Đức Hồng y Parolin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Giáo dục Chuyển đổi
Đức Hồng y Parolin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Giáo dục Chuyển đổi
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Giáo dục Chuyển đổi, được tổ chức tại New York. Phát biểu tại Hội nghị, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến sự cần thiết tạo ra một “ngôi làng giáo dục”, trong đó tất cả mọi người chia sẻ trách nhiệm, hình thành một mạng lưới các tương quan cởi mở, nhân văn.
Quốc vụ khanh Toà Thánh nhắc lại rằng, tự nguồn gốc, trong khi rao giảng Tin Mừng, Giáo hội Công giáo luôn đồng hành với việc truyền tải kiến thức, văn hoá và khoa học. Điều này thấy rõ qua rất nhiều trường học được liên kết với các Giáo hội địa phương. Giáo hội làm như vậy bởi vì Giáo hội tin rằng qua giáo dục, mọi người có thể làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Chính vì thế, gần đây Đức Thánh Cha đã phát động Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, chỉ ra rằng giáo dục là “một trong những cách hiệu quả nhất làm cho thế giới và lịch sử nhân loại trở nên nhân văn hơn”. Để đạt mục tiêu này, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả những ai đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục phải được hướng dẫn bởi bốn trụ cột: 1) Biết mình; 2) Hiểu người khác; 3) Hiểu biết thụ tạo; 4) Nhận biết sự Siêu việt.
Để mang lại cái nhìn toàn diện về giáo dục, Đức Hồng Y nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha đối với các tổ chức giáo dục trong khi thực hiện các dự án và chương trình giáo dục cần phải thực hiện bảy con đường: 1) Giá trị và nhân phẩm phải là trung tâm của giáo dục; 2) Lắng nghe tiếng nói của trẻ em và người trẻ để cùng nhau xây dựng một tương lai công bằng, hoà bình và một cuộc sống xứng nhân phẩm cho mỗi người; 3) Khuyến khích sự tham gia đầy đủ của trẻ nữ và phụ nữ vào giáo dục; 4) Phải xem gia đình là nơi giáo dục đầu tiên và thiết yếu; 5) Giáo dục về sự cần thiết của sự chấp nhận và đặc biệt là sự cởi mở đối với những người trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương nhất; 6) Tìm ra những cách hiểu mới về kinh tế, chính trị, sự tăng trưởng và tiến bộ nhằm phục vụ con người và gia đình nhân loại, trong bối cảnh của một hệ sinh thái toàn vẹn; 7) Bảo vệ và vun đắp ngôi nhà chung của chúng ta, bảo vệ nó khỏi việc khai thác các nguồn tài nguyên, phù hợp với các nguyên tắc hỗ trợ, liên đới và nền kinh tế tuần hoàn.
Về môi trường giáo dục, Đức Hồng Y cho rằng cần phải tạo ra một “ngôi làng giáo dục”, trong đó tất cả mọi người chia sẻ trách nhiệm, hình thành một mạng lưới các tương quan cởi mở, nhân văn. Ngôi làng này trước hết sự phân biệt đối xử phải bị xoá bỏ, và tình huynh đệ phải được phát triển mạnh mẽ.
Ngọc Yến