ĐÂU LÀ PHÂN ĐỊNH LUÂN LÝ ĐỐI VỚI CÁC VIỆC BÁC ÁI ?
ĐÂU LÀ PHÂN ĐỊNH LUÂN LÝ ĐỐI VỚI CÁC VIỆC BÁC ÁI ?
ĐÂU LÀ PHÂN ĐỊNH LUÂN LÝ ĐỐI VỚI CÁC VIỆC BÁC ÁI ?
Lòng bác ái có thể được biểu lộ như thế nào? Xuyên qua những công việc bác ái. Nhưng đối với nhiều người, bác ái bị nghi ngờ, từ ngữ “bác ái” gợi lên một khuôn mẫu lỗi thời, che giấu tồi một sự tiếp tay đối với một trật tự xã hội bất công. Trong Deus Caritas est, số 26, Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại phong trào chống đối hoạt động bác ái của Giáo hội từ thế kỷ 19, được tư tưởng Marxít triển khai cách rõ ràng. “Việc chống đối này cho rằng người nghèo không cần đến những công việc bác ái, nhưng đòi hỏi công bằng. Những việc bác ái – việc bố thí – trong thực tế chỉ là cách thức để người giàu bỏ qua việc tái lập công bằng, ru ngủ lương tâm, bảo vệ vị trí riêng của mình và tước đi quyền lợi của người nghèo….”. Đức Bênêđíctô XVI nhìn nhận “vài điểm trong lập luận này, nhưng nhiều điểm sai lệch”.
Quả đúng là bác ái luôn bị đe dọa bởi sự đồi bại. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cần phải chối bỏ nó. Do đó, làm thế nào khôi phục danh dự cho nhân đức này? Đâu là phân định luân lý được thực hiện trên các việc bác ái?
1. Bác ái đích thực
Đâu có thể là ý nghĩa của cử chỉ đúng đắn này mà rõ ràng sẽ không giải quyết số phận của người nghèo? Chính cử chỉ bố thí không tránh khỏi ngờ vực. Người cho phải chăng không được đền trả lại? Do đó, một cử chỉ như thế không thể là nhưng không thuần túy. Quả thật, bác ái luôn dễ bị làm méo mó và phục vụ cho những lợi ích thầm kín.
Nhưng cho dù những động cơ ít nhiều vô thức của cử chỉ được thực hiện là gì, thì chắc chắn rằng thế giới hẳn phi nhân hơn nếu mỗi người không chịu chìa tay ra. Đôi bàn tay đưa ra đã diễn tả một khởi đầu ân cần. Nó là dấu của một thái độ không dửng dung. Nó đón nhận sự hiện diện của người khác. Nó biến lề đường, quán xá…thành những nơi gặp gỡ tha nhân. Nó là sự khởi đầu của bác ái: “Bác ái bắt đầu bằng những cử chỉ sơ đẳng tìm cách làm giảm cơn khát của con người mệt nhoài, tìm cách chìa tay ra cho người bị ruồng bỏ…[1]”
Nhưng sẽ là cái nhìn thiển cận về bác ái khi chỉ dừng lại ở việc bố thí. Vậy đâu là những tiêu chí của một bác ái đích thực? Sự liên kết giữa bác ái và công bằng cho chúng ta một tiêu chí đầu tiên: bác ái đích thực cần quan tâm đến công bằng. Việc bố thí làm phúc không miễn chuẩn một sự dấn thân cho công bằng[2]. Ngược lại, sự dấn thân cho công bằng không miễn trừ cử chỉ cá nhân đối với người nghèo. Đức Gioan-Phaolô II cung cấp cho chúng ta một tiêu chí khác về bác ái đích thực này vốn trái ngược với não trạng thời đại tìm kiếm một cử chỉ thuần túy vô vị lợi, hoàn toàn một chiều. Ngài biến sự hỗ tương thành điều kiện của bác ái đích thực: “Tình yêu thương xót, trong các tương quan của con người, không phải là một hành vi hay là một tiến trình đơn phương. Ngay cả trong các trường hợp mà tất cả dường như rằng chỉ một bên tặng và cho và bên kia chỉ lấy và nhận (chẳng hạn trong trường hợp bác sĩ chăm sóc, thầy dạy, cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái, ân nhân giúp đỡ những người túng thiếu), thế nhưng, trên thực tế, ngay cả người cho vẫn luôn hưởng ích từ đó” (Dives in misericordia, số 14).
Xem xét lòng thương xót cách đơn phương, rốt cục đó là duy trì một khoảng cách giữa người làm việc thiện và người được hưởng. “Từ đó phát sinh tham vọng giải phóng các tương quan nhân loại và xã hội khỏi lòng thương xót và xây dựng chúng trên công bằng” (số 14). Công việc thanh tẩy các hành vi và ý hướng của chúng ta do đó hệ tại bước vào một sự hiểu biết song phương các thực hành của chúng ta, chứ không chỉ như là một thiện ích được làm cho người khác. Vì lòng thương xót “thực sự là một hành vi tình yêu thương xót chỉ khi, khi thực thi nó, chúng ta xác tín sâu xa rằng chúng ta lãnh nhận nó đồng thời từ những ai chấp nhận nó từ chúng ta. Nếu khía cạnh song phương và tính hỗ tương này thiếu đi, thì các hành động của chúng ta không còn là những hành vi thương xót đích thực nữa; sự hoán cải, mà con đường của nó được Chúa Kitô dạy cho chúng ta trong lời nói và mẫu gương của Ngài, cho đến thập giá, vẫn còn chưa được hoàn toàn thực hiện nơi chúng ta; và chúng ta vẫn còn chưa tham dự hoàn toàn vào nguồn mạch kỳ diệu của tình yêu thương xót, được mạc khải cho chúng ta nơi Ngài” (số 14). Chúa Kitô chịu đóng đinh được đề nghị cho chúng ta như là khuôn mẫu và “khi xây dựng cuộc đời chúng ta trên khuôn mẫu cảm động này, thì chúng ta, bằng tất cả lòng khiêm nhường, có thể biểu lộ lòng thương xót đối với những người khác, biết rằng Ngài đón nhận nó như thể nó được làm chứng cho chính Ngài (x. Mt 25, 34-40)” (ibid.).
Như thế, thay vì theo đuổi một cử chỉ làm phúc “thuần khiết về mặt luân lý”, hoàn toàn vô vị lợi, Đức Gioan-Phaolô II mời gọi chúng ta khám phá rằng chúng ta luôn hưởng ích lợi từ cử chỉ mà chúng ta thực hiện đối với những người túng thiếu. Các hành vi bác ái từ nay có thể được xem như là một ân sủng hơn là một nghĩa vụ: để “trả lại con người cho chính nó” (Dives in misericordia, số 14), để làm cho thế giới nhân bản hơn (x. GS số 40).
Như thế, tính đặc thù của Kitô giáo không hệ tại trong việc phục vụ tha nhân cách vô vị lợi – cái quan niệm vị tha của tương quan với tha nhân vốn có nguy cơ chuyển sang những hình thức óc gia trưởng hay chủ nghĩa luân lý (x. Piô XI, Divini Redemptoris, số 46: “Nhưng vẫn còn một phương dược hữu hiệu hơn, mà phải tác động cách trực tiếp hơn đến sự dữ hiện nay, đó là giới luật đức ái. Chúng tôi muốn nói đến đức ái Kitô giáo « kiên nhẫn và tốt lành » (1 Cor 13, 4), vốn biết tránh những dáng vẻ bảo vệ làm mất thể diện và mọi sự phô trương; đức ái mà, từ ban đầu của Kitô Giáo, đã chinh phục được cho Chúa Kitô những nghèo nhất giữa những người nghèo, những người nô lệ). “Trái lại, nên suy nghĩ sự đảo ngược sâu xa và sự lật đổ tận căn qua đó chính chủ thể được hiểu như là một người khác[3]”. Vấn đề không phải là chúng ta chăm lo cho người khác, chú ý đến hoàn cảnh của họ, nhưng là nhìn nhận bản thân chúng ta như họ, nhìn nhận họ như là những người khác “chính mình như một người khác”, khám phá ra họ là những bạn bè huynh đệ.
Du ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 29-36) cung cấp một mình họa tốt cho sự đảo ngược này. “Quả thế, chìa khóa hệ tại trong cách thức lật ngược hoàn cảnh mà nó thực hiện. Đối với luật sĩ hỏi Ngài – về việc giải thích giới răn yêu thương kép – ai là tha nhân của ông, Chúa Giêsu, sau khi đã kể câu chuyện về người bất hạnh bị bỏ rơi bởi hai người đạo đức và được cứu giúp bởi một người Samaritanô, đã hỏi: “Theo ý ông, ai trong ba người này đã tỏ ra là tha nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp? (câu 36). Như thế, Ngài đã dẫn người đối thoại của Ngài đến chỗ tự đồng hóa, không phải với người này hay người kia có thể cứu giúp, nhưng với người đang cần được cứu giúp. Quả thế câu hỏi “ai là tha nhân mà tôi phải yêu mến?” không bao giờ có thể là “óc gia trưởng” và, do đó, trái ngược với thực tại sâu xa của tình yêu. Tình yêu này chỉ thực sự có thể nảy sinh ở đâu người ta chấp nhận không phải trước tiên yêu mến và giúp đỡ, nhưng là được yêu mến và được giúp đỡ…ngay cả bởi một người Samaritanô, tức là một kẻ thù và là một người chẳng ra gì[4]”. Sự lật ngược này là nguồn mạch và là điều kiện của sự gần gũi của chúng ta với những người nghèo nhất, với những người bị tổn thương của cuộc sống. Như thế, chìa tay cho người nghèo, đó là một cách nào đó nhớ đến các nạn nhân và các người cùng khổ như là những chủ thể bình đẳng và nhớ đến sự cùng quẫn của chúng ta. Đức Gioan-Phaolô II cho thấy quà tặng được cho và được nhận biểu dương phẩm giá con người và củng cố mối liên hệ xã hội và tinh thần: “Người cho trở nên quảng đại hơn khi nó cảm thấy được đáp trả lại bởi người chấp nhận quà tặng; cách hỗ tương, người nào biết nhận quà tặng với ý thức rằng bản thân mình cũng làm việc thiện khi chấp nhận quà tặng, thì, về phần mình, phục vụ cho sự nghiệp cao cả nhất của phẩm giá con người, và do đó đóng góp vào việc hiệp nhất con người cách sâu xa hơn” (Dives in misericordia, số 14).
2. Một đức ái sáng suốt
Tuy nhiên, lòng nhân từ, sự tử tế đối với người ăn xin không được chìm đắm trong sự mù quáng. Chắc chắn cần phải dè chừng “những lý do tốt lành” sai lạc của chúng ta về việc không cho mà rốt cục đi đến chỗ lên án người nghèo khổ. Truyền thống tông đồ đã soạn thảo các tiêu chí trong việc phân cấp trợ giúp cho người nghèo. Bởi vì là vô hạn, nên bác ái có nguy cơ đưa đến việc khai thác những tâm hồn quảng đại. Bác ái do đó phải sáng suốt. Về vấn đề này, France Quéré đã cho thấy trong Didachè, một cuốn giáo lý luân lý cổ xưa, một giáo huấn mà các Giáo Phụ sẽ không ngừng lặp lại: “Có óc thực tế, tập sách Didachè đề phòng những lạm dụng có thể xảy ra, bằng cách xác định những giới hạn cho bác ái…Để sống yêu thương, nó không được nhượng bộ cho sự mù quáng. Đó sẽ là tự buộc mình phải bị sụp đổ, do những chi tiêu thái quá đối với những kẻ thiếu tế nhị và như thế chỉ phục vụ cho cái xấu. Cần phải đọc tập khảo luận luân lý thực hành thú vị này. Tác giả của nó bảo vệ những người cho mà thu nhập của họ nói chung là khiêm tốn, nhưng lại có ưu tư đối với phẩm giá của những người hưởng nhận: cảnh khổ cực thoáng qua của họ không miễn cho họ các bổn phận đối với cộng đồng mà họ không ngừng thuộc về. Do đó, sách Didachè dạy phân biệt người túng thiếu thực sự và kẻ bịp bợm: nó giữ cân xứng sự trợ giúp cho công việc mà vị khách chấp nhận làm, khi anh ta có sức khỏe tốt. Sau cùng, nó đề phòng các cộng đoàn Kitô hữu chống lại việc lưu trú dài ngày: “Nếu anh ta cố chấp làm biếng, thì đó là một kẻ bịp bợm của Chúa Kitô. Hãy đuổi những người như thế”. Nhưng cuốn sách cũng khuyên tiếp đón mọi người xa lạ, ít ra thời gian của một chặng đường[5]”.
XII. 1. Bất cứ ai « đến » với bạn « nhân danh Chúa » đều phải được lãnh nhận (Mt 21, 9 ; Tv 117, 26) ; nhưng tiếp đến, sau khi đã thử người ấy, bạn sẽ biết phân định phải với trái : bạn có phán đoán của bạn. 2. Nếu người đến với bạn chỉ là qua đường, thì hãy giúp anh ta như bạn có thể. Nhưng anh ta chỉ ở lại nhà bạn hai hay ba ngày, nếu cần thiết. 3. Nếu anh ta muốn ở luôn nơi nhà bạn và anh ta là thợ, thì anh ta phải làm việc và tự nuôi sống. 4. Nhưng nếu anh ta không có nghề nghiệp, thì sự khôn ngoan của bạn phải bù vào đó, để một Kitô hữu không được sống nhàn cư nơi nhà bạn. 5. Nếu anh ta không muốn hành động như thế, thì đó là một kẻ bất chính của Chúa Kitô ; bạn hãy giữ mình khỏi những hạng người đó » ( « La Didachè », in Les Pères Apostoliques, Coll. Foi Vivante, Cerf, Paris, 1990, p. 60.)
Người xin, dù đó là ai, phải luôn được tôn trọng. « Bởi vì mọi người đều là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình và là người em của Chúa Kitô, nên người Kitô hữu nhận thấy nơi mỗi người chính Thiên Chúa với đòi hỏi tuyệt đối của Ngài về công bằng và tình yêu » (Justitia in Mundo, số 49).
3. Một đức ái sáng tạo
Sắc lệnh về Tông đồ Giáo Dân dành một đoạn cho hoạt động bác ái : « Ngày nay, hoạt động bác ái có thể và phải nhắm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đày, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng. Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người giàu và các dân tộc giàu » (số 8). Như thế, các giáo dân có trách nhiệm hàng đầu trong việc thực thi và biểu lộ bác ái : tìm kiếm và khám phá những ai đang sống trong sự khốn quẫn, an ủi họ, nâng đỡ họ. « Từ đó, bác ái sẽ có ý nghĩa xã hội là trao lại cho họ những người đối thoại[6] ».
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đối với các tổ chức Giáo Hội là biết làm thế nào chúng có thể còn làm chiếu sáng bác ái Kitô giáo. Những khai triển trên đây cho phép chỉ ra một vài đường hướng cho việc suy tư rộng rãi hơn.
a. Các tổ chức bác ái tôn giáo theo cách của mình phải biểu lộ sự biện chứng giữa công bằng và bác ái. Sứ mạng của chúng không thể khép mình vào việc phân phối các trợ giúp đủ loại khác nhau. Chúng phải làm cho bác ái lên tiếng nhưng cũng nhắc nhở những đòi hỏi công bằng. Vì các hoàn cảnh mà chúng gặp cũng là những hậu quả của một số bất công. Điều này cũng cho chúng một trách nhiệm đối với các cấp chính trị và kinh tế để nói lên những gì thuộc về công bằng.
Do đó, chúng cũng phải đóng góp vào việc tố giác và làm cho luật pháp tiến triển khi luật pháp này tỏ ra bất công hay bất lực. Trong trường hợp trái lại, đó sẽ là biến bác ái thành một phạm trù phụ so với công bằng. Thế nhưng, đối với chúng, trước hết vấn đề là diễn tả xuyên qua các hành động của chúng rằng tình yêu thương xót là nguồn mạch sâu xa nhất của công bằng.
b. Các tổ chức bác ái có một vai trò đặc thù phải thực hiện, một vai trò không được lẫn lộn với vai trò của các cấp kinh tế và xã hội. Trước hết, chúng không tồn tại để sửa chữa những rối loạn chức năng của kinh tế hay của chính trị. Nhưng xuyên qua các hành động của mình, chúng phải biểu lộ ý nghĩa của con người, « trả lại con người cho chính nó » theo kiểu nói của Đức Gioan-Phaolô II. Bởi thế, các tổ chức bác ái của Giáo hội được mời gọi cập nhật những hình thức nghèo khổ và sáng tạo nên những hình thức hiện diện và gần gũi mới mẻ nhằm khôi phục lại một tương quan nhân bản với những ai cách này hay cách khác đang sống trong sự túng thiếu. Vì thế, đức ái phải sáng tạo và làm nổi lên những hình thức can thiệp mới mẻ mỗi khi « Thiên Chúa bị đe dọa nơi con người và con người như là hình ảnh của Thiên Chúa bị đe dọa [7]».
c. Một đe dọa đè nặng trên mọi tổ chức : các việc thực hành trở thành lề thói. Các tổ chức bác ái phải canh chừng đừng để chìm đắm trong các thực hành hành chính, đừng nhượng bộ cho một lo-gíc cửa giao dịch hay một lo-gíc hiệu năng trong việc xem xét và cư xử các hoàn cảnh. Điều đó có nguy cơ làm biến mất chứng tá về « tình yêu thương xót ».
d. Các tổ chức bác ái cũng phải biết diễn tả sự biết ơn của chúng đối với các ân nhân giúp họ hành động và đối với các thụ nhân chấp nhận sự trợ giúp của chúng. Chính với điều kiện này mà các ân nhân sẽ có thể nhận ra ân huệ mà họ được đổ đầy khi đáp lại những lời cầu xin và các thụ nhân cũng sẽ có thể được mời gọi sống quảng đại đối với những người còn nghèo khổ hơn họ. Chính ở đó mà « không gian nên thánh » được mở ra cho họ và cho hết mọi người.
Tác giả: Dominique Greiner
(Tý Linh chuyển ngữ)
————————————————-
[1]C. Chalier, « Equité et bonté », art. cit., p. 35.
[2] Về vấn đề này, Catherine Chalier nói đến “cái bẫy ngộ đạo thuyết » trong đó các Kitô hữu đôi khi vấp ngã : một bác ái quá nhanh chóng rời bỏ công bằng : « Bác ái đích thực, bác ái mà không bao giờ quên sự cần thiết của công bằng, thật khó nghĩ và khó sống, biết bao nhiêu lần, viện cớ đến một lòng nhân từ được coi như là được cưu mang bởi lý tưởng imitatio Dei (bắt chước Thiên Chúa), con người có nguy cơ đầu hàng trước cám dỗ của một bác ái bất công, chẳng hạn nó cho kẻ tội phạm cư trú mà không đòi hỏi nó phải trả lẽ cho luật pháp của một nước » (Catherine Chalier, « Equité et bonté », Autrement, série Morale n° 11, avril 1993, p. 29).
[3]Denis Müller, « Estime et respect de soi, justice, reconnaissance » in Les passions de l’agir juste, EditionsUniversitaires, Fribourg, Cerf, Paris, 2000, p.112
[4]J.-F. Collange, « Foi, espérance, amour et éthique », art. cit., p. 43.
[5]France Quéré, « Un mot qui prend feu », Autrement, série Morale n° 11, avril 1993, pp. 43-44.
[6] Ibid., tr. 26.
[7]Règle de vie de la Congrégation des Augustins de l’Assomption, Rome, 1984, Chapitre 1, n° 4.
Tác giả bài viết: (Tý Linh chuyển ngữ)