Người có giáo dục
Sau khi thảo luận về tri thức và kỹ năng, một sinh viên hỏi tôi: “Người sở hữu bằng đại học có được coi là người có giáo dục không?”.
Tôi nói với cả lớp rằng đây là chủ đề thú vị. Chúng ta hãy tranh luận theo câu hỏi: “Người có bằng đại học liệu có thể bị coi là vô giáo dục không?”.
.
Nếu nhìn lại quá khứ, ta thấy rằng yếu tố chính trong việc thiết lập ra xã hội ngày nay đã dựa trên nền tảng của hệ thống giáo dục. Trước thế kỷ 17, giáo dục bị giới hạn cho những người ưu tú – tu sĩ và người trong hoàng tộc. Số đông còn lại phần lớn là “vô giáo dục” theo đúng nghĩa đen.
Từ cuối thế kỷ 17, có một phong trào trong các trí thức đòi hỏi giáo dục tốt hơn cho mọi người. Các sử gia gọi là “Kỷ nguyên Khai sáng” vì cách nhìn mới dùng khoa học và triết học để thách thức cách nghĩ truyền thống rằng “chỉ tu sĩ và người trong hoàng tộc được giáo dục”. Hai triết gia lớn John Locke và Jean Jacques Rousseau đã viết các bài báo đòi hỏi rằng giáo dục phải được dạy cho mọi người về cách đọc và viết, để họ có thể nghĩ cho bản thân, phản biện lại “thiên kiến tôn giáo” được những người ưu tú đặt ra.
Phong trào này lan rộng nhanh chóng khắp châu Âu khi nhiều người bắt đầu nhận ra quyền lợi của họ đối với giáo dục và hoài nghi cách nghĩ truyền thống. Trước đó, mọi trường học đều bị kiểm soát và vận hành bởi các tu sĩ, nhưng nhiều trí thức đã mở trường riêng của họ để lan toả niềm tin rằng hệ thống giáo dục mới – tập trung vào khoa học và triết học – có thể giúp hiện đại hoá chuẩn sống cho mọi người. Rồi nhiều người hơn có thể đọc, nhiều sách hơn được in ra. Và nhiều tiểu thuyết văn chương, thơ ca được tạo ra. Chúng làm nảy sinh thời đại mới có tên “Thời đại Lãng mạn.”
Sau thảo luận ngắn giữa các sinh viên, một người nói: “Tất nhiên những người có bằng đại học nhưng cư xử như ai đó không có giáo dục có thể bị gọi là ‘vô giáo dục’”. Tôi hỏi: “Đó là tất cả sao?”. Sinh viên khác đáp: “Đôi khi mọi người lẫn lộn có giáo dục với giáo dục ở nhà trường cho nên họ liên hệ những người có bằng cấp cao là người có giáo dục”. Sinh viên khác nói thêm: “Có người có bằng cấp cao nhưng vẫn không biết cái gì. Họ đỗ các kỳ thi, có được bằng nhưng không có kỹ năng, như thầy đã dạy chúng em về khác biệt giữa tri thức và kỹ năng”.
Tôi giải thích: “Mặc dầu các em đã biết về tri thức và kỹ năng. Tuy nhiên, ‘người có giáo dục’ là nhiều hơn việc có tri thức và kỹ năng. Theo định nghĩa, giáo dục là quá trình khơi gợi tiềm năng của một người, làm nảy sinh trong anh hay cô ta hiểu biết về tiềm năng của mình (tức là biết bản thân họ) và căn cứ trên điều đó mà hành động một cách có trách nhiệm. Điều đó nghĩa là họ chịu trách nhiệm cho bất kỳ cái gì họ làm, với gia đình, xã hội và đất nước của họ. Người có giáo dục là người “biết” và “hành động” tương ứng với sự biết đó”.
Vấn đề là qua thời gian, hệ thống giáo dục đã được “chuẩn hoá” dựa trên tri thức hàn lâm nào đó, nhưng ít hướng về tiềm năng làm người tốt. Học sinh nếu học tri thức nhưng không “hành động”, họ không thể là người có giáo dục được. Trong hệ thống giáo dục nào đó, bằng cấp dựa trên việc đỗ những kỳ thi. Nhưng nhiều kỳ thi chỉ là “việc ợ ra” điều họ ghi nhớ cho nên những người có trí nhớ tốt có thể thu được bằng cấp. Ta đã thấy những người tốt nghiệp đại học với đủ loại lý thuyết nhưng không thể làm được bất kỳ cái gì. Và vì mọi người được đánh giá phần lớn theo bằng cấp, một số học sinh chỉ tập trung vào việc giành giật chúng bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả gian lận. Chừng nào họ chưa hiểu người có giáo dục là gì, sẽ khó thay đổi thái độ của họ nhắm tới bằng cấp.
Ngày nay, nhiều sinh viên vào trường mà không có định hướng và mục đích. Một số người chỉ muốn qua được các bài kiểm tra và có được tấm bằng. Một số người thậm chí còn tin rằng bố mẹ sẽ chăm nom cho họ sau khi lấy được bằng đại học.
Hai mươi lăm năm trước, khi bắt đầu đi dạy, tôi đã tin rằng phần lớn sinh viên đều biết chủ đích giáo dục của họ và có mục đích nghề nghiệp. Tôi đã sai. Vì nhiều người đã không có điều đó nên tôi phải dành thời gian để thảo luận với họ về chủ đích của giáo dục đại học. Tôi bắt đầu bằng việc yêu cầu sinh viên viết một bài luận ngắn giải thích tại sao họ vào đại học, họ muốn làm gì. Sau khi xem các bài luận này, tôi bắt đầu thảo luận với họ về kế hoạch nghề nghiệp.
Tôi giải thích rằng, giáo dục không phải là về việc đi tới lớp, đọc sách, ghi nhớ sự kiện, đỗ kỳ thi và có việc làm, mà còn là học về thế giới xung quanh. Các em phải biết cái gì đang xảy ra trong ngành, trong xã hội của các em rồi xác định vai trò của mình ở đó. Hãy tự hỏi bản thân mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp cũng như trách nhiệm của mình với chính bản thân, gia đình, xã hội.
Là sinh viên, các em tới trường để học cái gì đó hữu dụng cho cuộc đời các em, không phải chỉ là thi đỗ và thu được mảnh giấy có tên là “bằng cấp”. Việc “có giáo dục” sẽ chuẩn bị cho các em dẫn dắt cuộc sống hữu ích, trở thành công dân tốt cho đất nước các em, và là người tốt hơn. Để làm điều đó, em cần lập kế hoạch nghề nghiệp sớm nhất có thể, đặt mục đích giáo dục mà em có thể đạt tới. Một số sinh viên có thể nghĩ “sao phải vội?”. Nhưng không có mục đích giáo dục, làm sao em biết đích đến của đời mình? Nếu em du hành mà không có đích đến, bất kì cái gì cũng có thể là đích. Và em sẽ phạm nhiều sai lầm, sẽ nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, hay học một lớp ở đây và một lớp ở kia mà không có chiều hướng nào. Đó là lý do tại sao chúng ta có nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp.
Trong quá khứ, thầy cô giáo là “người có quyền” và “vâng lời” là qui tắc. Ngày nay, thầy cô giáo không còn là người có quyền mà chỉ là ai đó hỗ trợ cho học sinh. Ý niệm rằng thầy cô là “người trao tri thức” bằng việc đọc bài giảng là lỗi thời. Thầy giáo ngày nay phải được chuẩn bị để chấp nhận đa vai trò trong lớp học, gồm: thầy giáo, người tạo điều kiện, người hướng dẫn, người tư vấn, người cố vấn và thầy kèm.
Là thầy cô, ta có thể trải qua những ngày mà học sinh không như ta kỳ vọng. Vậy, nếu chúng ta không thích cái gì đó thì thay đổi nó đi, mang ý tưởng mới và đam mê vào lớp học để giúp học sinh học tốt hơn. Khi có nhiều ngày học sinh chú ý bài học, nêu ra nhiều câu hỏi hơn trước đây tức là việc học có nghĩa đang xảy ra. Việc học không bao giờ nên dừng lại. Cho dù chúng ta đã làm tốt, vẫn có nhiều điều cần làm.
Việc dạy luôn là thách thức vì giáo viên phải giải quyết nhiều vấn đề, từ chương trình đào tạo nặng nề mà cấp quản lý chỉ đạo họ phải làm cho tới thời gian được yêu cầu hoàn tất chấm bài. Nhiều giáo viên còn cảm thấy không được xã hội, phụ huynh và học sinh ca ngợi. Một số thầy cô chán nản và băn khoăn liệu họ có quyết định đúng khi chọn nghề không.
Tuy nhiên, tôi tin khi đã chọn nghề dạy học, tất cả chúng ta đều được dẫn đường bởi mong muốn phát triển thế hệ kế tiếp tốt hơn cho đất nước. Chúng ta biết rằng tương lai và việc bảo vệ đất nước của mình tuỳ thuộc vào việc thế hệ tiếp theo được giáo dục như thế nào. Phần lớn chúng ta thực ra đã không coi giáo dục học sinh như một “việc làm” mà như một “sứ mệnh”. Và nếu ai đó nói gì tiêu cực về nghề giáo, tôi thường trả lời: “Nếu bạn có thể đọc và viết, tốt hơn bạn nên cám ơn các thầy cô giáo. Không có họ, bạn chỉ là người dốt nát”.