Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa
27.7. Thứ Tư trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm
Gr 15:10,16-21; Tv 59:2-3,4,10-11,17,18; Mt 13:44-46
Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa
Trong cuộc sống trần thế, con người thường lẫn lộn giữa các giá trị, nhất là các giá trị thiêng liêng, tinh thần. Sự thẩm định chính xác đã khó khăn, sự chọn lựa, ưa thích cho đúng đắn lại càng khó khăn hơn vì nó liên hệ đến đời sống tâm linh. Biết chọn lựa cũng là biết từ bỏ mà không chút xót xa tiếc nuối. Con người thường lo nghĩ cái hiện tại hơn cái tương lai, cái tạm bợ đời này hơn cái vĩnh cửu cho đời sống mai sau. Thêm vào đó, con người còn bị ma quỷ cám dỗ, thế gian lôi kéo ham thích những sự thế gian xác thịt. Vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật gương mẫu khi thấy kho báu và viên ngọc quý, họ đã ứng xử rất khôn ngoan, chọn lựa rất đúng đắn, chúng ta hãy làm như họ đã làm khi tìm ra Nước Trời.
Tin Mừng hôm nay tiếp tục đưa ra ba hình ảnh diễn tả về Nước Trời là dụ ngôn kho báu, ngọc quý và lưới cá: Nước Trời được ví như một người nông dân đi cày ruộng phát hiện ra một kho báu được chôn giấu trong thửa ruộng đang cày, hay Nước Trời được ví như một nhà buôn ngọc khi mua bán ngọc quý, đã phát hiện ra một viên ngọc đẹp rất có giá trị, nên sẵn sàng về nhà bán tất cả gia sản của mình để mua cho được thửa ruộng có kho báu, hay mua viên ngọc quý giá kia.
Tiếp đến Nước Trời cũng được ví như công việc thả lưới bắt cá của một ngư dân: Sau khi bắt được một mẻ cá lớn đã ngồi trên bãi cát mà chọn lựa, rồi giữ lại cá tốt trong giỏ và loại bỏ cá xấu ra ngoài. Cũng vậy, đến ngày tận thế chỉ những người lành mới được vào Nước Trời là thiên đàng, còn kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. Nhiệm vụ của các môn đệ Đức Giê-su là phải tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời so sánh với Lề luật của Mô-sê để biết sử dụng cả những điều cũ điều mới.
Nước Trời là chính Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, là thiên đàng, là sự sống đời đời, là ân ban của Thiên Chúa, là sự thánh thiện của linh hồn. Khi nói về Nước Trời giống như kho báu, và như viên ngọc quý, không có ý so sánh, nhưng để diễn tả rằng: ai tìm ra được Nước Trời thì hãy xem đó là kho tàng quý báu duy nhất của mình, đó là báu vật quý hoá và tốt đẹp nhất của mình, không còn có cái gì hơn nữa khiến chúng ta phải khao khát ước mong, và tha thiết tìm kiếm nó, phải nổ lực, phải cố gắng qua cửa hẹp, phải luôn hướng lòng trí về đó vì “ kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” ( Lc 12, 34; Mt 6, 21).
Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa ( Lc 12, 31). Khi ta tìm thấy, đã hiểu biết, đã tin vào Chúa vào sự sống đời đời, chúng ta sẽ yêu mến nó hết lòng, hết sức, hết tâm hồn và hết trí khôn, chúng ta sẽ lấy nó làm niềm vui lớn lao, niềm vui tuyệt đỉnh của cõi lòng chúng ta, chúng ta sẽ hân hoan vui vẻ từ bỏ tất cả, bán hết tất cả để chiếm đoạt cho được kho báu ấy, chiếm hữu cho được viên ngọc quý ấy. Nhưng làm sao để tìm được Nước Trời?
Đối với lương dân thì đó là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, được xem như một sự tình cờ, một cơ hội may mắn nào đó. Còn đối với người kitô hữu vì như lái buôn phải công phu học hiểu giáo lý của Chúa và đào sâu đức tin. Người lương dân cũng như người kitô hữu một khi đã tìm thấy kho báu và viên ngọc quý là Nước Trời rồi, họ phải làm gì để chiếm đoạt nó làm sở hữu của mình. Nước Trời thuộc về thần bí, tìm kiếm nó đã là một vấn đề khó khăn như là dấu kín trong ruộng, như là ở đâu mà ta không định vị được. Khi tìm được rồi lại đem giấu kín, đó là chúng ta phải ôm ấp nó tận đáy lòng ta, để bắt đầu thực hiện những điều cần thiết để chiếm hữu nó. Chúng ta bước vào một hành trình thiêng liêng để tiến vào Nước Trời.
Trước tiên chúng ta thực hiện việc Chúa đòi hỏi chàng thanh niên: “ Anh hãy bán tất cả những gì anh có…” (Mt 19, 16 – 22). Nước Trời rất quý giá và sự đòi hỏi của Nước Trời rất quyết liệt. Chính đây là điểm mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh trong dụ ngôn Nước Trời và một kho tàng là viên ngọc quý, đòi ta phải bỏ tất cả những gì mình có kể cả bản thân, việc đáp trả của chúng ta phải trọn vẹn, dấn thân hoàn toàn và trưng dụng tất cả những gì ta có, không được ngần ngại trước bất cứ một sự hi sinh nào, dẫu là chặt tay, chặt chân, móc mắt (Mt 18, 8 – 9 ), cũng không phải là giá quá đắt đối với đặc ân tham dự vào Nước Trời, kể cả sự hi sinh mạng sống mình “ ai yêu mạng sống mình thì mất còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được lại nó” (Mt 16, 25 ).
Chúng ta cần ý thức phần rỗi linh hồn chúng ta giá trị cao quý tốt đẹp và cần thiết tuyệt đối biết chứng nào, chúng ta không thể đánh mất nó được, chúng ta cần chú tâm và chuyên cần tìm kiếm đạt cho được phần rỗi linh hồn, dù hi sinh tất cả mọi sự thế gian và chính bản thân mình nữa. Chúng ta chọn Chúa là gia nghiệp như một kho tàng quý giá bằng chính đời sống thờ phượng Chúa trọn cả cuộc đời chúng ta trong niềm vui vì được sống trong Nước Trời, và sống cho Nước Trời. Chúng ta cần siêng năng học giáo lý, Kinh Thánh, giáo huấn của Chúa Giêsu, đào sâu đức tin, nhờ đó chúng ta càng mộ mến Nước Trời và sống dấn thân cho Nước Trời hơn nữa.
Chúng ta bắt chước người lái buôn tìm sự lời lãi chính đáng là Nước Trời, để sẵn sàng từ bỏ mọi sự thế gian đang ngăn cản phần rỗi của ta. Người lái buôn về bán mọi của cải vật chất để mua viên ngọc quý, chúng ta biết sử dụng mọi ân huệ Chúa ban về vật chất cũng như tinh thần để mua sắm Nước Trời là sự sống đời đời, đó là chúng ta đã làm lợi nén bạc Chúa trao được lãi gấp đôi. Chúng ta cũng cần ý thức sự cám dỗ của ma quỷ, sự lôi kéo của thế gian để chiến đấu cho thắng trận, và thành công cho cuộc đời chúng ta ở trần gian, đó là chiếm hữu được Nước Trời.
Cám dỗ nguy hiểm cho nhiều người trẻ hôm nay, đó là cuộc sống xã hội đang tạo ra nhiều giá trị ảo, mục tiêu ảo, hạnh phúc ảo, thế giới ảo và nhiều thứ ảo giác khác khiến cho nhiều người trẻ đã lạc đường, mất hướng không còn biết mục đích cuộc đời của mình là gì, và hạnh phúc thật là gì. Chính vì thế đã có nhiều bạn trẻ thay vì đánh đổi cuộc đời mình để đạt được hạnh phúc Nước Trời, trái lại họ đang đốt cháy cuộc đời mình trong nghiện ngập, đam mê chơi bời, cờ bạc, buông thả. Nhiều người trẻ đang bị cám dỗ để lao vào tìm kiếm các giá trị ảo trong xã hội như tìm kiếm sự nổi danh, nổi tiếng, tìm đẳng cấp ăn chơi đua đòi hưởng thụ, và tiêu phí cuộc đời mình trong những thứ đó.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, biết nhận ra Chúa Giêsu là nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc đời và Tin Mừng của Ngài là một bảo đảm để đạt được hạnh phúc ấy, để chúng ta dám đánh đổi tất cả những sự tạm bợ của thế gian này, để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đem đến cho chúng ta.