Tin vui chữa lành
20.2 Thứ Hai Thứ Hai trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm
Hc 1:1-10; Tv 93:1,1-2,5; Mc 9:14-29
Tin vui chữa lành
Tin Mừng hôm nay kể lại một phép lạ chữa lành ngay sau biến cố biến hình của Chúa Giêsu trên núi cao cho ba môn đệ thân tín của Người. Có lẽ chúng ta tạm chọn đề tài cho đoạn Tin Mừng này là “Tình thương chữa lành”, bởi vì chính Đức Giêsu – hiện thân của Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình thương, không những trong việc chữa lành thân xác đứa con, mà còn củng cố, thêm sức tâm linh cho người cha. Hơn nữa, Người còn truyền dạy cho các môn đệ một bài học quan trọng trong đời sống tông đồ, đó là Cầu nguyện. Thật vậy, chỉ có cầu nguyện mới giúp con người có sự trợ giúp của Thiên Chúa trong tương quan với Ngài. Chỉ có cầu nguyện mới khiến con ngừơi nhận ra những yếu đuối bất toàn của bản thân, để chỉ trông cậy nương tựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng, thánh sử kể lại quang cảnh miêu tả hành trình xuống núi của Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín, có thêm đám đông dân chúng, các môn đệ và một số kinh sư đang chờ tại chân núi. Tất cả mọi người đang bàn tán xôn xao, đám đông nhốn nháo chạy qua chạy lại. Vừa thấy Đức Giêsu, đám đông kinh ngạc và chạy lại chào Người. Họ kinh ngạc có lẽ vì Chúa xuất hiện ngay vào lúc “nút thắt” lên cực điểm. Các luật sĩ đang lý luận. Các môn đệ thì lúng túng, bất lực. Còn đám đông đang bấn loạn không biết cậy dựa vào ai. Sự hiện diện của Chúa Giêsu khiến họ kinh ngạc nhưng rất đỗi vui mừng. Như kẻ sắp chìm vớ được mảnh ván, họ chạy lại đón Người. Nhìn thấy cảnh ấy, Chúa Giêsu đoán rằng đã xảy ra chuyện gì, nên Người hỏi các môn đệ “Anh em tranh luận gì với họ thế?” (16).
Đến đây, sự chờ đợi và bức xúc của dân chúng như oà vỡ qua lời của một người trong đám đông lên tiếng. Ông ta chính là cha của đứa bé, nhân vật chính trong trình thuật này. Ông kể lể mọi tình trạng khốn khổ mà con ông phải chịu đựng. Ông cũng đã xin các môn đệ chữa lành và ông kết luận : họ không làm nổi (18). Vừa nghe xong những lời ấy, Chúa Giêsu tỏ vẻ buồn rầu và kêu lên : thế hệ cứng lòng tin (19). Vì họ không tin, nên phép lạ đã không xảy ra. Chúa Giêsu truyền đem đứa bé lại gần Người. Trước tôn nhan Chúa, quỷ tỏ rõ sức mạnh và khống chế đứa bé bằng cách : lay nó thật mạnh, quật ngã xuống, làm cho lăn lộn và sùi bọt mép… Chúa Giêsu hỏi người cha về thời gian ma quỷ đã cầm tù cháu bé. Một lần nữa, ông được dịp bộc bạch tâm lòng và kể lại những tình huống bi thảm hơn như : quỷ xô vào lửa, đẩy xuống nước… và ông nài xin lòng thương xót của Chúa. Nhưng trong lời van xin ấy, ông vẫn chưa đặt trọn tin tưởng vào Chúa Giêsu “ Nếu Thày có thể làm được gì…” (22).
Trước khi Chúa Giêsu chữa trị thân xác cho đứa con, Người cũng mở đôi mắt tâm hồn cho người cha “Sao lại nói : Nếu Thày có thể? Mọi sự đều có thể đối với kẻ tin” (23). Ngay lập tức, người cha đau khổ tuyên xưng đức tin “ Tôi tin” và xin Chúa Giêsu thương xót và nâng đỡ lòng tin non yếu của ông (24). Chỉ chờ có thế, Đức Giêsu đã thực hiện một phép lạ chữa lành. Phép lạ này xuất phát từ lòng thương xót của Người, không những đối với thân xác đứa con mà cả tâm hồn của người cha nữa.
Từ câu 25 đến câu 27, chúng ta thấy thánh sử mô tả như là nguyên nhân mà Chúa Giêsu thực hiện phép lạ “khi thấy đám đông tuôn đến…”. Chúa chữa trị, xua trừ ma quỷ khi có đám đông chứng kiến. Điều này có đối nghịch với sự ẩn giấu uy quyền Thiên Chúa nơi Người hay không? Có lẽ ở đây, Chúa muốn cho dân chúng biết thời đại Mêsia đã đến. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài và Ngài đến để chiên được sống và sống dồi dào. Hơn nữa, Chúa cũng muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, để các ông vững tâm cùng Chúa tiến lên Giêrusalem, đi vào cuộc Vượt Qua của Chúa.
Với hai câu cuối là một bài học thiết thực trong đời sống tông đồ, mà chính Chúa đã nêu gương trong đời sống thường ngày, đó là : cần cầu nguyện. Với một người Kitô hữu, lương thực nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng là sự tương giao với Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô trong các bài gỉang, ngài luôn nhắn gửi chúng ta cần cầu nguyện không ngừng… Dù người đó là giáo dân hay tu sĩ, linh mục, dù người đó già trẻ, lớn bé, giàu sang hèn kém, cũng phải cần đến ơn trợ lực của Thiên Chúa, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” ..
Thật thế, chỉ trong cầu nguyện chúng ta mới có tương quan kết hợp gắn bó với Chúa, mới có được sức mạnh từ Thiên Chúa để chống trả với thế gian, ma quỷ và xác thịt. Sức mạnh duy nhất của người môn đệ có được khi họ luôn đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng tin và tình mến. Với những ai tin và yêu, người đó sẽ chiến thắng đau khổ, thử thách, ngay cả sự chết … khi họ biết dựa trên lòng thương xót và quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.
Các môn đệ đã không hiểu lý do tại sao họ không trừ quỷ cho em bé này được. Chúa Giê-su trả lời ngay rằng họ thiếu đức tin. Chúa không nói họ không có đức tin nhưng vì đức tin của họ chưa đủ, còn non yếu. “Mọi sự đều có thể với người tin”.
Giáo lý Công giáo dạy chúng ta rằng: “Đức tin là ơn nhưng không mà Thiên Chúa ban cho con người. Chúng ta có thể đánh mất ơn vô giá này… Để sống, tăng triển và bền vững đến cùng trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng bằng Lời Chúa; chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa tăng thêm đức tin (Lc 17,5; Mc 9,24; đức tin phải “hành động qua đức ái” (Gl 5,6), được cưu mang bởi niềm hy vọng và được ăn rễ sâu trong đức tin của Giáo Hội” (Số 160-162).
Dù đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, nhưng nó cần sự cộng tác của chúng ta để lớn lên và tăng trưởng. Giống như việc tập luyện thể thao, nâng được tạ, thì cần cơ bắp phát triển. Đức tin phải được thực hành, được thử thách và được nuôi dưỡng. Nếu hài lòng với đức tin nhỏ bé mình đang có, thì ‘cơ bắp’ thiêng liêng chỉ là còi cọc. Chúng ta cần phải vun trồng cho đức tin trưởng thành và bền vững. Nuôi dưỡng bằng các sách vở thiêng liêng và cầu nguyện hằng ngày. Thường xuyên lãnh các bí tích thì mới làm cho đức tin vững mạnh được.