Vua đời ta
- Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua
2 Sm 5:1-3; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Cl 1:12-20; Lc 23:35-43
Vua đời ta
Lễ Đức Kitô Vua là một ngày lễ rất gần đây bởi vì lễ này đã cử hành lần đầu tiên năm 1925. Những canh tân phụng vụ thời nào cũng có. Thật vậy, việc cử hành thật sự vương quyền của Chúa Giêsu là ngày lễ Thăng Thiên: Nhưng, trong Chúa nhật cuối cùng này của năm phụng vụ, chúng ta chiêm niệm “Triều đại của Thiên Chúa” đến từ từ xuyên qua, lịch sử và đạt đến sự thực hiện viên mãn vào thời cách chung.
Để mừng lễ Đức Kitô Vua chúng ta, một cách rất nghịch lý, Giáo Hội đưa ra cho chúng ta cảnh tượng mà Chúa Giêsu khai mạc triều đại của Người: ngai vàng của Người là thập giá. Vương miện Người là một vòng gai làm đổ máu khuôn mặt Người… lễ phong vương của Người là một “danh hiệu” của việc kết án tử được đóng đinh bên trên đầu Người. “Đây là vua dân Do Thái! Hai chứng nhân, hai nam tước của Người, là hai tên gian phi bị kết án với Người.
Nghịch lý cao cả của Tin Mừng! Vua ư? Phải! Nhưng chắc chắn không như cách hiểu của những người hoặc muốn đứng về phe Người để hoan hô tôn phong Người hoặc là những đối thủ của Người để lên án Người. Vua “theo cách của Thiên Chúa”!
Nếu Đức Ki-tô là khởi nguyên công trình tạo dựng trong trật tự tự nhiên, thì Ngài cũng là khởi nguyên toàn bộ sự sống siêu nhiên. Ngài là đầu Giáo Hội, thân thể mầu nhiệm của Ngài. Ngài là “Trưởng Tử trên mọi loài thụ sinh” như thế nào, thì Ngài là người đầu tiên từ cõi chết sống lại như vậy, nghĩa là Ngài đã khai mạc sự sống vinh quang; Ngài là Chủ Tể đời sống mới này. Thánh Gioan sẽ nói trong sách Khải Huyền: Chúa Giêsu Ki-tô là “An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22, 13).
Chính Đức Giê-su Ki-tô là tác giả của ơn cứu độ:“Nhờ máu Người đổ ra khi chết trên thập giá,Thiên Chúa đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (1, 20).
Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan.
Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên tính cách Vương Quyền ấy của Người.
Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, đã nói!ên vương quyền của Chúa Giêsu: “Hắn đã cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki tô của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn” (Lc 23, 35). “Đấng Kitô” chính là người được xức dầu, là tước hiệu của vua. “Người Thiên Chúa tuyển chọn” chính là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành đã nói lên vương quyền của Người: “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi” (Lc 35, 42).
Tuy nhiên, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá” cách ngoạn mục, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.
Người đã sẵn lòng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh Thánh rằng: “Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân” (ls 53, 12). Người đã hoà mình trong đám người tội lỗi, đã chịu chung số phận của họ, Người đã sống và đã chết giữa đám tội nhân, như lời đồn đại về Người: “Bạn của người thu thuế và phường tội lỗi” (Mi 11, 19).
Vâng, vương quyền của Người không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng chinh phục bằng “khối” tình yêu thương. Chính vì thế mà Người đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng, là lời thách thức xuống khỏi thập giá, để sẵn lòng chịu chết hầu cứu chuộc con người tội lỗi, chính là thần dân của Người,
Thần dân đầu tiên mà vị Vua có vương miện là mão gai, và ngai vàng là gỗ thánh giá đã chinh phục, chính là người trộm lành. Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Người nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành, lên tiếng bênh vực Người: Anh mắng người trộm dữ: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái!” (Lc 35, 40-41). Anh tỏ lòng kính sợ Chúa và ăn năn sám hối, đó là thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.
Song đối với sự hài hòa của vũ trụ là sự hài hòa của các tâm hồn mà việc tha thứ tội lỗi mang lại: sự bình an trong tâm hồn này là thành quả hy tế của Đức Ki-tô.
Khi trích dẫn thánh thi ca ngợi tính ưu việt của Đức Ki-tô này, thánh Phao-lô đã thấy ở đây trước tiên một vũ khí chống lại những lời nói vớ vẩn của các triết gia Cô-lô-xê; nhưng đồng thời thánh nhân cũng đã gặp thấy ở đây diễn ngữ thần học, diễn tả sâu xa thần học của thánh nhân. Biến cố trên đường Đa-mát đã mặc khải cho thánh nhân tầm quan trọng hàng đầu của vai trò Đức Ki-tô. Con người Đức Ki-tô ngự trị trên quan điểm về ơn cứu độ, quan niệm về Giáo Hội, cũng như kinh nghiệm nội tâm của thánh nhân. Đức Ki-tô là tất cả trong mọi sự.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa: đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.
Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.