Giáo hội Nhật Bản kêu gọi bảo vệ người tị nạn và nhập cư
Giáo hội Nhật Bản kêu gọi bảo vệ người tị nạn và nhập cư
Uỷ ban về người tị nạn và người nhập cư của Hội đồng Giám mục Nhật Bản đã phát động một cuộc thu thập chữ ký, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và chính phủ về dự luật thắt chặt luật kiểm soát nhập cư.
Theo Uỷ ban, dự luật gây khó khăn cho người tị nạn và nguy hiểm cho cuộc sống đối với những người chưa có tư cách thường trú. Trước đó, Uỷ ban cùng với sáu tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng phản đối dự luật nhập cư mà Quốc hội đã bác bỏ vào năm 2021 và nay chính phủ lại muốn tái đệ trình. Tuyên bố kêu gọi một xã hội trong đó cuộc sống và phẩm giá của người tị nạn và người nhập cư được bảo vệ, nhắc lại rằng cách đây hai năm biện pháp đó đã bị rút lại bởi vì trái với lòng nhân đạo.
Dự thảo luật có những điều khoản đe dọa cuộc sống và nhân quyền của nhiều người. Ví dụ, việc hồi hương người xin tị nạn và người tị nạn ngay cả khi có nguy cơ bị bách hại. Luật cũng hình sự hóa những người trốn tránh bị trục xuất và trừng phạt những người muốn ở lại Nhật Bản. Luật còn quy định những người nhập cư không có giấy phép cư trú sẽ bị giữ ở những nơi giam giữ vô thời hạn và giảm mạnh “hệ thống giấy phép đặc biệt”, hạn chế khả năng quay trở lại.
Tuyên bố lưu ý, ngày nay, sự hỗ trợ cần thiết và quảng đại từ nhiều công dân và tổ chức xã hội dành cho những người tị nạn Ucraina cho thấy “việc loại trừ những người tị nạn là đi ngược lại ý muốn của người dân”. Mọi người hy vọng rằng “không có nạn nhân nào khác của các vụ giam giữ vô nhân đạo và những người, như người tị nạn, đang ở trong hoàn cảnh khó khăn không bị loại trừ”.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những công dân được tạo thành từ các kết nối và mối quan hệ giữa con người với nhau. Người nước ngoài, người Nhật, người tị nạn, người nhập cư, người có và không có giấy phép cư trú chung sống với nhau như những con người. Chúng tôi yêu cầu tạo ra một xã hội trong đó cuộc sống và nhân quyền của mỗi người sống trong xã hội này đều được đảm bảo, nơi mọi người có thể yên tâm sống và không ai thực sự bị bỏ lại phía sau”.
Mặt khác, Ủy ban của Hội đồng Giám mục và các tổ chức khác đang yêu cầu các tổ chức thành lập một cơ quan hành chính, pháp lý công đặc biệt có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ người tị nạn và sự hội nhập của họ vào cơ cấu xã hội. (Fides 2/3/2023)
Ngọc Yến