Có bao giờ bạn thử phác họa hình ảnh của một nhà truyền giáo?
Hầu hết mọi người sẽ tưởng tượng ra việc đến một nơi thật xa để nói về Đức Giê-su. Điều đó thật đúng đắn, nhưng bạn có biết bên cạnh những nhà truyền giáo dấn thân loan báo Tin Mừng ở một vùng đất xa xôi, thì vẫn còn đó những nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng ngay tại chính quê hương và ngay tại nơi mình sinh sống không.
Có một lịch sử rất phong phú về hoạt động truyền giáo trong giáo hội Công Giáo. Thật vậy, nhiều tổ chức tôn giáo, hay nhà dòng như dòng Phan Sinh, dòng Tên đã gửi các tu sĩ, linh mục và nữ tu của mình đến những nơi xa xôi khắp thế giới để gieo mầm và loan truyền đức tin.
Những thập kỉ gần đây, nhất là những năm 80, sau khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phát hành Tông huấn “Tân Phúc Âm Hóa”, hoạt động truyền giáo đã được hưởng ứng bởi nhiều người. Số lượng các tổ chức truyền giáo đã tăng lên trong những năm gần đây như NET Ministries, Family Missions Company, St.Paul’s Outreach, Life Teen Missions, Evangelizadores de Tiempo Completo, Regnum Christi Mission Corps, và FOCUS, cùng với nhiều tổ chức khác nữa.
Vậy nếu các linh mục, các tu sĩ hay giáo dân có thể tham gia việc truyền giáo, thì thực chất họ phải làm những gì?
Bất cứ nơi nào một nhà truyền giáo phục vụ, họ cũng làm tất cả để xây dựng Giáo hội, đào tạo tông đồ và cuối cùng là giúp mọi người có một cuộc gặp cá vị với chính Đức Ki-tô. Cốt lõi hay trọng tâm của tất cả sứ vụ truyền giáo là lệnh truyền vĩ đại của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19).
Cũng vậy, trong nhiều trường hợp, việc mục vụ truyền giáo cũng bao gồm việc giúp đỡ người nghèo. Nơi các tổ chức truyền giáo Công giáo trên thế giới, một vài thành viên là giáo dân phục vụ như những nhà truyền giáo toàn thời gian với những tổ chức đa dạng. Bên cạnh đó, một số phục vụ trong tư cách bán thời gian trong một vài chuyến đi truyền giáo. Vậy ai có thể nói cho bạn về những công việc các nhà truyền giáo làm tuyệt vời hơn chính bản thân và sứ vụ của họ?
Và dưới đây là một vài cảm nhận chia sẻ kinh nghiệm của họ:
Stephanie Quinlan, Quản lý tổ chức CWM trong công việc truyền giáo nội địa toàn thời gian
Trên tất cả, những nhà truyền giáo luôn sống yêu thương và phục vụ. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày mà tôi nhận ra việc yêu thương và phục vụ người khác thực sự là gì. Quả thật, tôi đã nhận ra rằng dù đôi khi tôi đã khó chịu với đồng nghiệp, nhưng thật lạ khi ấy, tình yêu của tôi dành cho người ấy lại trở nên lớn hơn và điều đó giúp tôi không còn cảm thấy buồn hay mệt mỏi hơn được nữa. Với tôi, yêu thương và phục vụ có thể đơn giản là một sự lựa chọn mỗi ngày, và luôn sẵn lòng làm điều tốt cho người khác. Vào ngày cuối của năm sứ vụ đầu tiên của tôi, tôi đã nhận ra những suy nghĩ trong đầu không chỉ còn là những hiểu biết, nhưng đã chạm đến và chiếm được cả trái tim tôi. Bài học đó, ý của tình yêu và sự phục vụ nghĩa đích thực, là điều không chỉ để hiểu mà còn để sống. Và từ đó, tôi đã nỗ lực mỗi ngày để tiếp tục sống một tình yêu chân thành qua việc phục vụ chính những hàng xóm của tôi. Tôi sẽ mãi biết ơn tiếng gọi của Chúa trên cuộc đời, khi Ngài mời tôi phục vụ Ngài qua mạng lưới truyền giáo và cộng đoàn thánh Phao-lô.
Deacon Rick Medina, Giám đốc điều hành CWM , trong chuyến truyền giáo ở nước ngoài:
Trong chuyến đi truyền giáo ở nước ngoài, hầu hết thời gian được dành để đến với con người trong cộng đồng đó. Đồng thời, khi hiện diện là một nhà truyền giáo, chúng ta phải làm việc với mọi người, trình bày sự tốt lành của con người như đã được nói trong trình thuật sáng tạo trong Kinh Thánh: “Thiên chúa thấy mọi sự Ngài làm ra đều rất tốt đẹp” (St 1,31). Tôi đã kêu gọi mọi người hãy đi ra để trở thành một nhà truyền giáo, gặp gỡ con người, trải nghiệm văn hoá của họ và nhận ra những gì chúng ta đang có là quá nhiều so với nhiều con người trên thế giới. Nhiều khi, chúng ta chỉ nghe từ những bản tin những điểu tiêu cực về những gì con người đã làm. Trái lại, chúng ta cần phải lắng nghe và trải nghiệm những gì là tốt về con người cũng như cần có niềm tin vào sự thay đổi cũng như hoán cái của nhân loại, nơi mà sự đổi mới cuối cùng là niềm tin vào Thiên chúa, Đấng Sáng Tạo.
Carrie Miller, chuyên gia tiếp thị truyền thông của CWN, trong tổ chức truyền giáo nội địa toàn thời gian:
Thoạt nghe có vẻ thật sáo rỗng, nhưng điều quan trọng nhất chúng ta đã làm khi hoạt động truyền giáo, đó chính là việc cầu nguyện. Việc duy trì và làm giàu một đời sống cầu nguyện có chiều sâu là một trong những xương sống của người Ki-tô hữu. Chúng ta thánh hóa ngày sống của chúng ta trước thánh thể, cũng như những giờ kinh phụng vụ sáng-tối. Cũng vậy, chúng ta dự lễ cách thường xuyên nhất có thể. Cũng vậy, cầu nguyện dù là với tư cách cá nhân hay cộng đoàn, đều nuôi dưỡng sư vụ truyền giáo của chúng ta bởi nó được cắm rễ nơi tình yêu mà Chúa dành riêng cho chúng ta. Làm sao tôi có thể rao giảng hay chia sẻ tình yêu đức Ki-tô với người khác nếu tôi không có kinh nghiệm về Ngài? Ở Mỹ, một trong những trọng tâm của việc đào tạo đức tin chính là dạy cầu nguyện cho người trẻ nơi các giáo xứ và các trường Công giáo. Việc chìm đắm trong việc duy trì cầu nguyện cá nhân có thể nói là một Thánh Giá cho công việc này.
Bạn có từng suy nghĩ về việc trở thành một nhà truyền giáo?
Mặc dù việc truyền giáo với lịch làm việc thường ngày sẽ thay đổi từ tổ chức này đến tổ chức khác, nơi ước muốn của các nhà truyền giáo không gì khác là khát vọng mang tất cả nhân loại gặp gỡ cá vị, mặt giáp mặt với tình yêu Thiên Chúa, đặc biệt qua con người của Đức Ki-tô. Bạn đã từng cân nhắc việc phục vụ toàn thời gian hay tiếp tục những chuyến sứ vụ để lan tỏa tin mừng? Có thế hôm nay là ngày Chúa đang kêu gọi bạn cầu nguyện về việc phục vụ như một nhà truyền giáo? Bạn sẽ trả lời Ngài ra sao?
Tác giả: Khiêm Nhu lược dịch