Giáo hội Hungary trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha
Giáo hội Hungary trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha
Thánh lễ bế mạc Đại hội Thnáh Thể Quốc tế lần thứ 52 tại Budapest, Hungary (12/09/2021) (Vatican Media)
GIÁO HỘI HUNGARY TRƯỚC NGƯỠNG CỬA CUỘC VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Hồng Thủy – Vatican News
Vatican News (25.04.2023) – Thứ Sáu tới đây, ngày 28/4/2023, Đức Thánh Cha sẽ lên đường bắt đầu 3 ngày viếng thăm Hungary. Lịch sử Giáo hội ở Hungary gắn chặt với lịch sử của Nhà nước Hungary được thành lập bởi Thánh vương Stephano I của Hungary (969 – 1038), một nhà truyền giáo và bổn mạng của Hungary, với tước hiệu “Vua Tông đồ”. Là một Giáo hội năng động trong nhiều lĩnh vực và sống động với các phong trào giáo dân, nhưng Giáo hội Hungary cũng đối diện với nhiều thách đố, đặc biệt là vấn đề tục hoá.
Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Hungary sắp tới là “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta”.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đến Hungary. Vào tháng 9/2021, ngài đã đến thủ đô Budapest của Hungary để chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Nhưng cuộc viếng thăm đó không được xem là một cuộc viếng thăm chính thức khi ngài chỉ dừng lại Hungary chưa tròn 8 tiếng đồng hồ. Thực tế, đây chỉ là một chặng dừng chân trước khi viếng thăm Slovakia 3 ngày. Do đó, chuyến viếng thăm Hungary lần này rất được người dân Hungary mong chờ và chính Đức Thánh Cha cũng chờ đợi để gặp mọi thành phần của Giáo hội và xã hội Hungary.
Trong số 9 triệu 731 ngàn dân của Hungary, có gần 6 triệu tín hữu Công giáo, chiếm 61,2% dân số, trong khi tín hữu Tin Lành chiếm 15% và 18% là những người vô thần. Nhóm sắc tộc chính tại Hungary là Hungary, kế đến là người Rom và người Đức.
Giáo hội Hungary được thành lập từ thế kỷ XI
Lịch sử Giáo hội ở Hungary gắn chặt với lịch sử của Nhà nước Hungary được Thánh vương Stephano I của Hungary (969 – 1038), một nhà truyền giáo và bổn mạng của Hungary, với tước hiệu “Vua Tông đồ” thành lập. Được thánh hiến ngày 25/12/1000, Vua Stephano không chỉ tổ chức đời sống chính trị của dân tộc khi hợp nhất 39 quận thành một vương quốc duy nhất, nhưng cả đời sống tôn giáo khi đặt nền móng cho nền văn hoá Kitô giáo vững chắc của quốc gia. Dưới triều đại của ngài, nhiều nhà thờ và đan viện đã được xây cất, trong đó có đan viện thánh Martino nổi tiếng của dòng Biển Đức ở Pannonhalma và 10 giáo phận được thành lập, trong đó có giáo phận Esztergom, trụ sở của Tổng Giám mục và Giáo chủ Hungary.
Khi Vua Stephano qua đời, Hungary đứng giữa cuộc chiến giữa Đế chế Roma và Giáo hoàng về việc bổ nhiệm các chức sắc cao cấp của Giáo hội và cả chính Đức Giáo hoàng. Hungary đã đứng về phía Đức Giáo hoàng. Vào thời gian này, Nhà nước và Giáo hội được hợp nhất và dưới triều Vua Thánh Louis Cả, vào thế kỷ XIV, Hungary có thêm các giáo phận mới như Nagyvárad, Nitra (ngày nay thuộc Slovakia), Csanád e Nagyszeben (ngày nay là Sibiu, ở Rumani).
Trong thời kỳ Cải cách Tin lành, phần lớn người Hungary đã từ bỏ Công giáo, nhưng nhiều người cũng đã quay trở lại sau khi Hungary bị sáp nhập vào Đế quốc Áo, vào thế kỷ 17, nhờ hoạt động của các nhà truyền giáo tại các vùng lãnh thổ mà Áo chiếm được. Nhân vật chính của cuộc Cải cách Công giáo trong nước là Đức Hồng y Péter Pázmány (1570-1637), Dòng Tên, Tổng Giám mục của Esztergom và người sáng lập Đại học Nagyszombat, đại học Công giáo Hungary đầu tiên, ngày nay là Trnava ở Slovakia. Vào thế kỷ XVIII, Nữ hoàng Maria Theresa và con trai, Joseph II của Áo đã trục xuất nhiều dòng tu khỏi lãnh thổ của Đế quốc Áo, bao gồm cả Hungary.
Ngày nay Giáo hội Hungary có 17 giáo phận và thực thể tương đương, với 2.048 giáo xứ và 168 trung tâm mục vụ, do 37 giám mục và 1.967 linh mục coi sóc, trong đó có 1.644 linh mục triều và 323 linh mục dòng. Giáo hội cũng có 287 đại chủng sinh, 62 tu huynh, 579 nữ tu và 97 thành viên tu hội đời, 2.302 giáo lý viên. Giáo hội quản lý và điều hành 565 cơ sở giáo dục với 156.194 học sinh và 228 cơ sở bác ái và xã hội.
Quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Hungary
Hai năm sau khi Đế quốc Áo-Hung tan rã, vào năm 1920, Toà Thánh và Hungary độc lập đã thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ này kéo dài cho đến cuộc chiếm đóng của Xô Viết vào năm 1945. Giữa hai quốc gia không ký hiệp định nào nhưng chỉ có một Cam kết vào năm 1927 để hướng dẫn các tiến trình bổ nhiệm giám mục và giáo hạt quân đội.
Thời cộng sản
Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Hungary bị Xô Viết chiếm đóng và biến cố này cũng đánh dấu sự khởi đầu của cuộc bách hại chống Giáo hội. Nhiều lãnh đạo Công giáo đã bị cầm tù hoặc bị giết (một số vị đã được tuyên phong chân phước sau năm 1989). Giáo hội bị tước đoạt tài sản, trường học bị quốc hữu hóa (1948), các dòng tu bị giải thể (1950) và vào năm 1957, một điều khoản khiến Tòa thánh không thể bổ nhiệm người điều hành các giáo phận. Biện pháp này sau đó bị bãi bỏ bởi thỏa thuận ký ngày 15/9/1964 tại Budapest. Thoả thuận mới nhìn nhận quyền của Toà Thánh trong việc bổ nhiệm các giám mục nhưng dành cho chính phủ quyền từ chối.
Đức Hồng Y József Mindszenty
Một nhân vật hàng đầu trong cuộc kháng chiến chống chế độ cộng sản là Đức Hồng Y József Mindszenty (1892-1975). Ngài là Tổng Giám mục của Esztergom và Giáo chủ của Hungary từ năm 1945, được Đức Piô XII phong làm Hồng y vào năm 1946. Năm 1948, ngài đã bị bắt, bị tra tấn và bị kết án, sau một phiên tòa mang tính trình diễn, vì “phản quốc, gián điệp và buôn bán tiền tệ”. Được giải thoát trong cuộc nổi dậy năm 1956, sau tám năm tù, ngài được tị nạn chính trị tại đại sứ quán Mỹ ở Budapest và trong nhiều năm, đã từ chối lời mời tìm nơi trú ẩn ở Vatican. Ngài chỉ đến Vatican vào năm 1971 nhưng sau đó định cư ở thủ đô Vienna của Áo và qua đời ở đó vào năm 1975. Năm 1991, hài cốt của ngài được chuyển từ Mariazell, nước Áo, về Esztergom, và được chôn cất trong hầm mộ của Vương cung thánh đường. Nhân dịp viếng mộ của ngài vào năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa đó là “một chứng tá về lòng trung thành với Chúa Kitô, với Giáo hội và về tình yêu đất nước”. Ngày 12/2/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận những nhân đức anh hùng của Đức Hồng Y Mindszenty và do đó đã tuyên bố ngài là Đấng Đáng kính.
Thời hậu cộng sản
Sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, Giáo hội có thể tái hoạt động hoàn toàn nhờ luật mới về tự do tôn giáo được đưa ra vào năm 1990. Ngày 9/2/1990, Chính phủ Hungary nối lại quan hệ ngoại giao với Toà Thánh. Trong những năm tiếp theo, hai bên đã ký hai thỏa thuận quan trọng khác: một về hỗ trợ tôn giáo cho lực lượng vũ trang và cảnh sát biên phòng, được ký năm 1994, và một về tài trợ cho các hoạt động dịch vụ công cộng và các hoạt động tôn giáo thuần túy được thực hiện bởi Giáo hội Công giáo và về một số vấn đề về tài sản. Vấn đề tài sản được sửa đổi vào năm 2013 để điều chỉnh cho phù hợp với Hiến pháp mới năm 2011. Năm 1991, Quốc hội của Budapest cũng đã bỏ phiếu về luật hoàn trả tài sản của Giáo hội đã bị tịch thu sau chiến tranh, và năm sau đó về đề xuất tài trợ của Nhà nước cho các Giáo hội.
Trong bối cảnh mới này, Thánh Gioan Phaolô II đã viếng thăm Hungary hai lần: từ ngày 16 đến 20/8/1991 và 6 đến 7/9/1996. Cũng chính thánh nhân đã cử hành lễ tuyên phong chân phước đầu tiên cho một người Hungary sau khi cộng sản sụp đổ, đó là Đức cha Vilmos Apor, một Giám mục đã bị lính Xô Viết sát hại vào thứ Sáu Tuần Thánh năm 1945 (2/4). Các vị tử đạo khác dưới thời cộng sản được tuyên phong chân phước trong những năm sau đó.
Trong số các sự kiện nổi bật của Giáo hội Hungary trong thập niên đầu hậu cộng sản là việc cử hành Một Ngàn năm Hungary, trong năm 2000-2001, để kỷ niệm 1.000 năm Hungary được rửa tội bởi Thánh Stephano. Một sự kiện khác là Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Budapest ngày 12/9/2021 để kết thúc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52.
Những thách đố của Giáo hội Hungary
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản đánh dấu sự tái sinh của Giáo hội ở Hungary. Với khoảng 6 triệu tín hữu Công giáo, chiếm khoảng 61% dân số, Giáo hội Công giáo Hungary rất năng động trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục. Trong những năm này, nhiều dòng tu đã trở lại Hungary: hiện tại có hơn 100 dòng. Một điểm tích cực khác của Giáo hội Hungary là sự sống động của các phong trào giáo dân.
Tiến trình tục hoá
Trong số những thách đố chính mà các Giám mục Hungary lưu ý đó là tiến trình tục hoá đang diễn ra tại nước này. Trong dịp các Giám mục Hungary về Vatican vào năm 2008, Đức Biển Đức XVI đã lưu ý về điều này. Thực tế đầu tiên bị ảnh hưởng là gia đình. Đức Thánh Cha đã khẳng định, “ngay cả ở Hungary cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”. Điều này thể hiện qua việc suy giảm các cuộc hôn nhân, nhưng lại gia tăng các vụ ly hôn, việc sinh sản giảm sút và việc thực hành phá thai phổ biến (được hợp pháp từ năm 1956).
Gia đình
Và chính xác việc bảo vệ gia đình là một trong những trọng tâm mục vụ chính của Giáo hội Hungary. Giáo hội đã tranh đấu mạnh mẽ để chống lại tất cả các sáng kiến nhằm sửa đổi tình trạng pháp lý của hôn nhân tại Hungary, ví dụ như luật năm 2009 công nhận các kết hợp đồng tính.
Bảo vệ căn tính và gốc rễ Kitô
Các giám mục cũng đã nhiều lần lên tiếng, qua các tuyên bố và tài liệu mục vụ, về việc bảo vệ cội nguồn Kitô giáo của châu Âu và căn tính Công giáo của Hungary đang bị đe dọa bởi “chủ nghĩa tân ngoại giáo”, chủ nghĩa khoái lạc và “những ý tưởng tự do cấp tiến” đang tìm cách áp đặt “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” trên đất nước, như các ngài đã nêu lên trong một lá thư mục vụ vào năm 2009.
Năm 2011, chính phủ đã thông qua Hiến pháp mới có Lời tựa công nhận rõ ràng vị trí ưu việt của Kitô giáo trong lịch sử của đất nước, và xác định Kitô giáo là một “yếu tố cấu thành và thống nhất của quốc gia Hungary”. Sau đó Luật Cơ bản cam kết rằng Nhà nước bảo vệ theo hiến pháp sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên (mặc dù việc phá thai vẫn được hợp pháp). Chính phủ cũng đưa ra luật giáo dục mới, có hiệu lực vào năm 2013, đưa các giờ học tôn giáo tùy chọn vào trong các trường công lập.
Hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Hungary
Hungary cũng quảng đại hoạt động trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông. Nhiều sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ cộng đồng Kitô hữu nạn nhân của cuộc xung đột Syria. Bên cạnh đó còn có sự trợ giúp cho những người tị nạn trong các trại tị nạn của khu vực, không phân biệt tín ngưỡng. Giáo hội quảng đại chào đón hàng ngàn người tị nạn Ucraina sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2/2022.
Các vấn đề khác ở trung tâm mối quan tâm mục vụ của Giáo hội Hungary là sự nghèo đói và loại trừ xã hội. Đặc biệt, cần lưu ý trong bối cảnh này là sự dấn thân quan trọng của Giáo hội vì người Rom, những người chiếm gần 10% dân số Hungary. Trong nhiều năm, Giáo hội địa phương đã đi đầu trong việc hội nhập họ vào cơ cấu xã hội và đưa họ đến với nền giáo dục. Hơn nữa, Giáo hội đã thực hiện bản dịch đầu tiên gồm Kinh Thánh và nghi thức Thánh lễ sang tiếng Lovari, ngôn ngữ được người Rom sử dụng rộng rãi.
Nguồn: vaticannews.va/vi