Dấu lạ
18.7 Thứ Hai trong tuần thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm
St 6:1-4,6-8; Tv 50:5-6,8-9,16-17,21,23; Mt 12:38-42
Dấu lạ
Những người biệt phái không nhận Chúa Giêsu là Messia vì họ cố chấp, nhưng họ viện cớ là vì họ không thấy dấu lạ. Chúa Giêsu kể lại cho họ dấu lạ tiên tri Giona ở trong bụng cá ba ngày. Qua lời giảng của tiên tri Giona, dân thành Ninivê đã hối cải. Cũng vậy, Chúa Giêsu sẽ đi vào lòng đất, vào cái chết và Phục sinh vinh quang, để đem lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Người, cụ thể là cho những người biết ăn năn thống hối và sống theo Lời Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Còn họ thì Chúa cho biết đến ngày phán xét họ sẽ bị xét xử rất nặng.
Người Việt Nam chúng ta có câu: “Bụt nhà không thiêng”. Câu nói ấy hàm ý rằng: những người ở gần và sống bên cạnh chúng ta, dù họ có tốt và làm được nhiều chuyện lành thánh thì cũng chẳng có gì phải quan tâm, và những lời họ nói cũng chẳng cần phải tin. Một lý do đơn giản là: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.
Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, và dân Do thái đã được thấy những phép lạ ấy. Những người biệt phái và luật sĩ cũng đã được chứng kiến những phép lạ ấy, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Đấng Messia Thiên Sai. Hôm nay họ còn muốn thách thức Chúa đòi Chúa làm một dấu lạ để chứng tỏ Ngài là Đấng Messia. Chúa không chấp thuận yêu cầu của họ, trái lại, Ngài phàn nàn về thái độ cố chấp của họ bằng hai câu chuyện: tiên tri Giona và nữ hoàng Saba.
Nhắc lại chuyện Giona ngày xưa, nhằm lưu ý họ rằng: Ngày xưa dân thành Ninivê chỉ nghe lời rao giảng miễn cưỡng của tiên tri Giona. Vậy mà cả thành từ vua đến dân, từ già đến trẻ, từ người đến súc vật đều ăn chay sám hối và khấn xin sự tha thứ của Chúa. Vậy mà hôm nay có Người còn hơn Giona, Đấng mà thánh Gioan Tẩy giả loan báo đã đến và rao giảng, vậy mà họ không để tâm ăn năn hối cải. Thật đáng buồn.
Chúng tôi muốn Thầy làm một dấu lạ”(Mt 12,38)
Nhiều lần chúng ta cũng mong Chúa làm một phép lạ vĩ đại và tỏ tường. Chẳng hạn hiện ra trước mắt nhiều người, và nếu thấy những dấu lạ vĩ đại ấy thì mọi người sẽ tin thờ Chúa.
Thực ra, Chúa thừa sức làm những dấu lạ như thế. Nhưng nếu làm thế sẽ là một áp lực, một bó buộc, khiến người ta phải tin thờ Ngài. Và con người sẽ không còn tự do, Chúa không còn là một Thiên Chúa yêu thương mời gọi nữa.
Quả thật, ngay trong cuộc sống đã có rất nhiều dấu chỉ, nhưng vấn đề là chúng ta có thể đọc ra ý nghĩa của những dấu chỉ xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hay không. Rất nhiều lần chúng ta sống chẳng khác gì những người mà Kinh thánh nói: “Có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có trí mà không hiểu”.
Trong cuốn sách nổi tiếng rất quen thuộc với chúng ta có tựa đề “Phép lạ trong những cái thường ngày” tác giả đã đưa ra những tư tưởng, những lời khuyên rất sâu sắc và thiết thực, làm mẫu mực cho những suy tư và tâm tình sống của chúng ta. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đồng ý với ý tưởng của tác giả.
Một khi chúng ta nhìn tha nhân và thế giới quanh ta với cái nhìn trong sạch, một khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của ta, thì không có gì là không giúp chúng ta nhận ra sự quan phòng của Chúa… Chúa luôn can thiệp trong mọi giây phút của cuộc đời chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng hay có đủ kiên nhẫn và khiêm nhường để nhận ra sự can thiệp của Ngài không. Hãy nhắm mắt lại và để tâm quan sát mọi cơ phận của ta cũng như mọi hoạt động, những chuyển động đang diễn ra trong ta và trong thế giới chúng ta đang sống, với sức sống của muôn loài thọ tạo. Từ cái to lớn vĩ đại nhất đến cái vi phân tử, rồi niềm tin, tư tưởng, ý nghĩ, tâm tư tình cảm của con người, đâu đâu chúng ta cũng gặp thấy quyền năng và sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những điều kỳ diệu đó là gì nếu không phải là những phép lạ trong cuộc đời của chúng ta.
Chúa vẫn không ngừng mặc khải về Chúa cho chúng ta, vậy mà cuộc sống của chúng ta chưa biến đổi, hoặc chỉ biến đổi một phần nào đó mà thôi. Khi nhận ra sự thật về Thiên Chúa, chúng ta phải cảm nhận được hành động của Chúa đang diễn ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Khi biết và cảm nhận thực sự về Chúa, chúng ta mới có thể quyết tâm biến đổi cuộc đời cho phù hợp với tình yêu thương bao la của Chúa đã dành cho chúng ta.
Chúa ít khi làm dấu lạ, nhưng thích ban dấu chỉ. Những dấu chỉ kín đáo, đơn sơ là những tiếng mời gọi nhẹ nhàng và yêu thương. Và những dấu chỉ như thế có rất nhiều. Chỉ cần chúng ta biết mở mắt và mở lòng ra là có thể nhận thấy được ngay thôi.
Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.