Linh mục Antonio Spadaro: “Đức Phanxicô tiến về phía trước cho đến khi nào ngài còn năng lượng”
Nhân dịp lễ Phục sinh, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, người thân cận và hiểu rõ giáo hoàng nhất trả lời các câu hỏi của báo Le Point.
Linh mục Antonio Spadaro ở văn phòng của ngài ở trung tâm thành phố Rôma ngày 29 tháng 2 năm 2014. © Filippo Monteforte/AFP
Một tuần sau khi nhập viện khẩn cấp vì các vấn đề về hô hấp và trước tuần lễ cử hành phụng vụ Tuần Thánh, sự chú ý của giới truyền thông xung quanh vì sao sức khỏe của Đức Phanxicô chưa giảm xuống ở cả hai bên sông Tiber, Rôma. Nhân dịp này, linh mục Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo của Dòng Tên và là người thân cận với Đức Phanxicô – thường được cho là “bác sĩ quay vòng” dù ngài từ chối tên không chính thức này –, trả lời các câu hỏi của báo Le Point.
Một lần nữa, những lo ngại về sức khỏe của Đức Phanxicô đã trở thành chủ đề thảo luận ở Ý cũng như trên toàn thế giới. Ở tuổi 86, liệu ngài có còn khả năng thực hiện sứ mệnh của ngài không?
Linh mục Antonio Spadaro: Như bất cứ ai ở tuổi của ngài đều có những vấn đề sức khỏe, nhưng theo tôi, dường như ngài hoàn toàn có đủ khả năng tiếp tục sứ mệnh. Ngài ở trong cao điểm về sự minh mẫn tinh thần và thiêng liêng, như chúng ta đã thấy trong những ngày gần đây khi ngài giảng, tôi có thể nói, ở điểm này về mặt thể chất, ngài vẫn ổn.
Một giai thoại thoạt đến trong đầu tôi. Cách đây nhiều năm, trong những chuyến đi Châu Mỹ Latinh, tôi đã nói với ngài, chương trình của ngài căng thẳng gần như quá mức. Ngài trả lời hơi nghiêm: tôi không đồng ý làm giáo hoàng để nghỉ ngơi. (Cười.) Và tôi hiểu lập luận của ngài. Ngài cứ tiếp tục và làm những gì ngài cảm thấy có thể làm được, miễn là sức lực của ngài cho phép.
Nghe cha nói thì từ nhiệm chưa có trong chương trình làm việc của ngài?
Như ngài đã nói rõ một lần nữa trong trong cuộc trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên châu Phi, đã được đăng trên tạp chí Văn minh Công giáo, theo ngài, triều giáo hoàng là suốt đời và khả năng từ chức sẽ không xảy ra. Nhưng, nếu ngài bị bệnh và không thể lãnh đạo Giáo hội, chắc chắn ngài sẽ từ bỏ chức vụ Thánh Phêrô, điều đó là hiển nhiên. Ngài làm việc với tinh thần sáng suốt và nếu bất cứ lúc nào ngài hiểu đã đến lúc phải từ bỏ chức vụ của mình, ngài sẽ làm ngay trong ngày mà không gởi bất kỳ một thông cáo nào báo trước.
Tuy nhiên, trong quá khứ, một số tuyên bố của ngài vẫn còn mơ hồ, như khi ngài nghĩ đến việc ở lại Ý trong trường hợp từ nhiệm và làm việc với tư cách là “giám mục danh dự của Rôma”. Chúng ta nên diễn giải tuyên bố này như thế nào?
Việc ngài nói từ nhiệm không phải là điều có thể xảy ra và triều giáo hoàng là suốt đời, nhưng không có nghĩa là loại trừ khả năng một ngày nào đó ngài sẽ từ nhiệm. Chắc chắn Đức Bênêđictô XVI đã mở đường cho ngài. Một con đường khả thi, rộng mở, ngay cả bây giờ khi ngài chưa nhìn thấy nó cho chính ngài. Bây giờ cần phải điều chỉnh tình huống này theo quan điểm giáo luật, để hiểu cách đặt tên cho hình ảnh này và các sinh hoạt của ngài – hiện tại, tên ‘giám mục danh dự’ của Rôma là tên dường như phù hợp nhất. Điều này vẫn chưa được xác định rõ ràng, tôi nghĩ sớm muộn cũng sẽ làm.
Lần nhập viện gần đây của ngài, báo chí Ý khơi lại các thảo luận hậu trường về việc kế vị ngài. Thậm chí họ còn nói về một “mật nghị ma”. Không có gì mới dưới ánh mặt trời, theo cha…
Đúng, người ta đã nói đến “mật nghị ma” này từ nhiều năm nay. Và người ta đã có danh sách những người kế vị tiềm năng của ngài. Trong chuyến đi Phi châu gần đây, Đức Phanxicô còn nói đùa về chuyện này, nếu theo giáo triều Rôma, thì giáo hoàng sẽ thay đổi mỗi sáu tháng một lần. Về sức khỏe của ngài, dù Văn phòng báo chí Vatican và các bản tin y tế của ngài có nói gì, những tiếng nói này vẫn tồn tại, họ muốn xây câu chuyện về một triều giáo hoàng suy yếu. Chúng ta phải sống với bối cảnh này.
Tôi nhớ trong thượng hội đồng về gia đình năm 2015, người ta nói ngài bị ung bướu não. Dĩ nhiên đó là tin giả. Nhưng đó là câu chuyện chống giáo hoàng chung quanh khối u, như thể nó làm suy yếu sự minh mẫn và khả năng suy luận của giáo hoàng có chủ quyền. Hiện nay tôi cũng nghe một số người nói như thế về một căn bệnh nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến giáo hoàng, nhưng điều này không có cơ sở một chút nào.
Có phải ngài hoàn toàn thờ ơ với vấn đề kế vị ngai Thánh Phêrô không?
Theo tôi, đây không phải là chủ đề quan trọng với ngài. Đức Phanxicô đang làm phần việc của ngài với tư cách là giáo hoàng có chủ quyền. Chẳng hạn, việc lựa chọn các hồng y đáp ứng một logic của giáo hội: bổ nhiệm các tu sĩ thuộc các giáo hội nhỏ và vùng ngoại vi. Đây không phải là một phần của chiến lược bổ nhiệm người kế vị ngài nhưng tầm nhìn về Giáo hội của ngài. Đến mức mà đôi khi ngài chọn những hồng y không thực sự ở trong “vòng tròn của những người theo tinh thần Bergoglio”.
Dù có những lo ngại về sức khỏe, chương trình làm việc dồi dào của ngài cho năm nay và cả cho năm 2024, với sự kết thúc của thượng hội đồng về tính đồng nghị, có phải là bằng chứng cho thấy người trên tám mươi này không có ý định chậm lại?
Ngoài ra còn có các chuyến đi Hungary, Lisbon, đi Marseille đã lên chương trình. Và rất có thể là một chuyến đi Mông Cổ. Ngay cả chúng ta cũng bắt đầu nói đến năm 2025 với lễ kỷ niệm Công đồng Nicaea (do Hoàng đế Constantine I tổ chức năm 325 để chuẩn hóa Giáo hội).
Một hồ sơ quan trọng khác của Đức Phanxicô: Ukraine. Trong quyển sách Bản đồ của Đức Phanxicô: Vatican và chính trị quốc tế (L’Atlante di Francesco: Vaticano e politica internazionale, nxb. Marsilio) của cha, cha nhắc lại nỗ lực liên lỉ của ngài để ủng hộ đối thoại giữa Kyiv và Matxcova dù phải bị chỉ trích.
Nhiệm vụ của ngài là không bao giờ cắt đứt hay phá vỡ mà làm tất cả để mang những phần bị chia cắt lại với nhau. Đó là lý do vì sao ngài muốn đi cả Kyiv và Matxcova. Để giữ các mảnh lại với nhau.
Quan điểm của ngài không bao giờ là chiến thuật hay chiến lược, nhưng trước tiên ngài nhìn vào tình trạng của người dân, như tình cảnh của các bà mẹ của người lính Nga cũng như người lính Ukraine. Một tầm nhìn bắt đầu từ bên dưới.
Nhưng ngày nay, về cuộc xung đột ở Ukraine, tiếng nói của Vatican hầu như không được nghe thấy. Như lời kêu gọi hòa bình của giáo hoàng Bênêđictô XV trong Thế chiến thứ nhất: có phải đây là tiếng kêu trong sa mạc không?
Thông điệp hòa bình của các giáo hoàng đôi khi được nghe đôi khi không được nghe. Không cần phải quay lại với Đức Bênêđictô XV, chúng ta có thể nghĩ đến Đức Gioan-Phaolô II, ngài đã tìm cách tránh cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ. Và ở đây cũng vậy, đây là một thất bại. Nhưng không vì thế mà tiếng nói đạo đức kém ý nghĩa, kém quan trọng. Trái lại: nó đưa ra một phương hướng và giữ cho từ “hòa bình” sống động khi ngày nay chúng ta chỉ nói đến vũ khí, chiến lược và thắng bại của bên này hay bên kia.
Về một chủ đề khác, tuần trước, chúng ta đã nghe tin linh mục Dòng Tên Hans Zollner bất ngờ từ chức, linh mục là nhân vật chủ yếu của Ủy ban giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên, linh mục đưa ra một số thiếu sót trong Ủy ban do Đức Phanxicô thành lập năm 2014?
Tôi không biết chi tiết công việc của Ủy ban. Tôi biết những tuyên bố của linh mục Zollner đã được theo sau bởi những tuyên bố của hồng y O’Malley, chủ tịch Ủy ban, ngài tin tưởng vào quá trình này. Điều tôi có thể nói không chút nghi ngờ, là Đức Phanxicô khi nào cũng mong muốn dọn dẹp. Chẳng hạn gần đây, trong cuộc phỏng vấn với những người trẻ, ngài nhắc lại, ngài không muốn có thời hiệu trong các trường hợp lạm dụng tình dục. Sau đó, đã có những phản kháng trong nội bộ Giáo hội, đó là hiển nhiên, nếu không thì hành động của giáo hoàng sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Mặt khác ngài cũng gặp một số ngoài chủ đề này. Nhưng vấn đề ở đây không phải là than phiền về những phản kháng, nhưng hành động một cách mạnh mẽ và quyết tâm để vượt lên chúng. Điều này cần dũng cảm và kiên nhẫn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch