THẬT VÀ GIẢ
13/10 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Ep 1:3-10; Tv 98:1,2-3,3-4,5-6; Lc 11:47-54
THẬT VÀ GIẢ
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta nhận thức rõ tâm tư của con người qua lời nói và việc làm của họ. Thánh sử Luca thuật lại rằng: trong khi Chúa Giêsu rao giảng, có một số Pharisêu và các nhà thông luật cũng đến nghe để lên án gài bẫy xem Người có vi phạm lề luật không. Họ trách Chúa Giêsu thường hay la cà ăn uống với người tội lỗi và không rửa tay trước khi ăn. Nhóm Pharisêu và các luật sĩ thường tự mãn về việc họ giữ tỉ mỉ các điều luật của tiền nhân. Họ cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay hàng tuần, nộp thuế thập phân và làm nhiều việc đạo đức khác nhưng với thái độ khoe khoang tự mãn mà thiếu lòng yêu mến.
Biết được tâm địa gian dối của người Pharisêu, Chúa Giêsu lên tiếng nguyền rủa họ sống giả dối như những mồ mả bên ngoài tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Hành động ấy tố cáo họ chính là kẻ đồng lõa với cha ông để làm những sự xấu xa. Chúa Giêsu tiên báo họ sẽ bị đòi nợ máu của các Ngôn sứ và Tông đồ, một món nợ từ thời cha ông họ để lại. Điều này cho thấy án phạt của Thiên Chúa rất công thẳng, Người không dung thứ cho những hành động xấu xa dù điều ấy xảy ra từ thời xa xưa.
Chúa Giêsu nhắc đến cái chết của ông Aben và Dacaria như để nhấn mạnh sự gian ác đã hoành hành trong trần gian từ thuở tạo thiên lập địa và còn kéo dài mãi gây bao oan trái cho con người. Sự gian ác xấu xa của người Pharisêu lên đến tột độ khi họ bắt giết các Ngôn sứ và Tông đồ là những người đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Họ giết những người được Thiên Chúa sai đến nghĩa là họ gián tiếp từ chối tình thương của Thiên Chúa. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn “cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết”, ngăn cản người công chính không thể đến nghe về Mầu Nhiệm Nước Trời.
Lời Chúa Giêsu khiển trách Pharisêu cũng chính là lời khiển trách đối với mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng sống giả dối, làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ cật vấn lương tâm mỗi người và “đòi nợ” nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặp ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặp niềm vui an hòa.
Một người đàn ông đến xin vị đạo sĩ chỉ cho biết phải giữ luật thế nào để xứng đáng trước Thiên Chúa, ông hỏi: “Thưa thầy, có hai người tín hữu kia rất mộ đạo, một người chỉ ở trong phòng cầu nguyện, ăn chay sáu ngày trong tuần và thi hành khổ chế nghiêm nhặt, còn người kia dành tất cả thời gian để chăm sóc bệnh nhân. Vậy ai là người xứng đáng trước mặt Thiên Chúa?” Vị đạo sĩ thinh lặng một chút và ôn tồn giải thích: Cả hai người và hai cách sống đều xứng đáng nếu việc họ làm phát xuất từ lòng yêu mến, trái lại nếu không có đức mến, tất cả những việc đạo đức trên chỉ là giả dối và khoe khoang bản thân mình.
Câu hỏi của người đàn ông trên hết sức cần thiết cho mỗi người chúng ta khi giữ những điều luật Chúa truyền dạy. Cuộc sống luôn tồn tại hai cách sống đạo: một chỉ lo đọc kinh giữ luật mà quên đi việc phục vụ, còn người kia lại chỉ say mê phục vụ mà quên đi bổn phận thiêng liêng.
Luật Chúa không phải là thứ ngôn ngữ trong sách vở nhưng là hơi thở của cuộc sống. Luật ấy đã được kiện toàn qua Chúa Giêsu. Người đã thực hiện bằng tất cả sự yêu thương và khiêm tốn. Đó là sự hài hòa giữa việc chu toàn các điều luật và việc phục vụ tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).
Nhóm người Pharisêu Chúa Giêsu vi phạm luật trong ngày Sabát nhưng chính họ lại là người phá hủy lề luật qua hành động sát hại các các Ngôn Sứ và Tông Đồ. Khi lên án Pharisêu, Chúa muốn khẳng định cho họ biết không có giới luật nào lớn hơn luật yêu thương. Bao trùm tất cả việc giữ luật là sự yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về thái độ giữ luật, phải mặc lấy tâm tình cởi mở khi gánh lấy tất cả những chứng đau bệnh của con người, mang lấy số phận hay hư nát của con người mà treo lên cây thập giá. Người đã sống cho Sự Thật và đã chết để làm chứng cho Sự Thật.
Việc thờ phượng Thiên Chúa không tách rời khỏi việc yêu thương và tôn trọng tha nhân. Ước gì chúng ta biết đi ra khỏi con người ích kỷ của mình để tự do thi hành việc bác ái. Việc giữ luật không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng được mở rộng để đến tha nhân để cảm thông chia sẻ mọi nỗi buồn vui với họ. Giáo hội của Chúa không phải là giáo hội của những thành quách, đền đài với tháp chuông cao vút. Giáo hội của Chúa là từ bỏ địa vị cao sang, cúi xuống để phục vụ. Một giáo hội luôn song hành và ưu tư với những buồn vui của phận người. Việc sống đạo không chỉ dừng lại ở những lễ hội tiệc tùng nhưng là ở cuộc gặp gỡ và đối thoại, là việc nâng dậy những ai yếu đuối vấp ngã, đưa dẫn những ai lầm đường lạc lối trở về.
Cái chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết “người chết không nói”, bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay, nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người. Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn hơn lúc họ còn sống. Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng góp phần không nhỏ vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu tại xã hội Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ đang lúc dâng Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh khôn lường cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các quốc gia Mỹ Châu La Tinh.
Nợ máu vẫn đòi phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.