Ở Montréal, Canada, một giáo xứ cho người công giáo đồng tính
Ở trung tâm của Làng, khu phố lịch sử của cộng đồng LGBT ở Montréal có nhà thờ Thánh Phêrô Tông đồ theo đuổi sứ mệnh “chào đón tín hữu không điều kiện”.
Ông Yves Côté còn nhớ chiếc bánh sandwich ông ăn ngày hôm đó, năm 1995 và những phút dẫn đến khoảnh khắc ông đặt chân vào nhà thờ một lần nữa, sau mấy chục năm trốn nơi thờ phượng này. Từ lâu ông nhớ thánh lễ: “Tôi nói chuyện tôi nhớ thánh lễ với các bạn tôi, và một trong các bạn tôi nói, ‘anh biết họ nói gì trong nhà thờ không? Họ nói, những người như chúng ta sẽ xuống hỏa ngục.’ Tôi không muốn nghe bạn tôi nói tiếp, tôi đứng dậy trả tiền rồi đi về.”
Khi ra tiệm, ông nghe tiếng chuông và ông đến gần. Trong nhà thờ, cha Claude Saint-Laurent đang làm lễ. Ông nhớ những lời cha giảng. Cha nói, cha muốn chào đón tất cả mọi người vào nhà thờ: người tái hôn, người ly hôn… hay đồng tính. Ông nói: “Tôi đã khóc suốt buổi lễ.”
Sau đó, linh mục dành cả buổi tối để nói chuyện với ông. “Tôi đã có bốn mươi năm cuộc đời để kể với cha.” Lúc đó, ông thấy đời mình là cả một vực thẳm trống rỗng. Ông lấp bằng cách dùng tiền mua ma túy và mại dâm. “Nghe xong câu chuyện, cha Claude đề nghị tôi làm người sinh hoạt mục vụ, tôi hỏi cha có điên không… cha nói, những người đến nói chuyện với cha, cha không phán xét họ, vì cha đã trải qua tất cả những gì họ đã trải qua.” Ông Yves đã làm trong 25 năm, cho đến năm 2020.
Nơi lắng nghe cộng đồng đồng tính nam
Mới đầu việc hội nhập mọi người ở nhà thờ Thánh Phêrô Tông đồ có nhiều phản ứng khác nhau. Khi thánh lễ kết thúc, ông Yves nhớ lại lời của các giáo dân đã quen nghe các bài giảng cổ điển, khi ra ngoài sân nhà thờ họ nói rất to “họ sẽ không đi lễ với những người xấu xa”. Quá trễ. Thông điệp của cha Claude đã được nghe. Chúa nhật sau, giáo dân không còn nữa, nhưng có nhiều người khác đến. “Sau bài giảng của cha Claude có 20 tín hữu bỏ đi nhưng có 40 người khác đến. Tất cả chúng tôi đều nói có một nhà thờ mà người đồng tính có thể cảm thấy mình được đón nhận.”
Một đón nhận cũng chữa lành các vết thương của thời đại. Trong những năm 1980 và 1990, bệnh AIDS đã giáng nặng nề xuống cộng đồng đồng tính nam. Những người đàn ông trẻ chết, và những người còn lại có một số tìm an ủi ở nhà thờ. Bữa ăn trưa sau thánh lễ, tổ chức các buổi hội thảo đặc biệt là về chủ đề “Kinh thánh và đồng tính”.
Trong hai mươi lăm năm, ông Yves nghe tất cả. Các thanh niên đồng tính không vui khi đi lễ, tay chân họ bị trói vì ‘cha mẹ nói nếu không họ sẽ bị thiêu trong hỏa ngục”; một phụ nữ trẻ khóc hết nước mắt khi nghe linh mục nói ‘đồng tính nữ’, gia đình cô cấm không được nói từ này trong nhà.
Người thừa kế cha Claude Saint-Laurent
Một phần tư thế kỷ trôi qua, giáo xứ Thánh Phêrô Tông đồ làm nên lịch sử ở Làng. Mọi người đều nhớ đến ông Yves thời nhà thờ “còn đi trên vỏ trứng”. Khi cha Claude chuẩn bị tìm người kế vị, cha giao cho ông Yves phỏng vấn người thay thế cha. “Tôi hỏi họ, ‘cha có thoải mái với đa số giáo dân là người đồng tính không?’ Họ trả lời: ‘Chừng nào mọi người giữ im lặng…’ Họ không hiểu chúng tôi đang làm gì ở đây. Cho đến khi tôi tìm được người tốt.”
Cuối cùng người tốt là cha Yoland Ouellet, giám đốc quốc gia của Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng ở Canada vùng nói tiếng Pháp. Là linh mục giáo xứ, cha duy trì di sản của cha Claude Saint-Laurent, nhà thờ vẫn còn rất nhiều sức sống, dù tất cả giáo dân chưa trở lại sau nhiều đợt đại dịch. Giáo dân cũ nói với giáo dân mới: “Những khuôn mặt mới cũng đã đến. Quý vị hãy đến đây vào một ngày chúa nhật. Tôi rất vui khi ở đây.”
Rời khỏi nơi này, ông Yves nhớ lại những gì ông đã cảm nhận khi lần đầu tiên ông nghe cha Claude. “Tôi nhận ra, trong suốt những năm này, tôi không bỏ Giáo hội của Chúa Kitô, nhưng bỏ Giáo hội của những người lên án tôi.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch