Đôi lời cảm ơn trong nghi thức cung nghinh di cốt Đức cha Pierre Lambert de La Motte
Đôi lời cảm ơn trong nghi thức cung nghinh di cốt Đức cha Pierre Lambert de La Motte
Giáo phận Qui Nhơn chúng con xin hết lòng cảm ơn Đức cha Giuse, Quý Cha, Quý Soeurs trong Ban đặc trách Hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert, cùng với Quý Thầy theo phụ giúp, mặc dù công việc bề bộn,…
ĐÔI LỜI CẢM ƠN
của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, trong nghi thức cung nghinh di cốt Đức cha Pierre Lambert de La Motte, tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn ngày 14.9.2022.
Trọng kính Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Trưởng ban đặc trách Hồ sơ phong thánh cho Đức cha Pierre Lambert de La Motte,
Kính thưa Quý Cha và Quý Nữ tu của Quý Ban.
Kính thưa Chị Tổng Phụ trách và toàn thể Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
Trong văn thư gửi Quý Đức Hồng y và Quý Đức cha của Giáo Hội Việt Nam, ngày 31.05.2021, Bộ Phong thánh đã viết: “Trước khi bắt đầu tiến trình điều tra cấp giáo phận, cần phải thẩm tra liệu danh thơm thánh thiện của ứng viên là có thực và có phổ biến trong phần đông Dân Chúa hay không, bằng cách đánh giá chất lượng của nó và phân biệt sự thánh thiện này khỏi danh thơm tiếng tốt trong công chúng, dư luận, các hoạt động xã hội và văn hóa… Danh thơm này phải là tự phát, nghĩa là, không được dựng nên cách giả tạo.
Xin lưu ý rằng danh thơm thánh thiện đích thực được biểu lộ bởi niềm tin của tín hữu về sự thánh thiện của một người, tự phát dẫn đưa tín hữu tới việc cầu xin cho những nhu cầu riêng của họ cũng như của những người khác, bao gồm việc thường xuyên thăm viếng mộ phần hay những nơi chốn khác liên kết với ký ức về ứng viên. Danh thơm thánh thiện cũng phải được kèm theo bởi những dấu hiệu khác, chẳng hạn, được chứng thực bởi những người đã nhận được những ân sủng và ân huệ từ trời, nhờ sự chuyển cầu của ứng viên”.
Để thực hiện quy định của Bộ Phong thánh, hôm nay Đức cha Giuse và toàn thể Ban đặc trách Hồ sơ phong thánh cho Đức cha Pierre Lambert de La Motte, đã đích thân đến với Giáo phận Qui Nhơn chúng con để giúp tổ chức nghi thức chuyển giao di cốt Đức cha Lambert từ Nhà mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn về nhà thờ Chính tòa, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tín hữu trong và ngoài giáo phận có thể đến kính viếng để bày tỏ tâm tình tôn kính, yêu mến và xin ơn. Càng có nhiều tín hữu đến kính viếng và nếu được ơn, thì danh thơm đích thực về sự thánh thiện của Đức cha Lambert càng được bày tỏ, khiến cho tiến trình phong Chân phước và phong Thánh cho Đức cha được trở nên dễ dàng hơn.
Đức cha Lambert là vị Đại diện Tông tòa đầu tiên của Địa phận Đàng Trong và Giám quản Tông tòa của Địa phận Đàng Ngoài. Do đó, toàn thể Giáo hội Việt Nam từ Nam chí Bắc đều biết ơn ngài. Cách riêng đối với Giáo phận Qui Nhơn, ngài được coi là vị chủ chăn đầu tiên của giáo phận, và các vị chủ chăn của giáo phận đều được tính từ ngài trở đi, vì Giáo phận Qui Nhơn hiện nay là hậu thân trực hệ của Địa phận Đàng Trong, là phần còn lại của Địa phận Đàng Trong sau khi chia cắt để thành lập Địa phận Tây Đàng Trong năm 1844, Địa phận Bắc Đàng Trong năm 1850, Địa phận Kontum năm 1932, Địa phận Nha Trang năm 1957 và Giáo phận Đà Nẵng năm 1963.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu khi được Tòa Thánh sai đi làm Đại diện Tông tòa Địa phận Đàng Trong là đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. Vì thế, song song với việc sai các thừa sai đến truyền giáo tại Việt Nam, ngài cũng đồng thời thành lập chủng viện để đào tạo hàng giáo sĩ Việt Nam. Cha Giuse Trang, quê ở Quảng Ngãi, là vị linh mục Việt Nam đầu tiên của cả nước đã được ngài phong chức linh mục trong lễ vọng Phục sinh ngày 31.03.1668 tại chủng viện Ajuthia. Ngài cũng thành lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Đàng Trong năm 1671 tại An Chỉ, Quảng Ngãi, với vị Bề trên tiên khởi là em gái của cha Giuse Trang. Trong di chúc được viết và ký tên ngày 22.7.1675, Đức cha đã để tại toàn bộ tài sản mà ngài có được do thừa kế gia đình và các bổng lộc cho việc xây dựng chủng viện đào tạo linh mục Đàng Trong.
Trong địa bàn Giáo phận Qui Nhơn hiện nay có nhiều nơi còn lưu dấu chân của ngài trong hai cuộc viếng thăm mục vụ. Trong cuộc viếng thăm lần thứ nhất (1671-1672), ngài đến Nước Mặn và ở lại đó 6 tuần. Nước Mặn là nơi Giáo phận đón nhận hạt giống Tin mừng đầu tiên từ các thừa sai Dòng Tên năm 1618. Tại đây, ngài rửa tội cho 18 dự tòng và ban phép thêm sức cho hơn 200 người. Trước khi lên đường trở lại Xiêm, ngài còn ghé thăm Nước Mặn một lần nữa.
Nơi thứ hai lưu giữ dấu chân của ngài là Quảng Ngãi. Trong chuyến viếng thăm lần thứ nhất, ngài từ Nước Mặn đi Quảng Ngãi và ở lại đó hơn hai tháng. Trong thời gian này ngài thành lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá như đã nói trên. Trong chuyến viếng thăm mục vụ lần thứ hai (1675-1676), ngài đến Quảng Ngãi để thăm giáo dân và nhận lời khấn lần đầu của các nữ tu Mến Thánh Giá. Ngài tỏ ra rất ưu ái đối với Quảng Ngãi và kể từ đó giáo đoàn Quảng Ngãi được coi như trưởng nữ của các giáo đoàn ở Đàng Trong.
Thời ngài, tại Địa phận Đàng Trong có cả trăm người được phúc tử đạo (từ 1664-1675). Trong hai cuộc viếng thăm mục vụ, ngài ban phép thêm sức cho trên 10.000 người. Khi ngài qua đời vào năm 1679, số giáo dân Đàng Trong có khoảng từ 50.000 đến 60.000 người, không kể những người chạy sang các nước lân cận để tránh các cơn bách hại. Ngài đã đặt nền móng cho hàng giáo sĩ bản xứ, cho các cộng đoàn nữ tu, đồng thời phát triển các cộng đoàn hoạt động tông đồ như các thầy giảng, xây dựng đời sống đức tin cho các tín hữu. Bằng thái độ vừa cương quyết vừa nhân hậu, ngài đã tạo được sự hòa thuận và hiệp nhất trong cộng đoàn Dân Chúa, cũng như sự kính trọng nơi các cấp chính quyền và anh chị em lương dân đối với đạo Chúa và bản thân ngài.
Vì vậy, Giáo hội Việt Nam tiến hành Hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert với tư cách là một chủ chăn đã để lại những dấu ấn thánh thiện cho dân Chúa, chứ không phải chỉ vì ngài là Đấng Sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Đó là lý do khiến Ban đặc trách Hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert de La Motte đã phối hợp với Giáo phận Qui Nhơn tổ chức cuộc chuyển giao di cốt của ngài từ Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn về nhà thờ Chính tòa, là nơi có nhiều người thường xuyên đến kính viếng và đọc kinh cầu nguyện. Mong rằng kể từ hôm nay, ngày càng có nhiều người đến kính viếng để cầu nguyện cho ngài sớm được tuyên phong Chân phước, cũng như xin ngài chuyển cầu cùng Chúa cho mình.
Sau khi tham dự nghi thức và được nghe bài chia sẻ của Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Trưởng ban đặc trách Hồ sơ phong thánh, và bài thuyết trình của cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Cáo Thỉnh viên, mọi người có thêm hiểu biết về cuộc đời thánh thiện và sự hy sinh phục vụ của Đức cha Lambert đối với Giáo Hội Việt Nam nói chung và đối với Giáo phận Qui Nhơn nói riêng, nhờ đó góp phần làm cho hồ sơ phong thánh của ngài có điều kiện thuận tiện hơn.
Giáo phận Qui Nhơn chúng con xin hết lòng cảm ơn Đức cha Giuse, Quý Cha, Quý Soeurs trong Ban đặc trách Hồ sơ phong thánh cho Đức cha Lambert, cùng với Quý Thầy theo phụ giúp, mặc dù công việc bề bộn, đường sá xa xôi, đã gợi ý tổ chức và trực tiếp tham gia nghi thức cung nghinh di cốt Đức cha Lambert từ Nhà Mẹ Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn về nhà thờ Chính tòa, để mọi thành phần dân Chúa không những trong giáo phận mà còn ngoài giáo phận đến kính viếng.
Về phía nội bộ, chúng tôi cũng xin cảm ơn Chị Tổng Phụ trách và Quý chị em trong Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, đã có công lưu giữ di cốt của Đức cha từ lâu nay, và hôm nay đã vui lòng chuyển giao lại cho giáo phận. Điều này chẳng những không gây mất mát cho Hội dòng, mà trái lại còn khiến cho nhiều Hội dòng Mến Thánh Giá khác và nhiều giáo dân khắp nơi đến hiệp ý với Hội dòng để kính viếng hài cốt Đức cha Lambert, vừa là vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Đàng Trong nói chung, của Giáo phận Qui Nhơn nói riêng, lại vừa là Đấng Sáng lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Đàng Trong, mà Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn hiện nay là tổ chức kế thừa trực hệ.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của Quý Cha, Quý Thầy Phó tế, Quý Bề trên và Nữ tu các Hội dòng, Quý Anh Chị em Mến Thánh Giá Qui Nhơn Tại Thế, Quý chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân đã về tham dự nghi thức hôm nay. Cũng xin cảm ơn tất cả những người đã bằng cách này cách khác góp phần vào việc tổ chức nghi thức hôm nay.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả.