Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Suy tôn Thánh Giá tại Nur-Sultan
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Suy tôn Thánh Giá tại Nur-Sultan
Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh lễ Suy tôn Thánh giá tại Trung Tâm Triển lãm Quốc tế EXPO ở Nur-Sultan, Kazakhstan, và nói rằng từ Chúa Giêsu bị đóng đinh, các Kitô hữu học được “tình yêu chứ không phải hận thù; lòng trắc ẩn chứ không phải sự thờ ơ; sự tha thứ chứ không phải báo thù”.
Chiều thứ Ba ngày 14/9/2022, sau khi nghỉ trưa tại Toà Sứ Thần ở Nur-Sultan, lúc khoảng 4 giờ chiều Đức Thánh Cha đi xe đến Trung Tâm Triển lãm Quốc tế EXPO cách đó 7 cây số để dâng Thánh lễ.
Trung Tâm Triển lãm Quốc tế EXPO
Đây là nơi đã diễn ra Triển lãm Hội chợ Quốc tế năm 2017 về chủ đề “Năng lượng của tương lai”. Sự kiện tập trung về vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả, sự bền vững, năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu, có sự tham gia của 115 quốc gia và 22 tổ chức quốc tế và đã có 4 triệu người đến thăm quan, trong đó có 650 ngàn người từ nước ngoài.
Ngày nay khu phức hợp EXPO là tâm điểm của sự phát triển khoa học, công nghệ thông tin, kinh tế, cũng như của ngành công nghiệp giải trí. Tại đây có Bảo tàng Nur-Alem và Trung tâm Đại hội, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng và có ý nghĩa trong những năm gần đây. Nur-Alem, Bảo tàng Năng lượng Tương lai, là toà nhà hình cầu lớn nhất thế giới, được xây dựng bằng kính và thép, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Mỹ Adrian Smith và Gordon Gill, với đường kính 80 mét, cao 100 mét và phần mở rộng bên trong là 26.000 mét vuông. Toà nhà là biểu tượng cho sự tiến bộ của Kazakhstan.
Quảng trường rộng lớn của khu triển lãm EXPO có thể chứa khoảng 10 ngàn tín hữu. Khi đến quảng trường EXPO, Đức Thánh Cha đi xe mui trần vòng quanh khu vực cử hành Thánh lễ để chào các tín hữu; sau đó, vào lúc gần 5 giờ chiều, ngài bắt đầu chủ sự Thánh lễ với sự tham dự của các Hồng y và giám mục tháp tùng ngài từ Vatican, các giám mục và các linh mục Kazakhstan cũng như các nước lân cận, trước sự hiện diện của hàng ngàn tín hữu Kazakhstan cũng như các tín hữu đến từ vùng Trung Á.
Thánh lễ Suy tôn Thánh Giá
Thánh lễ Suy tôn Thánh Giá được cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Nga. Trong bài giảng, từ sự đối lập giữa những con rắn lửa cắn chết và con rắn đồng cứu sống được nói đến trong bài trích sách Dân Số, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, ơn cứu độ của chúng ta, để học tình yêu khiêm nhường phổ quát của Người. Để từ đó, chúng ta được giải khỏi nọc độc của sự ác, của thù hận, báo thù, để chúng ta không còn phàn nàn, cắn xé hay nghi ngờ mất tin tưởng lẫn nhau, và để chúng ta trở thành những Kitô hữu trọn vẹn, những chứng nhân vui tươi của sự sống mới, của tình yêu và hòa bình.
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với lời giải thích lý do của Lễ Suy tôn Thánh giá: “Thập giá là giá xử tử, nhưng hôm nay chúng ta cử hành lễ Suy tôn Thánh giá của Chúa Kitô, bởi vì trên cây gỗ đó, Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy tội lỗi của chúng ta và sự dữ của thế gian, và đánh bại chúng bằng tình yêu của Người.” Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay nói về điều đó khi cho thấy sự tương phản giữa những con rắn cắn chết với con rắn cứu sống. Từ đó Đức Thánh Cha suy tư về hai hình ảnh.
Con rắn cắn chết và tội nghi ngờ mất tin tưởng vào Chúa
Trước hết là những con rắn cắn. Chúng tấn công người dân, những người một lần nữa lại rơi vào tội phàn nàn chống lại Chúa. Việc họ lầm bầm chống lại Thiên Chúa không chỉ đơn giản là cằn nhằn và phàn nàn về Người, nhưng cách sâu xa hơn, trong lòng người dân Israel đã mất niềm tin cậy vào Thiên Chúa, vào lời hứa của Người.
Sự việc này, theo Đức Thánh Cha, nhắc chúng ta nhớ đến con rắn đầu tiên được đề cập trong Kinh Thánh, trong sách Sáng Thế, kẻ cám dỗ, kẻ đã đầu độc trái tim của ông Ađam và bà Evà, và khiến họ nghi ngờ Thiên Chúa. Ma quỷ, dưới hình dạng một con rắn, đã lừa dối họ và khiến họ ngờ vực bằng cách thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không tốt lành, nhưng ghen tị với tự do và hạnh phúc của họ. Tội nguyên tổ quay trở lại: dân Israel nghi ngờ Thiên Chúa, không tin cậy Người, họ phàn nàn và nổi loạn chống lại Đấng đã ban cho họ sự sống và vì vậy họ gặp phải sự chết.
Đoạn Kinh Thánh mời gọi chúng ta quan sát kỹ những khoảnh khắc trong lịch sử cá nhân và cộng đồng của chúng ta, những lúc mà sự tin tưởng vào Thiên Chúa và niềm tin giữa chúng ta bị mất đi. Đã bao lần, vì thất vọng và thiếu kiên nhẫn, chúng ta đã héo mòn trong sa mạc của chính mình, đánh mất mục tiêu của cuộc hành trình!
Những vết cắn của bạo lực
Đức Thánh Cha nhận định rằng tại đất nước Kazakhstan rộng lớn này cũng có sa mạc, có sự mệt mỏi, sự khô khan mà đôi khi chúng ta mang trong lòng, là những giây phút mệt mỏi và thử thách, khi mà chúng ta không còn đủ sức để nhìn lên cao, hướng về Thiên Chúa. Đó là những tình huống trong đời sống cá nhân, Giáo hội và xã hội, trong đó chúng ta bị con rắn của sự ngờ vực cắn, bị nhiễm độc bởi sự thất vọng và tuyệt vọng, của sự bi quan và cam chịu, và bị đóng kín trong cái tôi của mình, thiếu đi tất cả sự nhiệt thành. Và Đức Thánh Cha nghĩ đến những vết cắn đau đớn khác của những con rắn hung hãn của bạo lực, cuộc đàn áp của chủ nghĩa vô thần, sự đàn áp tôn giáo, và về một hành trình khó khăn khi quyền tự do của con người bị đe dọa và nhân phẩm của họ bị xúc phạm.
Ngài nhắc nhở mọi người gìn giữ ký ức về những đau khổ đó và không quên những khoảnh khắc nghiệt ngã. Hòa bình không bao giờ đạt được một lần cho mãi mãi; và để Kazakhstan có thể phát triển hơn nữa “trong tình huynh đệ, đối thoại và hiểu biết […] cần có sự dấn thân của mọi người. Nhưng trước đó, chúng ta cần phải canh tân niềm tin vào Chúa: ngước nhìn lên, nhìn vào Người và học hỏi từ tình yêu phổ quát và bị đóng đinh của Người.
Con rắn cứu sống
Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng bằng việc suy tư hình ảnh thứ hai: con rắn cứu sống. Khi dân chúng đang chết vì rắn lửa, Thiên Chúa nghe thấy lời cầu bầu của Môsê và nói với ông: “Ngươi hãy đúc một con rắn và treo nó trên một cây cột. Nếu ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Và quả thật, “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống” (câu 9).
Lưu ý đến việc Thiên Chúa không tiêu diệt những con rắn độc đó nhưng đưa ra những chỉ dẫn chi tiết này cho ông Môsê, Đức Thánh Cha nhận định rằng cách hành động của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta thấy cách Người đối phó với sự ác, tội lỗi và sự ngờ vực của nhân loại. Khi đó cũng như bây giờ, trong cuộc chiến thiêng liêng mạnh mẽ kéo dài suốt lịch sử, Thiên Chúa không hủy diệt những thứ thấp hèn và vô giá trị mà con người chọn theo đuổi. Rắn độc không biến mất; chúng luôn ở đó, nằm chờ, sẵn sàng cắn.
Chúa Giêsu đã được giương cao trên Thánh giá
Thiên Chúa làm gì? Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15). Đây là sự thay đổi mang tính quyết định: con rắn cứu sống đã đến giữa chúng ta. Chúa Giêsu, đã được giương cao trên Thánh giá, không cho phép những con rắn độc tấn công chúng ta để gây ra cái chết của chúng ta.
Đứng trước sự khốn cùng của chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một chân trời mới: nếu chúng ta luôn nhìn vào Chúa Giêsu, thì nọc độc của sự dữ không còn có thể chiến thắng chúng ta nữa, vì trên Thánh giá Người đã mang lấy trên mình nọc độc của tội lỗi và sự chết, và đè bẹp sức mạnh hủy diệt của chúng. Đó là cách Chúa Cha đáp lại sự dữ lây lan trên thế giới: Người đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Đấng đến gần chúng ta theo cách mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được.
Từ Thánh giá, chúng ta nhìn theo cách nhìn yêu thương của Chúa
Đức Thánh Cha nói tiếp: Thưa anh chị em, đây là con đường, con đường dẫn đến ơn cứu độ của chúng ta, sự tái sinh và sự phục sinh của chúng ta: chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Từ trên cao đó, chúng ta có thể nhìn cuộc sống của chúng ta và lịch sử của các dân tộc chúng ta theo một cách nhìn mới. Vì từ Thánh giá của Chúa Kitô, chúng ta học được tình yêu thương, chứ không phải sự thù hận; lòng trắc ẩn, chứ không phải sự thờ ơ; lòng tha thứ chứ không phải sự báo thù. Vòng tay dang rộng của Chúa Giêsu là vòng tay của tình yêu dịu dàng mà Thiên Chúa muốn ôm chúng ta. Chúng cho chúng ta thấy tình yêu huynh đệ mà chúng ta được kêu gọi để dành cho nhau và cho mọi người. Chúng chỉ cho chúng ta con đường, con đường của Kitô giáo. Đó không phải là con đường của áp đặt và cưỡng bức, của quyền lực và địa vị; nó không bao giờ giơ Thánh giá của Chúa Kitô lên để chống lại anh chị em của chúng ta, những người mà Chúa đã dâng hiến mạng sống cho họ! Con đường của Chúa Giêsu, con đường cứu độ thì khác: đó là con đường của một tình yêu nhưng không khiêm nhường và phổ quát, không có những từ như “nếu”, “và” hay “nhưng”.
Là một Kitô hữu có nghĩa là sống không có nọc độc
Đúng, bởi vì trên cây gỗ của Thánh giá, Đức Kitô đã loại bỏ nọc độc khỏi con rắn sự dữ. Là một Kitô hữu có nghĩa là sống không có nọc độc: không cắn xé lẫn nhau, không phàn nàn, đổ lỗi và nhiều chuyện, không gieo rắc điều ác, không làm ô nhiễm trái đất bằng tội lỗi và sự không tin tưởng, những điều nảy sinh từ ma quỷ. Thưa anh chị em, chúng ta đã được tái sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh giá. Xin cho chúng ta được giải thoát khỏi nọc độc của sự chết (xem Kn 1,14), và hãy cầu nguyện để nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể trở nên những Kitô hữu trọn vẹn hơn bao giờ hết: những chứng nhân vui tươi của sự sống mới, của tình yêu và hòa bình.
Hồng Thủy