Nhà Thương
Nhà Thương
Nữ tu Mary Therese
Dòng Chúa Quan Phòng Portieux.
Một buổi sáng nọ, khi vừa vào nhận ca trực, bác sĩ gọi tôi với giọng hối hả: “Sơ ơi, chuẩn bị máy thở nhanh lên, có một ca bị suy hô hấp nặng”.
Chuẩn bị máy thở vừa xong, tôi thấy bác sĩ điều dưỡng Khoa Sản đẩy lên một bệnh nhân nữ trong tình trạng lơ mơ, khó thở, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tuột… Tôi cùng đồng nghiệp lao vào cấp cứu.
Một lát sau, một đồng nghiệp khác lại gọi tôi: “Sơ ơi, Sơ ra bên ngoài nhìn kìa, nhìn đau lòng chịu không nổi luôn Sơ ơi!…”
Tôi mở cửa ra thấy trước mắt là chồng của bệnh nhân trên lưng cõng một bé gái khoảng 2 tuổi, trên tay lại bế em bé đỏ hỏn chỉ mới vài ngày tuổi, hỏi ra mới biết: gia đình vợ chồng này “ba không”: không nhà, không tiền và không bảo hiểm y tế. Tức tốc, cả khoa chúng tôi cùng tìm cách giúp đỡ bệnh nhân: bảo hiểm y tế, thuốc men, dinh dưỡng… Thật may mắn bệnh nhân ấy được cứu chữa kịp thời, sau 1 tuần đã được xuất viện.
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật có bàn tay Thiên Chúa phù hộ em.” Hàng xóm làng giềng đã thốt lên như thế khi thánh Gioan Tẩy giả chào đời. Ơn gọi và cuộc sinh hạ của Thánh Gioan tẩy giả đến từ Thiên Chúa, từ ngàn đời ngài nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tôi cũng thế, dù tôi bất xứng, nhưng Chúa vẫn chọn gọi tôi để cộng tác vào chương trình cứu nhân độ thế của Chúa ngang qua ơn gọi đời sống nữ tu trong Dòng Chúa Quan Phòng.
Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông con, là chị cả của 7 đứa em, nhưng gia đình tôi may mắn được sống trong làng Trung Hòa, thuộc giáo xứ Vinh Hòa, Giáo phận Ban Mê Thuột. Ngày xưa chỉ có một giáo xứ Vinh Hòa, nay đã tách thành 3 giáo xứ và tôi là con chiên của giáo xứ Tân Hòa.
Ngày 20/7/1954, hiệp định Genève được ký kết, đất nước Việt Nam chia cắt làm hai, phân ranh tại vĩ tuyến 17, quy định chung cho đồng bào được tự do chuyển vùng làm ăn sinh sống.
Làng của tôi được thành lập nhờ công ơn của Cha Gioan Baotixita Phan Xuân Bang, một linh mục đạo đức, thánh thiện, lại có tầm nhìn xa trông rộng. Dịp này Cha đã dẫn con cái từ Vinh vào lập nghiệp nơi đây. Nhờ vị linh mục thánh thiện này, nơi này đã trổ sinh ra nhiều bông hạt.
Giáo xứ tôi có rất nhiều người đi tu, nhiều gia đình có con đi tu, có gia đình có thể gọi là dòng dõi tư tế: 6, 7 anh chị em ruột cùng đi tu và niềm vui hạnh phúc đó thể hiện rõ nét mỗi độ Tết đến Xuân về, các linh mục, tu sĩ các hội dòng từ khắp nơi quy tụ về với mọi sắc phục, nhìn các màu sắc với nhiều linh đạo nhiều hội dòng khác nhau thật đẹp và phong phú biết bao trong vườn hoa Giáo Hội.
Ơn gọi của tôi nhen nhúm khi tôi học lớp 6, sau khi được sinh hoạt vui chơi với các nữ tu Dòng Bác Ái Vinh Sơn. Từ đó trong tôi có ý nghĩ lớn lên mình sẽ đi tu làm “ma sơ”, để có thể làm gì đó giúp cho người nghèo.
Vì là xứ đạo toàn tòng, nên mỗi dịp Hè, tôi và các bạn đều “bị dụ” vào các Nhà Dòng chơi vài tuần. Tháng 9/2001 tôi và 4 bạn khác nữa cùng gia nhập Hội dòng Chúa Quan Phòng với linh đạo: “Thực hiện kế hoạch lòng thương xót Chúa trên những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất.” Khác với các chị em khác trong Nhà Dòng, tôi được chọn thi hành sứ mệnh trong vai trò “nữ tu – điều dưỡng”, công tác trong môi trường bệnh viện.
Sự dấn thân trong bệnh viện của tôi và các nữ tu của các Hội dòng khác luôn là một câu hỏi lớn cho mọi người.
Nhiều người khi nhận ra tôi là nữ tu, họ ngạc nhiên: “Ủa, ủa, sao Sơ lại đi làm trong bệnh viện? Phải chăng Sơ cũng đi làm kiếm tiền như bao nhân viên khác”? Có đồng nghiệp khi thấy có nhiều Sơ làm trong nhiều khoa phòng thì thốt lên: “Chắc mấy bà sơ tính vô đây lập một nhà thờ?”
Tôi nghĩ, tôi đi làm việc bệnh viện chính là đi ra vùng ngoại biên để cảm thông với nỗi đau của bệnh nhân, để cảm thông chia sẻ với nhân viên y tế về những nỗi vất vả mưu sinh của họ. Làm việc lâu trong nghề, tôi cảm nghiệm ra rằng, chỉ khi đam mê và yêu nghề thì mới trụ nổi trong ngành.
Ngày ngày đi làm việc không chỉ như một nhân viên bình thường, tôi luôn cố gắng làm theo tinh thần của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được viết trong sách Đường Hy vọng: “Giữa tình yêu và bổn phận, con chọn bên nào? Con chọn bổn phận và làm với tất cả tình yêu”. Với tất cả tình thương và trách nhiệm, cùng với Chúa, vì Chúa, trong Chúa, tôi thi hành sứ mạng của Hội dòng qua công việc của mình ở bệnh viện. Về Nhà Dòng, trong giờ kinh nguyện, tôi dâng lên Chúa những bệnh nhân của mình và những vui buồn trong ngày, .
Ngoài việc chu toàn bổn phận trách nhiệm được giao, khi khoa phòng có những bệnh nhân khó khăn, tôi và đồng nghiệp tìm cách hướng dẫn họ các thủ tục giấy tờ, hỗ trợ những gì có thể, để họ nhận được sự giúp đỡ và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, tôi giúp mời linh mục để lo phần tâm linh cho những bệnh nhân Công giáo khi họ khao khát và ban các bí tích sau cùng cho những bệnh nhân nguy tử.
Hiện tại, công việc tại khoa có phòng hồi sức để chăm sóc những bệnh nhân nặng, có đủ loại máy móc trang thiết bị hỗ trợ bệnh nhân như: máy thở, máy Ecmo, máy CRRT… Những bệnh nhân nặng gần như lệ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của ekíp chúng tôi, nên đòi hỏi chúng tôi phải hy sinh, tận tâm, tận tụy, không chỉ lo cho họ thuốc men, nhưng còn chăm sóc mọi thứ từ ăn uống, thuốc men cho đến vệ sinh.
Có những lúc bệnh nhân trở nặng nhanh quá, người nhà chưa kịp chuẩn bị tâm lý đón nhận, thì bác sĩ nhờ tôi an ủi động viên họ.
Có những lúc sự sống của bệnh nhân như ngàn cân treo sợi tóc, cần những thủ thuật nhanh, chính xác để kịp thời cứu sống họ, Bác sĩ thường bảo tôi: “Cầu nguyện cho ca này Sơ ơi, tội nghiệp họ còn trẻ quá”… Lúc đó, tôi cùng với đồng nghiệp tay làm thật nhanh và trong lòng thì kêu Chúa cứu giúp, cứu sống bệnh nhân.
Nỗ lực của chúng tôi đã cứu sống nhiều bệnh nhân. Cũng có khi nỗ lực đó chỉ giúp bệnh nhân sống thêm được vài giờ, hay một ngày, hai ngày và phải hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc men, máy móc, nhưng người nhà cũng an lòng vì người thân của họ đã được hết lòng cứu chữa.
Nhớ lại trong đợt Covid khủng khiếp tại Sài Gòn năm 2021, tôi cảm nghiệm Chúa đã dùng tôi là nữ tu để làm rất nhiều việc khi cùng tham gia chống dịch. Tôi chứng kiến bao cảnh cô đơn, đau đớn tột cùng, những cái chết mà chỉ có tôi và đồng nghiệp là người thân của họ… Chúng tôi không thể nào quên trường hợp của một bệnh nhân nam 28 tuổi (em ấy là một Kitô hữu), nặng 140kg bị Covid và đã chiến thắng tử thần sau 84 ngày chạy Ecmo, và sau 4 tháng nằm viện, em đã được xuất viện trở về cuộc sống bình thường với vợ con và gia đình (xem “Thoát cửa tử sau 84 ngày chạy ECMO liên tục, anh chàng 140 kg xuất viện về nhà”)
Tôi cảm ơn Chúa đã dùng cuộc đời của tôi như là khí cụ thực thi lòng thương xót của Chúa nơi những người đau đớn bệnh tật, những người cô đơn, bị bỏ rơi. Điều ấy thật ý nghĩa biết bao! Nhưng để làm được như vậy không đơn giản chút nào. Phải cố gắng mỗi ngày để chiến đấu với bản thân, với những yếu đuối, với sự mệt mỏi của thân xác sau ca trực dài. Bù lại, Chúa ban cho tôi niềm vui khi thấy mình có thể giúp mọi người, có ý nghĩa cho đời qua sứ vụ ơn gọi nữ tu điều dưỡng.
Công việc của nữ tu nơi “Nhà Thương” kể hoài không hết về bao cảnh đời, với bao nhiêu căn bệnh và biết bao tâm trạng vui buồn, lo lắng, sợ hãi…
Cần, cần lắm để có thêm nhiều khối óc, nhiều cánh tay, nhiều trái tim chạnh thương, và nhiều người trẻ dám dấn bước vào sứ vụ đặc biệt này!
Lễ Cầu cho Ơn Thiên Triệu, tháng 4/2023
Nữ tu Mary Therese
Dòng Chúa Quan Phòng Portieux