Sám hối
10/10 Thứ Hai trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm
Gl 4:22-24,26-27,31; Gl 5:1; Tv 113:1-2,3-4,5,6-7; Lc 11:29-32
Sám hối
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày hai câu chuyện trong qua khứ: ông tiên tri Giôna và Nữ Hoàng Phương Nam, và chuyển đổi câu chuyện này thành hình ảnh trong cách mà người ta có thể khám phá ra trong đó Chúa kêu gọi việc hối cải.
Niềm tin vào Chúa thật sự là một niềm tin do ân huệ Chúa ban cách nhưng không, cho những ai thành tâm tìm kiếm Ngài, chứ không phải do điều kiện mà có được niềm tin ấy. Người thành tâm như thế, sẽ nhận ra Chúa ở mọi nơi, mọi lúc qua các dấu chỉ trong đời thường, cũng như lúc cầu nguyện, làm các việc đạo đức, khi gặp gỡ người khác, hay khi làm việc tông đồ. Từ đó, họ sẽ có kinh nghiệm về Chúa, tin Chúa, đón nhận những tác động của Chúa mà sám hối, hoán cải trở về với Chúa. Biết được ý Chúa mà thi hành như một sứ mạng Chúa trao, đem lại cho họ một niềm vui thiêng liêng trong đời sống làm người Kitô hữu.
Ta thấy các Luật Sĩ và Biệt Phái cứng lòng tin, dù họ đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy, thấy những phép lạ Chúa làm, họ còn đòi Chúa các dấu lạ trên trời, như họ đã đọc thấy trong sách khải huyền Dothái: Nước trời đến kèm theo dấu lạ trên không trung, và họ quan niệm đó là kỳ công của Thiên Chúa như trong thời xuất hành, thời ngôn sứ Êlia. Chúa Giêsu nói với họ thật nghiêm khắc: Ôi thế hệ gian ác và ngoại tình chúng đòi dấu lạ, thay vì tin và sám hối.
Dòng giống gian ác đòi hỏi một điềm lạ. Chúa Giêsu gọi họ là dòng giống gian ác, bởi vì họ không muốn tin vào Chúa Giêsu và tiếp tục đòi hỏi dấu lạ có thể chỉ ra rằng Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến. Nhưng Chúa Giêsu từ chối đưa ra những dấu chỉ này, bởi vì một cách dứt khoát, nếu họ đòi hỏi một điềm lạ thì đó là vì họ không tin. Điềm lạ duy nhất được cho thấy là tiên tri Giôna.
Điềm lạ về tiên tri Giôna. Điềm lạ về tiên tri Giôna có hai khía cạnh khác nhau. Khía cạnh thứ nhất là những gì mà văn bản của Luca khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông tiên tri Giôna đã là một điềm lạ, nhờ vào lời giảng dạy của ông, cho dân thành Ninivê. Nghe theo lời tiên tri Giôna, người ta đã sám hối. Trong cùng một cách, lời giảng dạy của Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho dân của Người, thế nhưng người ta đã không cho thấy bất kỳ một dấu hiệu sửa đổi nào. Còn khía cạnh kia là điều mà sách Tin Mừng Mátthêu khẳng định khi Người trích dẫn câu chuyện tương tự: “Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12:40). Khi kình ngư mửa ông Giôna ra trên đất liền, ông đã đi công bố Lời Chúa cho dân thành Ninivê. Do đó, trong cùng một cách, sau cái chết và sự sống lại vào ngày thứ ba, Tin Mừng sẽ được công bố cho dân chúng thành Giuđa.
Họ đòi dấu lạ không phải như một bằng chứng để tin, nhưng là để khiêu khích Chúa, những gì họ đã nghe đã thấy chưa đủ cho Chúa thuyết phục họ. Chúa Giêsu từ chối không làm phép lạ theo ý họ, Chúa dùng tích truyện Giona để nói về dấu lạ cả thể nơi chính bản thân Ngài, qua cuộc tử nạn và sau ba ngày Ngài phục sinh, để mời gọi mọi người tin và sám hối. Chúa Giêsu còn lấy gương mẫu dân thành Ninivê sám hối nhờ lời rao giảng của Ông Giôna, Ngài cũng liên tưởng đến Nữ Hoàng Phương Nam tìm nghe lời khôn ngoan của Vua Salômon. Đáng tiếc cho Biệt Phái và Luật sĩ vì Chúa Giêsu trọng hơn Giôna, và khôn ngoan hơn Salômon mà họ chẳng muốn nghe Ngài. Chứng tích sám hối của dân thành Ninivê và của thế hệ Nữ Hoàng Phương Nam như một lời tố cáo nặng nề tội lỗi của Biệt Phái và luật sĩ, vì họ cứng tin đòi dấu lạ và thất trung với giao ước.
Người Biệt Phái luật sĩ đòi dấu lạ, đó cũng là điều thông thường của chúng ta hôm nay, để thỏa mãn tính hiếu kỳ, sự đắc thắng của mình. Phép lạ chỉ có giá trị nâng đỡ niềm tin chứ không phát sinh hay ép buộc niềm tin. Cũng chính vì Chúa tôn trọng tự do con người Chúa không dùng phép lạ làm áp lực con người, nên Chúa đã không làm phép lạ như Biệt Phái và luật sĩ yêu cầu.
Qua lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với Biệt Phái và luật sĩ, chúng ta hãy thức tỉnh lại, chúng ta có gian ác khi đòi Chúa làm phép lạ mới tin, khi chúng ta chai đá trước lời giảng dạy của Hội Thánh. Chúng ta ngoại tình khi chúng ta sống đạo vụ hình thức, hoặc chưa thực sự sống trọn vẹn cho Chúa mà còn để lòng mình quyến luyến thụ tạo hơn Chúa, đam mê các thú vui trần thế hơn việc đạo đức. Có khi chúng ta phản bội tình thương của Chúa, để chạy theo những đam mê xác thịt.
Trong ngày phán xét chúng ta có thể bị kết án nặng nề hơn người khác vì chúng ta đã làm mất ơn Chúa, không dùng ơn Chúa để sinh lợi ích cho linh hồn mình và tha nhân. Phép lạ đã xảy ra hằng ngày trong Thánh lễ, trong các Bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, trong đời sống chúng ta, chúng ta có dùng để nâng cao đời sống đức tin, đi sâu vào đời sống đạo hơn không? Trong bầu khí mùa chay, chúng ta hãy sám hối và trở về với Chúa, tin Chúa và sống đạo chân thật không cần dấu lạ nào hơn là chính Chúa đã chết và sống lại. Chúng ta cũng noi gương Chúa trong việc truyền bá đức tin bằng cách dùng lời Chúa, đời sống của Chúa, những việc Chúa đã làm để yêu thương chúng ta, hơn là áp đảo bằng những việc làm thỏa mãn sự hiếu kỳ đắc thắng của người chúng ta phục vụ.
Xin Chúa ban cho chúng ta biết sám hối về cách sống đạo lệch lạc của chúng ta theo kiểu Biệt Phái, luật sĩ, để tin vào lời Chúa, tin vào sự chết và sống lại của Chúa. Sẵn sàng mở rộng lòng mình đón nhận ơn Chúa qua Hội Thánh để sống đạo tốt và đúng ý Chúa hơn.