Thái Ðộ Bao Dung
28.7 Thứ Năm trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm
Gr 18:1-6; Tv 146:1-2,2-4,5-6; Mt 13:47-53
Thái Ðộ Bao Dung
Với bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi. Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Mầu Nhiệm Nước Trời là một điều thật khó hiểu cho người nghe Lời Chúa, ở đó diễn tả một mô mẫu của vương quốc hạnh phúc mà thực tại trần thế không có được, là điều mà trong suy tư tự nhiên của con người khó chạm đến cách thấu đáo. Chính vì thế, khi Chúa Giê-su nói về Nước Trời Ngài luôn dùng dụ ngôn để diễn tả, cho người nghe có thể thấu cảm về một thực tại họ không nhìn thấy và rất khó để suy tưởng.
Trong bài Tin mừng hôm nay, thì thánh sử Mát-thêu ghi lại dụ ngôn chiếc lưới, dụ ngôn cuối cùng mà Chúa Giê-su đã dùng dể diễn tả mầu nhiệm Nước Trời.
Quả vậy, Vương Quốc ấy sẽ đến vào thời sau hết, ngày mà tất cả mọi sự sống điều quy hồi về Thiên Chúa. Ngày mà Đấng Tạo hóa phán xét mọi thụ tạo một cách công thẳng theo “tội – phúc” mà họ đã sống trên trần thế. Ngày đó, con người không thể lẫn tránh, nhưng phải đối mặt với Đấng Toàn Năng như “Cuộc phán xét chung” (Mt 25, 31-46) mà thánh Mát-thêu diễn tả. Người tốt lành thánh đức thì được vui hưởng niềm hạnh phúc trường cửu, còn kẻ gian ác phải chịu hình phạt muôn đời. Dụ ngôn là một lời tiên báo cho tương lai của mỗi chúng ta, những con người vốn hư nát và phải chết.
Tuy nhiên, trong đoạn tin mừng hôm nay, chúng ta lưu ý đến một chi tiết khá thú vị. Đó là lời kết thúc các dụ ngôn về Nước Trời. “Anh em có hiểu tất cả những điều đó không?”, tức là hiểu về mầu nhiệm Nước trời, hiểu về sứ mạng công bố Nước Trời cho thiên hạ, nhiệm vụ mà mỗi người môn đệ phải thi hành trong sứ mạng của mình. Sứ mạng ngôn sứ mà mỗi chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa. Các môn đệ sau bao ngày tháng theo Chúa Giêsu đã trả lời, “Thưa hiểu” và các ông đã sống chứng tá cách hào hùng bởi lời thưa đáp ấy. Còn chúng ta, những ki-tô hữu, bao ngày tháng học hỏi Kinh Thánh, học giáo lý và sống mầu nhiệm đức tin, chúng ta có thực sự hiểu về mầu nhiệm Nước Trời chưa? Hay chúng ta, miệng thì thưa “Hiểu” nhưng hành động thì trái chiều với tinh thần đức tin, giữ đạo thì hời hợt, sống tinh thần bác ái thì miễn cưỡng, thực thi lòng xót thương thì gượng gạo khó khăn…
Quả thế, những người đã học hiểu về mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ nên những người môn đệ đích thực. “bất kỳ kinh sư nào đã học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. Những ai đã được học hỏi về Nước Chúa, thì họ sẽ nên những thầy dạy cho người khác, kho tàng mà họ có không chỉ là những điều luật của Cựu ước (Thập giới) nhưng có cả tinh thần mới của Tân Ước. Có kho tàng ấy, người thầy dạy không còn chất lên vai người khác những gánh nặng của lề luật, nhưng cùng với người khác sống tinh thần của luật, đó là thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã nêu gương.
Như thế, đạo lý của bài Tin mừng hôm nay muốn nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, hãy biết sống tinh thần mới của người ngôn sứ, tinh thần của một thầy dạy trọn hảo sống theo tinh thần mới của Chúa Giê-su trong luật mang lại sự sống, “luật cũ trong tinh thần mới”. Bởi lẽ, sứ mạng ngôn sứ ấy sẽ được thẩm vấn khi đến thời đến buổi của công nghi phán xét muôn dân, ngày chung thẩm để nhận hạnh phúc thật hay án phạt.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết. Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn cảnh báo cho chúng ta về ngày tận thế, ngày ấy xảy ra khi chúng ta phải nhắm mắt lìa đời. Sinh ra chúng ta Thiên Chúa luôn ấp ủ gìn giữ bảo vệ chở che, Ngài đặt trong tâm hồn mỗi người tiếng nói của lương tâm để chỉ dẫn cho chúng ta làm lành lánh dữ. Tình yêu của Thiên Chúa bao phủ loài người có thể ví như chiếc lưới. Không một ai bị loại trừ và thoát ra khỏi tấm lưới yêu thương ấy. Thế nhưng Thiên Chúa chỉ chọn những cá tốt, nói cách khác; Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Ngài biến đổi để trở nên tốt. Còn những ai chối bỏ Ngài thì trở nên cá xấu, bị quang ra ngoài, nơi đó sẽ là bất hạnh và than khóc muôn đời.
Khi chúng ta sống và hành động theo tiếng chỉ bảo của lương tâm, nghĩa là sống theo ý Chúa, thì chúng ta sẽ có một cuộc sống thanh thản bình an ngay ở đời này, và chắc chắn sẽ được hạnh phúc đời sau. Còn ngược lại, nếu sống trong gian ác, tội lỗi thì ngay ở đời này sẽ là một chuỗi những tháng ngày sống trong bất an, bất hạnh và rồi sẽ đánh mất luôn cả sự sống đời sau!