THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ
16.2 Thứ Năm Thứ Năm trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
St 9:1-13; Tv 102:16-18,19-21,29,22-23; Mc 8:27-33
THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ
Trong tương quan thầy trò gần gũi, điều quan trọng là phải hiểu nhau cho đúng cho đủ, để rồi mới có thể tin tưởng và yêu thương lẫn nhau. Trước câu hỏi đó, đại diện cho nhóm 12, Phêrô lên tiếng tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đây mới thực sự là câu trả lời Chúa Giêsu muốn nghe, vì các ông biết đích xác Ngài là Đức Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua. Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai, vì người Do Thái đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác với những gì Ngài sắp mặc khải cho các Tông Đồ.
Câu trả lời của Phêrô về vị thế của Chúa Giêsu rất chuẩn mực, khác xa với những nhận định của người Do thái đương thời. Thế nhưng làm sao Phêrô lại có được một cảm nhận sâu xa về vị thế của Chúa Giêsu nếu không bởi ân ban từ trời.
Câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” không phải chỉ quan trọng cho Tiểu Vương Hêrôđê mà còn quan trọng hơn cho các Tông Đồ, những người đang theo Chúa Giêsu. Nếu các Tông Đồ không biết đúng Ngài là ai thì làm sao các ông có thể tiếp tục sứ vụ của Chúa. Nhất là khi các ông phải đối diện với những đau khổ và cái chết sắp tới của Ngài.
Mở đầu trình thuật, ta được đặt vào trong bầu khí cầu nguyện của Chúa Giêsu, Ngài cầu nguyện một mình. Đây là thời gian quý giá để Chúa gặp gỡ Chúa Cha; đồng thời cũng là khoảng thời gian riêng tư với các Tông Đồ. Trong lúc này, Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các môn đệ: “Dân chúng nói Thầy là ai? ” Đây là câu hỏi liên quan đến dư luận đang bàn tán gì về căn tính của Chúa. Theo dư luận đồn thổi, thì họ coi Chúa Giêsu là tiên tri Êlia hoặc Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri nào đó xuất hiện trở lại.
Sau khi lắng nghe những lời đồn thổi đó, Chúa Giêsu không bàn luận tới sự đồn thổi và nhận xét của dư luận. Ngài không quan tâm đến điều đó. Bỏ dư luận qua một bên, Ngài muốn biết các Tông Đồ nhận xét Ngài là ai. Vì thế, Chúa Giêsu lại hỏi các ông: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây là một điều thật đặc biệt.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng thường dễ dàng nhận định về người khác theo nhãn quan tự nhiên, dựa vào những khả năng, uy tín, địa vị, bằng cấp. Nhưng có lẽ nhiều khi nhận định của con người lại rất khác xa với thực tại sâu thẳm của nhân vật ấy.
Phêrô đã mau mắn nhận định Chúa Giêsu là Đấng Kitô theo ơn soi sáng của trời cao là một bài học đáng giá cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy nhìn người khác bằng ánh mắt yêu thương, nhân từ, cảm thông, tin tưởng như chính Ngài nhìn họ. Chỉ khi nào chúng ta biết nhìn tha nhân bằng cái nhìn bao dung quảng đại ấy, chúng ta mới có thể nhận ra họ là ai, và nhất là nhận ra Thiên Chúa đang ẩn mình trong tất cả những người chúng ta gặp gỡ trên hành trình cuộc sống. Chúng ta hãy khẩn nài Thiên Chúa ban cho chúng ta một cái nhìn như thế khi đứng trước một người anh em đồng loại, dù họ có là ai đi nữa.
Đức Kitô mà Phêrô vừa tuyên xưng lại là Đức Kitô không như mọi người khát vọng, và ngay cả chính Phêrô cũng lầm lẫn về Ngài như thế. Thật vậy, sau lời tuyên xưng thật xác quyết: “Thầy là Đấng Kitô”, Phêrô đã phải vô cùng ngạc nhiên và bắt đầu trách Ngài. Lời trách cứ của Phêrô đã làm Chúa Giêsu phải nặng lời với ông : “Xa tan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (c.33).
Ở đây Chúa Giêsu đã phân định cho chúng ta thấy rõ ranh giới giữa tư tưởng cao siêu của Thiên Chúa và tư tưởng thấp hèn của con người đầy giới hạn. Chúng ta thường suy nghĩ, nhận định về con người hay sự kiện theo nhãn quan rất tự nhiên, nên sai lầm là chuyện thường tình của con người. Điều quan trọng là làm sao chúng ta đủ khiêm tốn để nhận ra những giới hạn của bản thân để cậy nhờ vào ơn Chúa soi sáng trong mọi tình huống của cuộc sống.
Người Do thái và cả thánh Phêrô chỉ biết nhìn về Đấng Kitô sẽ là Vua bách chiến bách thắng giải thoát dân khỏi ách nô lệ của ngoại bang, và lên ngôi thống trị đầy vinh quang danh dự. Họ luôn khát mong một Đấng Kitô như thế. Nhưng tất cả chỉ là nghĩ suy của con người, không phải của Thiên Chúa. Đấng Kitô của Thiên Chúa đích thực là Đấng phải kinh qua nhiều đau khổ, tủi nhục, bị giết chết, rồi sẽ sống lại.
Phêrô đã không thể chấp nhận sự thật ấy, nên đã bị Chúa khiển trách. Khi đứng trước cuộc khổ nạn của Chúa, ông vẫn còn nghi ngờ, ái ngại, rồi chối Chúa những ba lần. Nhưng sau ánh nhìn yêu thương tha thứ của Chúa, ông đã hối hận sâu sa suốt cuộc đời. Để rồi sau biến cố Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã biến đổi ông hoàn toàn để từ đó, ông hăng say loan báo về một Đấng Kitô đích thực của Thiên Chúa, và đã dùng chính cái chết của mình để chứng minh tình yêu và niềm tin vào Đấng Kitô. Bài học của Phêrô thật cụ thể và sống động cho mỗi chúng ta hôm nay trong môi trường đầy nhiễu nhương và phức tạp này.
Để có được cái nhìn chân thực nhất về Thiên Chúa và thánh ý Ngài, chúng ta cần có ơn Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn. Nhưng chỉ trong sự thinh lặng sâu xa của nội tâm, chúng ta mới có thể nhận ra tiếng nói của Ngài. Thế nên, chúng ta cần đẩy xa khỏi tấm lòng những ồn ào náo động của đam mê, thú vui, hưởng thụ với bao toan tính của trần thế, để dễ dàng nhận ra tiếng Ngài.
Đấng Kitô phải kinh qua đau khổ, sự chết mới bước vào vinh quang. Cuộc sống hôm nay của mỗi người chúng ta cũng đầy dẫy bao thương đau khổ sầu, với nhiều thử thách trăm bề. Tất cả đều là những cơ hội để chúng ta bước theo lối đường thương đau của chính Ngài, Đấng đã đi trước và luôn đồng hành với chúng ta. Ý thức giá trị cứu độ cao quý từ những đau khổ trong cuộc sống, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận tất cả với niềm tin yêu phó thác vào tình thương cứu độ của Đức Kitô. Chỉ trong niềm tin vào Thiên Chúa, vào thập giá Đức Kitô, những đau khổ đời này mới được đóng ấn một ý nghĩa và giá trị cao quý, là cửa ngõ đưa chúng ta vào vương quốc yêu thương Nước Trời, nơi Đức Kitô thật sự là Vua muôn vua, Chúa các chúa.
Xin cho những tâm hồn chưa nhận biết Chúa là Vua đích thực của cuộc đời, được lắng nghe, hiểu biết và cảm nhận sâu xa về tình thương cứu độ của Chúa, qua đời sống chứng tá đầy yêu thương và phục vụ, biết can đảm vui tươi đón nhận mọi đau khổ thử thách Chúa gởi đến trong cuộc đời chúng con.