Tiếp kiến chung 16-11-2022 – Giáo lý phân định – Đọc những khuấy động tâm hồn
GIÁO LÝ PHÂN ĐỊNH: ĐỌC NHỮNG KHUẤY ĐỘNG TÂM HỒN
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 16/11/2022, Đức Thánh Cha khuyên rằng vào những lúc sầu khổ hay chán nản, chúng ta hãy đón nhận kinh nghiệm này như một lời mời gọi để cầu nguyện có chiều sâu hơn, kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Kitô và tin tưởng vững chắc vào những lời hứa của Người.
Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về sự phân định, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải thích những chuyển động trong tâm hồn, trong trái tim của chúng ta, bao gồm những kinh nghiệm về sự sầu khổ thiêng liêng, sự bất an hay không hài lòng trong nội tâm. Theo Đức Thánh Cha, những khoảnh khắc như thế là một thách đố đối với tính tự mãn của chúng ta nhưng cũng là động lực để phát triển đời sống thiêng liêng. Trong trường hợp của nhiều vị thánh vĩ đại, ví dụ như Thánh Augustinô, cảm giác bất an nội tâm này là bắt đầu cho một sự hoán cải sâu sắc. Kinh nghiệm về sự sầu khổ có thể giúp chúng ta nhìn mọi việc dưới một ánh sáng mới, đánh giá cao các phúc lành mà chúng ta thường coi là điều hiển nhiên, và tìm thấy sự bình an khi đến gần Chúa hơn. Bằng cách này, chúng ta đào sâu tương quan của mình với Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha khuyên rằng vào những lúc sầu khổ hay chán nản, chúng ta hãy đón nhận kinh nghiệm này như một lời mời gọi để cầu nguyện có chiều sâu hơn, kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Kitô và tin tưởng vững chắc vào những lời hứa của Người.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta hãy tiếp tục các bài giáo lý về chủ đề phân định. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của việc đọc những gì khuấy động trong lòng chúng ta, để không đưa ra những quyết định vội vàng, bị thúc đẩy bởi cảm xúc nhất thời, chỉ gây nên hối tiếc khi đã quá muộn. Do đó, hãy đọc những gì xảy ra, rồi đưa ra quyết định.
Tầm quan trọng của sự sầu khổ thiêng liêng
Theo nghĩa này, ngay cả trạng thái tinh thần mà chúng ta gọi là sự sầu khổ, khi mà tâm hồn bao phủ bởi bóng tối, buồn sầu, cũng có thể là một cơ hội để phát triển. Thực tế là nếu không có một chút không hài lòng, một tí nỗi buồn lành mạnh, một khả năng lành mạnh để sống trong cô tịch, đối diện với bản thân mà không chạy trốn, thì chúng ta có nguy cơ luôn ở trên bề mặt của sự vật và không bao giờ tiếp xúc với tâm điểm cuộc sống của chúng ta. Sự sầu khổ gây nên một sự “khuấy động tâm hồn”, khi buồn thì tâm hồn như bị lay động; nó giúp chúng ta tỉnh táo, nó nuôi dưỡng sự cảnh giác và khiêm tốn, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi những cơn gió hão huyền. Đây là những điều kiện không thể thiếu để tiến bộ trong cuộc sống, và do đó, cả trong đời sống thiêng liêng. Một sự thanh thản hoàn hảo nhưng “vô trùng”, nghĩa là không bị điều gì khuấy động, không có tình cảm, thì khi trở thành tiêu chuẩn cho các quyết định và hành vi, nó khiến chúng ta trở nên thiếu tính nhân văn, dửng dưng trước những đau khổ của người khác và không có khả năng chấp nhận những đau khổ của chính mình. Chưa kể rằng “sự thanh thản hoàn hảo” như vậy không thể đạt được bằng con đường dửng dưng này. Sự giãn cách “vô trùng” này – “Tôi không tham gia vào việc gì, tôi giữ khoảng cách”: đây không phải là cuộc sống, nhưng giống như chúng ta sống trong phòng thí nghiệm, đóng kín, để không có vi khuẩn, bệnh tật.
Động lực quyết định để thay đổi cuộc sống
Đối với nhiều vị thánh, sự bồn chồn là một động lực quyết định để thay đổi cuộc sống của họ. Sự thanh thản giả tạo thì không tốt. Nhưng sự bồn chồn cách lành mạnh, trái tim thao thức, trái tim cố tìm ra con đường, là những điều tốt. Ví dụ như trường hợp của Augustinô Hippô, Edith Stein, Joseph Benedict Cottolengo, và Charles de Foucauld. Những lựa chọn quan trọng đều có giá của nó là cuộc sống, một mức giá mà tất cả mọi người đều phải trả: nghĩa là, những lựa chọn quan trọng không đến từ xổ số, không; chúng có giá của nó và bạn phải trả giá đó. Đó là cái giá mà bạn phải trả bằng trái tim mình, đó là cái giá của quyết định, cái giá cần được thực hiện với một chút nỗ lực. Nhưng nó không miễn phí mà là một mức giá trong tầm với của mọi người. Tất cả chúng ta đều phải trả giá cho quyết định này để thoát ra khỏi trạng thái thờ ơ. Trạng thái dửng dưng luôn làm chúng ta trở nên tệ hơn.
Đi vào tương quan với Thiên Chúa Hằng sống
Tiếp tục bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận định: Sự sầu khổ cũng là một lời mời gọi chúng ta có thái độ vô vị lợi, không hành động chỉ và chỉ nhằm mục đích thỏa mãn cảm xúc. Sự sầu khổ mang đến cho chúng ta khả năng lớn lên, khởi đầu một mối quan hệ trưởng thành hơn, đẹp đẽ hơn với Chúa và với những người thân yêu của chúng ta, một mối quan hệ không bị giản lược thành một sự trao đổi đơn thuần giữa cho và nhận. Chúng ta hãy nghĩ về thời thơ ấu của chúng ta. Khi còn nhỏ, chúng ta thường tìm kiếm cha mẹ của mình để có được một thứ gì đó, một món đồ chơi, một số tiền để mua một cây kem, để được phép… Và vì vậy, chúng ta tìm kiếm họ không phải vì họ mà vì lợi ích. Tuy nhiên, món quà lớn nhất chính là chính họ, cha mẹ của chúng ta, và chúng ta dần dần hiểu ra điều này khi lớn lên.
Nhiều lời cầu nguyện của chúng ta cũng phần nào giống như thế này: đó là những lời cầu xin Chúa ban ân huệ mà không có bất kỳ sự quan tâm thực sự nào đến Người. Tin Mừng ghi lại rằng Chúa Giêsu thường bị vây quanh bởi nhiều người tìm kiếm Người để đạt được điều gì đó: chữa lành bệnh, giúp đỡ vật chất, nhưng không chỉ đơn giản là được ở bên Người. Người bị đám đông xô đẩy, nhưng Người vẫn đơn độc. Một số vị thánh, và ngay cả một số nghệ sĩ, đã suy niệm về hoàn cảnh này của Chúa Giêsu. Có vẻ lạ lùng, không thực tế, khi hỏi Chúa: “Chúa thế nào?”. Ngược lại, đó là một cách tốt đẹp để bước vào một mối quan hệ thực sự, chân thành, với nhân tính của Người, với sự đau khổ của Người, ngay cả với sự cô đơn của Người, với Người, với Chúa, Đấng muốn chia sẻ sự sống của Người với chúng ta một cách trọn vẹn.
Thật tốt cho chúng ta khi học cách ở với Người mà không có những động cơ nào khác, giống như xảy ra với những người mà chúng ta quan tâm: chúng ta muốn biết họ ngày càng nhiều hơn, bởi vì thật tốt khi được ở bên họ.
Trong sầu khổ hãy cố gắng tìm trái tim của Chúa Kitô
Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu: Anh chị em thân mến, đời sống thiêng liêng không phải là một kỹ thuật mà chúng ta tùy ý sử dụng, nó không phải là một chương trình cho “sự an lạc” nội tâm mà chúng ta tùy ý hoạch định. Không. Đời sống thiêng liêng là mối quan hệ với Đấng Hằng Sống, với Thiên Chúa, Đấng không thể bị thu gọn vào các phạm trù của chúng ta. Vì vậy, sự sầu khổ là câu trả lời rõ ràng nhất cho ý kiến phản đối nói rằng kinh nghiệm về Thiên Chúa là một hình thức gợi ý, một phóng chiếu đơn giản về những ước muốn của chúng ta. Sầu khổ là không cảm thấy gì, tất cả đều u tối, nhưng bạn tìm kiếm Chúa trong sự sầu khổ. Trong trường hợp đó, nếu chúng ta nghĩ rằng nó là một sự phóng chiếu những ước muốn của chúng ta, chúng ta sẽ luôn là người lên kế hoạch cho nó, và chúng ta sẽ luôn hạnh phúc và hài lòng, giống như một đĩa hát lặp lại cùng một bản nhạc. Ngược lại, những người cầu nguyện nhận ra rằng kết quả là không thể đoán trước: những kinh nghiệm và đoạn Kinh Thánh vốn thường làm chúng ta say mê, thì hôm nay, thật kỳ lạ, lại không làm chúng ta cảm động. Và, không kém phần bất ngờ, những kinh nghiệm, những cuộc gặp gỡ và những bài đọc mà chúng ta chưa bao giờ quan tâm hoặc muốn tránh – ví dụ như kinh nghiệm về thập giá – lại mang đến sự bình an vô cùng. Đừng sợ sự sầu khổ, hãy kiên trì tiến bước với nó, đừng chạy trốn. Và trong sầu khổ hãy cố gắng tìm trái tim của Chúa Kitô, tìm Chúa. Và câu trả lời luôn đến.
Vì thế, trước những khó khăn, đừng bao giờ nản lòng, nhưng hãy quyết tâm đương đầu với thử thách, với sự trợ giúp của ơn Chúa không bao giờ thiếu. Và nếu chúng ta nghe thấy trong nội tâm của mình một tiếng nói khăng khăng muốn ngăn cản chúng ta cầu nguyện, chúng ta hãy học cách vạch mặt nó như tiếng nói của kẻ cám dỗ; và đừng để chúng ta bị ảnh hưởng; chúng ta hãy làm ngược lại những gì nó nói với chúng ta!
Nguồn: vaticannews.va/vi