Vì sao Hội Thánh mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 mà không phải vào một ngày khác?
Vì sao Hội Thánh mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 mà không phải vào một ngày khác?
Có một giả thuyết phổ biến là Hội Thánh kế thừa ngày 25 tháng 12 từ ngày lễ ngoại giáo của người La Mã, như lễ hội Saturnalia cho thần nông hay lễ hội Sol Invictus cho thần mặt trời. Nhưng hoàn toàn không có một tài liệu nào từ những thế kỷ đầu cho thấy Hội Thánh tiếp nhận những lễ hội này.
Việc gán ghép những thực hành của Công giáo với các nghi lễ ngoại giáo chỉ mới phổ biến vào thế kỷ 18. Chẳng hạn giả thuyết người Công giáo tiếp thu lễ thần mặt trời là do một mục sư tên Paul Ernest Jablonski (mất 1757) đề xuất.
Các giả thuyết trên không phù hợp với lịch sử. Lễ hội Saturnalia là vào 17 tháng 12, và dần về sau thì kéo dài đến 23 tháng 12 – cho nên ngày 25 tháng 12 không liên quan gì cả.
Người ta cũng nói là hoàng đế Aurelian (214-275) thiết lập lễ “Ngày sinh của thần mặt trời” vào ngày 25 tháng 12, và Hội Thánh du nhập lễ này vào. Nhưng không có minh chứng rõ ràng cho việc hoàng đế Aurelian đích thân thiết lập lễ này. Tài liệu đầu tiên đề cập đến việc một vị thần được tôn vinh vào ngày 25 tháng 12 là một cuốn lịch năm 354 (Chronography of 354) do ký lục Filocalus soạn thảo.
Chưa kể tài liệu sớm nhất cho việc các Kitô hữu mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 còn xuất hiện trước khi hoàng đế Aurelian ra đời.
––––––––––
Hồng y Ratzinger trong cuốn Tinh thần Phụng vụ đã viết rằng: “Thật đáng ngạc nhiên là việc tính toán ngày Chúa Giáng Sinh bắt đầu từ ngày 25 tháng 3”. Tức là các Kitô hữu ngày xưa chọn ngày 25 tháng 3 làm điểm mốc để tính toán, chứ không ấn định thẳng ngày 25 tháng 12.
Ngày 25 tháng 3 có gì? Giáo phụ Tertullian viết vào năm 197, “Chúa tử nạn trên thập giá vào tháng 3 trong Lễ Vượt Qua, 8 ngày trước khi vào tháng 4”. Tức là theo truyền thống và cách tính từ ngày Lễ Vượt Qua, Tertullian cho rằng Chúa tử nạn vào ngày 25 tháng 3. Thánh Hippolytus cũng viết vào năm 204 rằng:
“Khi Chúa chúng ta đến trong xác thịt, Ngài sinh tại Bêlem vào thứ tư ngày 25 tháng 12, khi mà Augustus đang trị vì năm thứ 42, nhưng là 5500 năm kể từ thời Adam. Ngài chịu tử nạn năm 33 tuổi, vào thứ sáu ngày 25 tháng 3, khi mà Tiberius trị vì năm thứ 18.” (Commentary on Daniel)
Kitô hữu thời xưa tin rằng Đức Kitô được thụ thai và qua đời vào cùng một ngày, nên cộng thêm 9 tháng cưu mang thì sẽ được ngày 25 tháng 12. Thế nhưng tư tưởng này đến từ đâu? Nhiều học giả cho rằng đây bắt nguồn từ ý niệm của người Do Thái về các ngôn sứ, nhưng cũng có một cách lý giải thần học hơn. Chúng ta có dữ kiện từ thánh Augustinô:
“Vì Chúa Giêsu được xem là thụ thai vào ngày 25 tháng 3, và đây cũng là ngày Ngài chịu tử nạn. Vì nơi cung lòng Đức Trinh Nữ mà Ngài thụ thai – nơi mà trước đó không có người phàm nào được sinh ra, thì tương ứng với ngôi mộ Ngài được chôn cất, nơi mà chưa có ai được an táng từ trước tới nay. Theo truyền thống, Ngài được sinh vào ngày 25 tháng 12.” (On the Trinity)
Ở đây thánh Augustinô nhấn một điểm sáng vào chi tiết ngôi mộ Chúa mà chúng ta thường bỏ qua. Ba cuốn Tin Mừng chỉ ra rằng ngôi mộ Chúa là ngôi mộ mới:
Mátthêu viết, “Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông.” (Mt 27, 60)
Luca viết, “Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ.” (Lc 23, 53)
Đặc biệt hơn là tuy Tin Mừng Gioan vốn viết rất khác các cuốn Nhất Lãm, nhưng cũng đề cập, “Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.” (Ga 19, 41)
Tại sao các thánh sử lại chú ý đến chi tiết này? Bởi vì họ muốn cho thấy ngôi mộ này là “thánh” (hagios), được biệt riêng ra cho Chúa. Đây cũng là cách các Kitô hữu hiểu về Đức Mẹ: xác thịt và linh hồn Mẹ cũng được biệt riêng cho Chúa.
Như tiên tri Ezekiel đã viết, “Cổng này sẽ đóng; người ta sẽ không mở và không ai được vào, qua cổng này, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, đã tiến vào qua cổng ấy. Vì thế cổng này đóng.” (Ed 44, 2). Các Kitô hữu thời đầu, chẳng hạn như chính thánh Augustinô, cũng cho rằng đây là lời tiên báo rõ ràng về sự đồng trinh của Mẹ.
Nếu chúng ta không đọc và “nhai” Sách Thánh như cách các tín hữu ngày xưa đã làm, thì chúng ta sẽ nghĩ rằng việc Hội Thánh mừng Chúa Giáng Sinh vào 25 tháng 12 là việc ngẫu hứng, hoặc có khi bị sa vào những giả thuyết không rõ ràng mới xuất hiện vào thời hiện đại.
––––––––––
Trang để đọc:
Joe Heschmeyer, “What’s So Important About December 25?”
Steven Hijmans, “Sol Invictus, the Winter Solstice, and the Origins of Christmas”
Joseph Ratzinger, Spirit of Liturgy
Khánh Nguyễn