Chúa biến hình giữa đời thường
5.3. Chúa Nhật Chúa Nhật thứ Hai Mùa Chay
St 12:1-4; Tv 33:4-5,18-19,20-22; 2 Tm 1:8-10; Mt 17:1-9
Chúa biến hình giữa đời thường
Chúa nhật trước, Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ dẫn chúng ta vào sa mạc để chứng kiến Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Chúa nhật hôm nay, chúng ta được mời gọi cùng lên núi để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình. Hai sự kiện diễn tả hai khía cạnh cuộc đời Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể: trong sa mạc, Chúa thể hiện nhân tính của Người: yếu đuối, mỏng giòn, đói khát; trên núi cao, Chúa tỏ ra thiên tính của Người: cao cả, sáng láng, thánh thiện. Hai nhân vật quan trọng của Cựu ước cũng xuất hiện để đàm đạo với Chúa, kèm theo lời chứng của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy nghe lời Người”.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta cơ hội nhìn lại đức tin của Abraham, ông phải rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” để đi đến một vùng đất ông không hề biết. Nhưng với niềm tin cậy vào Thiên Chúa, ông vội vã thực hiện ngay lệnh Chúa truyền. Đức tin và lòng vâng phục của Abrahamtrở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta noi theo. Bài Tin Mừng mô tả biến cố đáng kinh ngạc trong cuộc đời Chúa Giêsu đó là biến hình trên núi. Các Tông Đồ đã hoàn toàn bị hoảng hồn khi nhìn thấy vinh quang Đức Kitô trong phút giây, và nhất là khi được mạc khải cho biết Thầy của mình là ai: “Này là con Ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người”.
Biến cố này nói với chúng ta, không chỉ về những giai đoạn thử thách và khổ đau của chúng ta, mà còn về vinh quang tiềm tàng dành sẵn cho chúng ta, với điều kiện là chúng ta luôn luôn đi theo con đường của Chúa với một niềm tin tưởng cậy trông, không bao giờ ngã lòng thất vọng. Tuy nhiên trong đời sống, với những yếu hèn tội lỗi, chúng ta hay đánh mất niềm tin và lòng trông cậy vào Chúa mỗi khi bị thử thách.
Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang của Người cho ba môn đệ trên một ngọn núi ở Galilê. Nhưng trước khi đạt tới vinh quang Phục Sinh, Chúa Giêsu phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa, trải qua những thử thách đau khổ trong cuộc thương khó. Các môn đệ chứng kiến cuộc biến hình cũng được Chúa Giêsu nhắc nhở rằng các ông chỉ được phép nói về biến cố này sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Họ chỉ hiểu được vinh quang của Chúa Giêsu khi chứng kiến cuộc khổ hình và sự phục sinh của Người. Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và tội lỗi bằng chính hiến tế của mình trên thập giá. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì nhờ kế hoạch của Ngài và tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu mà chúng ta hưởng nhận ơn cứu độ.
Ngay sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó cho các môn đệ (x. Mt 16,21), Chúa Giêsu biểu lộ cách công khai về vinh quang Phục Sinh của Người cho Phêrô, Gioan và Giacôbê trên một ngọn núi cao ở Galilê. Trong cuộc biến hình này, Thiên Chúa Cha mặc khải căn tính đích thực của Chúa Giêsu: “Có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.
Hình ảnh của Môsê và Êlia xuất hiện bên cạnh và đàm đạo với Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa. Hôm nay Đức Giêsu tỏ lộ căn tính của mình cho các môn đệ như Môsê được Thiên Chúa mặc khải cho biết căn tính của Ngài trên núi Sinai và ngôn sứ Êlia cũng được Thiên Chúa tỏ lộ căn tính của mình trên núi Khôrếp qua một cơn gió thoảng nhẹ (x. 1 V 19,9-18).
Hình ảnh Môsê và Êlia đứng bên cạnh Chúa Giêsu muốn nói lên rằng Chúa Giêsu là Đấng mà Lề Luật và các ngôn sứ nói đến. Người là Đấng hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Hơn nữa, qua cuộc biến hình của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn truyền đạt cho các môn đệ một sứ điệp quan trọng đó là “các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Tất cả những Lề Luật và lời các ngôn sứ giờ đây được hội tụ nơi Chúa Giêsu. Vâng nghe lời Chúa Giêsu là vâng nghe thánh ý Thiên Chúa. Hãy đem lời Chúa Giêsu vào trong cuộc sống. Việc Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nghiệm cuộc biến hình và vinh quang là để chuẩn bị cho các môn đệ về cuộc thương khó của Người tại Giêrusalem. Chúa Giêsu phải trải qua đau khổ để bước vào vinh quang Phục Sinh. Chính vì thế, Người cấm các môn đệ nói về kinh nghiệm biến hình trước khi Người phục sinh.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Người trở nên hoàn toàn giống chúng ta – ngoại trừ tội lỗi. Qua mầu nhiệm nhập thể, Người “biến hình” để trở nên giống như người trần thế. Trên núi cao, khi Chúa “biến hình” lại là lúc Chúa trở về tình trạng thiêng thánh nguyên thuỷ. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu đang “biến hình” giữa chúng ta.
Quả thế, chúng ta đâu có nhìn thấy Người bằng con mắt thể lý. Chúa hiện diện qua Lời Chúa, qua cộng đoàn cầu nguyện, qua người nghèo khổ và nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Chúa đang biến hình trong đời sống của chúng ta. Mùa Chay là thời điểm giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện, để chúng ta gặp gỡ Người. Thánh Phaolô nhắc chúng ta hãy nhận ra Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Người là Đấng tiêu diệt thần chết và đang hiện diện giữa chúng ta (Bài đọc II).
Hôm nay Chúa vẫn đang nói với chúng ta những điều ấy. Đừng sợ trước thân phận yếu hèn và tội lỗi, hãy trở về với Chúa vì Chúa bao dung nhân từ. Đừng sợ khi giúp đỡ anh chị em bất hạnh cô thế, cô thân, vì Chúa sẽ thưởng cho lòng quảng đại rộng rãi của chúng ta. Đừng sợ trước những bất ổn của cuộc ống do bạo lực, cạnh tranh và chia rẽ, vì Chúa hiện diện giữa cuộc đời. Người là Đấng đang biến hình giữa chúng ta.
Mùa Chay là dịp để chúng ta thức tỉnh trở về qua việc thống hối ăn năn, và quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình ngày càng nên hoàn thiện hơn.