VÀI SUY NGHĨ VỀ THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC NGUYÊN GIÁO HOÀNG BÊ-NÊ-ĐÍCH-TÔ XVI NGÀY 5-1-2023
VÀI SUY NGHĨ VỀ THÁNH LỄ AN TÁNG ĐỨC NGUYÊN GIÁO HOÀNG BÊ-NÊ-ĐÍCH-TÔ XVI NGÀY 5-1-2023
Vào đúng 09g30 phút sáng ngày thứ năm 5-1-2023 theo giờ Roma, tức là 15g30 chiều cùng ngày giờ VN, thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI đã diễn ra một cách trang nghiêm, sốt sắng, tuy bề ngoài có vẻ trầm lắng, gọn nhẹ, đơn giản nhưng không kém phần long trọng. Đến tham dự thánh lễ này có khoảng hơn 50 ngàn người tín hữu, cùng với 120 vị Hồng y, hơn 400 Giám mục và khoảng 4.000 linh mục đồng tế. Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cùng rất nhiều nhà báo từ các quốc gia cũng có mặt tại thánh lễ này. Đặc biệt, việc hát lễ an táng do ca đoàn tổng hợp gồm 250 ca viên đảm nhận.
Cũng vào thời điểm này, trên thế giới hàng triệu hàng triệu tín hữu Công giáo âm thầm, sốt sắng thông công thánh lễ an táng trực tuyến của vị nguyên Giáo hoàng (cũng là một thần học học gia nổi tiếng) thọ 95 tuổi. Thánh lễ kết thúc, nhiều người đã tỏ ra “ngỡ ngàng” vì đã được tham dự và chứng kiến một thánh lễ an táng quá đơn giản, quá ngắn gọn của một nhà thần học nổi tiếng Joseph Ratzinger và cũng là vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo toàn cầu trong gần 10 năm (2005-2013). Có vài người đã mạo muội nêu lên ý kiến, so sánh thánh lễ an táng này với nhiều thánh lễ an táng hay một số thánh lễ đặc biệt ở xứ ta, sao mà khác nhau thế! Và cũng có người cho rằng sự khác biệt đó chẳng qua là do văn hóa của từng dân tộc, từng quốc gia, từng vùng miền, hay khác biệt nhau vì thói quen, do tập tục nào đó…theo kiểu nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh!” vv.
Riêng tôi – người viết – đã chăm chú theo dõi và hiệp thông trọn vẹn thánh lễ an táng trực tuyến Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI hôm thứ năm 5-1 vừa qua, xin mạn phép được chia sẻ cùng quý độc giả một vài suy nghĩ với nội dung sau: Đây là một thánh lễ có rất nhiều cái “Không”, một thánh lễ có nhiều cái “Đẹp” và một thánh lễ có nhiều điều phải suy nghĩ.
1- Một thánh lễ có rất nhiều cái “Không”
Sau khi thánh lễ an táng này kết thúc, có lẽ cảm nhận đầu tiên của nhiều người trong chúng ta, đó là thánh lễ này có rất nhiều cái “Không”: Không vành khăn tang, không vòng hoa hay hoa trang trí, không di ảnh người quá cố, không cờ xí, không băng-rôn khẩu hiệu, không kèn, không trống, không đèn nến, không giới thiệu khách mời hay diễn văn khai mạc, không đọc điếu văn, không phát biểu cảm tạ, không ngỏ lời cám ơn tri ân… thậm chí cũng không quay phim, chụp hình, chớp chớp nữa. Tôi quan sát kỹ thì thấy trên bục đặt tượng Đức Mẹ ở bên trái bàn thờ chính có điểm chút hoa hồng vàng và phía đầu quan tài có để một chân đèn/ nến cao khoảng hơn 2m. Quan tài người quá cố được đặt sát đất, trên một cái cáng đơn sơ. Bên trên quan tài, người ta đặt một cuốn Kinh Thánh khá lớn… Có thể nói ngắn gọn, tất cả chỉ có thế, nhưng thánh lễ đã diễn ra thật là sốt sắng, trang nghiêm, đơn giản được cử hành giữa một rừng người im lặng, ngậm ngùi và thành kính.
Một linh mục, nhân sự kiện này đã gợi lại hình ảnh của một thánh lễ an táng tương tự đã lâu tại Roma, đưa nhận định: “Đơn giản, im lặng và lạnh lùng. Quan tài đặt ngay trên nền, rất đơn giản và lạnh lùng nhưng thành kính. Đúng như đặc tính của cái chết là đơn giản, lạnh lùng và im lặng. Nhắc lại, giống như nghi thức an táng Đức Hồng y Roberto Rucci, cựu giám đốc Radio Vatican, qua đời ở tuổi 94. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã tiễn biệt vị hồng y quá cố chiều thứ sáu 17-4-2015.” (Nguồn: FB linh mục Phạm Quang Long, Quảng Bình, ngày 07-1-2023).
Riêng về vấn đề băng rôn, biểu ngữ, nhờ có ống kính camera mà người ta có thể nhận ra có hai biểu ngữ, một cái ghi “Sancto Subito”, nghĩa là [hãy] phong thánh [cho ngài] ngay lập tức, và một biểu ngữ khác ghi tiếng Đức “Danke Benedict!” (Cám ơn [ĐTC] Bê-nê-đích-tô!). Tôi nghĩ hai biểu ngữ này cũng chỉ là những biểu ngữ tự phát xuất hiện lọt thỏm giữa rừng người tham dự thánh lễ chứ không phải là của ban tổ chức lễ tang. Ngoài ra, không thấy có thêm biểu ngữ nào khác kiểu “Thương tiếc…”, hay “Khóc thương…” hay “Vĩnh biệt…” như ở xứ ta! Và bên cạnh nhiều cái “Không” như ta đã biết, thánh lễ an táng này còn để lại nhiều ấn tượng vô cùng lớn bởi hội tụ rất nhiều cái “Đẹp”.
2- Một thánh lễ có nhiều cái “Đẹp”
Nét đẹp đầu tiên phải nói đến, đó là màu sắc. Ngoài màu sắc đỏ rực, màu hi vọng và niềm vui Phục sinh, của phẩm phục vị chủ tế và các Hồng y tham dự, là y phục màu đen và xen lẫn màu trắng, ngập tràn của hơn 50 ngàn người từ khắp nơi đến tham dự. Ống kính camera thỉnh thoảng lướt qua toàn cảnh lễ an táng. Ta thấy cả rừng người thành kính hiệp thông cầu nguyện. Quả thực hoành tráng nhưng trang nghiêm, vĩ đại nhưng giản dị, thánh thiêng nhưng khiêm tốn…
Bên cạnh ấn tượng của màu sắc, ta nhận ra một cái đẹp khác, đó là tiếng hát du dương trầm bổng của ca đoàn tổng hợp với hàng trăm ca viên. Khi vừa cất lên câu đầu của bộ lễ “Requiem”, người nghe cảm giác tâm hồn lắng đọng như đang chìm trong bầu khí huyền linh của Phụng vụ thánh. Nhiều lúc, tôi muốn nhìn xem ca đoàn đứng ngồi như thế nào nhưng tiếc là cái camera chỉ lướt qua đôi bàn tay dịu dàng, uyển chuyển của người ca trưởng điều khiển. Tôi nghĩ đó cũng là chủ đích của đạo diễn buổi lễ. Cái gì không quan trọng thì lướt qua. Điều này xem ra khác biệt với nhiều thánh lễ an táng ở xứ ta!
Một nét đẹp khác của buổi lễ không thể không nói đến. Đó là sự đa dạng ngôn ngữ trong Phụng vụ Lời Chúa qua sự thể hiện đại diện của các quốc gia trong thánh lễ. Ngoài bài giảng bằng tiếng Ý ngắn gọn, sâu sắc và đầy ý nghĩa của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô [1], các phần khác của Phụng vụ thánh lễ cũng được nhiều thành phần Dân Chúa đảm nhận. Hai bài đọc bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Lời nguyện tín hữu cũng kết hợp các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…Nhờ có thuyết minh viên người Việt của Vatican News tiếng Việt, nên mọi người có thể hiệp thông dễ dàng với phần Phụng vụ Lời Chúa này. Đây là thể hiện tính thống nhất của Phụng vụ thánh và sự đa dạng của thành phần trong cộng đoàn Dân Chúa toàn cầu.
Sau cùng không thể không đề cập đến diễn tiến buổi lễ và bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Có lẽ nhiều người Công giáo chúng ta không nghĩ rằng thánh lễ an táng của một vị nguyên Giáo hoàng, một nhà thần học nổi tiếng, mà lại đơn giản và gọn nhẹ đến thế. Thời lượng chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ với đầy đủ các nghi thức. Không có bài phát biểu mở đầu, hay lời giới thiệu khách quý, hoặc đôi dòng cám ơn sau lễ. Không kể lể công đức, cũng không nhấn nhá dài dòng đến tiểu sử người quá cố. Tất cả là một nghi lễ trọn vẹn với các nghi thức chuẩn mực. Thực ra, ngay sau khi Đức Bê-nê-đích-tô XVI qua đời lúc 9g34 phút sáng ngày 31-12-2022, phát ngôn viên của Tòa Thánh Vatican, ông Matteo Bruni cũng cho hay là theo di nguyện của người quá cố thì tang lễ sẽ được tổ chức thật đơn giản.
Riêng về bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong lễ an táng, người nghe cảm thấy như được đưa vào chiều sâu lắng đọng của đức tin và sự kính cẩn. Không hoa mỹ rườm rà, không đi ra khỏi trọng tâm của thánh lễ cầu nguyện cho người quá cố. Bài giảng của ngài vì thế ngắn gọn, đầy ý nghĩa và có sức mạnh dẫn người nghe vào chiều sâu của Tin Mừng Ki-tô giáo. Chính ngài đã từng dạy như sau:
“Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành. Nó là một thể loại đặc trưng, vì việc giảng dạy được đặt trong khung cảnh một cuộc cử hành phụng vụ; thế nên bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình. Một giảng viên có thể thu hút sự chú ý của người nghe trong suốt một giờ đồng hồ, nhưng lúc ấy các lời giảng của họ trở thành quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ ảnh hưởng tới hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ: sự cân bằng và nhịp độ.” (số 137) [2]
Viết đến đây, tôi xin được mạn phép kể lại câu chuyện sau:
Nhớ lại vào chiều ngày thứ hai 25-11-2019 tại hội trường thể thao Tokyo Dome (Nhật Bản), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến dâng thánh lễ đại trào cùng với hàng trăm linh mục và trên 50 ngàn giáo dân đến tham dự. Những ai theo dõi thánh lễ trực tuyến này, đều có chung một cảm nhận là khung cảnh và bầu không khí diễn ra thánh lễ thật trang nghiêm, long trọng và sốt sắng. Có người đã không ngần ngại thốt lên, “Ôi trên cả tuyệt vời!”.
Tuyệt vời không phải do những vòng hoa sặc sỡ, những bảng hiệu bắt mắt, những giàn âm thanh hoành tráng, những cờ quạt biểu ngữ rợp trời, những đội kèn-trống vĩ đại, những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, những bài phát biểu rườm rà lê thê vv. là những điều mà chúng ta dễ dàng được chứng kiến trong các buổi lễ ở ta hiện nay. Ở đây có thể nói ấn tượng về buổi lễ, chính là một sự trang nghiêm thanh thoát, sâu lắng được diễn tả thông qua khung cảnh, màu sắc chủ đạo và sự tối giản của buổi lễ.
Qua quan sát kỹ, người ta nhận thấy rằng bối cảnh diễn ra buổi lễ rất đơn giản nhưng không kém phần hiện đại. Trên lễ đài, phía sau ghế vị chủ tế là cây Thánh giá màu trắng vươn cao khoảng từ 10-12 m. Bên dưới có ba bức phông làm nền, bức chính giữa rộng hơn và cao hơn một chút. Chính giữa không gian cử hành thánh lễ là một bàn thờ trưng bày sáu cây nến và một thánh giá nhỏ cao khoảng 30 cm. Phía sau bàn thờ là ghế ngồi của ĐTC, dựa vào một tấm nền cao có gắn huy hiệu Giáo hoàng. Bục giảng được bố trí đặt phía bên trái của lễ đài. Ngoài ra, ban tổ chức cũng có đặt phía bên phải lễ đài một tượng Đức Mẹ bằng đồng cao khoảng 1m20. Không hoa, không nến. Tất cả chỉ có thế. Rất đơn giản.
Về màu sắc, có thể thấy ngay màu trắng chính là màu chủ đạo của buổi lễ. Toàn thể lễ đài đều sáng lên màu trắng biểu tượng cho sự thanh khiết, thánh thiện. Kế đến là phẩm phục của ĐTC Phan-xi-cô và các vị giám mục, linh mục đồng tế cũng toàn màu trắng. Riêng ca đoàn thì mặc đồng phục đen, gồm đủ mọi tuổi tác, thành phần tham gia. Chỉ có một sự khác biệt về màu sắc, đó là tấm thảm đỏ, đó có thể là màu hồng-y, được trải dài suốt từ phía dưới lên trên lễ đài. Màu đỏ hồng y đã nói lên sự kính trọng và sự tiếp đón đặc biệt đối với vị Cha chung của Hội thánh khi ngài là Đấng nhân danh Chúa đến với đoàn chiên.
Diễn tiến buổi lễ cũng diễn ra một cách bình thường như bao thánh lễ khác. Riêng bài phát biểu cám ơn sau thánh lễ của ĐTGM Kikuchi của Tokyo cũng rất ngắn, chỉ chừng 3 phút. Sau khi cám ơn xong, ĐTGM Tokyo cũng được vị đại diện của ĐTC trao quà lưu niệm. Thánh lễ kết thúc trong sự hân hoan tột cùng của mọi người, và dư âm của buổi lễ đọng lại trong tâm trí chúng ta về một cách tổ chức lễ nghi Công giáo của người Nhật. Không ồn ào, không phô trương, không hình thức, nhưng sâu lắng và thánh thiện.
Chúng ta biết rằng người Nhật luôn đề cao sự đơn giản, họ coi đó như một triết lý sống. Họ quan niệm lối sống tối giản sẽ đem lại hạnh phúc, tự do và sự bình an cho con người. Vì thế, trong việc tổ chức lễ nghi hay sự kiện tôn giáo, người Nhật cũng muốn thể hiện triết lý “sống tối giản” của họ. Đối với họ, sự đơn giản cũng là một cái đẹp phản ánh sự trong suốt của tinh thần và sự bình an của nội tâm. Sự đơn giản nhẹ nhàng trong lễ nghi Phụng vụ của người Nhật vừa qua đã khiến cho chúng ta suy nghĩ nhiều về khuynh hướng của người Công giáo ta hiện nay tại nhiều nơi trong nước, đó là thích tổ chức những lễ lạy quá thiên về hình thức bên ngoài, vừa rườm rà, vừa tốn kém, lại vừa làm suy giảm ý nghĩa căn cốt của buổi lễ.
3- Một thánh lễ có nhiều điều phải suy nghĩ…
Có lẽ biến cố ra đi về Nhà Cha của Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI đã khiến rất nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ nhiều về thân phận và cái chết của con người. Ở đây người viết xin đưa ra ba điểm suy tư ngắn, đó là về sự khiêm hạ của người Mục tử, về sự chết của người Ki-tô hữu và về đức tin, lòng mến Ki-tô giáo.
3.1 Về sự khiêm hạ của người Mục tử
Chúng ta biết rằng, Đức Hồng y Joseph Ratzinger được bầu vào ngày 19- 4-2005, là Giáo hoàng thứ 265. Ngài là người lớn tuổi nhất được bầu làm Giáo hoàng kể từ năm 1730, và là Hồng y trong một thời gian dài hơn bất kỳ Giáo hoàng nào kể từ năm 1724. Tuy nhiên, vào ngày 11-2-2013, trong Công nghị Công khai thường lệ để bỏ phiếu về một số Án Phong Thánh, Đức Bê-nê-đic-tô đã chính thức thông báo quyết định từ nhiệm với những lời sau:
“Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi đến chỗ chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa. Tôi ý thức rõ rằng thừa tác vụ này, do bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn bằng lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, trước biết bao thay đổi nhanh chóng và bị lung lay bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì sức mạnh tinh thần và thể xác đều cần thiết, sức mạnh mà trong vài tháng qua, đã sa sút trong tôi đến mức tôi phải nhận ra mình không có khả năng chu toàn thánh chức được giao phó một cách thích đáng. Vì lý do này, và ý thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của hành động này, tôi hoàn toàn tự do tuyên bố rằng tôi từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, Người kế vị Thánh Phêrô.”
Triều đại giáo hoàng của ngài kết thúc vào ngày 28-2-2013. Sau khi đơn từ chức của ngài có hiệu lực, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã sống ở Vatican trong Tu viện Mater Ecclesiae cho đến khi ngài qua đời vào ngày 31-12-2022. [3]
Sau cái chết êm đềm của Đức Bê-nê-đích-tô XVI, mọi người trong và ngoài Hội thánh Công giáo đều ca tụng ngài là một vị Giáo hoàng thánh thiện, một nhà thần học uyên bác và một mục tử khiêm tốn. Sự khiêm tốn của ngài chẳng những được thể hiện qua việc ngài từ chức ngôi vị Giáo hoàng mà biểu lộ trong suốt cuộc đời mục tử của ngài.
Trong bài giảng bế mạc Năm Linh mục, lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, Quảng trường Thánh Phê-rô, ngày 11-6-2010, Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô đã chia sẻ: “Chức linh mục không chỉ đơn thuần là ‘Chức vụ’ nhưng là Bí tích: Thiên Chúa dùng chúng ta là những người đàn ông hèn kém, để qua chúng ta, Thiên Chúa hiện diện với mọi người nam nữ và hành động vì họ. Sự táo bạo này của Thiên Chúa, Đấng phó mình cho nhân loại – Đấng, biết rõ sự yếu đuối của chúng ta, nhưng vẫn cho là chúng ta có khả năng hành động và hiện diện thay cho Ngài – sự táo bạo này của Thiên Chúa là sự cao cả đích thực ẩn chứa trong từ ‘chức linh mục’.” [4]
Sự khiêm-tốn-mục-tử của ngài lan tỏa trong Giáo hội Công giáo xuất phát từ ước vọng thâm sâu về một Giáo hội cần trở nên nhỏ bé hơn, thiết yếu hơn, nghèo hơn, thiêng liêng hơn, xác thực hơn.
Bản tin của Vatican News ngày 14-4-2022 đã cho hay, trong buổi gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên tại Toà Sứ Thần ở Rabat trong chuyến tông du đến Malta ngày 03-4-2022, ĐTC Phan-xi-cô đã trả lời một số câu hỏi do các tu sĩ đặt ra về tương lai của Giáo hội, về ơn gọi linh mục tu sĩ và về công cuộc loan báo Tin Mừng. Để trả lời câu hỏi về tương lai của Giáo hội, bản tin trên cho biết câu trả lời của ĐTC Phan-xi-cô như sau:
“Đức nguyên Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI là một ngôn sứ về tương lai của Giáo hội. Một Giáo hội sẽ nhỏ hơn, không còn những đặc quyền, khiêm tốn, xác thực hơn, và sẽ tìm được năng lượng cho những điều thiết yếu. Đó là một Giáo hội thiêng liêng, nghèo và ít chính trị hơn. Giáo hội của những người bé nhỏ. Khi còn là Giám mục, Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã nói: Chúng ta phải chuẩn bị để trở thành một Giáo hội nhỏ hơn. Đây là một trong những trực giác sâu sắc của ngài”. [5]
Được biết trong Thượng Hội đồng Giám mục về “Tân Phúc âm hoá để thông truyền đức tin Kitô giáo”, một tiếng nói từ Châu Á, Đức Hồng y Tagle có lý khi nhấn mạnh rằng: nếu Hội thánh muốn khơi dậy tinh thần truyền giáo trong thế kỷ XXI, Hội thánh cần có 3 phẩm chất: khiêm tốn, đơn giản, khả năng thinh lặng. [6]
Thực vậy, qua những gì mà chúng ta chứng kiến được trong thánh lễ an táng Đức nguyên Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI hôm 5-1-2023 vừa qua, mọi người tin tưởng rằng Hội thánh Công giáo đã và đang hướng đến việc sống và thể hiện 3 phẩm chất mà Đức Hồng y Tagle đã đề cập (Khiêm tốn, đơn giản và khả năng thinh lặng).
3.2 Về sự chết của người Ki-tô hữu
Thoạt đầu khi chúng ta chứng kiến một tang lễ bề ngoài xem ra có vẻ quá buồn tẻ thông qua hình ảnh một cỗ quan tài nằm sát mặt đất, đặt trên một cái cáng 4 người khiêng, không hoa nến, không khói nhang nghi ngút, không cả một tấm ảnh chân dung vĩnh biệt… chúng ta dễ liên tưởng tới cảnh tượng lạnh lùng, cô đơn, im lặng của cái chết.
Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ an táng hay dự buổi đọc kinh cầu nguyện cho một người tín hữu đã qua đời, thường chúng ta mang hai tâm trạng trái ngược nhau. Một là đau buồn, xót xa vì phải chia lìa vĩnh viễn người quá cố, hai là vui mừng và hi vọng vì tin rằng “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Không người Ki-tô hữu nào mà lại không xác tín rằng chết là một cuộc ly trần để vượt qua thế gian này về Nhà Cha. Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Riêng đối với những người chết trong ân sủng Đức Ki-tô, chết là về với Chúa, là được lên thiên đàng, là tham dự vào cái chết của Chúa để sau cùng được thông dự vào sự Phục sinh vinh quang của Ngài.
Đức Thánh cha Phan-xi-cô, khi nói về Thiên đàng là đích điểm niềm hy vọng Ki-tô giáo, đã chia sẻ như sau: “Trong giờ chết, Kitô hữu lập lại với Chúa Giêsu: ‘Xin Chúa nhớ đến con’. Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Đó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương...
Nếu chúng ta tin điều đó, thì cái chết không còn làm cho chúng ta sợ hãi nữa và chúng ta cũng có thể hy vọng rời khỏi thế giới này một cách thanh thản, với bao nhiêu lòng tín thác. Ai đã biết Chúa Giêsu, thì không còn sợ hãi gì nữa. Và chúng ta cũng có thể lập lại những lời của cụ già Simeon, cụ cũng đã được phúc gặp gỡ Chúa Kitô, sau trọn cuộc đời chờ đợi: ‘Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo lời Ngài, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa’ (Lc 2,29-30).” (Nguồn vi.radiovaticana.va/news).
Nhân đây, nhắc lại trong bài giảng thánh lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Maria Hồn xác lên trời, Giáo xứ Thánh Thomas of Villanova, Castel Gandolfo, ngày 15-8-2010, Đức Cố Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI đã nói như sau: “Sự thanh thản, hy vọng và bình an của chúng ta thực sự dựa trên điều này: trong Thiên Chúa, trong tư tưởng, và trong tình yêu của Ngài, không phải chỉ có một ‘cái bóng’ của chúng ta tồn tại, mà trái lại, chúng ta được gìn giữ và đưa vào cõi vĩnh hằng với toàn thể con người chúng ta ở trong Thiên Chúa, và trong tình yêu sáng tạo của Ngài. Chính Tình Yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết, và ban cho chúng ta sự vĩnh cửu, và chính tình yêu này mà chúng ta gọi là ‘Thiên Đàng’: Thiên Chúa cao cả đến nỗi Ngài cũng dành chỗ cho chúng ta”. [7]
Trong đức tin, người Ki-tô hữu chúng ta luôn được mời gọi đón nhận cái chết như là một biến cố “đổi đời” chứ không phải là “chết là hết!”.
Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su trong tập sách về những lời cuối cùng, đã thốt lên: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống”. Sự chết chính là ngưỡng cửa để con người bước vào sự sống khác, như lữ khách vượt qua dòng sông sang bờ bên kia để đến miền đất tươi sáng, diệu kỳ, vĩnh cửu. Ngay cả những Ki-tô hữu bình thường cũng có cảm nhận lạc quan về sự chết. Chẳng hạn, nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart đã nói: “Tôi cảm ơn Chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc”. Còn ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng John Lennon cũng đã phát biểu: “Tôi không sợ chết vì tôi không tin vào nó. Đó chỉ là ra khỏi xe này và vào xe khác”.
Đức tin Ki-tô giáo cho ta biết rằng khi chết thì thân xác tiêu tan nhưng linh hồn thì tồn tại và sẽ trở về với Thiên Chúa để được xét xử. Thực vậy, “Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn ” (GLHTCG số 1022). Và “Cái nhìn Ki-tô giáo về sự chết được diễn tả đặc biệt trong phụng vụ: ‘Lạy Chúa! Đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi trú ngụ dưới trần gian bị hủy diệt, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời’ (Sách lễ Rô-ma, kinh tiền tụng cho kẻ qua đời).” (GLHTCG số 1012)
Đối với chúng ta, là con cái Thiên Chúa, Đấng nguồn mạch sự sống, thì sự chết chính là biến cố đưa ta vào cõi sống. Thánh Phao-lô đã từng mong chết để được sống, ngài nói: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi…” (Pl 1, 21-23), và “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cor 5, 8).
3.3 Về đức tin, lòng mến Ki-tô giáo
“Nền tảng của thế giới là tình yêu”. Sau khi Đức nguyên Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI qua đời, cả thế giới nhắc đến câu nói ngắn gọn này của ngài. Ngài chính là vị Giáo hoàng có đức tin trổi vượt và có lòng mến dạt dào.
Chúng ta hãy nghe chứng từ sau đây của một nữ tu đến kính viếng thi hài Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI. Sơ Concilia Odea, Dòng Sisters of Jesus the Good Shepherd, Nigeria, sinh viên thần học, Đại học Giáo hoàng Urbaniana đã chia sẻ với phóng viên phỏng vấn chị:
“Đức Bê-nê-đíc-tô là một nhà thần học vĩ đại của thời đại chúng ta, và đối với tôi, ngài là một vị Thánh. Lắng nghe những buổi tiếp kiến, và đọc một số tác phẩm của ngài, tôi có thể thấy rằng ngài có tình yêu dành cho Thiên Chúa, và ngài thực sự làm việc cho Thiên Chúa. Bạn có thể tưởng tượng câu nói cuối cùng của ngài là ‘Lạy Chúa, con yêu Chúa’.
Tóm tắt các điều răn là mến Chúa, yêu người lân cận và yêu chính mình.
Đối với Đức Bê-nê-đic-tô, việc nói về Chúa Giê-su cũng giống như thực hiện sứ mạng của Chúa Ki-tô là chúng ta phải nói về Thiên Chúa cho đến tận cùng thế giới. Và Đức Bê-nê-đic-tô là một nhà truyền giáo, ngài đã rao giảng cho cả thế giới, và ngài đã làm điều đó rất tốt. Vì vậy, đối với tôi, Đức Bênêđictô đang ở bên Thiên Chúa, với vương miện như là nhà truyền giáo vĩ đại của thời đại chúng ta.
Tại đất nước của tôi, bạo lực xảy ra ở phía bắc, đông, nam và tây Nigeria, chúng tôi cầu nguyện rằng nhờ sự cầu bầu của Đức Bê-nê-đic-tô, Thiên Chúa sẽ mang lại sự chữa lành cho Nigeria. Chúng tôi có thể có hòa bình, bởi vì tất cả chúng ta đều được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.” [8]
Và đây là những câu nói đáng ghi nhớ của Đức cố Giáo hoàng:
Về vấn đề tìm kiếm hạnh phúc, ngài chia sẻ: “Càng noi gương Chúa Giêsu và càng kết hợp với Người, chúng ta càng đi vào mầu nhiệm của sự thánh thiện thần linh của Người. Chúng ta khám phá ra rằng Người yêu thương chúng ta vô bờ bến, và do đó, thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình. Yêu thương luôn đòi hỏi hành động từ bỏ chính mình, ‘đánh mất chính mình’, và chính điều này làm cho chúng ta hạnh phúc.” (Bài giảng Lễ Các thánh, Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô, ngày 01-11-2006)
Khi diễn giải Thiên Chúa là tình yêu, ngài nói: “Thiên Chúa không phải là một thế lực thống trị, một thế lực xa vời; trái lại, Thiên Chúa là tình yêu và Ngài yêu tôi – và như vậy, cuộc sống cần được Ngài hướng dẫn bằng sức mạnh gọi là tình yêu.” (Lời chứng cuối cùng/ Last Testament, 2016) [9]
Trong bài viết có tựa “Tưởng nhớ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI”, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giáo phận Mỹ Tho, đã có đoạn viết như sau:
“Cách riêng, Đức Bênêđictô XVI đã lưu lại cho Giáo Hội 3 thông điệp quan trọng. Thông điệp đầu tiên của Đức Bênêđictô XVI là Deus caritas est, tóm kết giáo huấn của ngài về tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nền tảng cho đời sống và dẫn đến những câu hỏi quan trọng của đức tin : Thiên Chúa là ai? Chúng ta là ai? Vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, nên yêu thương không chỉ đơn thuần là điều răn phải giữ, nhưng là sự đáp lại của chúng ta trước tình yêu của Chúa. Tình yêu ấy bao gồm toàn bộ đời sống con người. Trong tình yêu, phải biết cho đi và cũng biết đón nhận. Khi người Kitô hữu sống thân tình với Chúa, họ học nhìn người khác bằng cặp mắt của Chúa: ‘Nhìn bằng cặp mắt của Chúa Giêsu, tôi có thể trao tặng người khác những gì lớn lao hơn những nhu cầu bên ngoài, tôi có thể trao cho họ cái nhìn yêu thương mà họ khao khát’.” [10]
Aug. Trần Cao Khải
______________
[1]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bai-giang-duc-thanh-cha-phanxico-trong-thanh-le-an-tang-duc-benedicto-xvi-49101
[2]http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm
[3]https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Tin-Tuc/Tieu-Su-Chinh-Thuc-Cua-Duc-Nguyen-Giao-Hoang-Benedicto-XVI.htmlMon,02/01/2023 (Nguồn: vaticannews.va)
[4]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/than-hoc-cua-duc-benedicto-xvi-qua-12-loi-trich-dan-don-gian-
[5]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-04/dtc-tuong-lai-giao-hoi-thuoc-ve-nhung-nguoi-be-nho.html
[6]http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/song-mau-nhiem-tu-huy-kenosis-cua-duc-kito-8278.html
[7]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/than-hoc-cua-duc-benedicto-xvi-qua-12-loi-trich-dan-don-gian-
[8]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-sao-nhieu-nguoi-xep-hang-kinh-vieng-duc-benedicto-xvi–49103
[9]https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/than-hoc-cua-duc-benedicto-xvi-qua-12-loi-trich-dan-don-gian-
[10]http://giaophanmytho.net/giao-phan-my-tho/tuong-nho-duc-giao-hoang-benedicto-xvigm-phero-nguyen-van-kham-37316.html