Của cải sẽ về ai ?
31.7 Chúa Nhật thứ Mười Tám Mùa Quanh Năm
Gv 1:2,2; Tv 90:3-4,5-6,12-14,17; Cl 3:1-5,9-11; Lc 12:13-21
Của cải sẽ về ai ?
Giá trị hạnh phúc ở đời này không thể đong đo bằng địa vị cao sang, nhiều tiền lắm của, nhưng do chúng ta hiểu, biết và sống tốt với anh chị em mình, sống đúng với khả năng điều kiện ta đang có. Câu chuyện về người phú hộ còn nói rõ là chỉ những ai biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa, mới đáng gọi là người khôn ngoan. Người ngốc, người khờ dại, là người chỉ lo làm giàu vật chất rồi hưởng thụ, không sử dụng đúng những thành quả hiện tại của mình, sẽ mãi là nghèo hèn trước Thiên Chúa mà thôi. Tư duy của người phú hộ quá nhỏ hẹp, ích kỷ, khối óc và trái tim của ông không có tình người, không còn biết đâu là tình nghĩa anh chị em.
Giáo huấn trong bài Tin Mừng hôm nay xuất phát từ việc tranh giành tài sản: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Chúa Giêsu đến đâu phải để làm điều đó. Tuy nhiên không vì thế mà Chúa Giêsu lại tỏ vẻ bực mình, ngược lại Ngài lấy sự kiện đó để giáo huấn họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Một anh thanh niên đến khiếu nại xin Chúa Giêsu can thiệp để người anh phải chia gia tài cho anh ta. Nhưng Người từ chối, và nhân dịp này đã dạy mọi người phải tránh thói tham lam ích kỷ, cũng đừng trông cậy vào sự bảo đảm của tiền bạc cho tương lai cuộc đời mình.
Người kể ra dụ ngôn về một người giàu có chỉ lo thu tích của cải và làm giàu cho bản thân. Điều đó thật là dại khờ ! Vì chính lúc anh ta tưởng rằng tương lai cuộc đời của mình được của cải bảo đảm, để yên tâm nghỉ ngơi ăn uống và vui chơi thỏa thích, lại là lúc cái chết thình lình ập đến. Thế thì số tài sản của anh ta tích trữ kia sẽ về tay ai ? Cuối cùng Người kêu gọi người ta hãy lo làm giàu về thiêng liêng, để những của cải này sẽ có giá trị trước tòa phán xét sau này.
Người phú hộ thực ra là người khôn ngoan và cần mẫn. Nhờ sự khôn ngoan khéo léo mà anh có thể làm giàu. Anh lo lắng tích trữ của cải, phá kho nhỏ đề xây kho lớn. Đến lúc anh tưởng như mình thực sự an toàn và được hưởng thụ của cải bao lao công khó nhọc làm ra, thì anh lại bị quở trách là đồ ngu ngốc! Anh bị kết án vì anh tham lam và coi của cải là lý tưởng cao cả nhất của mình. Anh đặt mọi niềm hy vọng nơi của cải. Anh còn bị kết án là ngốc, vì anh không biết lo lắng cho linh hồn mình, là điều mà Chúa Giêsu gọi là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Vì vậy, nếu anh nghĩ rằng đã đến lúc nghỉ ngơi thoải mái, thì Chúa lại đòi linh hồn anh, có nghĩa là anh chẳng còn cơ hội để mà hưởng lạc nữa.
Đừng vội cho rằng Chúa kết án những người giàu có! Trong lịch sử, biết bao người giàu có đã nên thánh. Họ không coi tiền bạc của cải như lý tưởng và mục đích cuối cùng của cuộc đời. Họ ý thức rằng, ở đời này, của cải thực ra là Chúa trao cho mỗi người quản lý và sinh lợi. Họ như những đóa sen, sống gần bùn mà vẫn thanh tao tinh tuyền, tỏa hương thơm ngát. Của cải chi là phương tiện để giúp họ nối kết tình bạn, thực thi bác ái và làm cho phẩm giá con người được tôn trọng.
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chúa dạy chúng ta, đừng cậy dựa vào của cải như một điểm tựa vững chắc vĩnh cửu. Kinh nghiệm đời thường cũng cho chúng ta thấy, dư dật của cải không phải lúc nào cũng cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc.
Bài đọc một hôm nay theo Sách Giảng viên là những lời dạy quí báu cho chúng ta, vì là những suy tư và kinh nghiệm khôn ngoan gom góp của nhiều thế hệ qua dòng thời gian. Thoáng vừa nghe, chúng ta cảm thấy hình như có nhiều ý tưởng bi quan yếm thế, nhưng lại rất chí lý và là sự thật. Con người chúng ta phải vất vả làm việc suốt đời thu tích tiền bạc, của cải và vật chất, nhưng khi chết thì buông xuôi phải bỏ lại tất cả. Ngoài ra, khi có được nhiều tiền, nhiều người cảm thấy hay phải đối diện với đau khổ, bất hòa và mất hạnh phúc trong gia đình, cũng như bất an vì nhiều đêm giấc ngủ không yên vì sợ mất, trộm cắp và bị hành hung. Thế thì chẳng phải cuộc sống chúng ta là hư không ư!
Tác giả sách Giảng Viên đã khẳng định: mọi sự đời này đều như mây trôi, hội tụ rồi lại phân tán, như đóa hoa phù dung sớm nở chiều tàn, tất cả chỉ là hư vô. Con người cứ mải mê làm giàu, một lúc nào đó giật mình nhìn lại, không biết mình sống vì ai và để làm gì, như trường hợp vị tướng trong câu chuyện trên đây. Anh nghĩ rằng cần phải mở rộng giang sơn, nhưng “ba tấc đất mới thật là nhà”. Giang sơn rộng rãi ấy, đối với một người đang hấp hối, đã trở nên vô nghĩa.
Thánh Phaolô không chỉ phê phán thói quen gắn bó lệ thuộc vào của cải, mà còn mời gọi mọi người hãy từ bỏ gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam, từ bỏ giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, ăn nói thô tục. Thánh nhân cũng gọi tham lam là một thứ ngẫu tượng, cần phải diệt trừ để có thể trung thành sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu, trở nên con người của thượng giới, vì con người hạ giới đã bị giết chết khi chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Qua câu truyện Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta một điều, một bài học quan trọng cho đời sống đức tin của chúng ta hôm nay, đó là, đừng quá tham lam và cậy dựa vào tiền của mà khi thần chết đến, và nhiều khi đến bất ngờ lúc chúng ta không biết, thì sự giàu có hay tiền muôn bạc bể cũng không cứu được linh hồn của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta đang có, chúng ta sẽ không đem theo được vào cuộc sống vĩnh cửu. Nếu chúng ta chỉ biết làm giàu, hay mãi mê chạy theo lòng tham của mình không chu toàn bổn phận gia đình và đời sống đức tin, thì tất cả sự giàu sang và tiền bạc của chúng ta chỉ là hư vô thôi.
Là những Ki-tô hữu, chúng ta tin có cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Chắc chắn một ngày nào đó, như Chúa đã cho chúng ta biết trước, khi chúng ta đến trước mặt Chúa, Chúa sẽ hỏi chúng ta đã xử dụng tiền bạc, những ơn lành của Chúa trong cuộc sống trần gian như thế nào? Hy vọng rằng lúc đó ông bà anh chị em và tôi có “cái gì” để làm bằng chứng, trình lại với Chúa, và để Chúa ban cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu. trên Nước Trời.