Người Việt đầu tiên soạn từ điển là Công giáo
Người Việt đầu tiên soạn từ điển là Công giáo
Đã 113 năm từ khi ông Huỳnh Tịnh Của qua đời. Cuộc đời, sự nghiệp và công trạng của ông đối với việc phát triển chữ quốc ngữ đã được lịch sử ghi nhận và tri ân. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều điều bí ẩn quanh cuộc đời ông chưa tìm được lời giải. Ông chính là người Việt đầu tiên biên soạn từ điển.
Tên của ông là Huỳnh Tịnh Của, ông còn có ngoại hiệu là Tịnh Trai và tên thánh là Paulus, tức là ghi theo tiếng Latin hay tiếng Đức, còn Việt Nam phiên âm đọc là Phaolô.
Bậc kỳ tài nhiều bí ẩn
Lẽ thường với người Công giáo, tên thánh sẽ đặt trước tên thật (hoặc cả họ tên) và ông Của đã nhiều lần sử dụng cách đặt tên này trong các tác phẩm của ông, như ký tên là Paulus Của hoặc P. Của, có sách ông ký tên là Paulus Của Huình-Tịnh.
Thế nhưng, trên một số tác phẩm, trong đó tác phẩm nổi tiếng Đại Nam quốc âm tự vị, ông lại ký tên là Huình- Tịnh Paulus Của, một cách đặt tên hoàn toàn khác với mọi người, thậm chí khác với chính cách đặt tên của ông trước đó. Họ của ông, ông không viết chữ Huỳnh, mà viết là Huình. Thậm chí trong tác phẩm Trần Sanh diễn ca, ông ký tên là Hoàng-Tịnh Paulus Của.
Năm sinh của ông có những thông tin khác nhau, quê quán của ông cũng chưa được xác định rõ. Ngay cả khi đi tu, học đến chức thầy Tư rồi hoàn tục cưới vợ không rõ vì sao. Tác phẩm của ông cũng bị nhầm lẫn nhiều, nghề nghiệp báo chí cũng chưa được xác định rõ ràng về thời điểm, chức vụ.
Thậm chí, ngay cả hình dáng của ông thế nào cũng không ai rõ vì không có ảnh hay truyền thần lưu lại như những bạn bè đương thời.
Làm việc cho Pháp mà không bị coi là Việt gian
Theo tài liệu được đánh giá khá xác tín là luận văn thạc sĩ của ông Nguyễn Văn Y tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn thì Huỳnh Tịnh Của sinh năm 1830 tại làng Phước Tuỵ, tỉnh Bà Rịa. Đây là vùng giáo dân chạy nạn trong các cuộc đàn áp đạo trước đó về nương náu. Do từ nhỏ ông tỏ ra thông minh, hiếu học nên năm 12 tuổi được gửi sang tu học ở Penang Malaysia cho đến khi xuất tu về quê lập gia đình.
KHÔNG HỀ BỊ AI BẮT BUỘC, MÀ CHỈ BẰNG LÒNG ĐAM MÊ MỚI CÓ THỂ KHIẾN ÔNG KIÊN TRÌ TẠO RA NHỮNG TÁC PHẨM CÓ GIÁ TRỊ ĐỂ ĐỜI CHO HẬU THẾ. TRONG ĐÓ CÓ TÁC PHẨM BIÊN KHẢO NỔI TIẾNG ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ.
Ông được đánh giá là giỏi cả tiếng Pháp, Hán, Latin và chữ Quốc ngữ vốn còn mới mẻ lúc đó.
Khi Pháp tấn công và chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1862, nhiều văn thân sĩ phu nếu không tham gia vào các phong trào khởi nghĩa chống Pháp thì cũng dùng ngòi bút để đả kích chống ngoại xâm.
Còn Paulus Của lại quyết định ra làm việc với Pháp. Vào thời điểm đó việc cộng tác với Pháp được người Việt xem là hành vi phản quốc, là Việt gian. Thế nhưng đến nay dù có vài ý kiến khác nhau nhưng Huỳnh Tịnh Của vẫn không bị gán cho tội danh đó.
Lý do là khi điểm lại cuộc đời của Huỳnh Tịnh Của, người ta có thể nhận thấy ông làm việc với Pháp chỉ làm thông ngôn, dù được ăn lương khá cao nhưng ông không hề cai trị ai cả chứ đừng nói tham gia đàn áp. Ông chỉ làm cầu nối về mặt ngôn ngữ.
Thứ nữa, Huỳnh Tịnh Của luôn mong mỏi và khát khao đem các kiến thức về học thuật và kỹ thuật của Tây phương vào để canh tân đất nước nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của dân tộc và văn hóa truyền thống nước nhà.
Ông là người có công rất lớn đã nhen nhóm nền văn học, đặc biệt là chữ Quốc ngữ trong những bước đầu ở Nam Kỳ. Là người có lòng yêu quý ngôn ngữ và các tác phẩm văn học nước nhà, ông sưu tầm các áng văn hay của người xưa bằng cách ghi chép lại các câu hát góp, thành ngữ, tục ngữ, gia ngôn.
Ông dịch thuật rất nhiều tác phẩm nước ngoài sang chữ Quốc ngữ để người dân dễ đọc, như Quan âm diễn ca, Trần Sanh diễn ca, Chiêu Quân cống Hồ truyện, Bạch Viên Tôn Các truyện, Văn Doanh diễn ca, Thoại Khanh Châu Tuấn truyện, Thơ mẹ dạy con, Tống Tử Vưu truyện… Ngoài ra ông cũng biên soạn các cuốn: Phép toán, Phép đo, Maximes et proverbers, Gia Lễ, Chuyện giải buồn, Bác học sơ giải, Sách quan chế, Tân soạn từ trát nhất xấp…
Công trình thế kỷ
Đại Nam quốc âm tự vị được ông miệt mài viết trong bốn năm, bao gồm hai tập, dày tổng cộng trên 1.200 trang, xuất bản từ năm 1895 tại Sài Gòn. Trong đó liệt kê và chú giải rất nhiều từ ngữ tiếng Việt kèm theo chữ Hán và cả chữ Nôm.
Trước đó, nước ta chưa có quyển từ điển nào giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt. Điểm đặc biệt là thành phần từ ngữ, tục ngữ của Đại Nam quốc âm tự vị rất phong phú nhưng cơ bản là những từ ngữ rất phổ thông, những câu cửa miệng vốn được người dân Việt lúc đó sử dụng hằng ngày. Mỗi từ, mỗi chữ đều được ông giải nghĩa rõ ràng, ngắn gọn không dài dòng, rất dễ hiểu.
Thông qua hai tập sách, người ta có thể nhận thấy sự giàu có và phong phú của ngôn ngữ Việt Nam, có những câu chữ mà xưa nghĩa khác và nay nghĩa khác. Nếu không có tác phẩm của ông, chúng ta không được biết đến rất nhiều câu chữ, từ ngữ độc đáo của người Việt mà nay đã không còn được sử dụng nữa.
Khi còn sống, Huỳnh Tịnh Của khiêm tốn giải thích công trình của mình không phải là tự điển mà chỉ là tự vị: Có kẻ hỏi tự điển, tự vị khác nhau thế nào? Sao sách ta làm kêu là tự vị mà không gọi là tự điển?… Tự điển, tự vị khác nhau có một sự rộng hẹp. Tự điển phải có chú giải, mỗi chữ, mỗi tiếng đều phải dẫn điển, dẫn tích, nguyên là chữ sách nào, nguyên là lời ai nói, cả thảy đều phải có kinh truyện làm thầy; chí như tự vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói, song trong ấy thích chữ một, nghĩa một, mà không dẫn điển tích gì”. Nhưng sau này một số nhà nghiên cứu vẫn cho rằng tác phẩm của ông xứng đáng được gọi là tự điển.
Nhà báo thứ hai của Việt Nam
Năm 1869 Trương Vĩnh Ký được người Pháp chuyển giao thực hiện tờ Gia Định báo với vai trò giám đốc. Đây là tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam thời bấy giờ. Người đứng vai trò chủ bút chính là Huỳnh Tịnh Của.
Tại sao lại là ông Của mà không là ai khác? Vì ông Perus Ký đề ra ba mục tiêu chính cho tờ báo là truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân chúng, bằng cách thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích…
Những phần này đòi hỏi chủ bút phải là người có học vấn uyên thâm về văn hóa Việt Nam, phải giỏi chữ Hán và chữ Quốc ngữ, đồng thời có kiến thức Tây học (để dịch các tài liệu về vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền qua các bài đăng công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền).
Sau khi viết báo xong xuôi, lại phải dịch ngược lại tiếng Pháp để nhà cầm quyền Pháp kiểm duyệt… Cho nên ông Huỳnh Tịnh Của là người đủ năng lực để thực hiện công việc này.
Làm chủ bút nhưng ông Của viết rất nhiều, lý do là ông Perus Ký bận việc (thông ngôn, dạy học, viết sách…) nên không có thời gian nhiều cho báo chí, thành ra ông Của cáng đáng tờ Gia Định báo đến tận năm 1880 mới ngưng viết.
Tính ra ông cũng có thâm niên đáng kể với nghề báo và chỉ đứng sau ông Perus Ký khi đặt chân vào lĩnh vực mới mẻ này.
Một con người liêm khiết, thanh bạch Ông Huỳnh Tịnh Của vào ngạch quan viên từ năm 1862. Sau nhiều lần thăng chức, ông được thăng Đốc phủ sứ năm 1884. Làm Giám đốc Ty Phiên dịch văn án ở soái phủ Sài Gòn, ông có chân trong Ban Biên tập bán nguyệt san Revue Indochinoise. Ông nhiều lần làm giám khảo trong các cuộc thi về Hán và Việt văn, được thống đốc Nam Kỳ cử làm hội viên trong hội đồng bàn nghị về Sở Nghĩa địa làng trong các hạt Nam Kỳ. Tuy vậy ông sống rất thanh bạch, được thực dân Pháp hậu đãi, có quyền chức lớn nhưng ông tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị. Nhà nghiên cứu Nguyễn Liên Phong sống cùng thời đã mô tả ông: “Hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành… làm công chức cao mà nhà vẫn thanh bần. Đã quá tuổi hưu trí mà Nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn”. |
PHẠM TRƯỜNG GIANG