Tin vào quyền năng Thiên Chúa
2.6 Thứ Sáu trong tuần thứ Tám Mùa Quanh Năm
Hc 44:1,9-13; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Mc 11:11-26
Tin vào quyền năng Thiên Chúa
Chúng ta thấy, trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê su, có thể nói Ngài luôn là mẫu gương sống động đầy lòng xót thương, là “Thầy nhân lành” (Lc 18, 18; Mc 10, 18). Thế mà trong đoạn tin mừng hôm nay (Mc 11, 11-27) thánh Maccô tường thuật cho chúng ta thấy Chúa đã nổi giận đến hai lần liên tiếp trong cùng một ngày.
Qua hai câu chuyện “Cây vả bị chúc dữ và “xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Jêrusalem’. Hai câu chuyện này lại đan xen vào nhau, liên quan đến nhau và bổ xung, giải thích ý nghĩa cho nhau. Qua đó, Chúa Giêsu nhằm củng cố cho các môn đệ đời sống đức tin và cầu nguyện.
Thật vậy, hôm ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ rời khỏi Bê ta ni a để đến Jêrusalem Ngài cảm thấy đói. Trông thấy ở đằng xa có một cây vả tốt lá. Ngài đến để tìm trái ăn nhưng không có vì không phải là mùa vả. Người liền lên tiếng chúc dữ cây vả “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa (Mc 11, 12)
Tại sao Chúa lại chúc dữ cây vả ?. Phải chăng nhằm thỏa mãn cơn đói của Ngài? Nếu vây Chúa thật là người bất thường “nỗi giận trái mùa”. Vì làm sao có thể tìm trái cây khi không phải mùa sinh hoa kết quả của nó ?. Như vậy, điều Chúa muốn chiếu cố ở đây là gì? Có phải Ngài muốn ám chỉ đền thờ mà Ngài sắp tiến vào để thanh tẩy?
Chúng ta thử lần trở lại những trang sử của Do thái giáo để hiểu hơn điều Chúa muốn nói ở đây. Đối với người Do thái, cây nho hay cây vả tượng trưng cho dân Israel và Thiên Chúa là người trồng. Nhưng dân Chúa chẳng mang lại hoa trái, lợi lộc gì lại phản nghịch với lòng mong đợi của Ngài. nên sẽ bi tru diệt (Mc 12,1-11).
Cũng vậy, Đền Thờ này thật lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ nhưng trong đó chất đầy những lễ nghi vụ hình thức bên ngoài mà không có tấm lòng tin kính, tôn thờ. Nó đã trở thành cái chợ để mua bán trao đổi, thành sào huyệt của bọn cướp (Mc 11, 17). Vậy số phận của nó chẳng khác nào như cây vả xum suê lá mà chẳng có trái đã bi Chúa chúc dữ đó sao? Nó cũng sẽ bi Ngài thanh tẩy ngay lúc này.
Vì thế, Ngài bước vào Đền Thờ Giêrusalem với một thái độ hết sức giận dữ, Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Ngài không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ (Mc 11, 15-16). Việc Chúa thanh tẩy đền thờ còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn. Ngài công bố bãi bỏ kiểu cầu nguyện Do Thái giáo và khai mạc thời ký mới mà Ngôn sứ Dacaria đã loan báo: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh nữa”(Dcr 14, 21).
Cũng như cây vả bị Chúa chúc dữ đã chết khô, Đền thờ bị ô uế đã trở nên vô nghĩa. Từ nay, sự liên kết, gắn bó, với Chúa không còn gò bó nơi Đền thờ, không còn “phải trên núi này hay tại Giêrusalem”(Ga 4, 21) nhưng bởi nơi Đức tin và đời sống cầu nguyện.
Do đó, đức tin và cầu nguyện là hai vũ khí sắc bén không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu, là điều kiện cần và đủ để chúng ta đến với Chúa. Mặc khác, để cầu nguyện được chúng ta phải tin vào Chúa và có tin vào Chúa chúng ta mới dám chắc lời cầu nguyện của chúng ta được Ngài nhậm lời như Chúa đã nói: “cứ xin thì sẽ được” (Mt 7, 7; Lc 11, 9) và “tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý”( Mc 11, 24).
Nhưng chúng ta chỉ kính mến Chúa, yêu Chúa và tin Chúa thôi thì chưa đủ vì “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Hành động mà Chúa muốn nơi ta đó là yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã thứ tha chúng ta.
Chúa Giêsu đã tỏ cho các môn đệ thấy sức mạnh của lòng tin sẽ có hiệu quả như thế nào. Ngài xác quyết rằng: với một lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, thì dù có là điều không thể cũng sẽ trở thành có thể; dù có là điều tưởng chừng như nghịch lý cũng sẽ trở thành hữu lý. Chúa còn khẳng định với các môn đệ một cách chắc chắn rằng: “Nếu anh em có lòng tin nơi Thiên Chúa và không một chút nghi nan, thì dù anh em có bảo núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, anh em cũng sẽ được như ý”. Đây là điều không thể giải thích được bằng trí hiểu của con người, mà phải vận dụng lý lẽ của con tim: là sự cảm nhận và tin tưởng vững vàng nơi uy quyền của Thiên Chúa.
Ta thấy Chúa Giêsu còn diễn tả sức mạnh của lòng tin qua việc Ngài thanh tẩy đến thờ Giêrusalem. Bằng chứng là khi Chúa Giêsu tiến vào đền thờ thì ngay lập tức, Ngài đánh đuổi những kẻ đang mua bán, đổi chác tiền bạc cũng như các thứ hàng hóa ở trong đó. Với sức mạnh của lòng tin nơi Chúa Cha, Chúa Giêsu đã bất chấp tất cả để đòi lại sự tôn nghiêm, cung kính nơi đền thờ. Người sẵn sàng đối chất với các thượng tế bằng những lời quả quyết rằng: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19).
Điều này cho thấy, Chúa Giêsu đã gạt bỏ mọi thứ, ngay cả đến mạng sống của mình. Ngài dám thách thức tất cả, bởi vì Ngài biết và đã đặt niềm tin trọn vẹn nơi những gì mà Chúa Cha sẽ làm cho Ngài.
Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của Ngài, đồng thời cũng là chỉ dạy cho mỗi người chúng ta: hãy có lòng tin bền vững vào Thiên Chúa, và rồi chính Ngài sẽ làm cho chúng ta được mọi sự, kể cả những điều mà trí hiểu loài người cho là không thể làm được.