Giáo hoàng đi ngược đồng hồ
Giáo hoàng đi ngược đồng hồ
Tin tức Vatican dưới con mắt của phóng viên chúng tôi tại Rôma. Khi cuộc đấu giá chiếc đồng hồ của giáo hoàng tiết lộ điều gì đó trong tương quan của ngài với thời gian.
Cho tôi xem đồng hồ của bạn và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai. Không làm buồn lòng nhà báo Jacques Séguéla, giáo hoàng Phanxicô 85 tuổi vẫn chưa có chiếcRolex, ai cũng thấy, ngài chỉ có chiếc Swatch trị giá 60 âu kim trên thị trường để đem bán đấu giá. Một chiếc đồng hồ hợp với chiếc Fiat 500 nhỏ xíu, đôi giày chỉnh hình bình dân thực dụng, gần như là biểu tượng của sự từ chối khỏi thế giới xa xỉ tiêu dùng. Vì danh tiếng của ngài, dự trù tiền thu được sẽ từ 10.000 đến 100.000 âu kim (hiện đã được 20.000 âu kim) và sẽ dành cho Quỹ học bổng Brian LaViolette để cấp học bổng cho các bạn trẻ thực hiện được giấc mơ của họ. Nếu chiếc đồng hồ mới đeo vào tay giáo hoàng bây giờ thì nó rất có ý nghĩa: bước vào tuổi già, con người không dùng đến dụng cụ để đếm thời gian, để chỉ nghĩ đến… tương lai.
Thật bất ngờ, giai thoại này – gần như một dụ ngôn! – lại giúp chúng ta hiểu thái độ của ngài trong những tháng gần đây. Khi những tin đồn ngài sẽ từ nhiệm và tình trạng sức khỏe của ngài, khi ngài ý thức mình đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, giai đoạn tuổi già, thì chưa bao giờ ngài nhắm đến thời gian dài lâu như vậy. Ngài lập công nghị hồng y tháng 8, các chuyến tông du… Gần đây, ngài còn kéo dài Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội, chia thành hai phiên họp, tháng 10 năm 2023 và năm 2024. Thêm nữa ngài cũng chưa bao giờ tỏ ra gắn bó với nguồn gốc của mình như vậy, ngày 19 tháng 11, ngài đến Asti thăm người chị họ mừng sinh nhật lần thứ 90, bà ở vùng Piedmont, cái nôi của gia đình Bergoglio đã di cư đến Argentina năm 1929.
Thời gian càng trôi qua, ngài càng quay về với gia đình I-Nhã của ngài, giống như ngài đi về nguồn cội của mình ở đó. Ngoài linh mục Antonio Spadaro nổi tiếng trong giới truyền thông, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo, người bạn đồng hành từ giây phút đầu của ngài, chúng ta còn có hồng y người Canada Michael Czerny, bộ trưởng bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện được ngài phong hồng y năm 2019, tổng giám mục Dòng Tên Jean-Claude Hollerich, giáo phận Luxembourg và là cựu giáo sĩ ở Nhật Bản, linh mục Juan Antonio Guerrero, được ngài bổ nhiệm làm trưởng Ban thư ký kinh tế năm 2020, hồng y người Ý Gianfranco Ghirlanda, cựu viện trưởng Giáo hoàng Học viện Gregorian, nhà giáo luật và là người chủ chốt trong việc cải cách Giáo triều, vừa được ngài phong hồng y tháng 8 vừa qua.
Trong số những nhân vật nổi bật của Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, trụ cột của cuộc cải cách, chúng ta còn có nữ tu dòng Xaviê Nathalie Becquart, chuyên gia về giáo hội học, được bổ nhiệm làm thư ký dưới quyền năm 2021, linh mục Giacomo Costa, tốt nghiệp triết học, thần học, thạc sĩ về xã hội học chính trị và đạo đức tại Trường Cao Đẳng Khoa học Xã hội tại Paris, EHESS, cũng như ông David McCallum người Mỹ, chuyên gia về lãnh đạo, cả hai đều là cố vấn cho Ban Thư ký của Thượng hội đồng.
Vì thế, với Đức Phanxicô, “thời gian thì cao hơn không gian” và khi bệnh tật hạn chế không gian và giới hạn đi đứng của ngài, Đức Phanxicô dường như đẩy nhanh thời gian hơn. Thêm nữa, ngài tâm sự về thời gian trôi qua. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo La Stampa của Ý, ngài cho biết, mỗi ngày ngài suy gẫm về đời mình theo Thánh I-Nhã, tuổi già của ngài là “yên tĩnh và tu trì”, ngài trích câu thơ của nhà thơ Đức Friedrich Hölderlin: “Tuổi già bình thản và giữ đạo” (Es ist ruhig, das Alter, und fromm). Trong một tuyên bố cách đây vài tuần, khi được hỏi về những khó khăn khi đi đứng, ngài nói đến “nỗi nhục”. Thời gian đã được đếm, Đức Phanxicô dường như gần như đã xong thời gian đã được cho.
Chẳng hạn, vào mùa hè, trong một phỏng vấn trên truyền hình Tây Ban Nha, nhà báo hỏi vì sao hồi mới đầu ngài nói triều giáo hoàng của ngài sẽ ngắn, chỉ hai, ba năm là nhiều, ngài thừa nhận ngài cũng ngạc nhiên khi thấy triều giáo hoàng của mình dài hơn dự kiến: “Tôi nghĩ việc thực hiện những gì các cuộc họp tiền mật nghị yêu cầu sẽ diễn ra nhanh chóng, nhưng tôi không nhận thức và chín năm đã trôi qua. Năm tháng trôi qua như tiếng thở dài mà tôi không nhận ra.” Một lời thú nhận thú vị và nhất quán với nhân cách đúng tiêu chuẩn “người gieo giống” mà vài năm trước, nhân kỷ niệm bốn năm triều giáo hoàng, linh mục Antonio Spadaro, một trong những người thân cận của ngài đã nói: “Trái cây sẽ đến, chúng đến, chúng phát triển và đang trưởng thành, nhưng đó là triều giáo hoàng của những hạt giống đã được gieo.” Một triều giáo hoàng gieo giống, có nghĩa là những trực giác (và Chúa biết, từ vựng về trực giác có rất nhiều trong lời của giáo hoàng, người thường “cảm thấy” mình cần phải làm chuyện nào), có lẽ còn hơn cả những thành tựu.
Vì thế càng có nhiều chỉ trích về phương pháp và khả năng thực hiện công việc của ngài thì càng có một nhất trí nào đó về khả năng truyền các trực giác cao cả này : sứ mệnh, Giáo hội như bệnh viện dã chiến, lựa chọn hàng đầu là người nghèo, lòng thương xót, tính đồng nghị, cải cách quản trị… Bao nhiêu hạt giống gieo vào mảnh đất còn phải gieo trồng, nếu không cày xới thì sớm muộn gì thời gian cũng trôi qua “trong tiếng thở dài”. Thời gian của Chúa không phải là thời gian của con người, tương lai sẽ cho thấy nếu giáo hoàng xem mình là người gieo giống thì ngài có phải là người thu hoạch không. Rốt cuộc, như lời thánh vịnh (89-90): “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi! Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai…”
Marta An Nguyễn dịch