Cầu nguyện là khiêm hạ trông cậy vào Thiên Chúa
Cầu nguyện là khiêm hạ trông cậy vào Thiên Chúa
Dụ ngôn tuần trước về bà góa và quan tòa mời gọi chúng ta kiên tâm trong thử thách, cầu nguyện không nản lòng. Trong câu chuyện bà góa, thánh Luca cho thấy cầu nguyện không phải là chuyện xin thì được ngay lập tức, không phải là xin Chúa thỏa mãn một cách nhanh chóng một danh sách các nhu cầu của chúng ta.
Cần phải cầu nguyện kiên tâm bền bỉ với lòng tin tưởng: “Khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18: 8). Dụ ngôn hôm nay cho thấy một thái độ cơ bản khác khi cầu nguyện.
Từ quan tòa gian ác đến kẻ công chính giả dối
Câu giới thiệu của dụ ngôn hôm nay cho phép thánh Luca chỉ ra một trong những điểm mà dụ ngôn về bà góa và quan tòa có lẽ chưa nói hết. “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế” (Lc 18: 9-10). Khi chúng ta cầu nguyện vớiThiên Chúa, Ngài khác hẳn với ông quan tòa gian ác: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao? Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Ngài sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18: 6-8). Nhưng hôm nay: “Chúa Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18: 9).
Hai nhân vật đang ở trong Đền thờ, nơi hiện diện linh thiêng của Thiên Chúa, xa khỏi cái nhìn của người trần thế. Cầu nguyện trong Đền thờ là cơ hội để nhận biết cõi lòng của con người, không theo chuẩn mực người đời, nhưng theo ánh nhìn của Thiên Chúa. Thánh Luca lấy việc cầu nguyện này như cơ sở để suy ngẫm về sự phán xét và sự công chính dưới con mắt của Thiên Chúa. Công chính dưới mắt của Thiên Chúa có nghĩa gì?
Để có sự công chính.
Trong Sách thánh Do thái giáo, công chính liên quan đến cách hành xử công bằng, ngay thẳng, không gian dối: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử, cũng như khi đo đạc hay cân đong. Các ngươi phải có cán cân đúng, quả cân đúng, đúng thùng, đúng lít” (Lv 19: 35-36) hoặc: “Kính sợ Thiên Chúa là gớm ghét điều dữ. Thói kiêu căng ngạo mạn, và lối sống bất lương cũng như những lời gian manh, tráo trở, đó là những điều ta chê ghét” (Cn 8,13). Người công chính là người biết kiềm chế bản thân và hành xử theo lẽ phải, lẽ công minh, chính trực: “Người nào ăn ở công chính, thi hành điều công minh chính trực, không dự tiệc trên núi, không ngước mắt nhìn các ngẫu tượng của nhà Israel… không bóc lột ai, trả của cầm cho người cầm của, không cướp của ai, cho kẻ đói bánh ăn, lấy áo che thân kẻ mình trần, không cho vay ăn lời, không lấy lãi quá nặng, không nhúng tay vào chuyện bất công, xét xử công minh giữa người với người, sống theo những quy tắc của Ta và tuân giữ các quyết định của Ta mà thể hiện lòng trung tín của mình, người ấy mới là người công chính” (Ed 18,5-9). Trong nhãn quan Kinh Thánh, công chính vừa là ân huệ của Thiên Chúa vừa là bổn phận của người lãnh nhận. Người nào điều chỉnh bản thân mình để sống luôn trung thành với các điều răn của Ngài thì đó là người công chính. Vì vậy, chúng ta nhớ đến Nôê là một người công chính, hoàn hảo: “Ông Nôê là người công chính, hoàn hảo giữa những người cùng thời với ông, và ông đi trong đường lối của Thiên Chúa” (Kn 6,9) và “Ông Nôê được xem là người công chính vẹn toàn; trong thời thịnh nộ, ông đã trở thành một chồi non: Nhờ có ông, mặt đất còn lại một số sót, khi hồng thuỷ xảy ra” (Hc 44,17) hay ông Ábraham là người đã tin vào Chúa và Chúa coi ông là người công chính: “Ông tin Thiên Chúa, và vì thế, Thiên Chúa kể ông là người công chính” (Kn 15,6). Trở nên công chính là được đảm bảo sự cứu rỗi, giống như được cứu thoát khỏi cơn đại hồng thủy, và nhận được phúc lành thiêng liêng cho bản thân và gia đình mình.
Không giống những người khác.
Người Pharisêu là người tỉ mỉ tuân giữ các lề luật và điều răn của Thiên Chúa. Ông có thể hài lòng với những việc làm của mình. Ông ta đứng giơ hai tay lên trời mà cầu nguyện: “Người biệt phái đứng sững mà cầu nguyện” (Lc 18: 11), theo lời Thánh vịnh: “Hãy giơ tay hướng về cung thánh mà dâng lên lời chúc tụng Ngài” (Tv 134: 2). Ông ta cảm tạ Chúa vì đã trung thành thực thi Lề luật, và ông nêu ra một danh sách những việc tốt được làm: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18: 12). Theo lý mà nói, thì người Pharisêu đã cố gắng sống trung thành với các điều răn dạy của luật Môsê. Hẳn ông nghĩ rằng điều đó cho phép ông thấy bản thân mình đã sống phù hợp với Thiên Chúa, và tránh xa được tội lỗi. Ông ta đã làm tốt và đáng được sự ưu ái và phúc lành của Thiên Chúa chứ không phải hứng chịu điều ác và tội lỗi. và ông ta cho rằng mình đáng được gọi là công chính. Nhưng thực tế ông ta chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ gì đến Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ còn là cái cớ để ông ta kể lể khoe khoang “công đức” của riêng mình. Thậm chí ông ta còn nâng mình lên trên người khác: “Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18: 11).
Lời cầu nguyện của người thu thuế.
Ngược lại với người Pharisêu, người thu thuế, dù cũng là người Do Thái, nhưng lại phục vụ quyền lực của đế quốc Rôma đang cai trị dân tộc mình. Anh ta không chỉ lấy tiền của những người đồng đạo nộp cho Rôma, mà còn lấy cho riêng mình nhiều hơn những gì suất thuế quy định, tùy theo nhu cầu hoặc mong muốn riêng của anh ta. Những người thu thuế không được người Do thái giáo của cả hai miền Giuđê và Galilê coi là đồng bào, thậm chí họ bị coi là người ngoại giáo, kẻ phản quốc, quân tội lỗi: “Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Chúa Giêsu ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Ngài: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (Mc 2: 16) Sự gần gũi của họ với thế giới ngoại giáo khiến họ trở thành những người phải tránh xa đối với người công chính.
Người thu thuế tội lỗi này ý thức thân phận xã hội của mình, và vì thế anh ấy chọn một chỗ đứng xa xa: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa” (Lc 18: 13). Làm sao anh ấy dám đứng giơ hai tay lên trời như bất cứ người cầu nguyện tốt lành nào; anh chỉ cúi mặt xuống với thái độ ăn năn: “thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời” (Lc 18: 13). Nhưng điều căn bản còn thiếu trong lời cầu nguyện của người Pharisêu, người thu thuế đã làm trọn vẹn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18: 13). Một lời cầu nguyện ngắn gọn, cô đọng. đầy chân thật. Một lời thú nhận, một cái nhìn đúng thật về bản thân, về những gì nặng nề nhất và khó thú nhận nhất. Thú nhận mình là tội nhân, anh ấy biết rằng mình chỉ có thể trông cậy vào Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu được anh ấy. Trong khi người Pharisêu xác định sự cứu rỗi của mình bằng những việc làm tốt lành của mình thì người thu thuế khiêm tốn nhìn nhận ơn cứu độ của mình là ở nơi hành động nhân từ của Thiên Chúa. Ở đây, người thu thuế, có lẽ giàu có tiền của vật chất, bộc lộ sự nghèo nàn về con người và tâm hồn của mình. Đối diện với Thiên Chúa, anh biết mình là một tội nhân, nhưng hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ có cái nhìn nhân từ đối với anh. Đó là tất cả niềm tin của anh.
Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Theo quan niệm phổ biến của những người Do thái giáo thời Chúa Giêsu, người công chính đối nghịch với tội nhân, vì người công chính là người đi theo đường lối Chúa và sống theo ý muốn và lề luật của Ngài: “Người nào ăn ở công chính, thi hành điều công minh chính trực” (Êdêkiel 18,5). Dụ ngôn của Chúa Giêsu, cụ thể đối với Luca, một lần nữa đảo ngược quan điểm. Bởi vì, theo những người Pharisêu, lòng trung thành với Lề luật bảo đảm họ là người công chính, không giống như người thu thuế tội lỗi này. Giờ đây, một trong những người thu thuế tội lỗi này lại được tuyên bố là công chính chỉ vì lời cầu nguyện khiêm hạ của anh ta. Ngược lại, ở đây người Pharisêu đã cố gắng hết sức để vâng theo ý Chúa, kể cả trong việc bố thí và bác ái, lại không nhận được danh hiệu công chính này.
Đây là điều không thể hiểu được và thậm chí quá quắt. Làm nhiều việc “đạo đức tốt lành” đến thế để được gì, nếu một tên thu thuế tội lỗi, chẳng làm gì ngoài một lời cầu nguyện lại có thể làm cho hắn nên công chính?
Những việc làm của người Pharisêu thúc đẩy sự kiêu ngạo của ông ta nhiều hơn là thúc đẩy ông ta đến với đức tin vào Thiên Chúa và lòng thương xót đối với người tội lỗi đang bên cạnh. Sự tự hãnh của ông ta thậm chí đã trở thành một thứ khinh miệt, như một bức tường ngăn chặn không để bất cứ điều gì hướng về người khác lọt qua được. Một tâm thế xem mình là trung tâm, ngoài cái tôi của ông ta ra không còn ai khác là quan trọng, kể cả Thiên Chúa! Trong khi đó, người thu thuế trong dụ ngôn chỉ biết trông cậy vào một mình Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu tình trạng nghèo hèn của mình và mong muốn có được ân huệ của Ngài. Vậy, việc đạt tới sự công chính không còn được đo lường bằng những công trình được coi là tốt lành, nhưng chỉ bằng sự chân thành khiêm tốn trong một việc duy nhất: tin vào ân sủng nơi Thiên Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Ngài.
Trong dụ ngôn bà góa, thánh Luca cho thấy cầu nguyện không phải là đòi hỏi Thiên Chúa thỏa mãn nhanh chóng những yêu cầu của mình, nhưng cầu nguyện là một tiếng kêu bền bỉ của đức tin lên Thiên Chúa. Cầu nguyện thực chất là một thái độ sống tin tưởng, phó thác và yêu mến liên lỉ đối với Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Còn dụ ngôn hôm nay cho thấy tầm quan trọng của lời cầu nguyện như là một cách thế để nhận ra sự thật về bản thân “đáng tội” của mình theo cái nhìn của Thiên Chúa và nhờ đó biết khiêm hạ cậy nhờ vào lòng thương xót của Ngài và đi vào tương quan gặp gỡ cảm thương với người khác. Chỉ khi đó người ta mới có thể làm theo lời khuyên của thánh Phaolô: “Hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (1 Tm 2: 8).
Phêrô Phạm Văn Trung