của Nicêa về Chúa Con là “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”, là những khai triển táo bạo, nhưng gắn bó chặt chẽ với sự kiện Phúc Âm.
Bằng chứng mạnh mẽ nhất cho ý thức của Đức Giêsu về căn tính của Ngài là Con là lời cầu nguyện của Ngài. Ở đó, Ngài không chỉ tuyên bố sự kiện Ngài là con, mà Ngài còn sống nó. Cách thức và tần suất nại tới kiểu hô lên “Abba” trong lời cầu nguyện của Đức Kitô làm chứng cho một sự thân mật và sự quen thuộc với Thiên Chúa không gì sánh được trong truyền thống của Israel. Nếu cách diễn tả đã được lưu giữ trong ngôn ngữ gốc và trở thành dấu hiệu của kinh nguyện Kitô giáo (x. Gl 4,6; Rm 8,15), chính vì người ta đã xác tín rằng đó là hình thức cầu nguyện điển hình của Đức Giêsu[19].
Dữ kiện Phúc Âm này làm sáng tỏ cuộc tranh luận hiện tại xung quanh con người của Đức Giêsu. Trong phần giới thiệu cuốn sách của mình, Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn lời Rudolf Schnackenburg quả quyết rằng “không cắm rễ nơi Thiên Chúa, con người của Đức Giêsu chỉ thoáng qua, phi thực tế và không thể giải thích được”. Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Sách của tôi dựa trên điều đó, xem xét Đức Giêsu từ sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha. Đó là trung tâm thực sự của nhân cách của Ngài”[20].
Theo tôi, những từ này làm sáng tỏ tính chất có vấn đề của một nghiên cứu lịch sử về Đức Giêsu, không những không liên quan đến đức tin, mà còn loại trừ nó ngay từ đầu; nói cách khác, đó là tính chất chấp nhận được trên bình diện lịch sử những gì đôi khi được định nghĩa là “Đức Giêsu của những người vô thần”. Ở đây tôi không nói về đức tin vào Đức Kitô và vào thần tính của Ngài, mà là về niềm tin vào ý nghĩa phổ biến hơn của thuật ngữ này, tức là về niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Tôi không nghĩ rằng người vô tín không có quyền quan tâm đến Đức Giêsu. Những gì tôi muốn nhấn mạnh, khởi đi từ những quả quyết của Đức Giáo Hoàng mà chúng ta đã trích dẫn, chính là những hậu quả phát xuất từ điểm bắt đầu này, nghĩa là “sự hiểu biết trước” của người không tin có ảnh hưởng lớn hơn nhiều về nghiên cứu lịch sử so với sự hiểu biết trước của người tin. Đó là điều trái ngược với ý nghĩ của các chuyên viên không tin.
Nếu người ta chối bỏ đức tin vào Thiên Chúa hoặc coi thường nó, người ta không chỉ loại bỏ thần tính hay điều gọi là Đức Kitô của lòng tin, mà còn chối bỏ cả Đức Giêsu của lịch sử, nói cách khác, người ta không bảo toàn ngay cả con người Đức Giêsu. Theo lịch sử, không ai có thể phản kháng rằng Đức Giêsu của Phúc Âm sống và hành động luôn quy chiếu về Cha trên trời của Ngài, rằng Ngài cầu nguyện và dạy người ta cầu nguyện, rằng Ngài xây dựng mọi sự trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng “nuôi chim trời và mặc đẹp cho hoa cỏ đồng nội“. Nếu người ta loại bỏ khỏi Phúc Âm chiều kích này của Đức Giêsu, thì tuyệt đối không còn lại gì về Ngài.
Nếu chúng ta bắt đầu từ nguyên tắc ngầm hoặc tuyên bố rằng Thiên Chúa không hiện hữu, Đức Giêsu chỉ là một người ngây ngô đã cầu nguyện, tôn thờ, nói với cái bóng của mình hoặc với sự phóng chiếu yếu tính riêng của mình, nói như Feuerbach. Đức Giêsu sẽ là nạn nhân lừng lẫy nhất của cái mà nhà vô thần chiến đấu Dawkins định nghĩa là “ảo tưởng về Thiên Chúa”[21]. Nhưng làm sao có thể giải thích được cuộc sống của con người này đã “làm thay đổi thế giới”, và hai ngàn năm sau, không như ai khác, Ngài còn tiếp tục chất vấn bao nhiêu người? Nếu ảo tưởng có thể thực hiện những gì Đức Giêsu đã thực hiện trong lịch sử, thì Dawkins và những người khác có lẽ phải xem lại khái niệm này.
Chỉ có một cách thoát ra khỏi khó khăn này: cách được khẳng định trong khung cảnh cuộc “Hội thảo về Đức Giêsu” ở Berkeley, Hoa Kỳ, đó là: Đức Giêsu đã không phải là một tín đồ Do Thái; về căn bản, Ngài là một triết gia lưu động, theo phong cách khuyển nho[22]; Ngài không loan báo Nước Thiên Chúa cũng không loan báo ngày tận thế sắp xảy ra; Ngài chỉ nói những câu châm ngôn khôn ngoan theo phong cách một thiền sư. Mục đích của Ngài là đánh thức sự tự ý thức nơi con người, để thuyết phục họ tin rằng họ không cần Ngài hay bất cứ vị thần nào khác, bởi vì họ mang trong mình một tia lửa thần linh[23]. Nhưng – một sự trùng hợp ngẫu nhiên – chính là những gì New Age đã rao giảng từ nhiều thập niên! Một hình ảnh không biết thứ mấy về Đức Giêsu do cái “mốt” lúc này sản xuất ra. Đúng vậy: không cắm rễ nơi Thiên Chúa, hình ảnh của Đức Giêsu vẫn chỉ “thoáng qua, phi thực tế và không giải thích được”.
Thật may mắn, ngõ cụt này không phải là đại diện cho những kết quả của nghiên cứu lịch sử gần đây về Đức Giêsu, thậm chí không phải là xu hướng được công nhận nhất của nó. Một kết quả tích cực, chín mùi trong lĩnh vực của cái gọi là “cuộc nghiên cứu thứ ba” liên quan đến việc thờ phượng Đức Giêsu. Trong gần một thế kỷ – kể từ khi Wilhelm Bousset, vào năm 1913, đã viết cuốn sách nổi tiếng về Đức Kitô là Chúa (Kyrios)[24] – ý tưởng cho rằng nguồn gốc của việc thờ kính Đức Kitô như một vị thần phải được tìm kiếm trong bối cảnh Hy lạp, tức là rất lâu sau cái chết của Đức Kitô, ý tưởng ấy chiếm ưu thế trong các cuộc nghiên cứu phê bình. Vấn đề gần đây đã được Larry Hutardo, giáo sư ngôn ngữ, văn chương và thần học Tân Ước ở Edinburgh, lấy lại tận gốc. Đây là kết luận mà ông đạt được sau cuộc nghiên cứu với hơn bảy trăm trang sách:
“Việc tôn kính Đức Giêsu như một nhân vật thần linh đã bùng nổ đột ngột và sớm sủa, không phải dần dần và muộn màng, trong nhóm các môn đệ ở thế kỷ thứ nhất. Đặc biệt hơn, nguồn gốc lên tới tận các Kitô hữu gốc Do thái ở những năm đầu tiên. Chỉ có một lối suy nghĩ duy tâm tiếp tục quả quyết coi việc tôn kính Đức Giêsu như một nhân vật thần linh là do ảnh hưởng của ngoại giáo và do ảnh hưởng của những người ngoại đạo trở lại, khi cho thấy điều đó mới xẩy ra thôi và có tiến triển. Vả lại, việc tôn kính Đức Giêsu là “Chúa” có được cách diễn tả tương xứng với việc tôn kính thông qua sự thờ phượng và vâng phục hoàn toàn, việc ấy đã lan rộng và không bị giới hạn, hoặc được gán cho các nhóm đặc biệt như nhóm “những người Hy Lạp”, hoặc những Kitô hữu có nguồn gốc ngoại giáo, hoặc cái gọi là “việc tôn kính Đức Kitô” ở Syria. Giữa lòng các Kitô hữu tiên khởi khác nhau, đức tin vào địa vị thần linh của Đức Giêsu đã lan rộng một cách đáng kinh ngạc”[25].
Kết luận lịch sử nghiêm nhặt này hẳn phải chấm dứt ý kiến, vẫn chiếm ưu thế trong một loại tác phẩm nào đó, cho rằng việc tôn kính Đức Kitô là một kết quả sau này của đức tin (mà, theo Dan Brown trong tác phẩm Mật mã Da Vinci, Constantinô đã dùng luật áp đặt cho Công đồng Nicêa năm 325!)
5. Bước ngoặt lớn
Không gì trong Tân Ước làm sáng tỏ sự mới mẻ của Đức Kitô hơn là cuộc chạm trán với Gioan Tẩy Giả. Chủ đề về sự hoàn tất và bước ngoặt có tính quyết định rõ ràng thoát thai từ các bản văn trong đó chính Đức Giêsu nói về mối quan hệ của mình với vị Tiền Hô. Các chuyên viên ngày nay thừa nhận rằng những tuyên bố về chủ đề xuất hiện trong Phúc Âm không phải là những phát minh hay thích nghi mang tính hộ giáo của cộng đồng sau Lễ Vượt Qua, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ Đức Giêsu lịch sử. Một số những tuyên bố ấy thậm chí không thể hiểu được nếu chúng được gán cho cộng đồng Kitô giáo sau này.[26]
Bản văn đầy đủ nhất trong đó Đức Giêsu nói về mối liên hệ của mình với Gioan Tẩy Giả là đoạn Phúc Âm thuật lại việc, từ nhà tù, Gioan sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến hay không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-6; Lc 19-23 )
Gioan có cảm tưởng rằng vị Tôn Sư ở Nadaret, người mà chính ông đã làm phép rửa và giới thiệu cho Israel, trong lời rao giảng của mình, có một hướng đi rất khác so với hướng đi sáng chói mà ông mong đợi. Vị Tôn Sư rao giảng về lòng thương xót hiện tại dành cho mọi người, công chính cũng như tội nhân, hơn là sự phán xét sắp xảy ra của Thiên Chúa.
Đoạn có ý nghĩa nhất trong toàn bộ bản văn là lời Đức Giêsu khen ngợi Gioan Tẩy Giả, sau khi trả lời câu hỏi của ông: “Anh em ra xem gì […]? […] Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế, tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa […]. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiêm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.” (Mt 11,7-15)
Một điều thấy rõ trong những lời này: giữa sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu, đã có một điều mang tính quyết định biểu thị một ranh giới giữa hai thời kỳ. Trọng tâm của lịch sử đã di chuyển: yếu tố quan trọng nhất không còn ở trong một tương lai ít nhiều sắp xảy ra nữa, mà là “ở đây và lúc này”, trong Vương quốc đã hoạt động nơi con người Đức Kitô. Một bước nhảy vọt về phẩm chất đã xảy ra giữa hai lời rao giảng: người nhỏ nhất trong trật tự mới ở trên người lớn nhất trong trật tự cũ.
Chủ đề thành tựu và bước ngoặt này được xác nhận trong nhiều đoạn Phúc Âm khác. Chỉ cần nhắc lại một vài lời của Đức Giêsu như: “Đây thì còn hơn ông Giona nữa […] Đây thì còn hơn vua Salomon nữa” (Mt 12,41-42) “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thực anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13,16-17).
Tất cả những lời mà chúng ta đã gọi là những “dụ ngôn về Nước Trời” – người ta có thể nghĩ đến những dụ ngôn về kho tàng ẩn giấu và viên ngọc quý – diễn tả mỗi lần một cách cùng một ý tưởng căn bản: với Đức Giêsu, giờ quyết định của lịch sử đã điểm, trước mặt Ngài người ta phải đưa ra quyết định mà ơn cứu độ tùy thuộc vào đó.
Chính nhận định này đã khiến các môn sinh của Bultmann xa rời thầy của họ. Bultmann đã định vị Đức Giêsu trong lòng Do thái giáo, biến Ngài trở thành bước đầu của Kitô giáo, chưa phải là một Kitô hữu; ngược lại, ông gán bước ngoặt lớn cho đức tin của cộng đồng phát sinh sau Lễ Vượt Qua. Bornkamm và Conzelmann nhận ra sự không nhất quán của chủ đề này: “bước ngoặt quyết định” đã được bắt đầu bằng lời rao giảng của Đức Giêsu. Gioan thuộc về “bước đầu” và chuẩn bị, nhưng với Đức Giêsu, người ta đã ở trong thời hoàn tất.
Trong thần học của Luca, hiển nhiên Đức Giêsu chiếm giữ “trung tâm của thời gian”. Do việc Ngài đến, Ngài đã chia lịch sử thành hai phần, tạo ra “trước” và “sau” tuyệt đối. Ngày nay, đặc biệt trong báo chí thế tục, người ta thấy có thói quen từ bỏ cách thức truyền thống ghi các biến cố “trước Đức Giêsu Kitô” hoặc “sau Đức Giêsu Kitô” (“ante Christum natum” và “post Christum natum”), ủng hộ công thức trung lập hơn “trước công nguyên” và “thuộc công nguyên”. Đây là một sự lựa chọn do không muốn xúc phạm cảm tính của các dân tộc thuộc các tôn giáo khác sử dụng niên đại Kitô giáo; theo nghĩa này, nó phải được tôn trọng, nhưng đối với các Kitô hữu, vai trò “phân biệt” của việc Đức Kitô đến đối với lịch sử tôn giáo của nhân loại là không thể tranh cãi.
6. Lời tiên tri mới của Gioan Tẩy Giả
Chúng ta hãy trở lại với Gioan Tẩy Giả. Ông có thể soi sáng cho chúng ta về cách hoàn thành nhiệm vụ tiên tri của chúng ta trong thế giới hôm nay. Đức Giêsu coi Gioan Tẩy Giả “còn hơn một tiên tri“. Nhưng đâu là lời tiên tri của Gioan trong trường hợp của ông? Các tiên tri đã loan báo sự cứu độ sắp đến; nhưng vị Tiền Hô không loan báo sự cứu độ sắp đến; ông chỉ ra một sự cứu độ hiện tại. Đến mức nào người ta có thể gọi ông là một tiên tri? Isaia, Giêrêmia, Edêkien giúp dân chúng vượt qua rào cản thời gian; Gioan Tẩy Giả giúp dân chúng vượt qua rào cản còn lớn hơn của những bề ngoài trái ngược, của tai tiếng, của sự tầm thường và nghèo đói mà giờ thiên định được tỏ lộ cùng với chúng.
Thật dễ dàng khi tin vào một điều gì đó lớn lao, thần linh, khi nó hướng tới một tương lai vô định: “trong những ngày này“, “những ngày cuối cùng“, trong một khung cảnh vũ trụ, với trời nhỏ sương mai và đất mở ra để làm nẩy mầm Đấng Cứu Thế. Thật khó hơn khi phải nói: “Ngài đây rồi! Ngài ở đó! Chính là Ngài” và thật khó khi nói về một người mà người ta biết tất tần tật: anh ta từ đâu đến, làm công việc gì, cha anh là ai. Đây là lý do khiến những người đồng hương Nadaret chối từ Đức Giêsu (Mc 6,1-6).
Bằng những lời: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26), Gioan Tẩy Giả đã khai mào lời tiên tri mới, lời tiên tri về thời của Giáo Hội, không ở chỗ loan báo một sự cứu độ sẽ đến và đang ở xa, nhưng mạc khải sự hiện diện ẩn giấu của Đức Kitô trên thế giới, xé bỏ tấm màn che mắt mỗi người, lay động sự thờ ơ bằng cách lặp lại lời Isaia: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (x. Is 43,19)
Đúng là hai mươi thế kỷ đã trôi qua kể từ đó và chúng ta biết nhiều về Đức Giêsu hơn Gioan. Nhưng cớ vấp phạm vẫn còn. Vào thời của Gioan, cớ vấp phạm là ở thân xác thể lý của Đức Giêsu, ở xác thịt của Ngài rất giống với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Còn ngày nay, chính thân thể của Ngài, xác thịt của Ngài gây ra những khó khăn và tai tiếng: thân thể mầu nhiệm của Ngài, rất giống với phần còn lại của nhân loại, kể cả trong tội lỗi, một điều thật không may.
Chúng ta đọc trong sách Khải huyền: “Lời chứng của Đức Giêsu là thần khí linh hứng cho ngôn sứ” (Kh 19,10), nghĩa là để làm chứng cho Đức Giêsu, cần có một tinh thần tiên tri. Tinh thần tiên tri này có còn tồn tại trong Giáo Hội chăng? Có vun trồng nó chăng? Có khuyến khích nó chăng? Hay chúng ta ngầm tin là có thể không cần nó, bằng cách tập trung nhiều hơn vào những phương tiện và tài năng của con người chăng?
Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta biết rằng để trở thành một nhà tiên tri, không cần phải có học thuyết lớn lao và tài hùng biện lớn lao. Ông không phải là một nhà thần học vĩ đại; Kitô học của ông nghèo nàn và thô sơ. Ông chưa biết tước hiệu cao sang nhất của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa, Ngôi Lời, hay thậm chí tước hiệu Con Người. Tuy nhiên, ông đã thành công trong việc chuyển tải sự cao cả và sự duy nhất của Đức Kitô! Ông sử dụng những hình ảnh cực kỳ đơn giản, những hình ảnh của nông dân. “Tôi không xứng đáng cởi giầy cho Ngài“. Qua lời nói của ông, thế giới và nhân loại xuất hiện như được chứa trong một cái rây mà Ngài, Đấng Mêsia, cầm và lắc trong tay. Trước mặt Ngài, ai còn và ai mất, ai là hạt tốt và ai là cỏ lùng mà cơn gió phân tán, tất cả đều được quyết định.
Năm 1992 đã có một cuộc tĩnh tâm linh mục tại Monterrey ở Mexico, nhân dịp năm trăm năm truyền bá Phúc Âm đầu tiên ở châu Mỹ Latinh. Khoảng bảy mươi giám mục và một ngàn bảy trăm linh mục có mặt. Trong Thánh lễ bế mạc, tôi đã nói tới nhu cầu cấp thiết về lời tiên tri trong Giáo Hội. Sau phần hiệp lễ, có một lời cầu nguyện cho một lễ Ngũ Tuần mới trong các nhóm nhỏ phân bố trong đại vương cung thánh đường. Tôi ở lại trên cung thánh. Có một lúc, một linh mục trẻ yên lặng đến gần tôi, quỳ xuống trước tôi và với cái nhìn mà tôi sẽ không bao giờ quên được, cha nói với tôi: “Bendigame, Padre, quiero ser profeta de Dios” (Thưa cha, xin chúc lành cho con, con muốn trở thành tiên tri của Chúa). Điều đó làm tôi cảm động vì tôi thấy cha ấy rõ ràng đã được ân sủng đánh động.
Chúng ta có thể khiêm tốn biến ước muốn của vị linh mục này thành của ta: “Tôi muốn trở thành một tiên tri của Chúa”. Nhỏ bé, không được mọi người biết đến, không quan trọng, nhưng một nhà tiên tri, như Đức Phaolô VI đã nói, có “lửa trong tâm hồn, lời nói trên môi miệng, tiên tri trong cái nhìn”.
IV. CHÚA THÁNH THẦN SỨC MẠNH CỦA VIỆC LOAN BÁO
Loan báo Phúc Âm trong Chúa Thánh Thần
1. Dabar và Ruah : Lời và Thần Khí
Sau khi nói tới nội dung của lời rao giảng Kitô giáo – nói khác đi, loan báo Đức Kitô – trong bối cảnh văn hóa hiện nay, giờ đây chúng ta nói về phương pháp mà, như Kinh Thánh nói, chủ yếu hệ tại ở việc loan báo Đức Kitô “trong Chúa Thánh Thần” (1Pr 1,12).
Nếu tôi muốn phổ biến thông tin, vấn đề đầu tiên đặt ra là: truyền tải thông tin này bằng phương tiện nào? Bằng đài phát thanh, truyền hình? Phương tiện này quan trọng đến mức khoa học hiện đại về truyền thông xã hội đã phát minh ra khẩu hiệu: “Phương tiện truyền thông là sứ điệp”. (“The medium is the message“, M. Mc Luhan).
Vậy phương tiện chính yếu và tự nhiên mà lời nói được truyền đi là gì? Đó là hơi thở, tiếng nói. Có thể nói được là nó lấy lời đã hình thành trong nơi bí ẩn của tâm trí tôi và mang đến cho người nghe. Tất cả các phương tiện khác chỉ làm gia tăng và khuếch đại phương tiện đầu tiên này của hơi thở hoặc tiếng nói. Chữ viết cũng xuất hiện sau và giả thiết tiếng nói trực tiếp, vì các chữ cái trong bảng mẫu tự chỉ là dấu hiệu chỉ ra âm thanh. Lời Chúa cũng đi theo quy luật này. Nó được truyền qua trung gian một hơi thở. Và cái gì hoặc, đúng hơn, ai là hơi thở này hoặc Ruah của Thiên Chúa theo Kinh Thánh? Chúng ta biết đó là Chúa Thánh Thần! Hơi thở của tôi có thể làm sinh động lời nói của anh, hoặc hơi thở của anh có thể làm sinh động lời nói của tôi chăng? Không, lời nói của tôi chỉ có thể được phát ra bằng hơi thở của tôi và lời nói của anh chỉ có thể được phát ra bằng hơi thở của anh. Cũng vậy, Lời Chúa chỉ có thể được làm sinh động bằng hơi thở của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.
Đây là một chân lý rất đơn giản và gần như hiển nhiên, nhưng rất quan trọng. Đó là luật nền tảng của mọi việc loan báo và Phúc Âm hóa. Tin tức của con người được truyền tải bằng lời nói hoặc qua radio, cáp hoặc vệ tinh, v.v.; tin tức của Thiên Chúa, vì là thần linh, được truyền tải bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là một phương tiện truyền thông đích thực, duy nhất của tin tức ấy, mà không có Người, người ta không thể nhận ra sứ điệp mang vẻ bên ngoài thuộc con người. Lời Thiên Chúa là “Thần Khí và sự sống” (x. Ga 6,63) và do đó chỉ có thể truyền tải hoặc đón nhận “trong Thần Khí”.
Luật nền tảng này, chúng ta cũng thấy được thực hiện cụ thể trong lịch sử cứu độ. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng “trong quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Lc 4,14tt). Chính Ngài tuyên bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho người nghèo hèn.” (Lc 4,18)
Sau lễ Phục sinh, Đức Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ đừng đi khỏi Giêrusalem, nhưng chờ đợi ở đó điều Chúa Cha đã hứa, là quyền năng từ trên cao: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy.” (Cv 1,8) Toàn bộ trình thuật về ngày lễ Ngũ Tuần giúp đưa ra ánh sáng chân lý này. Chúa Thánh Thần đến và này đây Phêrô cũng như các Tông Đồ khác bắt đầu cao giọng nói về Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, và lời của họ có một sức mạnh lớn lao đến nỗi ba ngàn người cảm thấy đau đớn trong lòng. Chúa Thánh Thần đến trên các Tông Đồ, ban cho họ một niềm khao khát không thể cưỡng lại đi rao giảng Phúc Âm.
Phaolô khẳng định rằng nếu không có Chúa Thánh Thần, không thể tuyên bố Đức Giêsu là Chúa, điều này là hình thức căn bản nhất và là khởi đầu của mọi lời loan báo Kitô giáo (x. 1Cr 12,3).
Tuy nhiên, không bao giờ có một ai sẽ có thể bày tỏ mối quan hệ mật thiết giữa việc Phúc Âm hóa và Chúa Thánh Thần rõ bằng Đức Giêsu trong buổi chiều ngày Phục Sinh. Khi hiện ra với các môn đệ đang tụ họp tại nhà Tiệc ly, Ngài nói với họ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Nói xong Người thở hơi vào các ông và bảo : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,21-22) Khi truyền cho các Tông Đồ đi khắp thế giới, Đức Giêsu cũng ban cho họ phương tiện để thực hiện điều đó và Ngài đã làm như vậy một cách có ý nghĩa qua hơi thở.
Mối liên hệ mật thiết này giữa lời (dabar) và hơi thở hoặc thần khí (ruah) có thể thấy trong cả cuốn Kinh Thánh, nơi mà, ngược với tiếng Pháp, “thần khí” thuộc giống cái và “lời” thuộc giống đực. Đây là hai sức mạnh to lớn cùng nhau làm lay động thế giới: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.” (Tv 33,6) “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.” (Is 11,4) Các tiên tri có khi được xem là người của lời, có khi là người của Thần Khí. Có khi chính lời “đến” với họ và biến họ thành tiên tri, có khi, chính “Thần Khí của Chúa” (Is 61,1) đóng vai trò tương tự. “Thần khí của Ta ở trên ngươi và các lời Ta đặt nơi miệng ngươi sẽ không rời khỏi miệng ngươi.” (Is 59,21)
Có một sự hỗ tương hoàn hảo giữa hai thực tại có gốc rễ xa trong chính Ba Ngôi. Thánh Thần nhiệm xuất “qua” Chúa Con, nhưng Chúa Con cũng được sinh ra “trong” Thánh Thần. Trong mạc khải, Thánh Thần ban cho chúng ta Lời (thật vậy, “chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” 2Pr 1,21); nhưng sau đó, cũng chính lời của Kinh Thánh này, khi lấy đức tin mà đọc, ban Chúa Thánh Thần. Trong việc cứu chuộc, một lần nữa, có sự tuần hoàn này: tại thời điểm Nhập thể, Chúa Thánh Thần cho chúng ta Lời hằng sống của Thiên Chúa là Đức Giêsu, “xuống thai bởi Chúa Thánh Thần“; trong mầu nhiệm vượt qua, chính Lời làm người, từ Thập Giá, làm lan tỏa Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội.
2. Những phương tiện: Cầu nguyện
Tôi đã gợi ra trong ít nét những suy tư thần học về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc loan báo vì, thực ra, tôi muốn khai triển đặc biệt chủ đề thứ hai: cụ thể phải làm gì để có được Chúa Thánh Thần trong việc rao giảng Phúc Âm?; làm thế nào chúng ta cũng có thể được ban sức mạnh từ trên cao, như trong một “Lễ Ngũ Tuần mới”?
Tôi sẽ nhấn mạnh hai cách mà tôi coi là thiết yếu cho mục đích này: cầu nguyện và ý ngay. Những gì tôi nói áp dụng cho mọi hình thức phục vụ lời và do đó chất vấn từng người, ngay cả những người không liên quan đến việc loan báo theo nghĩa chặt của thuật ngữ này.
Biết cách có được Chúa Thánh Thần cho việc rao giảng là chuyện dễ. Chỉ cần thấy cách Đức Giêsu đã có được Người và chính Giáo Hội đã có được Người vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chính như thế mà Luca mô tả biến cố Đức Giêsu nhận phép rửa: “Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra rửa, và Thánh Thần ngự xuống trên Người” (Lc 3,21-22) “đang khi Người cầu nguyện”: dường như theo Luca chính lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã mở cửa trời và làm cho Chúa Thánh Thần xuống.
Xa hơn một chút, trong cùng Phúc Âm Luca, chúng ta đọc thấy: “Đám đông lũ lượt tuốn đến để nghe Người và để được Người chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.” (Lc 5,15-16)
Chữ “nhưng” này rất hùng hồn: nó tạo ra một sự tương phản đặc biệt giữa đám đông đang chen chúc và quyết định của Đức Giêsu không để mình bị đám đông áp đảo, những người sẽ làm cho Ngài không còn đối thoại được với Chúa Cha.
Từ Đức Giêsu sang Giáo Hội, chúng ta thấy điều tương tự: Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần đến với các Tông Đồ khi “tất cả đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện.” (Cv 1,14) Điều duy nhất chúng ta có thể làm đối với Chúa Thánh Thần, quyền năng duy nhất chúng ta có trên Người, là cầu khẩn với Người và cầu nguyện. Không có phương tiện nào khác. Phương tiện “yếu đuối” này của cầu nguyện và cầu khẩn thực ra không thể sai lầm được: “Phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13) Thiên Chúa cam kết ban Thánh Thần cho những người cầu nguyện.
Bên cạnh lời cầu nguyện cá nhân, còn phải có lời cầu nguyện của cả cộng đồng. Lời Chúa thích đến với người rao giảng trong khi ngài cùng với cộng đồng cầu nguyện. Không có món quà quý giá nào cho một người rao giảng hay một “mục tử các linh hồn” hơn là được bao quanh bởi một nhóm người cầu nguyện rất đơn thành, như một người anh em giữa các anh em, không phân biệt cấp bậc hay phẩm trật, như các Tông Đồ đã làm với các phụ nữ và môn đệ trong nhà Tiệc ly, trước khi rảo qua các đường phố ở Giêrusalem. Sau đó, khi ở trước mọi người, các Tông Đồ tiếp tục vai trò tông đồ cũng như quyền bính của các ông.
Trong chương 4 của sách Công vụ, chúng ta thấy chính cộng đồng cầu nguyện, với sức mạnh của các đặc sủng được bầy tỏ trong cộng đồng, mang lại cho các Tông đồ Phêrô và Gioan, những người đang bị Hội đồng Do thái đe dọa và không rõ về một loạt các biến cố, được thêm can đảm như thế nào, đến nỗi họ lại bắt đầu tự tin (parrhesia) mà loan báo Đức Kitô.
Việc loan báo gặp hai nguy hiểm chính. Một là sự trơ lỳ, lười biếng, không làm gì cả và để những người khác làm. Hai là sự hiếu động của con người, bồn chồn và trống rỗng, dẫn đến việc dần dần mất đi sự tiếp xúc với nguồn là Lời Chúa và trở nên không hiệu quả. Cả hai nguy hiểm đều đưa đến thất bại. Khối lượng Phúc Âm hóa và hoạt động càng tăng, thì khối lượng cầu nguyện cũng phải tăng.
Người ta có thể phản đối: phi lý, thời giờ là thời giờ, thời nào việc nấy! Đồng ý, nhưng người nhân số bánh lên cũng không thể nhân thời giờ lên sao? Vả lại, đó là những gì Thiên Chúa tiếp tục làm và chúng ta trải nghiệm mỗi ngày. Sau khi cầu nguyện, chúng ta làm mọi việc trong vòng chưa đầy một nửa thời gian. Chúng ta còn có thể nói: Nhưng làm sao thinh lặng cầu nguyện, làm sao không chạy khi nhà đang cháy? Đúng thôi. Nhưng hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho một đội lính cứu hỏa, những người sẽ nhanh chóng đến dập tắt đám cháy và nhận thấy không còn giọt nước nào trong bồn? Chúng ta là như vậy khi chúng ta hối hả đi giảng mà không cầu nguyện. Không phải là thiếu lời; ngược lại, càng ít cầu nguyện, người ta càng nói nhiều, nhưng là những lời trống rỗng, không đâm thấu lòng của bất cứ ai.
Phúc Âm hóa có một nhu cầu sống còn của một tinh thần tiên tri đích thực. Chỉ có Phúc Âm hóa mang tính chất tiên tri mới có thể làm rung chuyển thế giới. Trong sách Khải huyền, chúng ta đọc thấy câu này: “Lời chứng của Đức Giêsu là tinh thần của lời tiên tri.” (Kh 19,10) Điều này có nghĩa là: linh hồn của việc Phúc Âm hóa (“lời chứng của Đức Giêsu” tương đương với Phúc Âm hóa), chính là lời tiên tri. Vậy chính trong lời cầu nguyện mà chúng ta rút ra tinh thần tiên tri.
Nhưng điều gì tối quan trọng xẩy ra trong lời cầu nguyện để có được Chúa Thánh Thần? Bằng sự kiện đơn giản là khi cầu nguyện, con người phục tùng Thiên Chúa, vâng lời và cởi mở đối với Ngài; con người “nhìn nhận sức uy hùng của Thiên Chúa” (x. Tv 68,35). Thiên Chúa chỉ có thể ban quyền cho những ai chấp nhận ý muốn của Ngài. Nếu không, đó sẽ là pháp thuật, không phải là lời tiên tri.
Theo lời Phêrô nói, để giải thích sự hoài nghi của những kỳ mục của Hội đồng Do thái, Thiên Chúa ban Thánh Thần “cho những ai vâng lời Người.” (x. Cv 5,32) Người ban Thánh Thần cho những ai vâng lời. Phải chết cho chính mình, phải để trái tim mình bị xé nát hầu có thể hoàn toàn đón nhận ý muốn của Chúa Cha, là ý muốn lớn lao và khác biệt hơn nhiều so với ý muốn của chúng ta. Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều đêm ở vườn Ghetsêmani trong cuộc đời của Đức Giêsu, chứ không chỉ có một. Khi ấy, Ngài đấu tranh với Thiên Chúa, không phải để bắt Thiên Chúa làm theo ý Ngài, như điều Giacob đã làm trong cuộc đấu tranh của ông với Thiên Chúa, nhưng để bắt ý muốn nhân loại của Ngài làm theo ý Thiên Chúa, và để nói lời “Fiat, Xin vâng” trước mỗi khó khăn hay đòi hỏi mới.
Sau những đêm như vậy, Đức Giêsu trở lại rao giảng trước đám đông và đám đông đầy kinh ngạc mà nói: “Ngài nói như một người có quyền! Quyền này từ đâu mà đến vậy?” Chắc chắn Ngài nói như một người có quyền. Quả thực Ngài nói như một người có chính quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì khi chúng ta hoàn toàn thuận theo Thiên Chúa, thì, một cách mầu nhiệm, Thiên Chúa thuận theo chúng ta và ban cho chúng ta Thần Khí cũng như quyền năng của Ngài, mà Ngài biết rằng giờ đây chúng ta sẽ không lạm dụng quyền ấy cho bản thân hoặc vinh quang riêng của chúng ta, cũng như không lạm dụng quyền ấy để bắt anh em mình làm nô lệ. Khi ấy, những lời Ngài nói làm đau đớn trong lòng. Chính Ngài trải nghiệm về một quyền bính không đến từ Ngài.
3. Nói bằng sự khiêm nhường
Sau lời cầu nguyện, một phương tiện rất quan trọng giúp Chúa Thánh Thần hành động thông qua những lời của người rao giảng, là ý ngay. Ý định cho Thiên Chúa hầu như là tất cả. Con người nhìn thấy bên ngoài nhưng Thiên Chúa dò thấu những ý định trong tâm hồn (x. 1Sm 16,7). Một hành động có giá trị đối với Thiên Chúa thế nào thì ý định theo đó hành động được thực hiện cũng có giá trị như vậy. Chúa Thánh Thần không thể hành động trong việc Phúc Âm hóa của chúng ta, nếu lý do của việc Phúc Âm hóa này không trong sáng. Người không thể toa rập với dối trá. Người không thể đến củng cố sự phù phiếm của thụ tạo. Phải tự hỏi: Tại sao chúng ta muốn Phúc Âm hóa? Lý do “tại sao” rao giảng hầu như cũng quan trọng như “điều” chúng ta rao giảng. Không gì xúc phạm hoặc làm giảm sức mạnh của việc chúng ta rao giảng hơn là ý định thiếu trong sáng. Tôi muốn nói đến hai hướng trong đó cần cố gắng để thanh lọc ý định của chúng ta: khiêm nhường và yêu thương.
Thánh Phaolô cho thấy người ta có thể loan báo Đức Kitô vì những mục đích xấu xa và thiên vị: “Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tị và tranh chấp […] Còn những người kia loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay.” (Pl 1,15-17)
Có hai mục đích căn bản mà người ta có thể rao giảng về Đức Kitô: cho mình hoặc cho Đức Kitô. Nhận thức được điều này, thánh Tông Đồ long trọng tuyên bố: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa.”(2Cr 4,5)
Trong sách Công vụ của mình, Luca muốn tạo ra một phản đề ngầm giữa lễ Ngũ Tuần và Babel, để giới thiệu Giáo Hội như là chống lại Babel. Nhưng sự tương phản giữa hai tình huống là gì? Ở Babel, các ngôn ngữ bị lẫn lộn và không ai hiểu nhau, mặc dù tất cả nói cùng một ngôn ngữ, trong khi ở lễ Ngũ Tuần, mọi người hiểu nhau dù nói những ngôn ngữ khác nhau. Người ta tìm được lời giải thích trong chính Kinh Thánh. Kinh Thánh viết rằng những người xây tháp Babel đã bắt tay vào việc mà nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất!” (St 11,4) “Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng!” chứ không phải “làm cho danh Chúa lẫy lừng!”
Ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đều hiểu các Tông Đồ, vì họ “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11). Các ông không công bố chính mình, nhưng là Thiên Chúa. Các ông đã triệt để hoán cải. Các ông không còn tranh luận xem ai trong nhóm là người lớn nhất, nhưng chỉ quan tâm đến sự cao cả và uy nghi của Thiên Chúa. Các ông “say sưa” với vinh quang của Ngài. Đây là bí ẩn của cuộc hoán cải khổng lồ với ba ngàn người. Do đó tại sao những con người này, nghe lời của Phêrô, cảm thấy đau đớn trong lòng. Chúa Thánh Thần đi qua mà không gặp trở ngại nào qua lời nói của ông, vì ý định của ông “ngay thẳng”.
Đó cũng là con đường tiến tới một sự hiểu biết đại kết đích thực trong việc Phúc Âm hóa. Chừng nào chúng ta còn làm việc để tạo danh tiếng cho mình hoặc cho phong trào của chúng ta, cho dòng tu của chúng ta, cho Giáo Hội hay giáo phái của chúng ta, chúng ta chỉ có thể chia rẽ nhau giữa các Kitô hữu và làm chúng ta hao mòn vì tinh thần cạnh tranh, như đã thường thấy trong quá khứ. Khi chúng ta chỉ tìm vinh quang của Thiên Chúa mà thôi và đồng tâm hiệp ý cùng nhau loan báo những kỳ công của Ngài, tôn trọng các chỉ thị của mỗi Giáo Hội, trong tinh thần khiêm nhường và vâng lời, khi ấy mọi người sẽ lắng nghe chúng ta và sẽ đau đớn trong lòng.
Biện pháp khắc phục là xin Thiên Chúa cho chúng ta có một kinh nghiệm nóng bỏng về vinh quang của Ngài, như Ngài đã làm với một số tiên tri. Isaia khi nhìn thấy sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa, đã kêu lên: “Tôi chết mất!” Edêkien sấp mặt xuống đất như chết (x. Ed 1,28). Sau đó, Thiên Chúa đã có thể nói những lời này: “Hãy đi nói với nhà Israel!” Đó là những con người mới, đã chết vì vinh quang của chính họ, do đó có khả năng “cách mạng hóa toàn thế giới (x. Cv 17,6). Thế giới bị tước vũ khí trước những con người này; với họ, thế giới không thể thi thố quyền năng quyến rũ và xu nịnh của mình.
Người rao giảng có một đồng minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại sự phù phiếm và tự mãn: ý thức về tội lỗi riêng của mình và về thái độ không phù hợp của ông với lời ông loan báo. Mỗi lần ông tố giác một tội, chẳng hạn khi ông giải thích dụ ngôn về người Samari nhân hậu, khi ông nói về thầy tư tế và thầy Lêvi tiếp tục con đường của họ, khi ông nói về người đầy tớ đã được tha một món nợ lớn lại không thể tha nợ cho một người bạn, nếu ông lắng nghe kỹ, ông sẽ nghe thấy trong lòng như thể vang lên tiếng nói của chính ông (như Nathan đã làm với Đavit sau khi Đavít phạm tội): “Người đó chính là ông! ” (x. 2Sm 12,7)
Một hôm, tôi đang đi đến nơi hẹn quan trọng (tôi sắp giảng về Mùa Chay đầu tiên của tôi tại Phủ Giáo hoàng). Trên xe lửa, trong khi đọc Phụng vụ Giờ kinh, tôi bắt gặp Thánh vịnh 50/49 nói như sau: “Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở, mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi. Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy, lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng? […] Này đây Ta khiển trách, những tội kia Ta vạch rõ ngươi xem.”
Trước khi tôi có thể giảng Lời cho người khác, thì Lời đã giảng cho tôi. Và Lời ấy đã giảng đúng như thế nào! Quả thực chắc chắn tôi là tội nhân này, người luôn luôn giảng các điều răn và giao ước của Chúa, nhưng không muốn biết gì về “kỷ luật” của Ngài, nghĩa là thoát khỏi sự khắc khổ cần thiết và trốn tránh những đòi hỏi triệt để của Lời.
Thánh Phaolô đưa ra một bản cáo trạng dài chống lại những người (trong trường hợp này là người Do Thái), được ký thác Kinh Thánh, lại chỉ sử dụng Kinh Thánh để phán xét người khác chứ không phải chính họ. “Còn bạn, bạn mang tên là người Do Thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; bạn xác tín rằng mình là người dẫn dắt kẻ mù lòa, là ánh sáng cho kẻ ở trong bóng tối, là nhà giáo dục kẻ u mê, là thầy dạy người non dại vì bạn tưởng mình có Lề Luật là có tất cả tri thức và chân lý.” (Rm 2,17-21)
Thánh Tông Đồ đưa ra một vài ví dụ, nhưng chúng ta có thể đưa ra những ví dụ khác: Bạn lên án sự thù ghét và rao giảng về tình yêu, nhưng bạn có thực sự yêu người lân cận không? Bạn có yêu kẻ thù của bạn không? Bạn tuyên bố: “Phúc thay những ai nghèo khó“, nhưng bạn có thực sự không dính bén với của cải vật chất và phần thưởng không? Bạn có sẵn sàng từ bỏ mọi sự không? Bạn có nghèo không?
Câu nói của thánh Seraphim Sarov, đan sĩ người Nga, có thể giúp nhà giảng thuyết khiêm tốn: “Giảng thì dễ, giống như ném đá từ đỉnh tháp chuông. Điều khó là phải thực hành những gì bạn giảng. Thật cũng khó khi vác trên vai chính những viên đá ấy từ đất lên gác chuông.”
4. Nói bằng sự yêu thương
Ý định làm linh hoạt lời rao giảng của Đức Giêsu có thể bị ô nhiễm bởi những thiếu sót khác. Trong số đó là thiếu tình yêu. Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.” (1Cr 13,1)
Kinh nghiệm cho phép tôi khám phá ra một điều: người ta có thể loan báo Đức Giêsu Kitô vì những động lực ít liên quan đến tình yêu. Người ta có thể loan báo bằng sự nhiệt tình lôi kéo, để tìm thấy – trong sự gia tăng số lượng tín đồ – một sự hợp pháp hóa cho giáo hội nhỏ hoặc giáo phái của mình, đặc biệt là nếu mình đã thiết lập nó hoặc nó mới được thiết lập gần đây. Người ta có thể loan báo để đạt tới con số những người được tuyển chọn, để đem Phúc Âm đến tận cùng trái đất và như thế làm cho Chúa mau trở lại.
Một số những động cơ này dĩ nhiên là thánh thiện và tốt lành. Nhưng chỉ một mình chúng là không đủ. Điều còn thiếu là linh hồn của Phúc Âm, là tình yêu trung thực và lòng trắc ẩn đối với con người. Tại sao Thiên Chúa lại sai Con của mình là Đức Giêsu, vị thừa sai đầu tiên trên thế giới? Không gì khác hơn là vì tình yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một.” (Ga 3,16) Tại sao Đức Giêsu rao giảng Nước Trời? Chỉ vì yêu, vì lòng trắc ẩn: “Ta thương đám dân này, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” (x. Mt 9,36; 15,32) Phúc Âm về tình yêu chỉ có thể được loan báo bằng tình yêu. Nếu chúng ta không thích những người trước mặt, lời nói của chúng ta dễ dàng biến thành những viên đá làm tổn thương.
Chúng ta thường giống với Giôna. Giôna đã đi rao giảng ở thành Ninivê, nhưng ông không thích cư dân Ninivê, và Thiên Chúa gặp khó khăn trong việc cải hóa ông hơn là cải hóa dân thành Ninivê. Giôna rõ rệt hài lòng khi ông có thể hô lên: “Bốn mươi ngày nữa và Ninivê sẽ bị hủy diệt!” hơn là khi ông phải loan báo sự tha thứ của Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ninivê. Ông quan tâm đến cây thầu dầu mang lại cho ông bóng mát hơn là sự cứu rỗi của thành phố này. “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu này […], còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái!” (Gn 4,10-11)
Chúng ta thấy trong câu chuyện này, đôi khi Thiên Chúa gặp khó khăn hơn trong việc cải hóa người rao giảng so với những người mà Ngài sai người đó đến để rao giảng.
Tình yêu dành cho con người. Nhưng cũng và đặc biệt dành cho Đức Giêsu. Chính tình yêu dành cho Đức Kitô phải thúc đẩy chúng ta. Đức Giêsu nói với Phêrô: “Anh có yêu Thày không?“. “Vậy hãy chăn dắt các con chiên của Thầy.” (x. Ga 21,15tt) Chăn dắt và rao giảng phải phát sinh từ một tình bạn đích thực dành cho Đức Giêsu.
Tình yêu cần thiết cho ngày hôm nay, đặc biệt khi nói đến truyền giáo ad gentes. Làm thế nào giúp cho sứ mệnh Kitô giáo và việc Phúc Âm hóa được hữu hiệu trong bối cảnh mới của cuộc đối thoại liên tôn? Tôi tin rằng chúng ta cần chuyển từ động lực chủ yếu tiêu cực sang động lực chủ yếu tích cực: đừng chỉ dựa vào sự kiện là nếu họ không biết Đức Kitô, họ sẽ không được cứu, nhưng dựa vào điều gì đó khác.
Tông Đồ Phaolô giúp chúng ta khám phá ra điều ấy khi ngài nói về việc loan báo Phúc Âm: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng […] một người đã chết thay cho mọi người.” (2Cr 5,14) Phaolô loan báo Đức Kitô, không phải vì nghĩ rằng nếu không thì mọi người sẽ bị kết án, nhưng vì bị thúc đẩy bởi ân huệ to lớn mà Đức Kitô dành cho ngài. Bởi vì ngài đã được Đức Kitô “chộp bắt”. Không loan báo Đức Kitô sẽ giống như che giấu món quà mà ngài đã nhận được, tước đoạt thế giới một cái gì đó phải dành cho nó, bóp nghẹt sự thật. Đây là điều khiến ngài phải thốt lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9,16)
Không phải Đức Giêsu được dẫn đến với từng người cho bằng Đức Giêsu dẫn chúng ta đến với từng người. “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” có nghĩa là không chỉ tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô mà trên hết là tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta. “Tình yêu Đức Kitô dành cho hết mọi người thôi thúc chúng ta“; nên dịch câu này như thế.
Sự thúc đẩy truyền giáo của Giáo Hội tùy thuộc Đức Giêsu Kitô chiếm chỗ nào trong trái tim của các Kitô hữu. Kierkegaard đã viết: “Thiên Chúa đã tạo ra người nam và người nữ, cũng hình thành nên vị anh hùng, thi sĩ và diễn giả. Người này không thể làm những gì người kia làm; ông chỉ có thể ngưỡng mộ, yêu mến và vui mừng với vị anh hùng. Tuy nhiên, ông hạnh phúc cũng như vị anh hùng. Thật vậy, vị anh hùng là bản tính tốt nhất của ông, điều ông thích, điều ông hạnh phúc không phải là chính ông, để thiên tài của ông có thể được thể hiện trong sự ngưỡng mộ. Ông là thiên tài của ký ức, không thể làm gì mà không nhớ những gì đã làm… Ông theo sự lựa chọn của con tim, nhưng khi ông tìm thấy những gì ông đang tìm, khi đó ông đi từ nhà này sang nhà khác với những bài hát và những bài phát biểu của mình, tuyên bố rằng mọi người phải ngưỡng mộ vị anh hùng như chính ông, tự hào về vị anh hùng như chính ông”[27].
Đối với nhà triết học, vị anh hùng là ông Ábraham, thi sĩ không ai khác hơn là chính ông. Nhưng điều này còn vô cùng đúng hơn nếu chúng ta áp dụng cho vị anh hùng là Đức Kitô, cho các thi sĩ và diễn giả là những người rao giảng. Ngài là vị anh hùng thực sự độc nhất của lịch sử và thế giới. Độc nhất vì Ngài cũng là Thiên Chúa.
V. NÓI “NHỮNG LỜI CỦA THIÊN CHÚA”
“Về mọi lời vô ích…”
1. Những lời “vô ích” và những lời “hữu hiệu”
Nơi Phúc Âm Matthêu, trong bối cảnh diễn từ về những lời cho thấy lòng dạ con người, có một lời khiến các độc giả Phúc Âm của mọi thời đại phải run sợ: “Tôi nói cho các người hay: đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lẽ về những điều vô ích mình đã nói.” (Mt 12,36)
Cắt nghĩa điều Đức Giêsu muốn nói qua “lời nói vô ích” luôn là việc khó. Một đoạn khác của Phúc Âm Matthêu (7,15-20) có thể soi sáng cho chúng ta về chủ đề này: ở đó chúng ta thấy chuyện cây nào trái nấy. Toàn bộ diễn từ dường như nhắm đến các tiên tri giả: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai…)
Nếu lời Đức Giêsu có điều gì đó liên quan đến lời ngài nói về các tiên tri giả, khi ấy chúng ta có thể thấy chữ “vô ích” có nghĩa gì. “Vô ích” dịch từ thuật ngữ gốc argon có nghĩa là “không có hiệu quả” (a phản ý và ergon, công việc). Một số bản dịch hiện đại, trong đó có bản dịch tiếng Ý của Hội Đồng Giám Mục Ý, dịch là “không có nền tảng”, tức là theo nghĩa thụ động: lời nói không có nền tảng, do đó là vu khống. Đây là một cố gắng làm cho người ta yên tâm hơn trước lời đe dọa của Đức Giêsu. Thực sự không có gì phải đặc biệt lo ngại nếu Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta phải tính sổ với Chúa về mọi lời vu khống!
Tuy nhiên, ý nghĩa của argon, đúng hơn, là tích cực và có nghĩa: lời nói không xây dựng gì, không tạo ra gì, nói cách khác là lời nói trống rỗng, vô bổ, không có hiệu quả[28]. Theo nghĩa này, cách dịch cũ của bản Phổ thông chính xác hơn, verbum otiosum, lời nói vô dụng, vô ích; vả lại, đó là nghĩa được sử dụng trong hầu hết các bản dịch.
Không khó để hiểu được điều Đức Giêsu muốn nói nếu chúng ta đối chiếu tính từ này với tính từ trong Kinh Thánh luôn mô tả đặc điểm của Lời Chúa: tính từ energes, hữu hiệu, tác động, luôn có hiệu quả (ergon) đi theo, cũng là tính từ mà từ đó phát xuất ra lời “có hiệu quả”. Thánh Phaolô viết rằng những người Thessalônica, một khi nhận được lời Chúa qua lời rao giảng, đã đón nhận nó không phải như lời của con người, nhưng thực sự là “Lời Thiên Chúa, tác động (energitai) nơi anh em là những người tín hữu” (1Tx 2,13). Sự đối lập giữa lời Thiên Chúa và lời con người được trình bày ở đây mặc nhiên giống như sự đối lập giữa lời tác động và lời không tác động, giữa lời hữu hiệu và lời vô hiệu, vô ích.
Trong Thư Do thái chúng ta cũng thấy khái niệm về hiệu năng của lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu…” (Dt 4,12) Nhưng đó là một khái niệm lâu đời; trong Isaia, Đức Chúa tuyên bố rằng lời từ miệng Người nói ra không bao giờ trở lại với Người mà “không có kết quả”, mà “chưa thực hiện ý muốn của Người, chưa chu toàn sứ mệnh Người giao phó” (x. Is 55,11).
Vậy lời nói vô ích, mà người ta sẽ phải tính sổ vào ngày phán xét, không phải là tất cả và bất cứ lời nói vô ích nào; đó là lời vô dụng, trống rỗng, được nói ra bởi một người mà, ngược lại, lẽ ra phải nói những lời “hữu hiệu” của Thiên Chúa. Nói tắt đó là lời của tiên tri giả, người không nhận được Lời của Thiên Chúa, nhưng đánh lừa người khác tin rằng đó là Lời của Thiên Chúa. Tất cả những lời vô ích ấy về Thiên Chúa, con người sẽ phải tính sổ! Ý nghĩa của lời cảnh báo nghiêm trọng này mà Đức Giêsu muốn nói là ở đó.
Lời vô ích ngụy tạo lời Chúa, là ký sinh của lời Chúa. Nó được nhận ra từ hoa quả mà nó không sản sinh ra vì, theo định nghĩa, nó vô bổ, không hiệu quả (theo nghĩa tích cực của thuật ngữ này). Nó có thể làm cho tai và trí khôn mở ra, nhưng không chạm vào trái tim, không đưa tới hành động. Thiên Chúa “canh thức để thi hành lời của Người” (x. Gr 1,12); Người ghen về lời Người và không thể cho phép con người chiếm đoạt quyền năng thần linh chứa đựng trong đó.
Tiên tri Giêrêmia cho phép chúng ta nghe, như thể qua một bộ khuếch đại, lời cảnh báo ẩn giấu trong lời này của Đức Giêsu. Giêrêmia rõ ràng tuyên sấm về các tiên tri giả thế này: “Ðức Chúa các đạo binh phán như sau : đừng nghe lời các ngôn sứ tuyên sấm; chúng phỉnh phờ các ngươi, điều chúng nói chỉ là thị kiến do tưởng tượng, chứ không phải do miệng Đức Chúa phán ra […] Ngôn sứ có chiêm bao thì cứ thuật lại giấc chiêm bao, còn người đón nhận lời Ta, thì hãy trung thành nói lại lời Ta! Rơm với lúa có gì chung nhau không? Sấm ngôn của Đức Chúa. Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao? Sấm ngôn của Đức Chúa. Vì thế Ta chống lại các ngôn sứ ăn cắp lời của Ta. Ta chống lại các ngôn sứ dùng ba tấc lưỡi của mình mà tuyên sấm – sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,16.28-31).
2. Những ai là tiên tri giả
Nhưng chúng ta không ở đây để nói về các tiên tri giả trong Kinh Thánh. Như thường lệ, vấn đề là : Kinh Thánh nói về chúng ta và cho chúng ta. Lời này của Đức Giêsu không xét xử thế gian, nhưng là Giáo Hội; thế gian sẽ không bị xét xử về những lời vô ích của nó (tất cả những lời của thế gian, theo nghĩa được mô tả ở trên, đều là những lời vô ích!), nhưng có lúc nó sẽ bị xét xử vì đã không tin vào Đức Giêsu (x.Ga 16,9). Những người sẽ phải tính sổ về mọi lời vô ích là những người của Giáo Hội; chính là chúng ta, những người rao giảng lời Chúa.
“Những tiên tri giả” không chỉ là những người gieo rắc đây đó những lạc thuyết, nhưng còn là những kẻ “xuyên tạc lời Thiên Chúa”. Chính Phaolô sử dụng thuật ngữ này, mượn trong ngôn ngữ thường ngày; theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “pha loãng” lời, như những chủ quán bất lương đã làm, khi họ pha thêm nước vào rượu (2Cr 2,17 ; 4,2). Các tiên tri giả là những kẻ không trình bày lời Thiên Chúa trong sự tinh tuyền của nó, nhưng pha loãng nó và làm nó chìm nghỉm trong hàng ngàn vạn lời của con người phát ra từ lòng họ.
Tiên tri giả cũng chính là tôi, bất cứ khi nào tôi không tin tưởng vào sự “yếu đuối”, “điên rồ”, sự nghèo nàn hay trần trụi của lời, và tôi muốn mặc áo quần cho nó; khi tôi coi trọng việc trang sức này và dành nhiều thời gian cho việc trang sức này hơn là chính lời, qua việc cầu nguyện, tôn thờ và mong muốn để lời ở trong tôi. Chỉ có một tiên tri “thật” theo nghĩa tuyệt đối: Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn luôn và chỉ nói “những lời của Thiên Chúa” (Ga 3,34). Các Phúc Âm không chứa đựng những lời “vô ích”, thậm chí một lời cũng không, mà chỉ có “những lời ban sự sống đời đời“, những lời là “thần khí và sự sống“.
Tại Cana xứ Galilê, Đức Giêsu biến nước thành rượu, nghĩa là biến chữ chết thành Thần Khí tác sinh (các Giáo Phụ giải thích theo nghĩa thiêng liêng như thế); các tiên tri giả là những người làm ngược lại, tức là biến đổi rượu thuần khiết của lời Chúa thành nước không làm ai say, thành chữ chết, hoặc thành những lời theo sự khôn ngoan của con người (x. 1Cr 2,4). Thực tế, họ hổ thẹn về Phúc Âm (x. Rm 1,16), về những lời của Đức Giêsu, vì những lời đó quá “khó nghe” đối với thế gian, hoặc không có giá trị và quá thô sơ cho các nhà thông thái, và khi đó họ cố gắng “thêm gia vị” cho chúng bằng những gì mà Giêrêmia gọi là “những mơ ước của lòng họ” (Gr 14,1).
Thánh Phaolô đã viết cho môn đệ của ngài là Timôthê: “Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như […] một người thẳng thắn dạy lời chân lý. Còn những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, anh hãy tránh xa, vì những kẻ nói những chuyện ấy sẽ tiến sâu vào con đường vô luân” (2Tm 2,15-16). Những chuyện nhảm nhí là những chuyện không liên quan đến kế hoạch của Thiên Chúa, cũng không liên quan đến sứ mệnh của Giáo Hội. Quá nhiều lời của con người, quá nhiều lời vô ích, quá nhiều phát biểu, quá nhiều tài liệu. Trong kỷ nguyên truyền thông đại chúng, Giáo Hội cũng có nguy cơ chìm vào “bãi rác” những lời vô ích, được nói ra chỉ để nói, được viết ra vì phải điền vào chỗ trống cho các trang báo và tạp chí.
Như vậy, chúng ta làm cớ cho thế giới sống yên hàn trong sự vô tín và tội lỗi của mình. Nếu thế giới nghe lời chính thực của Chúa, sẽ không đơn giản cho người không tin bỏ ra ngoài mà nói: “Chỉ thấy dài và dai!”. Thánh Phaolô cho thấy lời Chúa như “khí giới chúng ta dùng để chiến đấu“, và nói rằng, nhờ ơn Chúa, lời ấy “có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng” (2Cr 10,3-5).
Theo triết gia Kierkegaard, nhân loại đang suy nhược vì ồn ào động đạc. Phải “công bố một thời gian chay tịnh”, nhưng là chay tịnh lời nói; phải có ai đó kêu lên: “Hỡi Israel, hãy im lặng mà nghe!”, như Môsê đã kêu lên (Đnl 27,9). Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của thứ chay tịnh này trong cuộc gặp gỡ Mùa Chay với hàng giáo sĩ Rôma, và tôi tin rằng, như thường lệ, lời mời gọi của ngài đã được gửi cho Giáo Hội trước khi được gửi cho thế giới.
3. Đức Giêsu đã không đến để nói với chúng ta những điều không quan trọng
Những lời sau đây của Charles Péguy luôn gây ấn tượng cho tôi:
“Này con,
– Chính là Giáo Hội đang nói với con cái mình –
Đức Giêsu Kitô đã không đến để nói với chúng ta những chuyện nhảm nhí.
Con hiểu, Ngài đã không du hành đến trái đất…
Để kể cho chúng ta những chuyện giải trí trẻ em
Và những chuyện cười đùa…
Ngài không có thời gian để vui chơi…
Ngài đã không tốn phí đến vậy
Để mang đến cho chúng ta
Những câu đố vui”[29].
Mối quan tâm phân biệt lời Chúa với bất cứ lời nào khác lớn lao đến nỗi, khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Đức Giêsu ra lệnh cho họ đừng chào hỏi ai dọc đường (Lc 10,4).
Tôi phải khó khăn lắm mới học được là đôi khi phải hiểu lệnh truyền này theo nghĩa đen. Dừng lại để chào hỏi và trao đổi xã giao lúc sắp phải giảng, chắc chắn sẽ mất tập trung vào lời phải giảng, và làm mất đi ý nghĩa về sự khác biệt của nó so với bất kỳ loại phát biểu nào của con người. Chúng ta cảm nhận (hoặc sẽ phải cảm nhận) cùng một đòi hỏi ấy khi mặc phẩm phục để cử hành Thánh lễ.
Đòi hỏi còn mạnh hơn khi nói đến chính nội dung rao giảng. Trong Phúc Âm Máccô, Đức Giêsu trích dẫn lời của Isaia: “Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Is 29,13); rồi Ngài nói với những người Pharisiêu và các kinh sư: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm… Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông…Các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.” (Mc 7,7-13)
Khi chúng ta không giới thiệu lời Chúa đơn giản và trần trụi, mà không đưa nó qua bộ lọc của vô số những phân biệt và xác định, những bổ sung và giải thích, tự chúng cũng chính đáng, nhưng lại giết chết lời Chúa, thì đúng là chúng ta làm điều mà hôm ấy Đức Giêsu đã khiển trách các người Pharisiêu và các kinh sư : chúng ta đã “hủy bỏ” lời Chúa, đã “phản bội” nó, khi làm cho nó mất đi phần lớn sức mạnh thâm nhập vào trái tim con người.
Lời Chúa không thể được dùng để diễn thuyết tùy hoàn cảnh hay để phủ bọc những diễn thuyết dọn sẵn và hoàn toàn của con người bằng thế giá của Thiên Chúa. Trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy xu hướng này dẫn tới đâu. Phúc Âm đã được sử dụng để hỗ trợ tất cả các loại dự phóng của con người: từ đấu tranh giai cấp đến cái chết của Thiên Chúa.
Khi một cử tọa được xác định trước bằng các điều kiện tâm lý, nghiệp đoàn, chính trị, đến nỗi ngay từ đầu, không thể không nói những gì họ mong đợi, không thể không cho họ có lý về mọi chuyện; khi không hy vọng có thể dẫn khán giả tới chỗ có thể nói với họ: “Hãy hoán cải và tin!”, thì tốt hơn là không công bố lời Chúa, để lời Chúa không bị sử dụng như phương tiện cho những mục đích phe phái, và do đó bị phản bội. Nói cách khác, tốt hơn là không nên rao giảng đích danh, bất quá chỉ cần lắng nghe, cố gắng hiểu và chia sẻ những lo lắng và đau khổ của người ta, rao giảng Nước Thiên Chúa bằng sự hiện diện và bác ái. Trong Phúc Âm, Đức Giêsu rất cẩn thận không để mình bị biến thành dụng cụ cho những mục đích chính trị và phe phái.
Khi bàn về các vấn đề giáo lý và kỷ luật của Giáo Hội, cần phải can đảm khởi đi thường xuyên từ lời Chúa, đặc biệt lời của Tân Ước và sau đó gắn bó với lời này, chịu để cho lời này ràng buộc, chắc chắn theo cách này người ta được bảo đảm hơn sẽ đạt được mục đích là khám phá ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa trong mỗi vấn đề.
Người ta cũng cảm thấy nhu cầu như vậy trong các cộng đồng tu sĩ. Trong việc đào tạo những người trẻ và những tập sinh, trong những buổi linh thao và phần còn lại của đời sống cộng đồng, người ta có nguy cơ dành nhiều thời gian cho các văn phẩm của vị sáng lập (thường có nội dung rất tầm thường và nghèo nàn) hơn là cho lời Chúa. Như vậy người ta đào tạo những môn đệ của con người hơn là những môn đệ của Đức Kitô.
4. “Nói như những lời của Thiên Chúa”
Tôi hiểu những gì mình nói có thể khiến nhiều người bác bẻ cách nghiêm trọng. Việc rao giảng của Giáo Hội phải chăng sẽ chỉ còn là một chuỗi các trích dẫn Kinh Thánh, với một số lượng tham chiếu chương này câu kia, theo cách của giáo phái Chứng Nhân Giêhôva và các nhóm duy căn (fondamentalistes) khác? Chắc chắn là không. Chúng ta là những người thừa kế một truyền thống khác. Đây là điều tôi muốn nói qua việc gắn bó với lời Chúa.
Vẫn trong Thư thứ hai Côrintô, thánh Phaolô viết: “Chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc (nghĩa đen là: pha loãng, ngụy tạo!) lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Đức Kitô” (2Cr 2,17) và thánh Phêrô trong Thư thứ nhất khuyên các Kitô hữu như sau: “Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa” (1Pr 4,11). “Nói trong Đức Kitô”, hay “nói (như) lời Thiên Chúa“, có nghĩa gì? Chắc chắn không có nghĩa là chỉ lặp lại nguyên si những lời được Đức Kitô và Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh; nhưng có nghĩa là cái hứng căn bản, tư tưởng “định hình” và hỗ trợ mọi sự, phải đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người. Người loan báo phải được “Thiên Chúa lay động” và nói như Người đang hiện diện trước mặt.
Có hai cách chuẩn bị một bài giảng hoặc bất kỳ loan báo nào về đức tin, bằng lời nói hay chữ viết. Trước tiên tôi có thể ngồi ở văn phòng, và chính tôi chọn lời để loan báo và chủ đề để khai triển, dựa trên kiến thức, sở thích của tôi, v.v. Và một khi chuẩn bị xong bài giảng, tôi có thể quỳ xuống khẩn khoản nài xin Chúa chúc phúc cho những gì tôi đã viết và làm cho những lời của tôi có hiệu quả. Việc này đã tốt, nhưng nó không phải là đường lối tiên tri. Đúng hơn, phải làm ngược lại. Đầu tiên, quỳ xuống và cầu xin Chúa cho biết đâu là lời Người muốn nói; sau đó, ngồi vào bàn làm việc và sử dụng những kiến thức của mình để tạo hình hài cho lời này. Điều này làm thay đổi mọi sự, vì theo cách này, không phải Thiên Chúa phải làm cho lời của tôi thành lời của Ngài, mà chính tôi là người làm cho lời của Ngài thành lời của tôi.
Phải khởi đi từ chỗ tin chắc rằng, trong mọi hoàn cảnh, Chúa Phục Sinh có trong lòng một lời mà Ngài muốn truyền đạt cho dân. Chính lời đó làm thay đổi sự việc, chính lời đó cần phải được khám phá. Và Ngài mạc khải lời đó cho thừa tác viên của mình, nếu người này khiêm tốn và kiên nhẫn nài xin Ngài. Lúc đầu, đây gần như là một vận hành của trái tim mà chúng ta không nhận ra: một ánh sáng nhỏ bừng lên trong tâm trí, một lời Kinh Thánh bắt đầu làm ta chú ý và làm sáng tỏ một tình huống. Đó thực sự là “hạt nhỏ nhất trong tất cả các hạt”, nhưng sau đó chúng ta nhận ra rằng, ở bên trong đã có mọi sự; có một tiếng sét có thể quật ngã những cây hương nam xứ Liban. Sau đó chúng ta ngồi vào bàn làm việc, mở sách, tham khảo các ghi chú, các Giáo Phụ, các bậc thầy, các nhà thơ…. Nhưng bây giờ, tất cả hoàn toàn khác. Không còn là lời Chúa phục vụ văn hoá của chúng ta, nhưng là văn hoá của chúng ta phục vụ lời Chúa.
Origen mô tả quá trình dẫn đến khám phá này. Theo ông, trước khi tìm kiếm thức ăn trong Kinh Thánh, phải chịu đựng một “[…] sự nghèo khó (nào đó) của giác quan; tâm hồn bị bóng tối bao quanh tứ phía, đụng vào những con đường không lối thoát. Cho đến lúc, đột nhiên, sau khi đã tìm kiếm vất vả và cầu nguyện, tiếng của Ngôi Lời vang lên, và ngay lập tức, một cái gì đó sáng lên; Đấng mà tâm hồn tìm kiếm đang đến gặp, “nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (x. Dc 2,8), tức là mở rộng tâm trí để nhận được lời mạnh mẽ và sáng láng của Ngài”[30].
Một niềm vui lớn lao kèm theo lúc này, niềm vui khiến Giêrêmia phải thốt lên: “Gặp được lời Chúa, tôi đã nuốt vào. Lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con” (Gr 15,16).
Nói chung, câu trả lời của Thiên Chúa là dưới hình thức một lời Kinh Thánh; tuy nhiên vào lúc này, lời ấy có liên quan lạ lùng với tình huống và với vấn đề phải bàn, như thể lời ấy đã được viết ra chính xác cho trường hợp này. Đôi khi thậm chí không cần trích dẫn một cách minh nhiên lời Kinh Thánh nào đó, hoặc bình giải về nó. Chỉ cần lời này hiện diện rõ trong tâm trí người nói và thấm nhiễm mọi điều ông nói. Nếu có trường hợp như vậy thì de facto (trên thực tế) ông nói “những lời của Thiên Chúa“. Phương pháp này vẫn còn có giá trị: cho các văn kiện lớn của Huấn quyền cũng như cho bài học mà vị giám tập truyền đạt cho tập sinh, cho hội nghị các học giả cũng như cho bài giảng khiêm tốn của Thánh lễ Chúa nhật.
Tất nhiên, thực tại và kinh nghiệm của con người không bị loại ra khỏi lời rao giảng của Giáo Hội, nhưng phải lụy phục lời Thiên Chúa, phải phục vụ lời này. Cũng như trong Thánh Thể, thân thể của Đức Kitô đồng hóa người ăn, chứ không ngược lại, cũng vậy, trong việc loan báo, chính lời Chúa, là nguyên lý mạnh nhất của đời sống, phải bắt lời của con người lụy phục và bị đồng hoá, chứ không ngược lại.
Nhà giảng thuyết lừng danh Bossuet viết như sau:
“Người rao giảng Phúc Âm là người làm cho Đức Giêsu Kitô nói, nhưng ông không làm cho Ngài nói một ngôn ngữ của con người; ông sợ đưa một vật thể lạ lẫm vào chân lý vĩnh cửu của Ngài. Thánh Augustinô nói: “Không phải ông lơ là với một số đồ trang trí cho cách diễn đạt, khi ông đi ngang qua và bắt gặp chúng và ông thấy chúng như đang nở hoa trước mắt ông bởi sức mạnh của những ý nghĩ tốt thúc đẩy chúng, nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc dùng chúng mà tô vẽ quá đáng; và bất kỳ thiết bị nào cũng tốt cho ông, miễn ông là một tấm gương nơi Đức Giêsu Kitô hiện ra trong chân lý của Ngài, là một kênh từ đó chảy ra nước hằng sống tinh tuyền của Phúc Âm: hoặc nếu cần một điều gì đó sinh động hơn, thì một thông dịch viên trung thành không làm thay đổi, chuyển hướng, cũng không pha trộn hay làm suy yếu lời thánh của Ngài”[31].
Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều mà chỉ lời Thiên Chúa có thể làm, lời mà chúng ta tin tưởng sâu xa và được sống trước hết bởi người công bố nó, thậm chí đôi khi người đó không biết. Thông thường, chúng ta thấy rằng trong vô số lời, chính lời đó đã đánh động con tim và đưa nhiều người đến với tòa giải tội.
Trong các bình giải Phúc Âm Chúa nhật mà tôi thực hiện trên truyền hình, tôi đã có thể thu thập nhiều lời chứng. Tôi nghĩ về lời chứng của đôi vợ chồng chưa cưới mà triết lý, theo họ, là vui chơi tối đa, không có quy tắc hay giới hạn. Cha mẹ kêu gọi họ tham gia truyền giáo; do giáo dục mà họ chấp nhận, nhưng coi sự việc không nghiêm túc chút nào. Vậy trong bài giảng, họ nghe được những lời này: “Đường thênh thang thì đưa đến diệt vong” (Mt 7,13) Cô gái choáng người; cô quay sang chàng trai và nói với anh ta: “Chúng ta đang trên con đường này… hoặc là anh cũng thay đổi hoặc chúng ta thôi không gặp nhau nữa”. Tức giận, anh trả lời là cô ta điên rồ, anh sẽ đưa cô về nhà, và sẽ nói lời tạm biệt với cô. Một ngày nọ, anh mở Kinh Thánh và đọc được lời này: “Ta đứng trước cửa và Ta gõ” (Kh 3,20), và một lần nữa lời Chúa làm ra phép lạ. Giờ đây, đã kết hôn với nhau và là cha mẹ của đông con cái, họ là những giáo dân dấn thân vào công cuộc Phúc Âm hóa.
Sau khi đã chỉ ra các điều kiện của việc loan báo Kitô giáo (nói về Đức Kitô, với lòng chân thành, như được Thiên Chúa thúc đẩy và dưới ánh mắt của Người), thánh Tông Đồ tự hỏi: “Ai là người có khả năng thực hiện điều ấy?” (2Cr 2,16). Hiển nhiên không có ai cả. Chúng ta chứa đựng kho báu này trong những bình sành (2Cr 4,7). Nhưng chúng ta có thể cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đoái nhìn chiếc bình sành đáng thương này vì nó phải mang kho tàng lời Chúa; xin giữ con không thốt ra những lời vô ích khi nói về Chúa; xin cho con biết yêu thích lời Chúa để chúng con biết phân biệt với mọi lời khác, biết coi mọi lời khác là vô vị. Như Chúa đã hứa, xin hãy gieo nạn đói trên xứ này, “không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe lời Chúa” (Am 8,11).
VI. LỜI THIÊN CHÚA CON ĐƯỜNG THÁNH HÓA BẢN THÂN
“Hãy đón nhận Lời”
1. Lectio divina
Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ suy nghĩ về lời Chúa như con đường thánh hóa bản thân. Đề cương chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục (tháng 10 năm 2008) bàn về chủ đề này trong một đoạn của chương II dành cho “Lời Chúa trong đời sống người tín hữu”.
Đây là một chủ đề thường xuyên được đề cập trong truyền thống tu đức của Giáo Hội. Thánh Ambrôsiô nói: “Lời Chúa là yếu tố sinh tử của linh hồn chúng ta. Lời ấy nuôi dưỡng, bảo trì và cai quản linh hồn. Không gì ngoài lời Chúa có thể làm cho linh hồn được sống”[32].
Công đồng Vaticanô trong Hiến chế tín lý về Mạc khải nói thêm: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”[33].
Đức Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp Ngàn năm thứ ba đang đến: “Đặc biệt, việc lắng nghe lời Chúa phải trở thành một cuộc gặp gỡ sống động, theo truyền thống xưa nay về việc đọc lectio divina, một hành động cho phép kín múc trong bản văn Kinh Thánh lời sống động chất vấn, định hướng, tạo thành cuộc sống của ta”[34].
Đức Bênêđictô XVI cũng nói về đề tài này nhân dịp Đại hội Quốc tế về Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội: “Việc miệt mài đọc Kinh Thánh có cầu nguyện đi kèm, thực hiện cuộc đối thoại thân mật, trong đó, khi đọc như vậy, người ta lắng nghe Thiên Chúa nói, và khi cầu nguyện, người ta đáp lại Người với lòng tín thác mở rộng”[35].
Qua những suy tư sau đây, tôi đi vào trong truyền thống phong phú này, bắt đầu từ những gì chính Kinh Thánh nói với chúng ta về điểm này. Trong Thư thánh Giacôbê, chúng ta đã đọc đoạn văn nổi tiếng này về Lời Chúa: “Người đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thụ tạo của Người… Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em, lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối mình. Thật vậy, ai lắng nghe lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, mà quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do – ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,18.21-25).
Chúng ta thấy lại một số chủ đề gần như từng chữ trong bản văn quan trọng khác về Lời Thiên Chúa là Thư thứ nhất của thánh Phêrô (1Pr 1,23-2,2). Giacôbê nói rằng “Người đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta“; trong Thư của mình, Phêrô nói rằng những Kitô hữu đã “được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi” (1Pr 1,23). Cả hai đều khởi đi từ sự kiện nền tảng và mầu nhiệm của phép rửa tội và chính trên sự kiện này, các ngài đặt nền móng cho cả các diễn từ đạo đức kế tiếp nhau của các ngài.
Thánh Giacôbê khuyên từ bỏ mọi ô uế để ngoan ngoãn đón nhận lời đã được du nhập vào trong chúng ta; thánh Phêrô cũng nói gần như tương tự: “Vậy anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình […] Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là lời Chúa.” (1Pr 2,1-2)
Nhu cầu thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi mà người ta cảm thấy khi đi rước lễ, thì theo hai thánh Tông Đồ, cũng phải được cảm thấy, khi người ta tiếp cận Lời Chúa.
2. Đón nhận lời Chúa
Từ bản văn của thánh Giacôbê, chúng ta rút ra một lược đồ của lectio divina theo ba giai đoạn hoặc ba hoạt động kế tiếp nhau: đón nhận Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa Chúa, và thực hành Lời Chúa.
Vậy, bước đầu tiên là lắng nghe Lời Chúa: “Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã gieo vào lòng anh em” (Gc 1,21). Hình ảnh của việc gieo gợi lại dụ ngôn về người gieo giống (“Hạt giống là lời Thiên Chúa” Lc 8,11) và đó là một lời ngầm mời gọi tham gia vào số những người đón nhận Lời “với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8,15).
Giai đoạn đầu tiên này bao gồm mọi hình thức và phương tiện được người Kitô hữu sử dụng để tiếp xúc với lời Chúa: lắng nghe lời Chúa trong phụng vụ, một việc từ nay tương đối dễ, vì các bản văn đã được dịch sang tiếng địa phương, và đã được lựa chọn cũng như phân bố trong cả năm phụng vụ; các trường dạy Kinh Thánh, sách vở, và cá nhân đọc Sách Thánh, một việc làm không thể thay thế.
“Thánh Công đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) […] Ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ phụng vụ thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh, hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào”[36].
Với những người dạy Kinh Thánh cho người khác thì ngoài những việc trên đây, còn phải nghiên cứu thêm về Kinh Thánh qua các khía cạnh chú giải, phê bình văn bản, thần học Kinh Thánh, học ngôn ngữ gốc…
Trong giai đoạn này, có hai nguy hiểm cần phải tránh: Nguy hiểm đầu tiên là dừng lại quá lâu ở bước này, biến việc cá nhân đọc lời Chúa thành một cách đọc “khách quan”. Đây là nguy hiểm rất thực tế hôm nay, nhất là trong các môi trường đào tạo đại học. Nếu, để cho phép bản thân được chất vấn, người ta đợi cho đến khi giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến bản văn, các dị bản và những khác biệt về quan điểm của các nhà nghiên cứu, người ta không bao giờ đạt được điều gì cả. Trái lại, điều đó trở thành một mánh khóe để tự vệ chống lại Lời Chúa. Lời Chúa đã được ban để chúng ta thực hành, chứ không phải để chúng ta chú giải các vùng màu xám của nó. Có một “lạm phát thông diễn” (herméneutique) và, tồi tệ hơn, người ta tin rằng điều nghiêm trọng nhất liên quan đến Kinh Thánh là thông diễn học chứ không phải thực hành. “Thật là tận cùng của mánh khóe! Lời Chúa chỉ còn là điều gì đó không liên quan đến ai, khách quan, một học thuyết thay vì là tiếng nói của Thiên Chúa mà bạn phải lắng nghe”[37]. Theo triết gia, đó không phải là những vùng tối của Kinh Thánh làm tôi sợ, đó là những vùng ánh sáng…
Thánh Giacôbê nói rằng đọc lời Chúa cũng giống như nhìn ngắm mình trong gương. Thế nhưng, như triết gia Kierkegaard nhận xét, người nào chỉ nghiên cứu các nguồn hay dị bản, các văn thể Kinh Thánh, mà không làm gì khác, thì giống như người mất giờ nhìn chiếc gương, cẩn thận xem xét hình dáng, chất liệu, kiểu mẫu thời đại, mà lại không bao giờ nhìn mình trong đó. Chiếc gương không có vai trò gì với người đó.
Lời Chúa được ban để chúng ta đem ra thực hành, chứ không phải chỉ để chúng ta mổ xẻ, giải thích những điểm tối nghĩa. Người ta thấy một hiện tượng lạm phát về chú giải, và tệ hại hơn, liên hệ đến Kinh Thánh, có người tưởng chú giải là điều quan trọng nhất, chứ không phải thực hành.
Nghiên cứu phê bình về Lời Chúa là điều cần thiết và người ta không bao giờ biết ơn cho đủ những người đã dành cả cuộc đời san bằng con đường, giúp chúng ta ngày càng hiểu đúng và rõ hơn bản văn thánh, nhưng ý nghĩa của Kinh Thánh không giới hạn ở điều đó; nó cần thiết nhưng không đủ.
Nguy hiểm thứ hai là chủ thuyết duy căn, hiểu Kinh Thánh theo mặt chữ, không cần một trung gian nào của khoa thông diễn. Mối nguy hiểm thứ hai này ít gây hại hơn nhiều so với cái vẻ của nó khi thoạt nhìn, và cuộc tranh luận hiện nay về “thuyết sáng tạo” (créationnisme), thiết kế thông minh (intelligent design) và “thuyết tiến hóa” là bằng chứng quyết định.
Những người bảo vệ việc đọc sách Sáng thế theo nghĩa đen (thế giới được tạo dựng mấy ngàn năm trước, trong sáu ngày, thế giới hôm nay là như thế) rất có hại cho đức tin.
Nhà khoa học Francis Collins, một tín hữu, giám đốc dự án nghiên cứu về “gen” người, và đã khám phá ra bộ gen này, đã viết: “Những người trẻ lớn lên trong các gia đình và các Giáo Hội nhấn mạnh hình thức này của chủ thuyết sáng tạo, sớm muộn gì cũng khám phá ra bằng chứng khoa học cho thấy vũ trụ xuất hiện xưa hơn nhiều, cũng như khám phá ra sự liên kết giữa mọi sinh vật trong quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Những người trẻ ấy lại phải đứng trước một sự lựa chọn kinh khủng và vô ích. Không nên ngạc nhiên nếu có nhiều người trẻ quay lưng lại với đức tin, khi chúng quả quyết không thể tin vào một Thiên Chúa đòi chúng phải từ bỏ điều khoa học dạy chúng rất rõ ràng về vũ trụ tự nhiên”[38].
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Hoa Kỳ nơi có nhiều nhóm lấy cảm hứng từ chủ thuyết duy căn, nhưng nó cũng hiện diện ở những nơi khác dưới các hình thức khác.
Chủ thuyết phê bình nghiêm khắc và chủ thuyết duy căn đều là những chủ thuyết thái quá, có vẻ chống đối nhau ngoài mặt, thực sự có điểm chung là dừng lại ở mặt chữ mà bỏ qua Thần Khí.
3. Chiêm niệm lời Chúa
Giai đoạn thứ hai mà thư Giacôbê gợi ra là “cắm cúi” vào lời Chúa, đứng lâu trước gương, nói tắt là suy gẫm hoặc chiêm niệm lời Chúa. Về điểm này, các Giáo phụ dùng hình ảnh “nhai đi nhai lại”. Theo Guigues II, tu sĩ dòng Chartreux, lý thuyết gia của lectio divina, “việc đọc đem lại cho môi miệng một lương thực căn bản, còn suy gẫm thì ‘nhai đi nhai lại’ hoặc ‘nghiền tán cho nhỏ’ lương thực ấy”[39]. Thánh Augustinô nói: “Khi nhớ lại điều đã nghe, và nhẩn nha nghĩ lại trong lòng, người ta giống như người nhai đi nhai lại”[40].
Người ngắm mình trong gương lời Chúa sẽ khám phá ra tâm hồn mình, học cách biết mình, thấy mình không giống với hình ảnh của Thiên Chúa, của Đức Kitô. Đức Giêsu nói: “Tôi không tìm vinh quang cho mình” (Ga 8,50): kìa, chiếc gương đang ở trước mặt bạn, và bạn thấy ngay mình khác xa Đức Giêsu biết bao. “Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó”: chiếc gương lại ở trước mặt bạn, và bạn thấy mình còn dính bén nhiều sự, với của cải thừa mứa. “Đức ái thì nhẫn nhục”, và bạn thấy mình còn bất nhẫn, ghen tương, vị kỷ.
Đây không phải là chuyện “nghiên cứu Kinh Thánh” (x. Ga 5,39), nhưng là để Kinh Thánh dò xét chúng ta. Thư Do thái viết: “Lời Thiên Chúa xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của con người” (Dt 11,12-13). Lời kinh hay nhất để bắt đầu chiêm niệm lời Chúa là lặp lại cùng với tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con. Xin thử cho con biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lọt vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 138/139, 23-24).
Tuy vậy, trong chiếc gương lời Chúa, chúng ta không chỉ thấy mình, mà còn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa, hoặc đúng hơn, thấy tấm lòng của Thiên Chúa. Thánh Grêgoriô Cả nói: “Kinh Thánh là một lá thư của Thiên Chúa toàn năng gửi cho tạo thành. Người ta học được ở đó tấm lòng của Thiên Chúa qua lời của Thiên Chúa”[41]. Lời Đức Giêsu nói: “Lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12,34), cũng có giá trị đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với ta trong Sách Thánh về những gì có đầy trong lòng Người. Và điều có đầy trong lòng Người chính là tình yêu. Tất cả Kinh Thánh đã được viết cho mục đích này: chớ gì con người có thể hiểu được Thiên Chúa yêu họ biết bao nhiêu và họ hiểu Người, để có thể đốt cháy tình yêu dành cho Thiên Chúa[42].
Do đó, việc suy gẫm Lời Chúa cung cấp cho chúng ta hai kiến thức quan trọng nhất để tiến tới trên con đường khôn ngoan thật: biết mình và biết Thiên Chúa. Biết Thiên Chúa mà không biết mình dẫn đến sự tự phụ; biết mình mà không biết Thiên Chúa dẫn đến thất vọng. Thánh Augustinô nói với Chúa: “Xin cho con biết con và xin cho con biết Chúa, noverim me, noverim te“, “xin cho con biết con để con hạ mình và xin cho con biết Chúa để yêu Chúa”[43]. Còn thánh Phanxicô Assisi đã dành nhiều đêm để nhắc lại: “Chúa là ai và con là ai?”
Thư gửi giáo đoàn Laođikêa trong sách Khải huyền (3, 14-20) là một ví dụ lạ lùng cho thấy hai việc biết mình và biết Chúa có được là nhờ lời Chúa. Quả là hữu ích nếu thỉnh thoảng suy niệm về nó, nhất là trong Mùa Chay (x. Kh 3,14-20). Trước hết, Đấng Phục Sinh cho thấy rõ tình hình thực sự của người tín hữu kiểu mẫu của giáo đoàn này: “Ta biết các việc ngươi làm: người chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. Điều người tín hữu nghĩ về mình và điều Thiên Chúa nghĩ về anh ta tương phản đến độ đáng kinh ngạc: “Ngươi nói: tôi giầu có, tôi đã làm giầu, tôi chẳng thiếu thốn chi, nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng”.
Một bản văn cho thấy sự cứng lòng khác thường lập tức biến đổi, do một trong những lời lẽ cảm động nhất mô tả tình yêu của Thiên Chúa: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Một hình ảnh cho thấy ý nghĩa thực tiễn của nó, chứ không chỉ ý nghĩa ẩn dụ, nếu nó được đọc lên, như bản văn gợi ý, khi nghĩ tới bữa tiệc Thánh Thể. Biết đến sự lầm than riêng của chúng ta và biết đến tình yêu vô địch của Thiên Chúa.
Bản văn sách Khải huyền này không chỉ giúp chúng ta xác minh tình trạng cá nhân của linh hồn chúng ta, mà còn bóc trần tình trạng thiêng liêng của phần lớn xã hội hiện đại trước mặt Thiên Chúa. Giống như một bức hình chụp bằng tia hồng ngoại từ một vệ tinh hoàn toàn khác với khung cảnh thông thường nhìn qua ánh sáng tự nhiên. Thế giới hôm nay cũng cảm thấy mình hùng mạnh nhờ các thành tựu khoa học và kỹ thuật (như người Laođikêa thấy mình như vậy nhờ vào một nền thương mại thịnh vượng). Nó thỏa mãn, giầu có, chẳng cần đến ai, ngay cả Thiên Chúa. Phải có người nào đó chẩn đoán đúng tình trạng của nó, nói cho nó hay: “ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo nàn, đui mù, trần truồng”. Cần một ai đó kêu lên cho nó biết, như em bé trong một truyện ngụ ngôn của Anderson đã dám nói là “đức vua ở truồng!” (Trong khi các cận thần, vì nịnh hót, khen đức vua vận cẩm bào đẹp đẽ, thì chỉ có em bé kia dám nói lên sự thật là vua đang ở truồng). Dĩ nhiên người lên tiếng ở đây là vì yêu và với tình yêu, như Đấng Phục Sinh đã làm với người Laođikêa.
Đối với khám phá này về chính chúng ta và về Thiên Chúa trong Lời Chúa, chúng ta có nơi mình một phương tiện quý giá, một sự chú giải luôn có trong tầm tay, không phải ở bên ngoài mà là bên trong chúng ta: tôi nghĩ về linh hồn của chúng ta. Có một mối quan hệ nào đó giữa linh hồn chúng ta và Sách Thánh: cả hai đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và do đó bên này có thể giúp hiểu được bên kia.
Tuy nhiên, tấm gương là linh hồn chúng ta, không giống như tấm gương của Kinh Thánh, không còn thuần khiết nữa; nó đã bị tội lỗi làm cho hư hỏng; nó giống như một cái giếng đầy đất cát và rác rưởi. Đó là lý do tại sao thánh Giacôbê và thánh Phêrô khuyên chúng ta “từ bỏ mọi ô uế và mọi ác ý” khi chúng ta tiếp cận Lời Chúa; đó là lý do tại sao phải liên tục thanh tẩy tấm lòng để đón nhận Lời Chúa.
Bình giải về lời trong sách Châm ngôn: “Con hãy uống từ bồn nước của con, từ giếng của con, hãy uống nước tuôn trào” (Cn 5,15), Origen viết như sau: “Bạn cũng hãy tìm cách có giếng riêng của mình, có nguồn nước riêng của mình, để khi bạn cầm cuốn Sách Thánh, bạn cũng bắt đầu rút ra từ đó một cách giải thích cá nhân, bắt đầu từ những gì bạn học được trong nhà thờ; bạn cũng hãy thử uống chính nguồn suối tinh thần của bạn. Nơi bạn, có một loại nước hằng sống, có những nguồn mạch không cạn và những dòng chảy nước tưới, trừ khi chúng chứa đầy đất cát và rác rưởi. Hãy cẩn thận đào đất và rửa sạch cho hết, nghĩa là loại bỏ mọi lười biếng và làm cho lòng trí bạn không còn đờ đẫn nữa”[44].
Kinh nghiệm cho thấy, thường thì một linh hồn đơn sơ, hồi tâm cầu nguyện hiểu được những chân lý và hàm ý trong Lời Chúa không còn vướng mắc với những nhà bình giải “chi ly” nhất, những người có đầy kiến thức kỹ thuật về Kinh Thánh. Do đó, chúng ta không được cam chịu lệ thuộc hoàn toàn và duy nhất vào những giải thích do người khác đưa ra hoặc đọc được ở đâu đó; cũng cần phải tìm kiếm “nơi mình” với lòng khiêm tốn và tin tưởng.
Lời Chúa bảo đảm cho mọi linh hồn mong muốn một sự linh hướng căn bản và tự nó không thể sai lầm. Có một sự linh hướng khác thường, nếu có thể nói được như vậy, được áp đặt vào những thời điểm đặc biệt, trước những quyết định và lựa chọn quan trọng. Trong những trường hợp này, Thiên Chúa thường mạc khải ý muốn của Người thông qua một lời trong Kinh Thánh tình cờ nghe được, hoặc cố ý tìm kiếm. Ngày nay cũng vậy, nhiều Kitô hữu có kinh nghiệm về những lời “quyết định” này của Thiên Chúa, những lời có sức mạnh đánh dấu những bước ngoặt trong cuộc đời của chúng ta.
Cũng có một loại linh hướng thông thường và hàng ngày hệ tại ở chỗ khám phá ra những gì Thiên Chúa muốn trong các tình huống khác nhau mà con người thường gặp trong đời sống nhân linh và tâm linh của mình. Linh hướng này được bảo đảm bằng việc suy niệm Lời Chúa, kèm theo sự xức dầu bên trong của Thần Khí giúp thể hiện lời này bằng “linh hứng” tốt và linh hứng tốt bằng giải pháp thực tế. Chính là những gì mà câu Thánh vịnh rất quen thuộc với những người yêu mến Lời Chúa diễn tả: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105)
Một hôm, tôi đang giảng về truyền giáo ở Úc. Ngày cuối cùng, một di dân người Ý làm việc ở đó đã đến tìm tôi. Ông nói: “Thưa cha, con có một vấn đề nghiêm trọng: Con có đứa con trai mười một tuổi chưa được rửa tội. Thực tế là vợ con đã trở thành Chứng nhân Giêhôva và không muốn nghe nói về phép rửa trong Giáo Hội Công giáo. Nếu con rửa tội cho con con, thì sẽ có một cuộc khủng hoảng, còn nếu con không rửa tội cho nó, con sẽ không cảm thấy yên lòng, vì khi lấy nhau, chúng con đều là người Công giáo và đã hứa sẽ giáo dục con cái trong đức tin. Vậy con phải làm gì?”
Tôi trả lời anh ta: “Hãy để tôi suy nghĩ đêm nay, sáng mai anh trở lại và chúng ta sẽ thấy phải làm gì.”
Ngày hôm sau, chính người đó đến gặp tôi, yên tâm thấy rõ và nói với tôi: “Thưa cha, con đã tìm ra được giải pháp. Chiều hôm qua khi trở về nhà, con cầu nguyện một chút, rồi tình cờ mở Kinh Thánh. Con bắt gặp đoạn kể chuyện Abraham dẫn con lên núi để sát tế. Con thấy Abraham dẫn con đi sát tế mà không nói gì với vợ.”
Đó là sự phân biệt hoàn hảo về mặt chú giải. Chính tôi đã rửa tội cho đứa bé và đó là khoảnh khắc vui mừng cho tất cả.
Mở Sách Thánh tình cờ là một chuyện tế nhị, có làm thì cũng cần có sự phân định trong bầu khí đức tin, và không làm nếu đã không cầu nguyện lâu trước đó. Khi đáp ứng được những điều kiện trên, cách làm này thường mang lại những kết quả lạ lùng, và đã được nhiều vị thánh chấp nhận. Về thánh Phanxicô Assisi, chúng ta đọc thấy ngài đã khám phá ra lối sống nghèo khó mà Thiên Chúa đã mời gọi ngài đi vào, bằng cách, “sau khi sốt sắng cầu nguyện”, mở ngẫu nhiên ba lần sách Phúc Âm “sẵn sàng thực hành lời khuyên đầu tiên sẽ được dành cho họ”[45]. Thánh Augustinô đã giải thích những chữ “Tolle, lege” (hãy cầm lấy và hãy đọc), nghe được từ nhà lân cận, như một mệnh lệnh Chúa truyền phải mở sách các Thư thánh Phaolô, và đọc đoạn đầu tiên đập vào mắt ngài[46].
Có những tâm hồn trở nên thánh chỉ nhờ lời Chúa làm linh hướng. Thánh nữ Têrêxa Lisieux viết: “Trong Phúc âm, tôi tìm được tất cả những gì cần thiết cho tâm hồn bé nhỏ đáng thương của tôi. Tôi luôn tìm thấy ở đó những ánh sáng mới, những ý nghĩa ẩn giấu và mầu nhiệm… Nhờ kinh nghiệm, tôi hiểu và biết rằng “Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Lc 17,21). Đức Giêsu không cần sách vở, cũng không cần các tiến sĩ để dạy dỗ các tâm hồn. Chính Ngài là vị tiến sĩ lớn nhất, Ngài giảng dạy không cần những lời ồn ào…”[47]. Chính xuyên qua lời Chúa mà khi lần lượt đọc các chương 12 và 13 của Thư thứ nhất Corintô, thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi sâu xa của mình, và vui mừng thốt lên rằng mình sẽ là tình yêu trong Nhiệm Thể Đức Kitô.
Kinh Thánh cho ta thấy một hình ảnh tóm lược tất cả những gì đã nói về việc suy niệm lời Chúa : hình ảnh một cuộn sách được ăn trong Edêkien: “Tôi nhìn thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đã cầm một cuộn sách rồi mở ra trước mắt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa. Đức Chúa phán với tôi: Hỡi con người, thấy gì cứ việc ăn. Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel. Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi: Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật ong trong miệng tôi” (Ed 2,9-3,3).
Đề tài này được Giêrêmia khai mào (“Gặp được lời Chúa tôi đã nuốt vào…”), được tác giả sách Khải huyền lấy lại (Kh 10,8-10). Một cuốn sách chỉ thuần túy được đọc hay nghiên cứu khác xa với một cuốn sách được nuốt vào. Trong trường hợp sau, lời thực sự trở thành “bản chất của linh hồn ta”, theo kiểu nói của thánh Ambrosiô, cái làm nên những tư tưởng, lên khuôn ngôn ngữ, xác định hành động, tạo ra con người “thần thiêng”. Lời được nuốt là lời được con người tiêu hóa, cho dù đây là một sự tiêu hóa thụ động (như trong trường hợp Thánh Thể), nghĩa là một hữu thể được Lời tiêu hóa, được Lời chiến thắng và thống trị, vì Lời là nguyên lý sống mạnh hơn.
Trong việc chiêm niệm lời Chúa, chúng ta có mẫu gương rất hiền hậu là Đức Maria. Người cẩn thận gìn giữ mọi sự (đúng từng chữ là mọi lời), và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19). Nơi Người, ẩn dụ về cuốn sách được nuốt trở thành một thực tại thể lý. Lời Chúa hiểu đúng từng chữ là “đã tràn đầy lòng dạ Người”.
4. Thực hành lời Chúa
Chúng ta tiến tới giai đoạn ba của con đường mà thư Giacôbê đề ra, giai đoạn được thánh Tông Đồ nhấn mạnh hơn hết: “Hãy đem lời Chúa ra thực hành […]. Ai nghe mà không thực hành thì […]. Ngược lại, ai thực hành […] thì sẽ tìm được hạnh phúc.”
Đây cũng là điều được Đức Giêsu quan tâm nhất. Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Không thực hành thì tất cả chỉ là ảo tưởng, là xây dựng trên cát. Thậm chí không thể nói là đã hiểu lời Chúa, vì như thánh Grêgoriô Cả đã viết, người ta chỉ thực sự hiểu lời khi bắt đầu đem ra thực hành[48].
Một cách cụ thể, giai đoạn ba này chủ yếu ở chỗ vâng phục lời Chúa. Theo nghĩa đen, thuật ngữ Hy lạp dùng trong Tân Ước để chỉ sự vâng phục (hypakouein) có nghĩa là “cho sự nghe” hay “ở trong sự nghe”, theo nghĩa thi hành điều mình đã nghe. Trong Kinh thánh, Thiên Chúa đã than phiền: “Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời, Israel nào đâu có chịu” (Tv 81,12).
Trong Tân Ước, khi muốn tìm xem bổn phận vâng phục hệ tại chỗ nào, người ta khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên: vâng phục hầu như luôn được coi là vâng phục lời Thiên Chúa. Phaolô nói về sự vâng phục giáo huấn (Rm 6,17), vâng phục Phúc Âm (Rm 10,18 ; 2 Tx 1,8), vâng phục chân lý (Gl 5,7), vâng phục Đức Kitô (2 Cr 10,5). Chúng ta cũng bắt gặp thứ ngôn ngữ này trong những chỗ khác : sách Công vụ nói về sự vâng phục đức tin (Cv 6,7) ; Thư Phêrô I nói về sự vâng phục Đức Kitô (1 Pr 1,2), vâng phục chân lý (1 Pr 1,22).
Sự vâng phục của chính Đức Kitô thể hiện đặc biệt qua sự vâng phục những lời chép. Trong câu truyện Đức Giêsu bị cám dỗ nơi hoang địa, sự vâng phục của Ngài là ở chỗ nhắc lại những lời Thiên Chúa và trung thành với những lời đó: “Có lời chép”. Sự vâng phục của Ngài cũng được thực hiện đặc biệt theo những những lời đã được viết về Ngài và cho Ngài “trong các sách luật, tiên tri và Thánh vịnh”. Với tư cách là con người, Ngài khám phá ra những lời đó khi càng hiểu biết và thực hiện sứ mệnh của mình.
Khi có môn đệ ngăn cản, không muốn Ngài bị bắt, Ngài đã nói: “Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó mọi sự phải xẩy ra như vậy” (Mt 26,54). Cuộc đời của Đức Giêsu như được một vệt sáng hướng dẫn mà người khác không thấy. Vệt sáng này hình thành từ những lời được viết cho Ngài. Khi Ngài nói “phải thế này, phải thế kia” (dei), một điều chi phối tất cả cuộc đời của Ngài, thì đó là lời rút ra từ Kinh Thánh.
Dưới hoạt động hiện nay của Thần Khí, lời Chúa diễn tả ý muốn sống động của Thiên Chúa đối với chúng ta, vào một lúc nhất định. Một ví dụ nhỏ sẽ giúp chúng ta hiểu. Một hôm tôi nhận thấy rằng ai đó trong cộng đồng đã lấy nhầm một vật mà tôi đang sử dụng. Tôi đã chuẩn bị cho người ta thấy vật đó và yêu cầu trả lại cho tôi, khi tôi tình cờ (nhưng có lẽ không thực sự tình cờ) đọc thấy lời Đức Giêsu nói: “Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại” (Lc 6, 30). Tôi hiểu rằng lời này không được áp dụng chung và trong mọi trường hợp, nhưng nó chắc chắn áp dụng cho tôi vào lúc đó, và không may, tôi phải thú nhận là đã xử sự không đẹp!
Vâng phục lời Chúa là một sự vâng phục chúng ta luôn có thể thực hành. Người ta chỉ thỉnh thoảng, bất quá ba hay bốn lần trong suốt cuộc đời, vâng phục những mệnh lệnh hay quyền bính hữu hình, nếu là một sự vâng phục nghiêm túc. Nhưng người ta có thể vâng phục lời Chúa bất cứ lúc nào. Đây cũng là sự vâng phục mà mọi tín hữu phải thực hành, bất kể người trên hay kẻ dưới, giáo sĩ hay giáo dân. Trong Giáo Hội, giáo dân không có một bề trên để vâng phục, ít nhất theo nghĩa các tu sĩ và các thành viên hàng giáo sĩ có, bù lại, họ có một “Chúa” để vâng phục. Họ có lời của Ngài.
Điều này làm cho chúng ta hiểu được sự khám phá ra Lời Chúa trong Giáo Hội hôm nay sẽ dẫn đến việc khám phá lại sự vâng phục như thế nào. Người ta không thể vun trồng Lời Chúa mà không vun trồng sự vâng phục. Nếu không, người ta ipso facto (đương nhiên) trở thành kẻ không vâng lời. “Không vâng lời” (parakouein) có nghĩa là lắng nghe không tốt, nghe mà chia trí. Có thể nói điều đó có nghĩa là nghe mà dửng dưng, theo cách trung lập, không thấy dấn thân vào những gì chúng ta nghe, trong khi vẫn giữ quyền quyết định của riêng mình đối với Lời Chúa.
Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng cách lặp lại cho mình lời kinh mà thánh Augustinô dâng lên Thiên Chúa, trong cuốn Confessions, để xin ơn được hiểu biết lời Chúa: “Xin làm cho lời Chúa nên nguồn vui thanh khiết cho con. Xin đừng để con bị lừa lọc trong đó hay lấy đó mà lừa lọc người khác…Xin nhìn đến linh hồn con và nghe tiếng con kêu lên từ đáy vực sâu…Xin cho con biết dành nhiều thời giờ để suy niệm các điều kín nhiệm của luật Chúa; và đừng đóng kín luật Chúa cho những người gõ tìm…Ôi, lời Chúa là niềm vui của con, tiếng Chúa êm dịu hơn sự lôi cuốn của các lạc thú. Xin ban cho con điều con yêu thích…Đừng khước từ thứ cỏ rả của Chúa khi con đang đói khát. Con gõ cửa cung điện chứa lời thánh của Chúa, xin Chúa thương mở nó ra cho con…Con nài xin Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa…nơi Người ẩn giấu mọi kho tàng của “khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Chính Người mà con tìm kiếm trong các sách thánh của Chúa”[49].
VII. ĐỌC KINH THÁNH THEO HƯỚNG THIÊNG LIÊNG
“Văn tự thì giết chết, Thần Khí ban sự sống”
1. Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng
Trong Thư thứ hai gửi cho Timôthê, người ta bắt gặp một câu quả quyết nổi tiếng: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2Tm 3,16). Theo ngôn ngữ nguyên thủy, kiểu nói “được Thiên Chúa linh hứng” gồm một chữ duy nhất, “theopneustos“, gồm cả chữ Chúa (Theos) lẫn chữ Thần Khí (Pneuma). Có hai ý nghĩa cơ bản: một nghĩa được biết đến nhiều, ngược lại, nghĩa kia thường không được xem xét, mặc dù nó cũng quan trọng không kém nghĩa đầu tiên.
Nghĩa được biết đến nhiều nhất là nghĩa thụ động, được các bản dịch hiện đại làm nổi bật: Kinh Thánh “được Thiên Chúa linh hứng”. Một đoạn khác trong Tân Ước giải thích nghĩa này như sau: “Chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người (các tiên tri) đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” (2Pr 1,21). Tóm lại, đây là học thuyết cổ điển về sự linh hứng Kinh Thánh, một tín khoản như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, khi chúng ta nói: “Người (Chúa Thánh Thần) đã dùng các tiên tri mà phán dạy”.
Học thuyết này đưa chúng ta trở lại chính nguồn gốc của tất cả mầu nhiệm Kitô giáo là Ba Ngôi, nghĩa là sự duy nhất và phân biệt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đồng hành với Lời; cũng vậy, trong lòng Ba Ngôi, hơi thở của Chúa Thánh Thần liên kết với việc Ngôi Lời sinh ra. Cũng như trong Nhập thể, Thần Khí đến với Đức Maria để Ngôi Lời mặc lấy xác thịt, thì theo cách tương tự (không đồng nhất với nhau), Thần Khí hành động nơi văn sĩ thánh, để ông đón nhận Lời Thiên Chúa và làm cho Lời “nhập thể” trong một ngôn ngữ nhân loại.
Biến cố linh hứng, tự nó là mầu nhiệm, chúng ta có thể biểu thị bằng những hình ảnh của con người như sau: Thiên Chúa dùng ngón tay của Người – tức bằng thần lực sống động là Chúa Thánh Thần – “chạm vào” điểm ẩn giấu này, nơi thần trí con người mở ra cho Đấng vô biên, và từ đó, “cú chạm” này – tự nó rất đơn giản và tức thời như vốn có nơi Thiên Chúa là Đấng tạo ra nó – được khuếch tán như một sự rung động vang lên trong tất cả các quan năng của con người – ý chí, trí khôn, trái tim, sự tưởng tượng – được diễn đạt bằng các khái niệm, hình ảnh, lời nói. Khi ấy, diễn ra bước đi mầu nhiệm từ chuyển động thần linh đến thực tại được tạo ra, là thực tại được quan sát thấy trong tất cả các công trình ad extra (hướng ngoại) của Thiên Chúa: trong việc sáng tạo, nhập thể, hình thành ân sủng.
Kết quả mà chúng ta có được là một thực tại nhân–thần, có nghĩa là hoàn toàn thần linh và hoàn toàn nhân loại, hai yếu tố liên quan mật thiết với nhau nhưng không “lẫn lộn”. Huấn quyền của Giáo Hội – các thông điệp Providentissimus Deus của Đức Lêô XIII và Divino afflante Spiritu của Đức Piô XII – cho thấy hai yếu tố thần linh và nhân loại vẫn nguyên vẹn. Thiên Chúa là tác giả chính, vì Người chịu trách nhiệm về những gì được viết ra, bằng cách xác định nội dung nhờ hành động của Thần Khí. Tuy nhiên, văn sĩ thánh cũng là tác giả, theo nghĩa riêng của từ này, vì ông cộng tác cách nội tại vào hành động này thông qua hoạt động bình thường của con người, được Thiên Chúa dùng như một dụng cụ. Theo các Giáo Phụ, Thiên Chúa giống như nhạc sĩ làm cho dây đàn rung lên khi chạm vào chúng; âm thanh hoàn toàn là công trình của nhạc sĩ, nhưng sẽ không có âm thanh, nếu không có dây đàn.
Nói chung, người ta hầu như chỉ nhấn mạnh một hiệu quả duy nhất của công trình kỳ diệu này do Thiên Chúa làm ra: không có sự sai lầm trong Kinh Thánh, nghĩa là Kinh Thánh không có sai lầm nào, nếu hiểu đúng thuật ngữ “sai lầm” là thiếu vắng sự thật có thể có nơi con người, trong một bối cảnh văn hoá nhất định, có để ý đến văn thể được sử dụng, và do đó thích hợp với người viết. Nhưng sự linh hứng Kinh Thánh không chỉ là sự không sai lầm của lời Chúa (một điều gì đó tiêu cực); một cách tích cực, sự linh hứng xác định tính chất vô tận của lời Chúa, sức mạnh và sức sống thần linh của lời Chúa, và chiều sâu huyền diệu, mira profunditas, như Thánh Augustinô nói[50].
Như vậy, chúng ta đang chuẩn bị để khám phá nghĩa khác của linh hứng trong Kinh Thánh, như đã nói trên. Trên bình diện ngữ pháp, phân từ theopneustos tự nó có nghĩa năng động, chứ không thụ động. Nếu đúng là truyền thống và thần học đã luôn giải thích theo nghĩa thụ động, thì có những lúc chính truyền thống cũng đã hiểu theo nghĩa năng động. Theo thánh Ambrosiô, Kinh Thánh là “theopneustos“, không chỉ vì “được Thiên Chúa linh hứng”, mà còn vì “thở ra Thiên Chúa”, vì “phát tán Thiên Chúa!”[51]
Nói về những thụ tạo, thánh Augustinô bảo rằng Thiên Chúa “đã không lui đi sau khi đã tạo dựng mọi loài, nhưng chính nơi Người cũng như từ Người mà chúng có được hữu thể của mình[52]”. Đây là điều xảy ra với những lời của Thiên Chúa: những lời đó từ Thiên Chúa mà đến thì vẫn ở trong Người và Người ở trong những lời đó. Sau khi đã linh hứng Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần như bị giam giữ trong Kinh Thánh. Người ở đó và không ngừng làm Kinh Thánh sinh động bằng hơi thở thần linh. Heidegger nói rằng “lời là nhà của Hữu thể”. Chúng ta có thể nói rằng Lời (với L viết hoa) là nơi ở của Thần Khí.
Hiến chế về Mạc Khải của Vaticanô II cũng lặp lại nguồn linh hứng này của truyền thống khi nói rằng “được Thiên Chúa linh hứng (linh hứng thụ động!) và được ghi chép một lần cho muôn đời, [Kinh Thánh] phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa, và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng các Tông Đồ (linh hứng năng động)”[53].
2. Thuyết ảo thân và thuyết Ebion về Kinh Thánh
Bây giờ chúng ta phải đương đầu với vấn đề tế nhị nhất: làm thế nào tiếp cận Kinh Thánh để Kinh Thánh thực sự “giải phóng” Thần Khí mà Kinh Thánh chứa đựng? Làm thế nào để “giở Kinh Thánh ra”, nghĩa là – hiểu thuật ngữ này theo nghĩa đen – làm thế nào để thâm nhập vào những nếp gấp của Kinh Thánh để chúng giải phóng hương thơm này của Thiên Chúa mà, bằng đức tin, chúng ta biết được chứa đựng trong đó? Tôi đã nói Kinh Thánh là một thực tại nhân–thần, vừa thần linh vừa nhân loại. Mà luật của mọi thực tại nhân thần, chẳng hạn như Đức Kitô và Giáo Hội, là người ta chỉ có thể khám phá ra yếu tố thần linh chứa đựng trong thực tại ấy qua yếu tố nhân loại. Người ta chỉ có thể khám phá ra thần tính của Đức Kitô qua nhân tính cụ thể của Ngài.
Thời Thượng cổ, những người theo thuyết ảo thân (docétisme) muốn tiến hành cách khác. Họ coi thân xác Đức Kitô và những đặc tính nhân loại của Ngài chỉ là những “dáng vẻ thuần túy bên ngoài” (dokein). Họ cũng làm mất đi thực tại sâu xa của Ngài, và thay vì một Thiên Chúa hằng sống làm người, họ có ý tưởng bông lông về Thiên Chúa. Cũng theo cách đó, trong Sách Thánh, người ta không thể khám phá ra Thần Khí mà không qua chữ viết, nghĩa là đồ trang trí cụ thể của con người bao bọc lời Chúa, trong các sách khác nhau và nơi các tác giả được linh hứng. Người ta chỉ có thể khám phá ra ý nghĩa thần linh chứa đựng trong Sách Thánh bằng cách khởi đi từ ý nghĩa nhân loại, ý nghĩa mà các tác giả nhân loại như Isaia, Giêrêmia, Luca, Phaolô, vv. muốn gán cho.
Ở đây, người ta thấy bao nhiêu nỗ lực nghiên cứu và tìm tòi chung quanh Sách Thánh hoàn toàn được biện minh. Có vô số tín hữu dành cả cuộc đời mình để làm sáng tỏ những vấn đề trong Kinh Thánh: những vấn đề liên hệ tới chính bản văn Kinh Thánh, bối cảnh lịch sử và văn hóa của mỗi cuốn sách, các văn thể khác nhau, các nguồn bên trong và bên ngoài của Kinh Thánh, ý nghĩa chính xác của mỗi đoạn văn… Dân Kitô giáo phải hết lòng biết ơn các anh em này: khi mở Kinh Thánh, chúng ta thu lượm đầy đủ hoa quả từ công lao mệt nhọc của họ, và chúng ta biến nó thành của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó.
Nhưng thuyết duy căn không phải là mối nguy hiểm duy nhất mà khoa chú giải Kinh Thánh gặp phải. Trước con người Đức Giêsu, không chỉ có nguy cơ của thuyết ảo thân, nghĩa là bỏ qua yếu tố con người, còn có nguy cơ dừng lại ở yếu tố con người, chỉ nhìn thấy nơi Ngài yếu tố con người và không khám phá ra chiều kích thần linh của Con Thiên Chúa. Nói tắt là nguy hiểm của thuyết Ebion. Theo phái Ebion (những Kitô hữu gốc Do Thái), Đức Giêsu chắc chắn là một tiên tri vĩ đại, vĩ đại nhất nếu muốn, nhưng không hơn. Các Giáo Phụ gọi họ là “Ebionit” (từ chữ ebionim, những người nghèo), có nghĩa là nghèo trên bình diện đức tin.
Đây cũng là điều xảy ra với Kinh Thánh. Có một chủ thuyết Ebion về Kinh Thánh, với xu hướng dừng lại ở từ ngữ, xem Kinh Thánh như một cuốn sách tuyệt vời, hay nhất trong số những sách của con người nếu muốn, nhưng chỉ là cuốn sách thuần túy nhân loại. Thật không may, chúng ta có nguy cơ chỉ thấy một chiều kích của Kinh Thánh. Phá vỡ sự cân bằng ngày hôm nay không phải là hướng về thuyết ảo thân, nhưng là về thuyết Ebion.
Những lời này của Kierkegaard có từ một thế kỷ rưỡi trước, vẫn giữ được phần lớn giá trị của chúng, ngay cả đối với người Công giáo: “Làm thế nào để chúng ta đọc Lời Chúa trong Kitô giới? Nếu chúng ta chia thành hai hạng, nếu không muốn lạc lối trong quá nhiều trường hợp đặc biệt, thì phải nói: đa số không bao giờ đọc Lời Chúa, một thiểu số đọc theo cách ít nhiều bác học, nghĩa là nhìn vào tấm gương (“nhìn vào tấm gương” có nghĩa là dừng lại ở những vấn đề phê bình, ở nghĩa đen của Kinh Thánh). Hay nói cách khác, hoặc nói cùng một điều theo một cách khác: đại đa số coi Kinh Thánh là một cuốn sách cổ có tầm quan trọng đặc biệt, mà người ta chuyên chú nghiên cứu với một sự nhạy bén và nhiệt tình đáng kinh ngạc”[54].
Nhiều nhà chuyên môn tự ý giải thích Kinh Thánh bằng cách chỉ sử dụng phương pháp lịch sử và phê bình. Tôi không nói về các nhà chuyên môn vô tín, điều này là bình thường đối với họ, nhưng về các nhà chuyên môn tự nhận là tín hữu. Sự tục hoá yếu tố thiêng thánh chưa từng bao giờ được thể hiện một cách tế nhị như trong sự tục hóa Sách Thánh. Nhưng tự phụ hiểu Kinh Thánh một cách thấu đáo, nghiên cứu Kinh Thánh chỉ bằng dụng cụ phân tích lịch sử và ngữ học, thì cũng như tự phụ khám phá ra mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện thực sự trong Thánh Thể, dựa trên sự phân tích hóa học của bánh được truyền phép! Phân tích lịch sử và phê bình, cho dù được đẩy đến mức hoàn hảo tối đa, trong thực tế chỉ là bước đầu tìm hiểu Kinh Thánh, tức là bước liên quan đến văn tự.
Đức Giêsu long trọng quả quyết trong Tin Mừng là Abraham “đã nhìn thấy ngày của Ngài” (x. Ga 8,56), Môsê “đã viết về Ngài” (Ga 5,46), Isaia “đã thấy vinh quang của Ngài và đã nói về Ngài” (Ga 12,41), các tiên tri, các Thánh vịnh và tất cả Kinh Thánh nói về Ngài (x. Lc 24,27.44 ; Ga 5,39), nhưng hôm nay có một vài chú giải khoa học do dự khi nói về Đức Kitô, thực tế không thấy Ngài trong bất kỳ đoạn văn nào của Cựu Ước, hoặc ít ra không dám nói rằng mình thấy Ngài vì sợ bị mất tư cách “trên bình diện khoa học”.
Sự bất tiện nghiêm trọng nhất của một khoa chú giải hoàn toàn khoa học là làm thay đổi hẳn mối quan hệ giữa nhà chú giải và lời Chúa. Để hiểu ý nghĩa của quả quyết này, phải tính đến những gì đã xảy ra trong lãnh vực tổng quát hơn của thần học. Hôm nay chúng ta có nhiều nghiên cứu về sự tiến hóa của ý nghĩa chữ “thần học”, từ khởi thủy cho đến ngày nay. Những nghiên cứu này đã đưa ra ánh sáng một sự tiến hóa rất rõ ràng và một loại nếp gãy xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 12. Cho đến nay, thuật ngữ thần học chỉ ra “một cách nào đó biết Thiên Chúa và nói về Ngài”. Một cách vay mượn từ sự ngợi khen, tôn thờ, hoàn toàn chấp nhận Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.
Thần học được xem trên hết như một sự khôn ngoan, như một ân sủng và một đặc sủng. Như người ta nghĩ, chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng dò thấu những chiều sâu của Thiên Chúa, có thể dạy người ta nói về Thiên Chúa. Evagre nói: “Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ thực sự cầu nguyện, và nếu bạn thực sự cầu nguyện, bạn sẽ là một nhà thần học”. Lần đầu tiên thuật ngữ “làm thần học” xuất hiện trong ngôn ngữ Kitô giáo, nó có ý nghĩa là “[dùng những bài thánh thi] công bố thần tính của Đức Kitô như là Thiên Chúa”[55].
Từ thế kỷ 12, thần học đã có được một ý nghĩa mới: một kiến thức có tổ chức và thông thái về các sự kiện mạc khải, một trình bầy hợp lý về những gì liên quan đến Kitô giáo. Nói tóm lại, đó là sự ra đời của thần học với tư cách một khoa học. Khi sự thay đổi này xảy ra, không có gì đặc biệt mang tính cách mạng. Thật vậy, nó không loại trừ thành tố tôn giáo của việc khiêm tốn phục tùng Thiên Chúa, là thành tố luôn gắn liền với hoạt động thần học. Thần học là nữ hoàng của các khoa học và được công nhận trong các trường đại học là đứng đầu so với tất cả các môn khác. Chính thần học có thể nói được là đã “tạo hình” cho các khoa học khác và hơn nữa, tất cả các khoa học vẫn được xem xét theo một nghĩa thiêng thánh và tôn giáo.
Sự bất tiện đã được tiết lộ sau đó, khi các báo cáo thay đổi. Khoa học được giải phóng, khoa học tuyệt vời trở thành triết học và cuối cùng, trong những thế kỷ vừa qua, là vật lý học, và ngày nay là sinh học. Ở giai đoạn này, chính các khoa học khác vô tình áp đặt địa vị khoa học riêng của mình lên thần học. Quả thực một trong những định đề của đặc tính khoa học là nhà khoa học phải trung lập trước đối tượng nghiên cứu của mình, hay chính xác hơn, ông chế ngự và kiểm soát nó. Khi người ta muốn ca ngợi một nhà khoa học, thì quả thực người ta nói rằng ông ta hoàn toàn làm chủ vấn đề của mình.
Nhưng khi nguyên tắc khoa học này, hoàn toàn có giá trị ở nơi khác, được áp dụng vào thần học, thì ngay từ đầu đã có vẻ sai lạc. Làm sao người ta có thể “làm chủ” Thiên Chúa hay Kinh Thánh? Trong trường hợp độc nhất này, đối tượng nằm ngoài chủ thể, người ta không thể làm chủ nó cũng không thể trung lập trước mặt nó.
Những gì thánh Phaolô nói về sự vô đạo trong Thư gửi tín hữu Rôma cũng đưa ra ánh sáng lãnh vực này của Kinh Thánh. Chúng ta phải nói về Kinh Thánh những gì chúng ta nói về sự sáng tạo và càng phải nói như thế hơn: sự sáng tạo mạc khải và bày tỏ những gì con người có thể biết về Thiên Chúa. Họ không thể tha thứ cho những người nghiên cứu Kinh Thánh mà không tôn vinh Thiên Chúa, không cảm ơn tác giả của chúng, nhưng họ bị lạc trong suy nghĩ riêng của chính họ và đặt các thụ tạo lên trên công trình của Đấng Tạo Hóa là Kinh Thánh (x. Rm 1,18 tt).
Chúng ta sẽ nói gì về các nhà ngữ học, những người nghiên cứu các nguồn của Dante, sự tiến hóa của chúng, tình trạng các chủ đề được gợi lên trong Divina Commedia (Thần Khúc) trước khi chúng được Dante lấy lại và biến đổi, và cuối cùng họ thấy rằng tất cả điều đó quan trọng và nghiêm túc hơn nhiều so với việc đọc, đánh giá, ngưỡng mộ và bị thu hút bởi nét đẹp của thơ ca hoặc sức mạnh của cảm hứng; nói tắt, bởi hình thức cuối cùng được đưa ra cho các chất liệu khác nhau này? Nói gì về các nhà nghiên cứu cho rằng tái tạo lại các hình thức khác nhau của truyền thuyết Faust từ Marlowe đến Goethe, hoặc các giai đoạn phát triển của thể loại giao hưởng trước Beethoven, thì quan trọng hơn nhiều so với việc đọc chính Faust hay nghe bản giao hưởng số 9? Tuy nhiên, đây là những gì đã được thực hiện trong một thời gian dài trong một số môi trường, với Kinh Thánh được Thần Khí linh hứng. Điều quan trọng nhất là tháo rời chúng để khôi phục chúng.
Theo Kierkegaard, nếu người ta mong giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bản văn, các dị bản và những khác biệt về quan điểm của các nhà nghiên cứu, người ta sẽ không bao giờ đạt được điều gì. Trái lại, việc đó trở thành một mánh khóe để chống lại Lời Chúa. Lời Chúa đã được ban để chúng ta thực hành, không phải để chúng ta miệt mài chú giải những điều tối nghĩa. Có một sự “lạm phát thông diễn học” và tệ hơn nữa, người ta tin rằng điều quan trọng nhất liên hệ đến Kinh Thánh là thông diễn học chứ không phải thực hành[56].
Hậu quả của tất cả những điều đó là Kinh Thánh đóng lại, “thu mình lại”. Kinh Thánh lại trở thành cuốn sách được niêm ấn, cuốn sách bị tấm màn che phủ. Vì, như Thánh Phaolô nói, tấm màn này được cất đi trong Đức Kitô, “khi người ta quay về với Chúa“, nghĩa là khi người ta nhận ra Đức Kitô trong các trang sách Kinh Thánh (x. 2Cr 3,15-16). Kinh Thánh cũng giống như một số cây cực kỳ nhạy cảm, cụp lá xuống khi bị các vật thể lạ chạm vào, hoặc giống như một số vỏ sò khép lại để bảo vệ ngọc trai bên trong. Ngọc trai của Kinh Thánh là Đức Kitô.
Không có lời giải thích nào khác cho nhiều cuộc khủng hoảng đức tin nơi các chuyên viên Kinh Thánh. Khi người ta tự hỏi tại sao có sự nghèo nàn và khô khan về đường thiêng liêng trong một số chủng viện và cơ sở đào tạo, người ta nhanh chóng thấy rằng một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là cách dạy Kinh Thánh. Giáo Hội đã sống và đang sống nhờ đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng. Nếu chúng ta cắt kênh này, kênh đang nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, lòng nhiệt thành, đức tin, tất cả đều khô cằn và trì trệ. Người ta không còn hiểu được phụng vụ, vì phụng vụ được xây dựng hoàn toàn dựa trên việc sử dụng Kinh Thánh theo cách thiêng liêng, hoặc người ta sống nó như một khoảnh khắc tách khỏi việc đào tạo cá nhân đích thực, và như phủ nhận những gì người ta đã học được hôm trước trong lớp.
3. Thần Khí ban sự sống
Khi một chi thể của thân thể chúng ta đã không hoạt động trong một thời gian dài, ví dụ như chân, thì nếu chúng ta muốn đi lại, cần phục hồi chức năng cho chi thể ấy. Dân Kitô giáo đã quá lâu không sử dụng “chi thể” quan trọng này là Kinh Thánh và giờ đây họ cần phục hồi chức năng. Đối với một số người, việc phục hồi chức năng nói trên là cầm lấy một cuốn Kinh Thánh và đọc, vì có lẽ họ chưa bao giờ đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc và trọn vẹn. Đối với những người khác biết Kinh Thánh và có thể đã nghiên cứu nó trong một thời gian dài, việc phục hồi chức năng là làm quen lại với việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng, một việc mà trong suốt thời kỳ giáo phụ và thời trung cổ đã là nguồn mạch khôn ngoan và linh đạo hàng đầu của Giáo Hội.
Một số nhà chú giải thời danh bắt đầu cảm thấy nhu cầu đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng và cùng với đức tin. Đây là một dấu hiệu tràn trề hy vọng. Một trong số đó đã viết: “Điều khẩn cấp là những người nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh một lần nữa phải quan tâm đến chú giải của các Giáo Phụ, để, ngoài phương pháp của các ngài, khám phá lại tinh thần đã làm linh hoạt các ngài, tâm hồn sâu xa đã gợi hứng cho chú giải của các ngài. Chúng ta phải học cách giải nghĩa Kinh Thánh theo trường phái của các ngài, không chỉ về phương diện lịch sử và phê bình, mà còn theo cùng một cách trong Giáo Hội và cho Giáo Hội.” (I. de la Potterie)
Trong bộ sách lịch sử nổi tiếng về cách chú giải thời trung cổ, cha H. de Lubac đã nhấn mạnh đến sự mạch lạc, vững chắc và phong phú lạ lùng của việc chú giải thiêng liêng được các Giáo Phụ thời Thượng cổ và Trung cổ thực hiện.
Nhưng phải nói rằng trong lãnh vực này các Giáo Phụ chỉ áp dụng giáo huấn thuần túy và đơn giản của Tân Ước (với những dụng cụ không hoàn hảo mà các ngài có). Nói cách khác, các ngài không phải là những người khởi xướng, nhưng là những người tiếp nối một truyền thống được Gioan, Phaolô và chính Đức Giêsu thiết lập. Những vị này không chỉ liên tục đọc Sách Thánh theo hướng thiêng liêng, nghĩa là ám chỉ đến Đức Kitô, nhưng còn biện minh cho cách đọc này, nói rằng tất cả Kinh Thánh đều quy chiếu về Đức Kitô (x. Ga 5,39), rằng “Thần Khí Đức Kitô” hoạt động trong Kinh Thánh và ở nơi các tiên tri (1Pr 1,11), rằng trong Cựu Ước, mọi sự đều được nói đến “bằng ngụ ngôn“, nghĩa là ám chỉ đến Giáo Hội (x. Gl 4,24) hoặc “để răn dạy chúng ta” (1Cr 10,11).
Do đó, đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng không có nghĩa là đọc theo hướng khuyến thiện, huyền bí, chủ quan hoặc, tệ hơn, theo trí tưởng tượng, đối nghịch với việc đọc cách khoa học, là cách đọc khách quan. Ngược lại, đây là cách đọc khách quan nhất có thể, vì dựa trên Thần Khí của Thiên Chúa, chứ không trên thần trí của con người. Việc đọc Kinh Thánh cách chủ quan (dựa trên việc xem xét tự do) đã lan truyền chính khi việc đọc theo hướng thiêng liêng bị bỏ rơi, và Kinh Thánh là nơi mà việc đọc này đã bị bỏ rơi một cách rõ ràng nhất.
Vậy đọc theo hướng thiêng liêng là một điều rất chính xác và khách quan. Đó là đọc dưới sự hướng dẫn hoặc dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng Kinh Thánh. Nó dựa trên một biến cố lịch sử, tức là trên hành động cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng mà nhờ sự chết và sống lại, đã hoàn tất kế hoạch cứu độ, thực hiện mọi hình ảnh và các lời tiên tri, mạc khải những mầu nhiệm ẩn giấu và trao chìa khóa đích thực để đọc toàn bộ Kinh Thánh. Sách Khải huyền diễn tả tất cả những điều này bằng hình ảnh Con Chiên bị sát tế cầm cuốn sách trong tay và mở bảy ấn (x. Kh 5,1tt).
Bất cứ ai sau Ngài muốn tiếp tục đọc Kinh Thánh mà bỏ qua hành vi này, sẽ giống như một nhạc sĩ tiếp tục đọc một đoạn nhạc với khóa “fa” sau khi nhà soạn nhạc đã chuyển sang khóa “sol” : khi ấy mỗi nốt nhạc sẽ tạo ra âm thanh giả. Bây giờ, Tân Ước gọi chìa khoá mới này là “Thần Khí” và chìa khóa cũ là “văn tự”, nói rằng văn tự hay chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống (2Cr 3,6).
Đối nghịch “văn tự” và “Thần Khí” không có nghĩa là đối nghịch Cựu Ước và Tân Ước, như thể Cựu Ước biểu thị văn tự, và Tân Ước biểu thị Thần Khí. Đúng hơn, điều đó có nghĩa là đối nghịch hai cách đọc khác nhau cả Cựu Ước lẫn Tân Ước: cách đọc bỏ qua Đức Kitô và và cách đọc xem xét mọi sự dưới ánh sáng Đức Kitô. Chính vì hai Giao Ước nói đến Đức Kitô mà Giáo Hội tôn trọng cả hai.
Trái lại, việc đọc theo hướng thiêng giúp cho Cựu Ước có một sức mạnh và gợi ý mới mẻ, chưa được biết đến cho tới lúc đó, một sự gợi ý chỉ phát sinh khi người ta khám phá thấy Cựu Ước nói lên điều gì khác; rằng ngoài nghĩa cụ thể và văn tự, nó còn có một nghĩa tượng trưng vượt xa chính nó; nói cách khác là truyền thống hơn: vào lúc người ta khám phá ra rằng Cựu Ước nói bằng “ngụ ngôn” (Gl 4,24).
Thánh Augustinô đã viết như sau: “Tất cả những gì được gợi ý thông qua các biểu tượng đụng chạm và đốt cháy trái tim một cách sống động hơn là chính chân lý làm điều đó, nếu nó được trình bày cho chúng ta mà không có lớp áo hình ảnh mầu nhiệm bao phủ… Sự nhạy cảm của chúng ta chậm rực lên, bao lâu liên kết với các thực tại thuấn túy cụ thể, nhưng nếu nó hướng tới các biểu tượng được rút ra từ thế giới vật chất và từ đó chuyển sang bình diện các thực tại thiêng liêng được biểu thị bằng các biểu tượng đó, thì nó có được sự sống động của nó chỉ bằng bước chuyển này và còn sáng rực hơn, giống như một ngọn đuốc đang di chuyển”[57].
Điều tương tự cũng xảy ra với người Kitô hữu, trong bước chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước, từ lời tiên tri đến thực tại. Trong bước chuyển này, tinh thần “sáng rực” như một ngọn đuốc đang di chuyển. Sự mô tả về những đau khổ của người tôi tớ Thiên Chúa trong Isaia 53 nói với chúng ta về cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô theo một cách thức mà không một trình thuật lịch sử nào khác của Phúc Âm có thể thay thế được. Ngôn ngữ gián tiếp – cả ngôn ngữ tượng trưng của các bí tích lẫn ngôn ngữ tiên tri của Kinh Thánh – có xu hướng ít cạn kiệt theo một nghĩa nào đó, vì nó nói mà không nói ra; nó gợi ý nhiều hơn những gì nó khẳng định; nó mang đến cho tâm trí và do đó gây ra cho mỗi lần một cử động mới của con tim. Do đó, Cựu Ước không bị việc đọc theo hướng thiêng liêng gạt sang một bên, nhưng trái lại, nó được tôn lên đến mức tối đa. Khi thánh Phaolô nói: “Thần Khí ban sự sống, phải hiểu là: Thần Khí cũng ban sự sống cho văn tự, cũng ban sự sống cho Cựu Ước!
4. Điều Thần Khí nói với Hội Thánh
Đọc theo hướng thiêng liêng không chỉ liên hệ đến Cựu Ước; theo một nghĩa khác, nó cũng liên hệ đến Tân Ước, vì Tân Ước cũng phải được đọc theo hướng thiêng liêng. Đọc Tân Ước theo hướng thiêng liêng có nghĩa là đọc dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần, để dẫn đưa Giáo Hội đến tất cả sự thật, nghĩa là đến chỗ hiểu biết đầy đủ và thực hành Phúc Âm.
Chính Đức Giêsu đã giải thích trước mối liên hệ giữa lời của Ngài và Thần Khí mà Ngài sẽ gửi tới (mặc dù chúng ta không được nghĩ rằng Ngài đã nhất thiết làm như vậy theo cách nói của Phúc Âm Gioan). Theo Gioan, Thần Khí “sẽ dạy và sẽ làm nhớ lại” tất cả những gì Đức Giêsu đã nói (x. Ga 14,25), nghĩa là Người sẽ làm cho tất cả được hiểu rõ, trong tất cả những hàm ý của nó. Người sẽ không “tự mình nói” điều gì, nghĩa là Người sẽ không nói những sự gì mới liên quan đến điều Đức Giêsu đã nói, nhưng, như chính Đức Giêsu nhấn mạnh, Người “lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-15).
Đức Giêsu đã không nói toạc ra mọi điều; có những điều mà các môn đệ chưa thể “gánh chịu”; Chúa Thánh Thần có trách nhiệm đưa các môn đệ đến tất cả sự thật. Do đó, chúng ta có thể nói rằng việc đọc theo hướng thiêng liêng, theo nghĩa đầy đủ của chữ này, là việc đọc trong đó Chúa Thánh Thần dạy cho người ta cách đọc Cựu Ước quy chiếu tới Đức Giêsu, và cách đọc Cựu Ước cùng với Tân Ước quy chiếu tới Giáo Hội.
Ở đây chúng ta thấy cách đọc theo hướng thiêng liêng kết hợp và vượt qua cách đọc theo khoa học như thế nào. Cách đọc theo khoa học chỉ biết một chiều hướng, là chiều hướng lịch sử. Quả thực nó giải thích những gì tiếp theo, dưới ánh sáng những gì đã xảy ra trước đó; giải thích Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước đi trước nó, và giải thích Giáo Hội dưới ánh sáng Tân Ước. Phần lớn nỗ lực phê bình xung quanh Kinh Thánh là để làm sáng tỏ các giáo lý của Phúc Âm, dưới ánh sáng các truyền thống Cựu Ước, khoa chú giải của các thầy thông giáo Do Thái, v.v.; tóm lại nó muốn tìm kiếm các nguồn (Đại tự điển thần học Tân Ước Kittel dựa trên nguyên tắc này, cũng như nhiều tác phẩm Kinh Thánh khác).
Việc đọc theo hướng thiêng liêng hoàn toàn công nhận giá trị của hướng tìm kiếm này, nhưng thêm một hướng ngược lại. Hướng này giải thích những gì xảy ra trước dựa vào những gì đến sau, giải thích lời tiên tri dựa vào sự hoàn tất, Cựu Ước dựa vào Tân Ước và Tân Ước dựa vào Truyền Thống của Giáo Hội. Trong lãnh vực này, việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng chỉ được củng cố theo nguyên tắc thông diễn của Gadamer về “lịch sử các hiệu quả” (Wirkungsgeschichte), theo đó, để hiểu một bản văn, cần phải tính đến những hiệu quả mà bản văn này đã tạo ra trong lịch sử, bằng cách hội nhập vào lịch sử này và đối thoại với nó[58].
Như tôi đã nói, điều này không chỉ có giá trị đối với bước chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước mà còn đối với bước chuyển từ Tân Ước sang Giáo Hội, vì chúng ta chỉ dần dần khám phá ra những tiềm năng và hàm ý vô hạn của lời và mầu nhiệm Đức Kitô, dựa vào những gì Thần Khí thực hiện trong Giáo Hội. Truyền thống giống như một chiếc thùng rỗng lớn tạo ra âm vang của Kinh Thánh. Một chiếc vĩ cầm sẽ ra sao nếu chỉ có dây rung nhưng không có khoang rỗng kỳ diệu làm bằng gỗ chọn lọc, đủ độ già và trau chuốt, cho phép âm thanh hình thành? Sách Diễm ca sẽ như thế nào nếu được đọc như một bản văn nằm trong các quy tắc Kinh Thánh, không có sự cộng hưởng với phụng vụ và tu đức của Giáo Hội, có lúc áp dụng cho chính Giáo Hội, có lúc áp dụng cho Đức Maria, có lúc áp dụng cho linh hồn say mê Thiên Chúa?
Như Đức Giêsu nói, nếu người ta xem quả biết cây, người ta không thể biết đầy đủ Lời Chúa trước khi thấy hoa quả mà lời Chúa sản sinh ra. Nghiên cứu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Truyền Thống cũng gần giống như xem quả biết cây. Chính vì thế mà Origen nói rằng “nghĩa thiêng liêng là nghĩa được Thần Khí ban cho Giáo Hội”[59]. Nó đồng hóa với việc đọc theo tinh thần Giáo Hội hay với chính Truyền Thống, nếu chúng ta hiểu Truyền Thống không chỉ là những tuyên bố long trọng của Huấn quyền, mà còn là kinh nghiệm về học thuyết và sự thánh thiện trong đó Lời Chúa như được nhập thể cách mới mẻ và được Chúa Thánh Thần “cắt nghĩa” qua các thế kỷ.
Vậy điều chúng ta cần, không phải là một cách đọc theo hướng thiêng liêng, thay thế khoa chú giải mang tính khoa học hiện nay bằng sự trở lại một cách máy móc với khoa chú giải của các Giáo Phụ, mà đúng hơn, là một cách đọc mới mẻ theo hướng thiêng liêng đáp ứng với sự tiến bộ lớn lao được thực hiện bằng cách nghiên cứu “văn tự”. Tóm lại, vừa có một văn tự đã gợi hứng và đức tin nơi các Giáo Phụ, vừa có tính nhất quán và nghiêm túc của khoa học Kinh Thánh hiện nay.
5. Thần Khí thổi từ bốn phương
Giữa những đống xương khô nằm la liệt, tiên tri Edêkien nghe thấy câu hỏi: “Liệu các xương này có hồi sinh được không?” (Ed 37,3). Chúng ta cũng đặt ra câu hỏi tương tự ngày hôm nay: liệu khoa chú giải, từ lâu bị khuynh hướng ngữ học làm cho khô cằn, sẽ có thể lấy lại được đà tiến và sức sống mà nó đã có vào những lúc khác trong lịch sử Giáo Hội chăng? Sau khi nghiên cứu lịch sử lâu đời về khoa chú giải Kitô giáo, cha de Lubac buồn bã kết luận: chúng ta hiện đang thiếu những điều kiện để có thể làm sống lại cách đọc theo hướng thiêng liêng như cách đọc của các Giáo Phụ; chúng ta thiếu niềm tin mãnh liệt này, thiếu ý thức về sự viên mãn và hiệp nhất mà các ngài có, vì vậy, ngày hôm nay muốn bắt chước sư táo bạo của các ngài, sẽ gần như bị coi là phạm thánh, vì chúng ta thiếu tinh thần thúc đẩy những việc này[60].
Tuy nhiên, cha không hoàn toàn mất hết hy vọng và quả quyết rằng nếu muốn tìm thấy lại một chút về cách giải thích Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng, trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, tiên vàn phải làm tái sinh một phong trào Thánh Linh[61]. Một vài thập niên sau đó, trước và sau Công đồng Vaticanô II, tôi có cảm tưởng khám phá ra một lời tiên tri trong những lời cuối cùng này. “Phong trào Thánh Linh” và “đà tiến” bắt đầu trở lại, không phải vì người ta lên chương trình hoặc tiên liệu, nhưng vì Thần Khí bắt đầu thổi một lần nữa, một cách bất ngờ, từ khắp nơi, trên những đống xương khô. Song song với các đặc sủng tái xuất hiện, việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng cũng tái xuất hiện. Đây cũng là một trong những hoa trái tuyệt diệu nhất của Thần Khí.
Khi tham dự các cuộc gặp gỡ Kinh Thánh và các buổi cầu nguyện, có lần tôi ngạc nhiên khi nghe những suy tư về lời Chúa giống như những suy tư của Origen, thánh Augustinô, hay thánh Grêgoriô Cả ngày xưa, cho dù ngôn ngữ đơn giản hơn. Người ta áp dụng rất đơn giản và thích đáng những lời về đền thờ, về “căn lều của Đavít”, về Giêrusalem bị phá hủy và được tái thiết sau thời lưu đày, về Giáo Hội, về Đức Maria, về cộng đồng của họ hoặc về cuộc sống cá nhân của họ. Những gì được thuật lại về các nhân vật trong Cựu Ước làm người ta nghĩ đến Đức Giêsu bằng cách loại suy hay phản đề, và những gì được thuật lại về Đức Giêsu được hiện tại hóa và áp dụng cho Giáo Hội hoặc cho từng tín hữu.
Nhiều nghi ngờ về việc đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng phát sinh từ chỗ không để ý đến sự phân biệt giữa giải thích và áp dụng. Trong cách đọc theo hướng thiêng liêng, nói chung đây là áp dụng hoặc hiện tại hóa bản văn, hơn là có ý định giải thích nó, khi áp dụng cho nó một ý nghĩa không liên quan gì đến ý định của tác giả Sách Thánh. Chính là điều chúng ta đã thấy trong Tân Ước liên quan đến những lời của Đức Giêsu. Người ta lưu ý rằng các tác giả Phúc Âm Nhất lãm đôi khi đưa ra các ứng dụng khác nhau của cùng một dụ ngôn do Đức Kitô nói, tùy theo nhu cầu và các vấn đề của cộng đồng mà các ngài viết cho họ.
Những ứng dụng của các Giáo Phụ và những ứng dụng của ngày hôm nay hiển nhiên không có cùng đặc tính quy điển như những ứng dụng ban đầu, nhưng quá trình dẫn đến những ứng dụng này là như nhau và dựa trên sự kiện là lời Chúa không phải là những lời chết, được bảo quản trong dầu, như Péguy nói. Đó là những lời “hằng sống” và “năng động”, có khả năng giải phóng ý nghĩa và tiềm thể ẩn giấu, đáp ứng với các câu hỏi và tình huống mới. Đây là hậu quả của cái mà tôi gọi là “linh hứng năng động” của Kinh Thánh, theo nghĩa Kinh Thánh không chỉ “được Thần Khí linh hứng” mà còn “thở ra” Thần Khí và liên tục phát tán, nếu người ta lấy đức tin mà đọc. Theo Thánh Grêgoriô Cả, “Kinh Thánh cum legentibus crescit, tăng trưởng cùng với người đọc”[62]. Kinh Thánh tăng trưởng mà vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi kết luận bằng một lời cầu nguyện mà tôi đã nghe một phụ nữ đọc lên, sau khi nghe câu chuyện Êlia được đưa lên trời, để lại hai phần ba thần trí cho Êlidê. Đây là một ví dụ về việc đọc theo hướng thiêng liêng, theo nghĩa mà tôi vừa giải thích: “Con cảm tạ Chúa đã không để lại cho chúng con chỉ có hai phần ba Thần Khí của Chúa, khi Chúa lên trời, nhưng để lại tất cả Thần Khí của Chúa! Con cảm tạ vì Chúa đã không để lại Thần Khí cho một môn đệ duy nhất, nhưng cho tất cả mọi người!”
Nguồn: simonhoadalat.com
[1] Textes in H. de Lubac, Histoire de l’exégèse médiévale, I, 1, Aubier, Paris 1959, p. 119 et s.
[2] J.P. Sartre, Huis clos, Gallimard 2000, p.92.
[3] In V. Cattana, Le prehiere più belle del mondo, Mondadori, Milano 2000, p. 188.
[4] x. thánh Augustinô, Lettres, 55, 1, 2.
[5] Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, số 7)
[6] Hiến chế về Mạc khải Dei Verbum, số 8.
[7] x. Thánh Gioan Thánh Giá, Montée du Mont Carmel II, 22, 4-5.
[8] x. Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium số 48.
[9] Thánh Augustinô, Traité sur saint Jean, 80, 3.
[10] J.B. Bossuet, Sur la Parole de Dieu, dans Oeuvres oratoires de Bossuet, III, Desclée de Brouwer, Paris 1927, p. 627.
[11] Albin Michel, Paris, 2007.
[12] Thánh Augustinô, Confessions, VIII, 12.
[13] Thánh Giustinô, Apologia, 65-67.
[14] Origen, Exod. Hom. XIII, 3.
[15] Regole monastiche d’occidente, Edizioni Qiqajon, Communità di Bose, 1989, p. 53.
[16] E.P. Sanders, Jesus and Judaism, SDM Press, London, 1985.
[17] Cerf-Médiaspaul, Paris 2008.
[18] J. Neusner, Un rabbin parle avec Jésus, op. cit., p. 110.
[19] x. J.D.G. Dunn, Christianity in the Making, I. Jesus remembered, Grand Rapids, Mich. 2003.
[20] Benoit XVI, Jésus de Nazareth, Flammarion 2007, p. 9.
[21] R. Dawkins, The God delusion, Bantam Books, New York 2006.
[22] Sur la théorie de Jésus cynique, x. B. Griffin, Was Jesus a Philosophical Cynic? [http:/www-oxford.op.org/allen/html/acts.htm].
[23] x. l’essai de Harold Bloom, Whoever discovers the interpretation of these sayings…, publié en appendice de l’édition de l’evangile copte de Thomas par Marvin Mayer: The Gospel of Thomas. The hidden sayings of Jesus, Harper Collins Publishers, San Francisco 1992.
[24] W. Bousset, Kyrios Christos, Vandenhoeck & Ruprecht, Gottingen 1913.
[25] L. Hurtado, Lord Jesus Christ. Devotion to Jesus in Earliest Christianity, Grand Rapids, Mich. 2003, p. 650.
[26] J.D.G. Dunn, Christianity in the Making, op. cit. partie III, chap. 12.
[27] S. Kierkegaard, cité in Crainte et Tremblement, Rivages, Paris 2000.
[28] x. M. Zerwick, Analysis philologica Novi Testamenti Graeci, Romae 1953, ad loc.
[29] Ch. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, in Oeuvres poétiques complètes, Gallimard 1975, pp. 587tt.
[30] x. Origène, In Mt Ser. 38 (GCS, 1933, p.7)’ In Cant. 3 (GCS 1925, p. 202).
[31] J.B. Bossuet, Sur la Parole de Dieu dans Oeuvres oratoires de Bossuet, III, Desclée de Brouwer, Paris 1927, p. 628.
[32] Thánh Ambrôsiô, Exp. Ps. 118. 7, 7 (PL 15, 1350).
[33] Dei Verbum, n. 21.
[34] Gioan Phaolô II, Novo millennio ineunte, 39.
[35] Discours de Benoit XVI, 16 septembre 2005.
[36] Dei Verbum, n. 25.
[37] S. Kierkegaard, Per l’esame di se stessi. La Lettera di Giacomo, 1, 22, in Opere, a cura di C. Fabro, Firenze 1972, p. 909 et s.
[38] F. Collins, The language of God, Free Press, 2006, p. 177 et s.
[39] Guigues, II, Lettre sur la vie contemplative suivi de Douze méditations. L’échelle des moines, SC 163, Cerf Paris
[40] Thánh Augustinô, Enarr. in Ps., 46, 1 (CCL 38, 529).
[41] Thánh Grêgôriô Cả, Registr. Epist. IV. 31 (PL 77, 706)
[42] Thánh Augustinô, De catech. rud., I, 8.
[43] Thánh Augustinô, Soliloqui, I, 1, 3; II, 1, 1 (PL 32, 870.885).
[44] Origène, In Gen. Hom., 12, 5.
[45] Celano, Vita secunda, X, 15.
[46] Thánh Augustinô, Confessions, 8, 12.
[47] Thánh nữ Têrêxa Lisieux, Manuscrit autobiographiques, A, n. 236, Seuil 2006, Paris.
[48] Grêgoriô Cả, Homélies sur Ezéchiel, I, 10, 31 (CCL 143, p. 159).
[49] Thánh Augustinô, Confessions, XI, 2, 3-4.
[50] Textes in H. de Lubac, Histoire de l’exégèse médiévale, I, 1, Aubier, Paris 1959, p. 119 et s.
[51] Thánh Ambrôsiô, De Spiritu Sancto, III, 112.
[52] Thánh Augustinô, Confessions, IV, 12, 18.
[53] Dei Verbum, n. 21.
[54] S. Kierkegaard, in Opere, cit., p. 914.
[55] Evagre le Pontique, De oratione, 60 (PG 79, 1180).
[56] S. Kierkegaard, Opere, cit., p. 909 tt.
[57] Thánh Augustinô, Ep. 55, 11, 21.
[58] x. H. G. Gadamer, Wahrheit und Methode, Tubingen 1960.
[59] Origène, In Lev. Hom., V, 5.
[60] H. de Lubac, Exégèse médíevale, Aubier, Paris 1964, II, 2, p. 79.
[61] H. de Lubac, Histoire et Esprit, Cerf 2002.
[62] Grêgoriô Cả, Moralia sur Job, 20. I (CC 143 A, p. 1003).