Thư Chung 2007 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo: Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai
THƯ CHUNG 2007
GIÁO DỤC HÔM NAY, XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI NGÀY MAI
Kính gửi: Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam
1. Từ Ðại Hội Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam lần thứ X tổ chức tại Toà Tổng Giám Mục Hà Nội từ 08 đến 12-10-2007, chúng tôi, Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc 26 giáo phận Việt Nam, xin gửi lời chào thân ái và lời chúc bình an đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Ðặc biệt, trong tình hiệp thông liên đới và lời cầu nguyện, chúng tôi bày tỏ niềm cảm thông và phân ưu sâu sắc đối với các thân nhân và nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ ngày 26-09-2007 và cơn bão số 5 (Lekima) ngày 02-10-2007.
2. Anh chị em thân mến,
Với các thư trước, chúng ta đã đào sâu việc thực hành đức tin qua phong cách sống mầu nhiệm Thánh Thể (2004), sống Lời Chúa (2005) và sống Ðạo (2006). Tiếp tục theo đuổi định hướng đó và trong viễn ảnh chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm vào năm 2010, Thư Chung năm nay lấy giáo dục Kitô giáo làm chủ đề. Ðiều đó thật đúng lúc khi mà khắp nơi trên thế giới, giáo dục đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng và đặc biệt hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải cương quyết nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục.
3. Mục đích của nền giáo dục Kitô giáo không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa để mai sau trở thành công dân Nước Trời. Sứ mạng đó được khơi nguồn từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con và được kiện toàn nhờ Chúa Thánh Thần.
I. Nền Tảng Giáo Dục Kitô Giáo
Chúa Cha Và Công Trình Tạo Dựng
4. Công trình giáo dục Kitô giáo, trước khi là công khó của con người, đã là kế hoạch của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người khả năng đạt tới chân lý và tự do (x. Hc 17, 3 &7), Thiên Chúa Cha đã định hướng công trình sáng tạo vũ trụ của Ngài bằng một đường lối sư phạm mềm dẻo phù hợp với lợi ích và thái độ đón nhận của con người. Thuở ban đầu, vì Dân Ngài chọn còn cứng lòng nên Thiên Chúa xem ra nghiêm khắc (x. Lv 26, 14-46; Ðnl 28, 15-45), nhưng dần dà, từng bước một, Ngài tỏ cho họ thấy Ngài vẫn là một Thiên Chúa “thành tín trong mọi lời Ngài phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm” (Tv 144, 13b).
Chúa Con Và Tin Mừng Cứu Ðộ
5. Ðường lối sư phạm của Chúa Cha cốt là để chuẩn bị cho Chúa Con đến “dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ”. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định mình “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 6, 14). Muốn nắm bí quyết sự sống đích thật, con người phải đến thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản mà còn là học “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Chúa Thánh Thần Và Vai Trò Tác Thành
6. Những con người đầu tiên xuất thân từ trường học của Chúa Giêsu là các tông đồ. Chúa Giêsu là thầy dạy nhưng chính Thánh Thần mới là Ðấng tác động để giáo huấn của Chúa Giêsu, qua lời rao giảng của tông đồ, trở thành sức mạnh biến đổi tâm hồn người nghe. Nhờ Thánh Thần, Thánh Phaolô đã cảm thấy lời rao giảng của ngài được đón nhận ‘như chính Lời Thiên Chúa’ (x. 1 Thes 2, 13). Ngài còn quả quyết: “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi” (Rm 8, 14-17).
Giáo Hội Và Sứ Mạng Giáo Dục
7. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó, giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục” (TN/GD, lời mở đầu). Sứ mạng của Giáo Hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo (x. TN/GD 2).
Sứ mạng đó được thể hiện thế nào trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đó là vấn nạn cần phải đặt ra, nếu chúng ta muốn có những định hướng cụ thể cho sứ mạng giáo dục Kitô giáo của Giáo Hội Việt Nam.
II. Hiện Tình Giáo Dục Kitô Giáo Tại Việt Nam
Những Dấu Hiệu Lạc Quan
8. Dù còn phải đối diện với vô vàn khó khăn của thời đại – cơn khủng hoảng về chân lý, về các giá trị đạo đức, chủ nghĩa tương đối – lãnh vực giáo dục hiện nay, trong môi trường xã hội cũng như Giáo Hội, đã được quan tâm hơn và đang có những chuyển biến tích cực. Về phía xã hội, hiện đang có nhiều nỗ lực lành mạnh hóa môi trường giáo dục, bài trừ bệnh thành tích và tiêu cực trong học hành thi cử. Về phía phụ huynh, không ít người sẵn sàng chắt chiu dành dụm từng đồng cho con cái ăn học. Những trung tâm luyện thi, lớp ngoại khóa mọc lên như nấm khắp nơi mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu học viên mỗi lúc một gia tăng.
9. Về phía người Công giáo, sự hiện diện của giới trẻ trong môi trường giáo dục xã hội đã phần nào được bình thường hóa: lý lịch Thiên Chúa Giáo không còn bị kỳ thị và phân loại như trước đây. Nhờ đó, số sinh viên Công giáo bậc đại học đã tăng lên đáng kể, ngay cả tại những miền thôn quê. Trong lãnh vực đức tin, các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân ngày càng đông học viên cho thấy giới trẻ Việt Nam ngày nay, ngược với trào lưu dửng dưng tôn giáo phương Tây, vẫn còn quý trọng những giá trị Kitô giáo.
10. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và tin học ngày càng được xử dụng rộng rãi hơn trong mọi lãnh vực xã hội, cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hiện đại hóa ngành giáo dục trong xã hội cũng như Giáo Hội.
Những Mối Quan Ngại
11. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu lạc quan, cũng không thiếu những điều đáng quan ngại. Trước hết phải kể đến những lệch lạc trong quan niệm về giáo dục. Do ảnh hưởng của não trạng duy kinh tế, nền giáo dục gia đình đang bị khủng hoảng. Vì phải chạy theo công ăn việc làm, người ta không còn dành thì giờ cho các cuộc sum họp đầm ấm gia đình, những bữa ăn đông đủ càng lúc càng hiếm hoi. Tương quan vợ chồng, cha mẹ, con cái vì thế mà mỗi lúc một lỏng lẻo suy yếu. Hậu quả là môi trường gia đình, vốn được mệnh danh là “mái ấm”, không còn nồng nàn tình cảm như xưa.
Chủ nghĩa khoa bảng cũng đang gây ra nguy cơ đưa gia đình vào thái độ háo danh. Bậc phụ huynh và ngay cả con cái, muốn có bằng cấp chủ yếu là để được nở mày nở mặt, để có công ăn việc làm tốt, mà quên đi rằng mục đích cao đẹp nhất của giáo dục là “ngày nay học tập ngày mai giúp đời”.
12. Ðiều cũng đáng quan ngại là bất cập trong phương cách giáo dục. Hình như người ta chỉ quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mà coi nhẹ chiều kích phẩm cách làm người. Học sinh đến trường nghĩ đến đối phó với thi cử nhiều hơn là học làm người. Nhà trường quan tâm đến chỉ tiêu và kỳ tích nhiều hơn là đến sứ vụ xây dựng thực lực cho học sinh.
13. Chủ nghĩa giáo điều trong giảng dạy vẫn còn là một hiện tượng khá phổ biến. Thầy cô thường dạy cho học sinh cách sao chép nguyên mẫu kiến thức, ấn định những bài văn mẫu, làm bài theo đáp án mẫu nhiều hơn là huấn luyện họ biết sáng tạo, tìm tòi bằng chính nỗ lực riêng của mình.
14. Mặt trái của phương tiện truyền thông cũng là một trong những yếu tố tác hại giáo dục. Tuy góp phần thắp lên nhiều điểm sáng về những giá trị nhân bản, truyền thông cũng tạo cơ hội cho nhiều lạm dụng đáng tiếc. Vì thiếu ý thức, người sử dụng – phần lớn là giới trẻ – thay vì thận trọng gạn lọc để tiếp thu tinh hoa, lại sa vào cạm bẫy của những loại hình văn hóa phi đạo đức.
15. Trong lãnh vực đức tin, nhiều bậc phụ huynh công giáo, kể cả các vị mục tử, vẫn còn lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thông truyền đức tin cho con cái, không tổ chức hoặc không lo lắng cho con em tham dự những lớp giáo lý tại giáo xứ.
Một số nơi, giáo lý vẫn còn bị xem là những bài lý thuyết cần phải thuộc lòng để được lãnh bí tích. Việc giảng dạy chưa thực sự có phương pháp sư phạm phù hợp và chưa đi với chứng từ sống động của người rao truyền.
Những bất cập trên đây đòi chúng ta phải điều chỉnh lại cung cách giáo dục đức tin cho đúng tinh thần Tin Mừng. Cụ thể là phải đề ra phương hướng để hành động cho Kitô hữu Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện nay.
III. Ðịnh Hướng Giáo Dục Kitô Giáo
16. Ý thức sứ mạng quan trọng đối với tương lai Giáo Hội và tiền đồ dân tộc, Giáo Hội Việt Nam muốn dấn thân trong sự nghiệp giáo dục để thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô cho mọi người cách hiệu quả và thiết thực hơn. Trong tinh thần đó, chúng tôi kêu gọi những người có trách nhiệm giáo dục và mọi Kitô hữu Việt Nam hãy chú trọng hơn nữa đến sứ mạng cao cả này, một sứ mạng mang nhiều đặc tính biệt loại so với nền giáo dục xã hội trần thế.
Một Sứ Mạng Mang Tính Phổ Cập
17. Cũng như Ðức Giêsu được sai đến với muôn dân (xem Lc 4, 18-19), Giáo hội cũng có sứ mạng đem Tin Mừng đến cho mọi người (Mc 16, 15), không phân biệt thành phần, đẳng cấp xã hội hay điều kiện kinh tế. Sứ mạng đó không phải chỉ là sứ mạng của riêng thành phần nào, nhưng bao trùm toàn thể Giáo Hội mọi nơi mọi thời, mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn (x. TH/KTHGD 1).
18. Sứ mạng đó bắt đầu bằng công cuộc nhập thế do Công đồng Vatican II đề ra. Trước khi truyền đạt đức tin, Giáo Hội có sứ mạng “phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn” (TN/GD 3). Muốn vậy, Giáo Hội cần phải có chỗ đứng trong nền giáo dục của bất kỳ thể chế xã hội nào. Tại Việt Nam, điều đáng lạc quan là giáo dục, từ trước vẫn được coi là lãnh vực độc quyền của Nhà Nước, nay đã được “xã hội hóa”. Theo định hướng đó, tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền mở trường tư thục.
19. Nhưng cũng đáng tiếc là đối với các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam, cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt: tôn giáo chỉ có quyền mở trường tư thục cấp mẫu giáo. Dù vẫn không ngừng nỗ lực làm tất cả những gì được phép để thể hiện sứ mệnh nhập thế, như mở lớp tình thương, lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo hoặc khuyết tật, Giáo Hội Công giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ.
20. Trong lãnh vực đức tin, có lẽ hình ảnh đẹp nhất để diễn tả nét sinh động của nền giáo dục Kitô giáo là hình ảnh cành nho của Chúa Giêsu (x. Ga 15, 16). Hình ảnh đó đặc biệt rõ nét hơn trong hoạt động của các giáo lý viên. Họ giống như những cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Kitô, hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Giêsu để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh Chúa.
21. Theo nghĩa đó, mọi Kitô hữu chúng ta đều là giáo lý viên, bởi vì qua bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục trong đó, theo lời Ðức Gioan Phaolô II, “mỗi chúng ta vừa là đích điểm, vừa là khởi điểm của việc huấn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác” (TH/KTHGD 7). Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho mình và cho anh chị em mình (x. Lc 22, 31-33). Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dậy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta.
Các Ðối Tượng Ưu Tiên
22. Tính phổ cập của nền giáo dục Kitô giáo một mặt không miễn trừ trách nhiệm cho bất kỳ ai, một mặt cũng đòi buộc Kitô hữu không được loại trừ bất kỳ đối tượng nào. Muốn thế, Kitô hữu cần quan tâm hơn đến những thành phần thường bị xã hội ruồng rẫy, khinh miệt, lãng quên: người thất học, trẻ em không có điều kiện đến trường, thành phần cô lập do mặc cảm hay bị kỳ thị. Chúa Giêsu khẳng định rằng sứ mệnh hàng đầu của Ngài là loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, lao tù, mù lòa, bị áp bức (Lc 4, 18tt).
23. Trong bối cảnh công nghiệp hóa của những xã hội đang phát triển, nghề nông thủ công truyền thống không còn đủ lợi tức nuôi sống người lao động, rất nhiều người trong họ không còn con đường nào khác hơn là trở thành di dân về thành thị tìm công ăn việc làm. Họ phải chịu bao nhiêu thứ thiếu thốn thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần trên đất khách quê người. Ðể có thể duy trì phần nào đời sống đức tin có nguy cơ bị công ăn việc làm vùi dập, họ cần phải hòa mình vào bầu khí đạo đức của các giáo xứ nơi họ tạm cư. Cha xứ và giáo xứ địa phương cũng cần phải sẵn lòng nâng đỡ, chia sẻ, đón tiếp dân, tạo điều kiện để họ sớm hội nhập vào các sinh họat đạo đức và văn hóa nơi họ sinh sống. Lời Chúa và khung cảnh tình thân của giáo xứ là môi trường và là điều kiện cần thiết để an ủi và khích lệ đức tin của họ nơi Thiên Chúa, Ðấng có đủ quyền năng biến cảnh sống tha hương của họ thành cuộc hành hương đầy ý nghĩa hướng về Quê Trời.
24. Thiếu nhi và giới trẻ cũng là những thành phần rất đáng quan tâm ở hàng ưu tiên. Thiếu nhi, những trang giấy trắng đang chờ in những hình ảnh tươi đẹp, cần phải được thụ hưởng một nền giáo dục chân chính về nội dung và hiệu quả về phương pháp, làm vốn liếng hành trang hữu ích cho suốt cuộc hành trình làm người và đức tin.
25. Giới trẻ, “tương lai của Giáo Hội và thế giới” (HT/VH 38), cần phải nhận được sự hướng dẫn tận tình từ các nhà giáo dục và các thế hệ đi trước để nhiệt huyết tuổi trẻ của họ thực sự được vận dụng vào công cuộc xây dựng xã hội và Giáo Hội.
Môi Trường Giáo Dục
26. Trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi Kitô hữu. Tuy vậy, trong thực tế, các “nhà giáo” mới thực sự là những người được trao phó trách nhiệm giáo dục nguyên nghiệp. Ðức Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân đã thiết tha kêu gọi các giáo viên đang giảng dạy tại các trường Công giáo hay không Công giáo tích cực làm chứng nhân cho Tin Mừng (x. TH/KTHGD 6). Như thế ngoài cuộc sống mẫu mực của một nhà giáo, họ còn là đại sứ của Ðức Kitô nơi học đường bằng chính đời sống và lương tâm Kitô hữu. Mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa.
27. Ðại chủng viện và Học viện Công giáo, những trung tâm giáo dục có hệ thống nhân sự và phương tiện đầy đủ nhất, phải đóng đúng vai trò của mình bằng việc “đào tạo những người sẽ đảm nhận công việc huấn luyện giáo dân” (x. TH/KTHGD 7). Các cơ sở này không những chỉ cung cấp cho Giáo Hội những thầy giáo, mà còn đào tạo các môn đệ của Chúa Giêsu. Mỗi học viên sẽ rời học viện vào một lúc nào đó khi mãn trường hay khi đi nhận một nhiệm vụ mới, nhưng không bao giờ rời trường học của Chúa Giêsu, vị Thầy muôn thuở của các nhà giáo dục đào tạo.
28. Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (GHXH/GH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội.
29. Trong nền giáo dục Kitô giáo, gia đình không thể tách rời khỏi giáo xứ. Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế thì tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của nhau, đoàn kết yêu thương nhau và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu được nuôi dưỡng và củng cố.
30. Với những lớp huấn giáo là những phương cách căn bản của giáo dục Kitô giáo, cha xứ cùng với các giảng viên sẽ chịu trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và huấn giáo cho các học viên chuẩn bị lãnh các bí tích. Tại đây, giáo dân có môi trường thể hiện đức tin với các thành phần khác của cộng đoàn và được tham dự cách ý thức vào các giờ kinh lễ, phụng vụ, bí tích. Ðó là những hình thức tham gia trực tiếp và hữu hiệu vào công trình giáo dục Kitô giáo (x. TN/GD 4).
31. Cùng với giáo xứ, các tổ chức, các đoàn thể Công giáo và cộng đoàn Giáo Hội cơ bản cũng là những môi trường không thể thiếu để giáo dục Kitô giáo được triển nở toàn vẹn và quân bình.
Tính Toàn Diện Của Giáo Dục Kitô Giáo
32. Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn. Mục tiêu hàng đầu của giáo dục Kitô giáo là đức tin. Giáo dục đức tin không chỉ là truyền lại cho tín hữu những định tín, nhưng còn giúp cho tín hữu sống đức tin ấy trong cuộc sống cụ thể, vì ‘đức tin không có việc làm là đức tin chết’ (Gc 2, 17). Các tín hữu, nhờ được huấn luyện, sẽ trở thành men, thành muối và ánh sáng cho trần gian.
33. Vì con người là linh hồn nhập thể, khi giáo dục đức tin, Giáo Hội cũng nhằm đến giáo dục con người toàn diện để giúp họ nhận ra phẩm giá của mình. Khi ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình, Kitô hữu cũng nhận lấy sứ mạng để sẵn sàng lên đường loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô cho người chưa tin và củng cố lòng tin của anh chị em mình. Phẩm giá Kitô hữu luôn là những bài học suốt đời còn tiếp tục, vì tín hữu mãi là khách hành hương. Phẩm giá ấy đang hình thành và sẽ chỉ thành toàn vào ngày cánh chung; cũng như sứ mạng tín hữu mãi mãi là được sai đi, tới cánh đồng lúa chín đang thiếu thợ gặt (x. Mt 9, 37). Vấn đề giáo dục Kitô giáo ở đây hôm nay là quyết tâm bồi dưỡng phẩm giá để thực thi sứ mạng và càng biết thực thi sứ mạng, phẩm giá lại càng được củng cố hơn.
34. Con người sống trong xã hội không phải là một ốc đảo, nhưng liên đới với nhau trong niềm vui cũng như ưu sầu. Xã hội tính là một nét nổi bật của con người. Giáo dục Kitô giáo góp phần cổ võ tình liên đới, làm cho con người có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm đối với xã hội và công ích, cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp an bình.
35. Luôn ý thức về sứ mạng làm chứng cho Chân lý, Giáo Hội của Ðức Kitô trải qua mọi thời đại đã góp tiếng nói của mình qua những giáo huấn mang tính xã hội. Nhờ đó, Giáo Hội chia sẻ với nhân loại ‘những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng’ (x. GS 1). Với giáo huấn của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống các mối quan hệ xã hội. Khi đưa ra những chủ trương và đường lối của mình trong lãnh vực xã hội, Giáo Hội thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình trước những trào lưu đi ngược lại với giáo huấn Tin Mừng và đạo đức xã hội.
36. Giáo dục Kitô giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm: Huấn luyện lương tâm không chỉ là giảng dạy cho nhau những mệnh lệnh của hệ thống luật luân lý nhưng còn là tập cho nhau hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác. Bởi vì “lương tâm là luật tự nhiên vốn phản ảnh phẩm giá con người và đặt nền tảng cho các nghĩa vụ căn bản của con người” (GHXH/GH 140), nên “lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân càng tránh được độc đoán, mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý” (GS 16). Khi có lương tâm ngay thẳng, con người sẽ dễ dàng cộng tác để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phẩm giá và sự sống con người hơn.
37. Sau hết, vì luôn là một sinh hoạt gắn liền với một không gian nhất định, giáo dục phải được liên kết với truyền thống văn hóa của không gian ấy. Ðặt vấn đề giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam có nghĩa là đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hoá Việt Nam. Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam.
38. Giáo dục là cả một công trình lâu dài không thể hoàn thành ngay. Tuy nhiên từng bước một, cần phải đưa ra những mục tiêu mũi nhọn cho từng giai đoạn. Ðại hội năm nay đề ra phương hướng chấn chỉnh lại nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam, có nghĩa là phương hướng đó sẽ được thể hiện trong những năm tới. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy thực hiện ba bước sau đây:
– 2008: chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình Công giáo
– 2009: chấn chỉnh việc đào tạo giáo lý viên
– 2010: chấn chỉnh cơ sở giáo dục các giáo xứ.
39. Anh chị em thân mến,
Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm con người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết phương châm mà chúng ta phải nêu cao là: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai”.
Dưới sự bảo trợ của Mẹ La Vang, thánh Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin mời anh chị em cùng chung vai gánh vác mọi phận vụ của công trình giáo dục Kitô giáo để, với đức tin sống động, Giáo Hội Việt Nam sẽ nỗ lực làm vinh danh Chúa hơn và góp phần xây dựng hạnh phúc cho mọi người.
Hiệp thông cùng anh chị em trong tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa.
Hà Nội ngày 12 tháng 10 năm 2007
+ Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN
Chủ tịch HĐGM/VN
+ Giuse NGÔ QUANG KIỆT
Tổng thư ký HĐGM/VN
Những chữ viết tắt:
– TN/GD: Tuyên Ngôn về Giáo Dục
– HT/VH: Huấn Thị về Văn Hoá
– TĐ/TCLTY:Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu
– TH/KTHGD: Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân
– GS: Hiến chế Gaudium et Spes
– GHXH/GH: Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội
– PO: Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis.