Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu
30,7 Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm
Gr 26:11-16,24; Tv 69:15-16,30-31,33-34; Mt 14:1-12
Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu
Tin mừng Mátthêu nói đến Gioan vị ngôn sứ sống khiêm nhường, công chính, lương tâm ngay thẳng, luôn bảo vệ sự thật, đã can đảm, mạnh dạn lên tiếng ngăn cản vua Hêrôđê cướp vợ anh trai mình (Mt 14,4). Vì, Gioan nói lên sự thật, nên Hêrôđia đem lòng căm hờn, ghen ghét, tìm cách giết vị ngôn sứ, để tìm kiếm lối sống dục vọng, hưởng thụ bất chính. Hêrôđia đã xúi dục con gái là Salômê, xin vua Hêrôđê chém đầu Gioan (Mt 14,6), để hưởng mối lợi trước mắt. Hêrôđê, dù có thân thiện, kính nể vị ngôn sứ, nhưng lo sự mất uy tín, danh dự và ảnh hưởng tới địa vị trong xã hội. Ông đã đánh mất lương tâm, khi cho giết vị ngôn sứ (Mt 14,19), khiến ông trượt dài trong tội lỗi. Vì thế, cái chết của vị ngôn sứ Gioan nói lên ý nghĩa bóng tối của hận thù, tâm hồn giả dối của con người bị sự thật và công lý phơi bày.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cái chết bi thảm của vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước đó là Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến. Cái chết của ông chứng minh cho lòng can đảm dám sống cho sự thật và chết cho sự thật vì yêu luật Chúa.
Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: “Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.
Sau bao năm ở sa mạc một mình với Thiên Chúa để chuẩn bị sứ vụ, Gioan Tẩy Giả xuất hiện giữa dân chúng, kêu gọi mọi người sám hối và dọn lòng đón nhận Đấng Cứu Thế. Trong bối cảnh đó, ông cũng mạnh dạn lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê không được phép lấy vợ của anh mình. Tiếng nói chân thật của ông đã đưa ông đến chỗ bị vua Hêrôđê ra lệnh bắt trói và xiềng ông trong tù. Vua muốn giết Gioan nhưng lại sợ đám đông vì họ coi ông như một vị ngôn sứ. Người ta thường nói: “Sự thật, mất lòng” nhưng với Gioan Tẩy Giả thì “sự thật, mất đầu”. Ông chấp nhận “ thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt” để hy vọng cứu được một quân vương khỏi sa lầy tội lỗi. Nhưng vì giữ danh dự trước bá quan và khách mời, ông đã bị Hêrôđê ra lệnh chém đầu để thỏa mãn sự căm thù của một người đàn bà thiếu đạo đức tên là Hêrôđia, vợ của Philipphê, anh vua Hêrôđê mà vua đã lấy làm vợ mình. Gioan Tẩy Giả mất đầu nơi thân xác, nhưng tâm hồn và tiếng nói chân thật của ông vẫn còn vang vọng và là gương sáng trong mọi thời đại. Qua cái chết vì lòng trung thành với lề luật Thiên Chúa, chúng ta nhận ra Gioan Tẩy Giả cũng đã cùng chung thân phận với bao ngôn sứ khác.
Trở lại với Hêrôđê, chúng ta có thể thấy ông là một con người có tính khí bất thường. Ông vừa kính Gioan, vừa muốn nghe Gioan nói, nhưng lại không muốn dứt bỏ người tình Hêrôđia. Ông bắt cá hai tay nên ông loay hoay, luẩn quẩn trong cái vòng tội lỗi để rồi khi thấy Chúa Giêsu bắt đầu nổi danh, ông ngỡ là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, người mà ông đã ra lệnh chém đầu trước đây! Ông sợ đối diện với sự thật về đạo lý luân thường, lòng ông luôn thiếu bình an. Ông không còn đủ sáng suốt nhận ra chân lý nên chỉ vì giữ một lời hứa trong lúc có men, ông đã giết oan một ngôn sứ mà Đức Giêsu đã giới thiệu trước: “ Trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11a).
Nhìn Hêrôđê, chúng ta cũng tự vấn lương tâm mình trong cách sống đạo trong thế giới hôm nay. Phải chăng tiếng nói luân lý ngày xưa còn được con người quan tâm hoán cải, dù vẫn có những người như Hêrôđê. Nhưng tiếng nói luân lý ngày nay đang bị con người coi thường đến mức báo động. Họ coi có quyền, có tiền là có tất cả. Nguy hiểm hơn là vì không sợ tội nên họ có thể làm tất cả những gì mình muốn, bất chấp luật lệ và công lý. Rất may là chúng ta còn gặp những người như Gioan Tẩy Giả trong gia đình là cha là mẹ sẵn sàng quan tâm dạy dỗ con cái sống đạo hoặc trong các hội đoàn hay những người đầy ơn Chúa, họ sẵn lòng kiên trì đi gặp gỡ, khuyên nhủ và tìm nhiều phương cách giúp những anh chị em Kitô hữu khô đạo hay lạc xa đức tin trở về với Chúa. Giáo Hội rất vui mừng và biết ơn những con người như thế để cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa là cứu anh chị em mình thoát khỏi sự dữ đời đời.
“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.
Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.
Thách đố cho người Kitô hữu trong cuộc sống là vẫn còn nhiều Hêrôđê và Hêrôđia đương đại, là những kẻ lợi dụng dịch Covid nham hiểm, ích kỷ, mưu mô, xảo quyệt, để sống trục lợi tiền bạc bất chính từ những món hàng khẩu trang, viên thuốc giả, Chỉ vì, người ta cố tình sống tham lam, ham hố danh vọng, địa vị, quyền lực chính trị bất chính, đưa ra những thông tin sai lệch về dịch bệnh, bất chấp đạo lý làm người, để làm xáo trộn cuộc sống nhân loại. Với chủ đích gây chia rẽ cộng đoàn giáo hội, xứ đạo, hội đoàn, khu xóm và xã hội. tạo sức ép lên cuộc sống của tha nhân.
Vì thế, xã hội chúng ta, cần người môn đệ Chúa Kitô luôn đứng về phía sự thật như Gioan. Mỗi người được mời gọi thể hiện đời sống yêu thương, hiệp nhất, can đảm bảo vệ đời sống công bằng, dấn thân, hy sinh, quảng đại và vị tha cho nhau, tha thứ những lỗi lầm của tha nhân xúc phạm đến mình. Nhờ đó, mỗi Kitô hữu chúng ta luôn biết song chân thành, trung thực trong đời sống mỗi ngày.
Hãy cùng nhau xóa bỏ những đố kỵ, hận thù, ghen ghét, tự kiêu, để mỗi chúng ta luôn sống theo tiếng gọi của Chúa, làm theo đúng lương tâm, để tạo công bình và đón nhận chân lý cứu độ của Chúa dành cho cho mình và mọi người, giữa một thế giới tội lỗi hôm nay.