Quyền uy cứu độ
10.1 Thứ Ba Thứ Ba trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
Dt 2:5-12; Tv 8:2,5,6-7,8-9; Mc 1:21-28
Quyền uy cứu độ
Theo Tin Mừng Mác cô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỉ” (Mc 1,39). Sau khi kêu gọi những môn đệ đầu tiên, hôm nay Người dẫn các ông đến hội đường Caphácnaum vào ngày sa bát. Bản văn Tin Mừng hôm nay được xem như bài tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu: giảng dạy và trừ quỷ. Cả hai đều tỏ cho thấy uy quyền có sức cứu độ của Ngài.
Khi Chúa Giêsu lên tiếng trong hội đường, ai nấy đều sửng sốt bỡ ngỡ về lời Người giảng dậy, vì “Người giảng dạy như một đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Các kinh sư giảng dạy ra sao ? Đối với người Do Thái, điều thiêng liêng nhất là Luật Môsê. Luật chứa đựng tất cả những gì cần thiết để hướng dẫn đời sống và đức tin.
Do đó tất cả việc phải làm là ra sức nghiên cứu Luật thật cặn kẽ thấu đáo, và giữ Luật thật tỉ mỉ cẩn thận. Tuy nhiên, bởi vì Luật của Môsê chỉ dạy cách tổng quát, nên cần phải được giải thích, triển khai cho sáng tỏ chi tiết để biến thành quy tắc hướng dẫn hành động trong mọi tình huống của cuộc sống. Bởi vậy có cả một giai cấp học giả là các kinh sư chuyên về Luật, rút ra từ Luật hằng hà sa số chẳng bao giờ cùng những luật lệ qui tắc, chồng chất lên vai người dân như những “gánh nặng” (Mt 11,28; 23,4). Công việc của họ là giảng dạy nhân danh Luật: “Luật dạy rằng…”, chứ không dám tự mình dạy bảo điều gì. Do đó, họ chỉ thường “nói mà không làm” (Mt 23,3), thậm chí còn “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Họ giảng dạy chỉ để tỏ ra mình thông thái đạo đức, hoặc để tìm kiếm hưởng những mối lợi cho bản thân (Mc 12, 38-40).
Chúa Giêsu vào hội đường Capharnaum trong ngày hưu lễ để giảng dạy, người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài. Giáo huấn của Đức Kitô mới mẻ vì biểu lộ tình yêu thương vô vị lợi. Ngài dạy dỗ như Đấng có uy quyền vì lời Ngài có sức biến đổi, có sức tiêu diệt thần ô uế. Sự hiện diện của Đức Giêsu làm cho thần ô uế phải tru tréo lên. Mặc dù đối kháng với Thiên Chúa, nhưng ma quỷ cũng phải tuyên xưng Ngài là Đấng thánh của Thiên Chúa và Ngài đã chiến thắng chúng.
“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ”
Khi giảng dạy, các rabbi Do thái phải dựa theo truyền thống của cha ông chứ không dám có ý kiến riêng; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.
Chúa Giêsu là bậc Thầy duy nhất hiểu rõ và làm chủ hoàn toàn sứ điệp của Ngài cũng như thấu suốt khả năng thu thập của người nghe những gì hữu ích cho họ trong hoàn cảnh thực tế. Tước vị Thầy đó đã được chính Chúa Giêsu xác nhận với các môn đệ trong bữa tiệc ly: “Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa thì thật là đúng: kỳ thực Ta là thế” (Ga 13,13).
Thật khác xa với Chúa Giêsu, điều mà đám đông dân chúng nhận ra ngay từ khi Người bắt đầu lên tiếng dạy dỗ họ. Người giảng dạy với uy quyền, với lời nói có sức mạnh. Đằng sau những lời Người nói, Người tỏ ra Người có uy quyền của Thiên Chúa, uy quyền ấy không nhằm tìm kiếm gì cho bản thân ngoài ân sủng giúp lay chuyển lòng con người đưa đến hoán cải và ơn cứu độ. Đối với dân chúng, những lời của Chúa Giêsu thật mới mẻ và có sức đánh động.
Lời của Chúa Giêus làm cho dân chúng sửng sốt kinh ngạc, thì việc làm của Người khiến họ càng kinh ngạc hơn: có một người bị quỉ nhập ở ngay trong hội đường, và chỉ khi gặp Chúa Giêsu nó mới hét lên vì thấy mình yếu thế hơn. Nó thấy có “Đấng Thánh” mạnh hơn, quyền thế hơn nó, có khả năng tiêu diệt vương quốc của nó: “Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ?” (Mc 1,24). Chúa Giêsu không làm bùa chú ma thuật như các thầp pháp trừ quỷ thường làm, Người chỉ ra lệnh: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Mc 1, 26). Thần ô uế vâng lời. Chúa Giêsu đã dùng quyền năng của Người để giải thoát loài người khỏi sức mạnh đen tối của quỷ dữ.
Trong Tin Mừng của Mác cô, hoạt động trừ quỷ của Chúa Giêsu chiếm một vị trí quan trọng (Mc 1,34-39; 3,11-12; 5,1-20; 9,14-29). Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ quỉ này (Mc 3,15; 6,7.13). Người công bố: “Nếu Tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28). Chúa Giêsu đúng là Đấng cứu độ loài người, sứ mạng của Người là cứu loài người khỏi tay ma quỉ, khỏi thần chết. Người tới đâu là quỉ dữ bị xua trừ, như ánh sáng đến đâu thì bóng tối bị đẩy lui tới đó. Người đi đến đâu thì Tin Mừng Nước Trời được rao giảng, người bệnh được chữa lành, kẻ tội lỗi được hoán cải thứ tha… ma quỉ và mọi sự dữ chúng bày ra để hãm hại loài người bị thất bại tới đó.
Kèm theo lời giảng dạy, Chúa Giêsu còn làm một phép lạ chữa một người bị quỷ ám. Phép lạ này chứng minh Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền trên quỹ dữ, Ngài đến để chấm dứt quyền thống trị của tà thần trên con người. Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện gây hứng thú và kinh ngạc nơi dân chúng. Trái lại, những kẻ chống đối Chúa thì hạch sách Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?” Họ không muốn công nhận những việc Chúa làm, họ mơ một Vị Cứu tinh hùng mạnh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, trong khi đó Chúa Giêsu lại đến giải phóng con người khỏi quyền lực của ma quỷ và tội lỗi.
Nguyện cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm xác tín rằng: sứ mệnh cứu thế phát xuất từ nơi Chúa và tiếp tục trong Giáo hội. Giáo hội đã lãnh nhận kho tàng đức tin và quyền thánh hoá và giáo huấn từ nơi Chúa. Xin cho chúng ta luôn trung thành với Giáo hội và sẵn sàng đón nhận giáo huấn của các chủ chăn mà Chúa đã đặt lên hướng dẫn Dân Chúa trên đường tiến về Nước trời.
Thần ô uế, hoặc ma quỷ, là những thiên thần sa ngã, chúng liên kết với Satan để chống lại Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài. Chúng cám dỗ con người phạm tội và gây ra biết bao đau khổ trong đời sống con người. Thế nhưng bất cứ khi nào chúng đối diện với Chúa Giêsu, chúng đều thảm bại. Chúa Giêsu dùng quyền năng của Thiên Chúa để giải thoát con người khỏi sự thống trị của ma quỷ.